Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 17 | Hướng Dẫn

Bài 18

CHÚNG TA SẼ BIẾN HÓA

I CÔ-RINH-TÔ 15:35-58

 

Kính thưa quý vị, chúng ta đã học sách Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 15, và thấy Phao-lồ nhấn mạnh trong đó rất nhiều đến sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu. Ông nói Chúa Giê-xu đã sống lại, và vì thế, chúng ta cũng sẽ sống lại. Bây giờ, tiếp tục học đoạn 15 này, chúng ta sẽ thấy Phao-lồ cho chúng ta biết nhiều chi tiết hơn về sự sống lại của chúng ta. Tôi xin đọc ở đây sách Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 15, từ câu 35 đến câu 58:

35. Nhưng có kẻ sẽ nói rằng: Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại?

36. Hỡi kẻ dại kia, vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được.

37. Còn như vật ngươi gieo, ấy không phải là chính hình thể sẽ sanh ra, chẳng qua là một cái hột, như hột lúa mì hay là hột giống nào khác.

38. Đức Chúa Trời cho nó hình thể tùy ý Ngài lấy làm tốt, mỗi một hột giống, cho một hình thể riêng.

39. Mọi xác thịt chẳng phải là đồng một xác thịt; nhưng xác thịt loài người khác, xác thịt loài thú khác, loài chim khác, loài cá khác.

40. Lại cũng có hình thể thuộc về trời, hình thể thuộc về đất, nhưng vinh quang của hình thể thuộc về trời với vinh quang của hình thể thuộc về đất thì khác nhau.

41. Vinh quang của mặt trời khác, vinh quang của mặt trăng khác, vinh quang của ngôi sao khác; vinh quang của ngôi sao nầy với vinh quang của ngôi sao kia cũng khác.

42. Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát;

43. đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh;

44. đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng;

45. ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống.

46. Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, ấy là thể huyết khí; rồi thể thiêng liêng đến sau.

47. Người thứ nhứt bởi đất mà ra, là thuộc về đất, người thứ hai bởi trời mà ra.

48. Người thuộc về đất thể nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy; người thuộc về trời thể nào, thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy.

49. Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời.

50. Hỡi anh em, tôi đoán quyết rằng thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được.

51. Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa,

52. trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa.

53. Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết.

54. Khi nào thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát, thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết, thì được ứng nghiệm lời kinh thánh rằng: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng.

55. Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?

56. Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp.

57. Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta.

58. Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.

I. Lấy xác nào mà trở lại?

Thưa quý vị, sau khi cho chúng ta biết là chúng ta sẽ sống lại, vì Đấng Christ đã sống lại, Phao-lồ giải thích cho chúng ta biết một số vấn đề về sự sống lại. Câu hỏi trước nhất nằm trong câu 35, “Nhưng có kẻ sẽ nói rằng: Người chết ... lấy xác nào mà trở lại?” Có thể người ta đặt câu hỏi này chỉ vì muốn diễu cợt, không thật sự muốn hỏi. Nhưng hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ về vấn đề này cùng với Phao-lồ. Nếu chúng ta chết đi, được chôn dưới lòng đất, thì dầu thân thể chúng ta có bị tan rửa đi nữa, Chúa có thể làm những phân tử xung quanh bộ xương nhập lại thành xác thịt cũ. Điều này mình hiểu được. Nhưng giả thử có người bị cá ăn ngoài biển, thân xác họ không còn nữa, các tế bào tản mát mọi nơi. Rồi con cá đó bị con cá khác ăn, làm các tế bào của người chết thêm tản mát khắp nơi. Như thế thì làm sao người đó sống lại được? Rồi có người chết, và bị hỏa táng. Sau đó, tro được rẩy trên biển. Làm sao người đó sống lại được?

Phao-lồ trả lời câu hỏi này trong câu 36: “Hỡi kẻ dại kia, vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo, ấy không phải là chính hình thể sẽ sanh ra, chẳng qua là một cái hột, như hột lúa mì hay là hột giống nào khác.” Phao-lồ nói rằng, chúng ta sống lại không phải với thân xác cũ, nhưng với một cái gì khác hẳn. Nếu mình gieo một hạt giống xuống đất, nó không mọc lên cũng một hạt giống, nhưng mọc lên một cây hoa đẹp đẽ, to lớn hơn hạt giống nhiều. Cũng vậy, chúng ta cũng không sống lại trong xác thịt như mình có ngày hôm nay, gồm những phân tử giống những phân tử ngày mình chết, ngay cả bị giới hạn trong không gian ba chiều và thời gian một chiều như ngày hôm nay.

Nghĩ kỹ, mình cũng hiểu được điều này. Lúc sinh ra, thân thể tôi rất nhỏ, và chỉ có chừng đó số tế bào. Người ta nói rằng, chỉ trong vòng bảy năm thôi, tất cả những tế bào trong thân thể mình sẽ chết đi, và bị đào thải. Những tế bào trong thân thể mình ngày hôm nay vì thế hoàn toàn khác hẳn với những tế bào bảy năm về trước. Thành ra, khi sống lại, mình không cần phải có lại những phân tử trong thân thể mình trước khi mình chết.

1. Thân xác thích hợp với Thiên Đàng

Có hai điều chúng ta phải để ý. Thứ nhất, thân thể mới phải thích hợp với môi trường mới, đó là thiên đàng. Câu 38, “Đức Chúa Trời cho nó hình thể tùy ý Ngài lấy làm tốt, mỗi một hột giống, cho một hình thể riêng. Mọi xác thịt chẳng phải là đồng một xác thịt; nhưng xác thịt loài người khác, xác thịt loài thú khác, loài chim khác, loài cá khác.” Con cá dưới nước cần những bộ phận để thở trong nước, cũng như để bơi. Con chim trên trời cần bộ cánh, cần bộ xương nhẹ. Khi sống lại, chúng ta không còn sống trên thế gian này nữa, và thân xác của chúng ta cũng sẽ không cần một số bộ phận mà chúng ta phải có trên thế gian. Sống trên thế gian này, chúng ta cần tuyến nước mắt, vì chúng ta khóc. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ khóc trên thiên đàng. Trên đó, chúng ta cũng không cần bộ phận sinh dục, vì sẽ không lấy vợ, lấy chồng.

2. với vinh quang mới

Sống trên thế gian này, mình không phải đợi đến ngày người ta chôn mình dưới lòng đất, mới biết thân thể chúng ta càng ngày càng hư nát. Ngay cả một em bé mới sanh cũng có lúc bệnh hoạn, đau đớn. Ở tuổi chúng ta, ai cũng thấy thân thể mình càng ngày càng tiều tụy. Tuần vừa rồi, chúng ta nghe cái chết của ông Christopher Reeve. Ông là một tài tử, rất đẹp trai, rất lực lưỡng, nổi danh trong vai “Superman.” Nhưng vài năm trước đây, ông cỡi ngựa bị té xuống, gãy cổ, và bị bán thân bất toại. Mạnh khỏe bao nhiêu đi nữa, thì vẫn là yếu đuối.

Khi bước vào thiên đàng, không những chúng ta chỉ mặc một thân thể mới, nhưng Phao-lồ nói là chúng ta cũng có một sự vinh quang mới nữa. Câu 40, “Lại cũng có hình thể thuộc về trời, hình thể thuộc về đất, nhưng vinh quang của hình thể thuộc về trời với vinh quang của hình thể thuộc về đất thì khác nhau. Vinh quang của mặt trời khác, vinh quang của mặt trăng khác, vinh quang của ngôi sao khác; vinh quang của ngôi sao nầy với vinh quang của ngôi sao kia cũng khác. Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát.” Phao-lồ không nói đến sự sống lại như một “resuscitation” ở đây. Như tôi đã giải thích với quý vị trước kia, đó là sự sống lại tạm thời, rồi cũng sẽ chết. Nhưng ông nói đến chữ “resurrection,” hàm ý không chết lại bao giờ. Phao-lồ nói thêm, thân thể “đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh.” Sống trong thế gian này, chúng ta phải đi làm, đi kiếm ăn, và đôi khi cảm thấy nhục nhã. Nhưng khi sống lại, mình không còn vấn đề đó nữa. Phao-lồ nói một câu này hơi khó hiểu, “44. đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng.” Sống trên thế gian, mình nằm dưới quyền cai trị của ma quỷ, của thế gian. Nhưng về trên thiên đàng, mình sẽ sống trong vòng tay của Chúa, trong sự bảo vệ của Đức Thánh Linh.

Nói như vậy rồi, tôi cũng xin nói thêm là chúng ta không sống lại chỉ trong cái gọi là “thiêng liêng” mà thôi. Phao-lồ nói trong câu 45, “Ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống.” Phao-lồ dùng tên A-đam để gọi Chúa Giê-xu, nhắc chúng ta nhớ là Ngài cũng đã là con người. Khi Ngài sống lại, Ngài vẫn mang hình thể con người. Ngài gặp những người tín đồ, và bảo họ rờ vào vết thương nơi tay Ngài. Ngài cũng ăn, cũng nói chuyện, nhưng có một cái gì khác trong đó. Có khi các sứ đồ nhận ra Ngài, có khi không. Đồng ý rằng đây là một trường hợp đặc biệt, nhưng nhờ đó chúng ta biết là sự sống lại vẫn có vật chất trong đó, chứ không phải chỉ là thần linh không, không phải chỉ giống như ma, bay bổng nơi này nơi kia. Có thể lúc đó chúng ta sẽ thuộc về một không gian bốn, năm chiều mà bây giờ mình không có khái niệm, không hiểu được.

Câu 50, “Hỡi anh em, tôi đoán quyết rằng thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được.” Về thiên đàng với Thượng Đế, thân thể mới của chúng ta phải là thân thể thích hợp với môi trường mới này. Chúng ta không thể bước vào thiên đàng với thân thể cũ, với sự bịnh hoạn, xấu xa, răng rụng, mắt mờ, tóc bạc... Chúng ta không thể nào mặc một bộ đồ tầm thường, mà bước vào một bữa tiệc quan trọng do một vị tổng thống hay một vị vua tổ chức cho chúng ta. Sống trong thân thể của chúng ta thế gian này giống như đang mặc một bộ áo rách. Chúng ta phải ăn mặc một cách đàng hoàng trên thiên đàng. Phao-lồ nói tiếp trong câu 51, “Chúng ta... hết thảy đều sẽ biến hóa, Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết.”

3. nhưng có sự liên tục

Điều thứ hai quan trọng hơn mà tôi muốn nói là, khi sống lại, chúng ta vẫn có thể nhận ra được ai là ai. Khi sống lại, chúng ta sẽ gặp lại những người thân yêu đã qua đời, và sẽ nhận ra họ. Ngày tôi sống lại, tôi vẫn biết tôi là Đỗ Lê Minh, mặc dầu thân thể tôi không còn giống thân thể này nữa. Đỗ Lê Minh ngày hôm này sẽ vẫn là Đỗ Lê Minh ngày mai, chứ không phải Đỗ Lê Minh sẽ mất hết, không còn nữa, và người sống lại không còn là tôi nữa. Khi còn nhỏ, tôi chỉ có mấy ký lô mà thôi, và tôi là Đỗ Lê Minh. Bây giờ tôi lớn rồi, tóc đã bạc rồi, những tế bào trong tôi hôm nay không còn là những tế bào trong tôi lúc tôi còn nhỏ. Nhưng tôi vẫn là Đỗ Lê Minh. Và khi sống lại, tôi vẫn là Đỗ Lê Minh. Quý vị vẫn sẽ nhận ra tôi trên thiên đàng, mặc dù trong một thân thể khác với thân thể này nữa. Có một cái gì liên tục từ con người ngày hôm nay, đến con người ngày cuối cùng. Chúng ta sẽ vẫn là một, mặc dầu trong thân xác khác nhau.

Giống như một hột giống được gieo xuống đất, và mọc lên một cây. Cây và hột giống khác nhau. Cây vinh quang hơn, cao đẹp hơn, trường tồn lâu dài hơn, nhưng nó vẫn từ hột giống. Con bướm khi nhỏ là con sâu, xấu xa lắm. Nhưng ngày nào đó nó kéo tơ, và thành con bướm. Con bướm khác hẳn với con sâu. Con sâu phải chết đi, phải lột vỏ, để thành con bướm. Và chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải thay đổi, như một cô bé lọ lem được vị tiên đến, thay đổi hoàn toàn thành một công chúa đi dự đại hội. Vẫn là một Cinderella, nhưng hoàn toàn khác hẳn.

II. Người chết sống lại thể nào?

Quý vị nhớ, trong câu 35, Phao-lồ đưa ra hai câu hỏi, “Nhưng có kẻ sẽ nói rằng: Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại?” Đã trả lời một câu hỏi thứ hai, bây giờ ông trả lời câu hỏi thứ nhất, “Người chết sống lại như thế nào?”

1. Phải chết trước

Thứ nhất, chúng ta phải chết để được sống lại. Câu 36, “Hỡi kẻ dại kia, vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được.” Câu 51, “Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa.” Trừ một số người thôi, mỗi người chúng ta phải chết trước. Và những người đó là ai? Đó là những người đang sống khi Chúa Giê-xu trở lại. Nếu Chúa Giê-xu trở lại thế gian 5 phút đến, chúng ta sẽ không chết, nhưng thân thể chúng ta cũng phải được biến hóa để thích hợp với thiên đàng.

Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy cái chết không còn là điều đáng lo ngại nữa. Cái chết chỉ đáng sợ đối với những người không biết Chúa. Họ coi cái chết như một cái gì mơ hồ, đen tối, với địa ngục đón chờ họ. Nhưng cái chết đối với chúng ta chỉ là một bước để bước lên thiên đàng, để được biến hóa thành một cái gì mới, vinh quang hơn. Sau cái chết là một cái gì mạnh mẽ, thiêng liêng, tốt đẹp tuyệt vời, mà bây giờ chúng ta không thể tưởng tượng được. Cái chết chỉ để bước đến một bữa tiệc mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta. Chúng ta phải cởi bỏ thân thể này. Nếu không, chúng ta không thể nào mặc áo mới của thiên đàng được. Nếu không ai chết, thì thế gian này sẽ ra sao, thưa quý vị? Chắc sẽ có hàng tỷ người, và 90% là những người già nua, lụm cụm, không thấy đường, không có răng, tóc bạc, đi không nổi!

2. Biến hóa tức thời

Phao-lồ nói về cách mà chúng ta biến hóa trong câu 52, “Trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa.” Không phải chờ cho những phân tử trở ngược bám vào thân thể mình, để phục hồi lại con người cũ, chúng ta sẽ sống lại trong nháy mắt. Điều này có nghĩa là, ngày Chúa hiện xuống, sẽ quá trễ để chúng ta ăn năn. Nếu giờ đây chúng ta chưa ăn năn, chưa tin cậy vào dòng huyết của Chúa, đến lúc Chúa hiện xuống, chúng ta sẽ không có thì giờ để quỳ xuống, nói, “Lạy Chúa, xin Chúa cứu con” nữa.

III. Kết luận

1. Chúng ta đã thắng sự chết

Bây giờ Phao-lồ đi đến kết luận cho nguyên đoạn 15 về sự sống lại của Chúa Giê-xu. Trong câu 54 ông quả quyết, “Khi nào thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát, thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết, thì được ứng nghiệm lời kinh thánh rằng: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng. Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp. Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta.”

Câu “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng” trích từ sách Ê-sai đoạn 25, từ câu 6 đến câu 8, “Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ ban cho mọi dân tộc, tại trên núi nầy, một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon, đồ béo có tủy, rượu ngon lọc sạch. Tại trên núi nầy Ngài sẽ trừ diệt mặt của đồ đắp trên muôn dân, và cái màn che phủ mọi dân tộc. Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt, và trừ bỏ sự xấu hổ của đến Ngài khỏi cả thế gian; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy.” Câu “Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?” trích từ sách Ô-sê đoạn 13, câu 14: “Ta sẽ cứu chúng nó khỏi quyền lực của âm phủ, và chuộc chúng nó ra khỏi sự chết. Hỡi sự chết, nào tai vạ mầy ở đâu? Hỡi âm phủ, nào sự hủy hoại mầy ở đâu? Ôi! sự ăn năn sẽ bị giấu khỏi mắt ta.”

Phao-lồ nói ở đây ba điều, và đây cũng là căn bản tin lành, đó là tội lỗi, luật pháp và sự chết. Chúng ta có tội khi A-đam phạm tội. Vì vậy chúng ta có luật pháp trong cuốn Cựu Ước. Tội lỗi hợp với luật pháp đưa đến sự chết. Có một người cha lái xe với người con ngồi bên cạnh. Vì cửa xe mở, có một con ong bay vào trong chiếc xe. Người cha liền đưa tay chụp con ong đó. Sau đó, ông nhăn mặt, tỏ ra rất đau đớn, vì con ong chích tay của ông. Đau quá, ông phải bỏ con ong ra, và nó lại bay ù ù ù ù trong xe. Người con la lên, “Ba ơi, đuổi con ong đó ra. Đừng cho nó cắn con.” Người cha nói, “Không sao đâu con. Con ong đó vừa mới chích ba, và nọc của nó đã vào tay ba rồi.” Chúa Giê-xu đã làm như vậy cho chúng ta. Ngài đã để con-ong-sự-chết, với cái nọc của nó, chích Ngài trên thập giá. Giờ đây, mặc dầu vẫn còn bị con ong đó chích, sự chết không còn nọc đối với chúng ta nữa. Sự chết không còn là một điều đáng sợ nữa, nhưng chỉ là ngưỡng cửa để chúng ta bước qua một thế giới mới, với một thân thể mới, trong sự vinh quang lâu dài, thích hợp với bàn tiệc mà Chúa dọn cho chúng ta. (Tôi không nói cái chết là điều vui mừng. Nó đau đớn, nhưng cái nọc của nó không còn nữa.)

Sau khi nhắc lại tin lành như vậy, Phao-lồ nhắn nhủ một điều: “58. Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động.” Xin đừng nghe người ta bàn tới bàn lui, để rồi nghi ngờ. Chúng ta phải vững tin là, một ngày nào đó, chúng ta sẽ sống lại. Chúng ta phải tin chắc là Chúa Giê-xu đã sống lại ba ngày sau khi Ngài chết. Chúng ta phải tin chắc là, vì sự sống lại đó, chúng ta cũng sẽ sống lại, với một thân thể mới hoàn toàn, không còn bệnh tật, nước mắt, hay than khóc nữa. Chúng ta phải vững tin là người sống lại vẫn là chúng ta bây giờ. Chỉ khi vững tin như vậy, chúng ta mới có thể đứng vững trong Chúa.

2. Hãy làm công việc Chúa

Phao-lồ nói tiếp, “Hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn.” Nếu cái chết giờ đây không còn ý nghĩa nữa, nhưng chỉ là ngưỡng cửa bước qua một cái gì mới, thì khi còn ở lại trên thế gian này, chúng ta phải hầu việc Chúa. Chúa để chúng ta lại đây không phải để chúng ta ngồi chơi xơi nước, nhưng để đem tin lành đến cho người xung quanh. Chúng ta phải thấy tội nghiệp cho họ, không biết sau cái chết đi về đâu. (Thật ra, họ phải đi vào địa ngục tối tăm!) Bổn phận của mỗi người chúng ta là cầu nguyện cho họ, đem tin lành đến cho họ. Mỗi người chúng ta cũng phải đóng góp vào trong công việc của hội thánh, phải chăm sóc, lo lắng cho nhau, khuyến khích lẫn nhau giữ vững niềm tin.

Phao-lồ nói thêm, “vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” Bạn có thể nói, “Bây giờ tôi đã “xế chiều,” sắp lìa khỏi cuộc đời, nhìn lại, tôi thấy việc hầu việc Chúa của tôi không thành công gì hết!” Thưa, suy nghĩ như thế là sai lầm, vì chúng ta sẽ không chấm dứt khi linh hồn lìa khỏi xác, nhưng vẫn tiếp tục hiện hữu, với tất cả những điều mà chúng ta làm cho Chúa trên thế gian này. Còn nếu chúng ta chỉ lo kiếm tiền, thu thập những điều vật chất trên thế gian này, thì chúng sẽ là luống công, vì chúng ta sẽ không đem theo được qua bên kia.

Mục sư Đỗ Lê Minh