Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 15 | Hướng Dẫn

Bài 16

ĐẤNG CHRIST SỐNG LẠI

I CÔ-RINH-TÔ 15:1-20

 

Thưa quý vị, nếu tuần trước chúng ta học Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 13, là đoạn được đọc hầu như trong mọi đám cưới, thì hôm nay chúng ta sẽ học Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 15, là đoạn được đọc hầu như trong mọi lễ Phục Sinh.

Xin chúng ta đọc Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 15, từ câu 1 đến câu 11:

1. Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy,

2. và nhờ đạo ấy, anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho; bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô ích.

3. Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời kinh thánh;

4. Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời kinh thánh;

5. và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ.

6. Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi.

7. Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho các sứ đồ.

8. Rồi lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy.

9. Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời.

10. Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.

11. Ấy vậy, dầu tôi, dầu các người khác, đó là điều chúng tôi giảng dạy, và là điều anh em đã tin.

I. Tin lành là gì?

Phao-lồ nói trong câu thứ nhất, “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em tin lành mà tôi đã rao giảng, và anh em đã nhận lấy.” Đây ông nói chuyện với những người tín đồ, vì ông nói đến tin lành mà họ “đã nhận được rồi.” Dầu vậy, ông vẫn nhắc lại tin lành. Chúng ta không đợi đến Phục Sinh mới nhắc lại tin lành, hay sự sống lại của Chúa. Thật ra, theo gương của Phao-lồ ở đây, người giảng tin lành phải luôn luôn nhắc đi nhắc lại tin lành. Hôm nay tôi cũng xin nhắc lại căn bản của tin lành.

Vậy tin lành đó là gì? Ông nói kế tiếp trong câu thứ hai, “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời kinh thánh.” Thứ nhất, tin lành nói về Đấng Christ chứ không về điều gì khác. Ban tìm mời mục sư của một hội thánh tại Boston phỏng vấn một mục sư tên Gordon, “Thưa mục sư, nếu về làm quản nhiệm hội thánh chúng tôi, ông có hứa là sẽ giảng về những tệ đoan xã hội, như rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm không?” Ông mục sư đồng ý, và họ mời ông về. Sau một năm, người ta hỏi, “Thưa mục sư, lúc chúng tôi mời mục sư về, chúng tôi yêu cầu mục sư chỉ trích những tệ đoan xã hội, và mục sư đồng ý làm điều đó. Nhưng tại sao mục sư không làm gì hết?” Ông Gordon trả lời, “Thật ra, tôi chỉ giảng về Đấng Christ, và nếu mọi người tin vào Đấng Christ, thì tự nhiên những tệ đoan xã hội sẽ biến mất.”

a. Đấng Christ đã chịu chết

Đấng Christ làm gì? Có hai điều quan trọng mà Phao-lồ nói ở đây, và chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở với nhau, mặc dầu là những người đã từng tin Chúa bao nhiêu năm. Thứ nhất, “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời kinh thánh.” Lúc ấy có một lý thuyết gọi là Huyễn Ảnh Thuyết (Docetism), tin rằng Chúa Giê-xu không thật sự mang thân xác con người. Ngài có thần tính, chứ không có nhân tính, và vì thế Ngài không chết. Nhưng Phao-lồ nói rõ ràng là Chúa Giê-xu có nhân tính, và đã thật sự chết 2000 năm trước. Sau này, có một lý thuyết rằng, trên thập tự giá, Chúa chỉ bị xỉu thôi. Sau khi được chôn trong mộ, Ngài tỉnh dậy, rồi ra khỏi mộ, đi nơi khác. Nhưng điều này không thể xảy ra: Khi một người bị treo trên thập tự giá như vậy, rất dễ để chúng ta nhìn bụng người đó, để biết người đó còn thở hay không. Hơn nữa, những người treo Chúa Giê-xu lúc đó không phải là những tay mơ. Đây là những lính thiện chiến La Mã, và cái chết không là lạ lùng đối vời họ. Nhìn Chúa Giê-xu, họ biết Ngài đã chết.

Điều quan trọng thứ hai là ngài chết “vì tội chúng ta.” Không những Ngài là con người 100%, nhưng Ngài cũng là Thượng Đế 100%, và vì thế, không có tội lỗi nào hết. Phải là vô tội, Ngài mới có thể chết thế vì tội của chúng ta. Nếu quả thật có tội, Ngài đã phải chết vì tội của mình.

Phao-lồ nói thêm, “theo lời kinh thánh.” Điều Chúa Giê-xu chết không phải là một sự ngẫu nhiên. Điều này đã được Thượng Đế an bài bao nhiêu ngàn năm trước đó. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy có bao nhiêu điều tiên tri về sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Hôm nay, tôi chỉ có thể đưa ra hai đoạn kinh thánh mà thôi. Một đoạn là Thi Thiên 22, từ câu 6,

“6. Nhưng tôi là một con trùng, chớ chẳng phải người đâu, Là điều ô nhục của loài người, và vật khinh dể của dân sự.

7. Hễ kẻ nào thấy tôi đều nhạo cười tôi. Trề môi, lắc đầu, mà rằng:

8. Người phú thác mình cho Đức Giê-hô-va, Ngài khá giải cứu người; Ngài khá giải cứu người, vì Ngài yêu mến người!...

14. Tôi bị đổ ra như nước, Các xương cốt tôi đều rời rã; Trái tim tôi như sáp, Tan ra trong mình tôi.

15. Sức lực tôi khô như miếng gốm, Và lưỡi tôi dính nơi ổ gà; Chúa đã để tôi nằm trong bụi tro sự chết. (Quý vị nhớ lúc Chúa Giê-xu chết Ngài đã nói: “Ta khát” không? Đây là tiên tri về điều đó.)

16. Vì những chó bao quanh tôi, Một lũ hung ác vây phủ tôi; Chúng nó đâm lủng tay và chơn tôi;

17. Tôi đếm được các xương tôi. Chúng nó xem và ngó chơn tôi;

18. Chúng nó chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm về áo dài tôi.

19. Đức Giê-hô-va ôi! Chớ đứng xa tôi; Hỡi Đấng cứu tiếp tôi ôi! hãy mau mau đến giúp đỡ tôi.

Đoạn khác là Ê-sai 53, từ câu 3,

3. Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.

4. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ.

5. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.

6. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.

7. Người bị hiếp đáp, những khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.

8. Bởi sự ức hiếp, và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt?

Phao-lồ nói tiếp, “Ngài đã bị chôn.” Không những đã chết, Ngài bị chôn nữa. Sau khi Chúa Giê-xu chết trên cây thập tự, người ta chôn Ngài vào một ngôi mộ đã được đào sẵn, và lấy một tảng đá lớn che ngôi mộ. Có mấy người lính La Mã đứng canh phía ngoài. Khi bị treo trên thập tự giá, Chúa Giê-xu gánh chịu tội lỗi của chúng ta; khi bị chôn, Ngài cũng đã chôn tội lỗi của chúng ta, và chúng ta không còn tội lỗi nữa. Đây cũng là điều kinh thánh tiên đoán trước kia. Tiếp tục đọc Thi Thiên 53 chúng ta thấy rõ ràng trong câu 9,

“Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng.”

b. Đấng Christ đã sống lại

Tin lành là “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời kinh thánh. Ngài đã bị chôn.” Nhưng tin lành không ngừng ở đây. Phao-lồ nói tiếp, “Đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời kinh thánh.” Ba ngày sau khi Chúa Giê-xu chết, bà Ma-ri đến mộ Chúa để tẩm liệm thân xác Ngài, nhưng thân xác của Ngài không còn đó nữa. Vải liệm vẫn còn đó, nhưng thân xác của Ngài như thể được bốc hơi ra khỏi vải liệm đó. Chúng ta tin là Ngài đã sống lại. Có bao nhiêu người đã chết trên cây thập tự giá trước đó, và hầu như ai cũng được chôn sau khi chết, nhưng chỉ có một Chúa Giê-xu chết, được chôn, nhưng đã sống lại 3 ngày sau đó. Chuyện Chúa Giê-xu sống lại này là một điều tối ư quan trọng, vì nó chứng tỏ một cách rõ ràng rằng Ngài là Thượng Đế, và vì thế Ngài có quyền chết thay tội lỗi của chúng ta. Nếu mình trả tiền cho ai, thường người được trả tiền phải ký biên lai công nhận mình đã trả tiền đó. Khi Chúa Giê-xu chết trên cây thập tự giá, Ngài đã trả nợ cho chúng ta. Việc Ngài sống lại ba ngày sau đó là một biên lai Thượng Đế gởi cho chúng ta, công nhận là cái chết của Ngài đã trả hết hình phạt cho chúng ta.

Lần nữa, chúng ta cũng biết là sự sống lại này đã được tiên đoán bao nhiêu trăn năm trước. Tôi chỉ cần đọc lại Ê-sai 53 ở đây thôi:

“10. Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh vượng.

11. Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn. Tôi tớ công bình của ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình; và người sẽ gánh lấy tội lỗi họ.”

Chúng ta cũng nhớ tới câu chuyện của Giô-na nữa. Ông đã bị cá nuốt ba ngày, nhưng sau đó cá nhả ông ra. Chúa Giê-xu đã dùng hình ảnh này để tượng trưng cho việc Ngài chết đi và sống lại ba ngày sau đó.

Tóm tắt lại, tin lành của Chúa có hai điều rất căn bản, mà chúng ta phải luôn nhắc đi nhắc lại: thứ nhất, Ngài chết để gánh lấy tội lỗi của chúng ta; thứ hai, Ngài sống lại để chúng ta biết chắc là mình không còn tội lỗi nữa. Từ đoạn 1 đến đoạn 14 trong sách Cô-rinh-tô thứ nhất này, Phao-lồ nhấn mạnh nhiều đến sự chết của Chúa. Giả sử như

• đoạn 1 câu 18, “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại, song về phần chúng ta, là kẻ được cứu, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời;”

• đoạn 2 câu 2, “Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Giê-xu Christ, và Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên cây thập tự;”

• đoạn 2 câu 8, “Trong những người cai quản đời này chẳng ai biết sự đó; bởi chưng, nếu đã biết thì họ chẳng đóng đinh Chúa vinh hiển trên cây thập tự đâu;”

• đoạn 8 câu 11, “Thế thì ngươi lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho;”

• đoạn 11 câu 26, “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh này, và uống chén này, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.”

II. Nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại,

Nói rất nhiều về sự chết của Chúa, bây giờ Phao-lồ nói đến sự sống lại của Chúa. Thứ nhất ông trả lời câu hỏi, “Nếu quả thật Đức Chúa Giê-xu không sống lại, thì sao?” Lúc đó người Cô-rinh-tô có một mâu thuẫn mà họ không giải quyết được: Một đằng họ giảng dạy là Chúa Giê-xu đã sống lại, nhưng đằng khác, chính họ lại không tin là người chết có thể sống lại. Từ câu 12 đến câu 19, Phao-lồ viết như thế này:

“12. Vả, nếu giảng dạy rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại?

13. Nếu những kẻ không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa.

14. Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích.

15. Lại nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì Đức Chúa Trời đã chẳng khiến Đấng Christ sống lại, mà chúng tôi đã làm chứng trái với Đức Chúa Trời rằng Ngài đã làm cho Đấng Christ sống lại, té ra chúng tôi làm chứng dối cho Đức Chúa Trời.

16. Vì nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa.

17. Và nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình.

18. Vậy, những kẻ ngủ trong Đấng Christ cũng phải hư mất đời đời.

19. Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.”

a. Chúng tôi làm chứng dối cho Đức Chúa Trời

Trả lời câu hỏi, “Nếu Đấng Christ quả thật không sống lại, thì điều gì sẽ xảy ra?” Phao-lồ nói trong câu 15, “Chúng tôi đã làm chứng trái với Đức Chúa Trời rằng Ngài đã làm cho Đấng Christ sống lại, té ra chúng tôi làm chứng dối cho Đức Chúa Trời.” Làm chứng dối là điều mà Đức Chúa Trời cấm trong mười điều răn.

Chúng ta phải nhớ rằng kinh thánh không phải được viết bởi một người, và tất cả mọi người viết đều nói rằng Đức Chúa Giê-xu đã sống lại. Thành ra, nếu Ngài không sống lại, thì quả thật những người này đã mưu mẹo, dàn xếp với nhau để viết cuốn kinh thánh. Vì thế, nếu quả thật Chúa Giê-xu không sống lại, chúng ta không thể nào tin cuốn kinh thánh được, và như Phao-lồ nói tiếp trong câu 14, “sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công.” Tất cả những hội thánh trên thế giới họp lại để học kinh thánh. Mỗi tuần tôi bỏ bao nhiêu thì giờ nghiên cứu kinh thánh, để giảng dạy cho hội thánh ở đây. Nhưng nếu nó chỉ là một tác phẩm của những người âm mưu gạt chúng ta, thì quả thật, những điều chúng ta làm là vô ích, luống công.

Có nhiều người nói, “Nhưng kinh thánh cũng có nhiều điều hay, dạy dỗ con người ăn hiền ở lành. Nếu Chúa không sống lại, thì mình cũng học được những điều đó.” Nhưng thưa không. Kinh thánh không dạy việc ăn hiền ở lành, và chúng ta không ai có thể ăn hiền ở lành đủ. Chỉ khi chúng ta tin Chúa trước, thì Ngài mới dạy chúng ta sống đẹp lòng Ngài mà thôi. Dầu sao đi nữa, về phương điện đạo đức, chúng ta chỉ có thể học từ những người sống theo lời dạy của mình, chứ không từ những người nói, “Đừng để ý điều tôi làm, chỉ nghe điều tôi dạy.” Chúng ta không thể nào nghe một người khùng điên, khoác láo, dạy về sự sống lại của mình, mặc dầu không đúng sự thật, để rút tỉa từ đó những lời hay ý đẹp được.

b. Anh em còn ở trong tội lỗi mình

Phao-lồ nói thêm trong câu 14 và 17: “…đức tin của anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình.” Người ngoài thường nói, “Tin điều gì cũng được, miễn là có đức tin.” Nhưng thưa không, đối tượng niềm tin của mình quan trọng hơn đức tin. Nếu mình tin vào điều gì sai lầm, thì nó không ăn thua gì hết. Ngày nào đó, đứng trước mặt Thượng đế, mình không thể nói, “Thưa Chúa, con đã thành thật, hết lòng tin ông Mô-ha-mết. Xin Chúa cho con đậu vớt cũng được, vì con có lòng tin.” Nếu Chúa Giê-xu không sống lại, thì chúng ta tin vào một đối tượng sai lầm, và niềm tin của chúng ta vô ích, và chúng ta vẫn còn ở trong tội lỗi của mình.

Có một cô nọ không bị bệnh tâm trí, nhưng người ta nghĩ cô có bịnh, nên nhốt cô trong một viện tâm trí. Có một người lo về vấn đề chôn cất người chết trong đó thấy tội nghiệp, nên nói với cô, “Tôi có kế, để cô có thể thoát khỏi chỗ giam này. Tôi cho cô chìa khóa này. Nếu lúc nào có người chết, tôi để cái hòm trong phòng, cô hãy lẻn vào nằm trong hòm, trên xác người chết. Khi tôi đem cái hòm đó ra ngoài, tôi sẽ mở quan tài cho cô đi ra.” Hôm nọ, nghe có người chết, theo đúng chương trình, ban đêm cô vào trong phòng, mở quan tài, nằm trên xác người chết, rồi đậy quan tài lại. Quả thật, cô thấy có người đem quan tài ra khỏi trại giam. Nhưng cô chờ mãi mà không thấy người hứa với cô mở nắp hòm. Cô lại thấy người ta hạ quan tài xuống dưới đất, và đổ đất trên quan tài. Sợ quá, cô kiếm trong người một cái bật lửa, và khi cô bật lửa lên dòm người chết, thì cô khám phá rằng người đó chính là người đã hứa sẽ mở hòm cho cô! Cô đặt niềm tin vào một người đã chết, không có lợi gì cho cô, chỉ làm hại cô mà thôi. Nếu Chúa Giê-xu quả thật đã chết như bao nhiêu giáo chủ khác, thì chúng ta quả thật vẫn còn sống trong tội lỗi của mình, và một ngày nào đó chúng ta phải chịu sự chết đời đời mà thôi.

d. Trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết

Phao-lồ tóm tắt, “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.” Tin Chúa không phải chỉ hời hợt bền ngoài, để được cái này, cái kia. Nhưng tin Chúa là một mất mát. Có những người tự đạo, đã chết cho Chúa, cho niềm tin của mình. Có những vị mục sư bỏ bao nhiêu dịp kiếm tiền, kiếm danh lợi bên ngoài, để hầu việc Chúa trong hội thánh. Có những người tín đồ bỏ bao nhiêu thì giờ, tiền của vào công việc nhà Chúa. Vì thế, nếu Chúa Giê-xu không sống lại, thì quả thật chúng ta là những kẻ khốn nạn hơn hết.

III. Nhưng Đấng Christ đã sống lại

Nhưng Phao-lồ không để chúng ta ở trong sự bi quan, nghi ngờ về sự sống lại của Chúa. Trong câu 20, ông khẳng định: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại.” Trong những câu trước trong đoạn này, ông đưa ra một số bằng chứng để chứng tỏ rằng Đấng Christ sống lại. Câu 5, “Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ. Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi. Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho các sứ đồ. Rồi lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy.” Phao-lồ ở đây chỉ nhắc tên 3 người. Người đầu tiên là Sê-pha, tức là Phi-e-rơ. Chúng ta đã học điều này trong sách Giăng: Phi-e-rơ chối Chúa, và khi thấy ánh mắt của Chúa, ông khóc. Nhưng không để ông ở trong sự hối tiếc đó, Chúa hiện ra với ông, dặn ông hãy chăn chiên Ngài. Cũng vậy, Gia-cơ là em của Chúa, nhưng kia Chúa còn sống, đã coi thường Ngài, không tin Ngài là Thượng Đế. Chúa cũng hiện ra cho Phao-lồ, là người đã từng bắt bớ hội thánh của Chúa, đã cầm áo xống cho người ta ném đá Ê-tiên. Phao-lồ kể tên ba người, mà trước kia không tin vào Chúa, nhưng sau khi chứng kiến Chúa sống lại, đời sống của họ đã hoàn toàn thay đổi. Điều này chứng tỏ rằng Chúa đã thật sự hiện ra trước họ.

Có một nhóm người khác mà Phao-lồ nói ở đây. Câu 6, “Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi.” Nếu theo dõi cuộc tranh cử tổng thống năm nay, quý vị thấy ông Kerry kể lại chuyện ông chiến đấu ở Việt Nam mấy chục năm trước. Ông đã anh hùng như thế nào, và tại sao được tặng huy chương? Sau khi ông dùng chuyện này như một dữ kiện chứng tỏ ông là người xứng đáng làm một tổng thống nước Mỹ, có một số bạn đồng đội với ông phản đối, nói rằng những chuyện ông kể không đúng sự thật. Nếu ông Kerry còn sống thêm 100 năm nữa, rồi kể lại câu chuyện này, thì chắc không ai cãi, vì mọi người trong cuộc đã chết hết! Cũng vậy, Phao-lồ viết câu này trong lúc những người chứng kiến việc Chúa hiện ra vẫn còn đang sống, và có trong hội thánh. Nếu mà quả thật Chúa Giê-xu đã không hiện ra với ai, thì sẽ có nhiều người phản đối. “Tôi đã từng sống ở Giê-ru-sa-lem, nhưng không biết gì hết. Không ai nói gì về chuyện ông Giê-xu sống lại. Chắc là Phao-lồ bịa đặt.” Nhưng không có một bằng cớ nào trong lịch sử chứng tỏ là có người phản đối lời tuyên bố của Phao-lồ.

IV. Chúng ta làm gì?

Lúc đầu tiên, Phao-lồ nói, nếu Đấng Christ không sống lại, thì chúng ta là những kẻ khốn nạn hơn hết. Nhưng xin chúng ta đọc lại câu 20, “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại.” Không những Đấng Christ đã chết, Ngài đã sống lại, để chúng ta được cứu. Thế thì bây giờ phản ứng của chúng ta như thế nào? Chúng ta có thể đọc lại câu 20 một cách vui mừng, như thể chúng ta vừa đi qua một sự đen tối và bây giờ thấy ánh sáng, như thể vừa mới đi qua một mùa đông lạnh lẽo, bây giờ đón chào mùa xuân vui vẻ.

Trở lại câu thứ nhất, khi nói đến tin lành, Phao-lồ nói, “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em tin lành mà tôi đã rao giảng, và anh em đã nhận lấy.” Khi đối diện với tin lành Đấng Christ, chúng ta có chỉ một trong hai thái độ, không thể có thái độ chính giữa, trung dung. Một là nhận lấy tin lành đó, hai là không tin.

Có nhiều người tin Chúa một cách rất hời hợt, có thể bằng đầu óc của mình (nếu không nói là bề ngoài mà thôi), nhưng tận trong trái tim không cảm nhận được tin lành. Những người đó không đã thật sự nhận lấy tin lành. Người thật sự nhận lấy tin lành phải đứng vững trên tin lành đó, dùng sự chết đi và sống lại của Chúa làm căn bản cho đời sống mình. Không những phải đứng vững trên tin lành, chúng ta phải bám víu vào nó nữa, mặc dầu như đang đi ngược lại cơn nước lũ.

Mục sư Đỗ Lê Minh