Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Hướng Dẫn

Bài 3

THÊM CHO ĐỨC TIN SỰ SỐNG ĐẠO

II PHI-E-RƠ 1:5-7

 

Thưa quí vị, tuần trước, chúng ta học đoạn 1 từ câu 3 đến câu 4 trong sách Phi-e-rơ thứ nhì. Cho tôi đọc lại ở đây: “3. Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính,...” Hôm nay tôi xin chúng ta ôn lại bài đó bằng cách thay chữ “chúng ta” trong câu này bằng tên của chính mình. “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho Đỗ Lê Minh mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính,...” Tuần trước tôi cũng có đưa ra một thí dụ về một chiếc xe hoa đại diện cho hãng xăng Standard Oil tại Rose Parade. Đại diện cho một hãng xăng lớn như vậy, chiếc xe hoa này lại chết máy trước mắt bao triệu người chỉ vì thiếu xăng! Chúng ta nhiều khi cũng bị hết xăng như vậy.

Giờ đây, giả thử có một người tặng quí vị một chiếc xe thật tốt, có đầy xăng. Không những thế, ông còn chỉ quí vị cách lái xe, và cho quí vị cuốn sách chỉ dẫn cách lái và sửa xe nữa. Ông đã cho quý vị tất cả mọi điều, vậy thì quý vị phải làm gì? Quý vị lái. Bài học hôm nay cũng vậy. Chúng ta biết Chúa đã ban cho chúng ta tất cả mọi điều. Không những thế, Ngài cũng đã sống trên thế gian này để cho chúng ta thấy cách chúng ta phải sống. Ngài cũng đã ban cho chúng ta cuốn kinh thánh để dạy chúng ta cách sống trên đời. Vậy thì chúng ta phải làm gì? Đó là bài học chúng ta học ngày hôm nay. Phi-e-rơ viết trong đoạn 1 từ câu 5 đến câu 7,

5. Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhơn đức, thêm cho nhơn đức sự học thức,

6. thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tôn kính,

7. thêm cho tôn kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.

Cho tôi giải thích chữ “nhân đức” trước. Tôi không thích chữ này trong bản dịch tiếng Việt. Bản NASB dịch là moral excellence. Tôi xin thích dịch thoáng là “Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự sống đạo.” Sống đạo có nghĩa là sống một đời sống làm đẹp lòng Chúa. Chữ “nhân đức” có vẻ tiêu cực, trong lúc “sống đạo” tích cực hơn. Người thế gian thường nhìn đời theo cái nhìn tương đối, so sánh với người khác. Tôi đi nhà thờ thường xuyên hơn nhiều người, và như vậy là đủ rồi. Tôi đọc kinh thánh nhiều hơn nhiều người, và như vậy là đủ rồi. Nhưng người sống đạo không so sánh với người khác. Chúa chỉ muốn chúng ta biết mình, và tìm cách phát triển tất cả những khả năng mình có đến tối đa cho công việc nhà Chúa. Xin chúng ta cũng đừng so sánh với người khác, để biết khả năng của mình. Không phải người tín đồ nào cũng giống như Billy Graham hết. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và mỗi người đều có một điều gì để đóng góp vào công việc nhà Chúa. Chúa không cho điểm dựa vào điểm trung bình, nhưng Ngài đòi hỏi mỗi chúng ta phát triển đến tối đa tiềm năng của mình. Ngược lại, Chúa cũng không đòi hỏi chúng ta có một đời sống toàn hảo, vì không ai có thể toàn hảo.

Cái thứ tự giữa đức tin và việc làm qua sự sống đạo rất quan trọng. Chúng ta ai cũng biết là mình không thể được cứu chỉ vì việc làm, mà không có đức tin. Nhưng có người tín đồ vẫn còn lầm lẫn là mình phải trộn lẫn đức tin với việc làm để được cứu. Thật ra, đức tin không có việc làm là không được, mà việc làm không có đức tin cũng không ra gì. Nhưng đức tin và việc làm không ngang hàng với nhau. Phi-e-rơ khuyên chúng ta “3. Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính, vậy nên... phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự sống đạo.” Đức tin phải đi trước việc làm. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về đức tin để chúng ta nhờ đó có việc làm. Đức tin là nền tảng để chúng ta xây dựng căn nhà việc làm lên trên đó. Đức tin là mảnh đất đã được chuẩn bị để chúng ta trồng cây việc làm trên đó. Đức tin là bầu không khí nhờ đó việc làm có thể sống.

Trong câu này, Phi-e-rơ khuyên chúng ta phải “gắng hết sức” để sống đạo. Tôi nghe nhiều bài giảng trong đó các mục sư nhấn mạnh là mình không làm được gì hết trong sự sống đạo. Tất cả việc làm của mình đều do Đức Thánh Linh làm. Nhưng nói như vậy cũng hàm ý là mình chỉ có thể đóng vai trò thụ động, ngồi chơi xơi nước. Nhưng rõ ràng là Phi-e-rơ dạy chúng ta phải tích cực trong việc sống đạo. Có rất nhiều câu kinh thánh khác cũng khuyến khích chúng ta như vậy. Hê-bơ-rơ đoạn 12 câu 1 khuyên chúng ta “nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta.” Người Việt Nam có một ví dụ là, học như bơi thuyền trên dòng nước ngược. Nếu không cố gắng chèo, thì mình lui. Đời sống thuộc linh cũng vậy. Chúng ta phải cố gắng hết sức để tiến lên, nếu không, chúng ta sẽ lùi.

Điều quan trong chúng ta phải nhớ là một đằng chúng ta cố gắng hết sức, nhưng đằng khác sức của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời. Ngài đã ban cho chúng ta tất cả mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính. Nếu làm được điều gì đẹp lòng Chúa, chúng ta phải nhớ là chúng ta không thể tự mình làm được, nhưng Đức Chúa Trời đã ban sức cho chúng ta.

Sau khi đã nói về sự sống đạo, Phi-e-rơ đưa ra một số đức tính để giúp chúng ta có thể sống đạo. Mới đầu, khi đọc những đức tính này, chúng ta thấy có vẽ lộn xộn. Nhưng khi phân tích thêm, chúng ta sẽ thấy chúng có một liên hệ rất hay trong đó.

1. Sự học thức

Phi-e-rơ nói trước nhất đến sự học thức. Chắc quý vị không ngạc nhiên khi tôi nói đây là chữ gnosis mà mình đã học trước kia. Chữ này nói đến kiến thức trên đầu, khác với chữ epignosis, nói đến kiến thức trong trái tim. Kiến thức ở đây là lý do tại sao mình ở lại học trường Chúa Nhật sau giờ thờ phượng, là lý do tại sao mình giở kinh thánh ra đọc hàng ngày. Phi-e-rơ nói, nếu muốn sống đạo, chúng ta phải có kiến thức trên đầu trước. Nếu không hiểu rõ kinh thánh, chúng ta không thể sống đạo được.

2. Sự tiết độ

Sau kiến thức là tiết độ. Đây là sự tiết độ về những điều khoái lạc. Phi-e-rơ khuyên chúng ta đừng nuông chiều theo dục vọng. Những khi gặp sự cám dỗ, chúng ta phải tự kềm hãm lại, đừng để mình bị lôi cuốn theo những sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời. Tôi không coi tiền bạc là xấu, nhưng tiền bạc chỉ có giá trị tương đối của nó. Nó sẽ là xấu, nếu chúng ta không biết tự kiềm chế, chạy theo tiền bạc mà quên những điều khác.

3. Sự nhịn nhục

Sau sự tiết độ là sự nhịn nhục. Quý vị thấy có sự đối chiếu ở đây. Phi-e-rơ một đằng dạy chúng ta phải tiết độ về những điều khoái lạc, đằng khác ông cũng dạy chúng ta biết nhịn nhục khi gặp đau khổ, khó khăn. Chữ nhịn nhục không nói đến điều mình phải chịu vì làm điều sai bậy, nhưng nói đến điều mình phải chịu vì danh Chúa, có thể ngay cả ở trong gia đình, hay trong sở làm.

Ở bên Mỹ, chúng ta quá sung sướng, nên khi gặp khó khăn, mình không biết nhịn nhục, nhưng muốn bỏ cuộc liền. Nhưng mình phải biết cái bí quyết của sự nhịn nhục là không nhìn vấn đề, nhưng nhìn Chúa. Ngài là vị thầy lớn dạy chúng ta cách nhịn nhục. Nếu nhìn Chúa, chúng ta sẽ thấy Ngài đã nhịn nhục trên thập tự giá. Trên đời này, không có sự đau đớn, khó khăn nào hơn sự đau đớn, khó khăn mà Ngài đã gặp phải trên thập tự giá. Và Ngài đã nhịn nhục chịu dựng. Nếu nhìn Chúa, chúng ta cũng thấy Ngài cũng sẽ trở lại trong tương lai. Sự nhịn nhục trong Chúa không phải là một sư đau đớn dai dẳng, nhưng sẽ có một tương lai xán lạn về sau. Sự nhịn nhục trong Chúa không phải là những cơn sóng gió dông dài, nhưng sẽ có một lúc khí hậu trở nên trong lành. Sự nhịn nhục trong Chúa không phải là những đêm dài lạnh lẽo triền miên, nhưng sẽ có một buổi sáng mai ấm áp. Đó là bí quyết của sự nhịn nhục: Chúng ta không nhìn những vấn đề, những khó khăn, nhưng nhìn đến Chúa, khi Ngài nhịn nhục trên thế gian này hơn 2000 năm trước, cũng như khi Ngài trở lại trong tương lai.

4. Sự tôn kính

Sau khi nói đến những thái độ của chúng ta đối với những buồn vui, thăng trầm trong đời sống, Phi-e-rơ nói đến thái độ của chúng ta đối với Chúa. Đó là sự tôn kính. Đây cũng là chữ Phi-e-rơ dùng trong câu “3. Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính,...” Nhiều khi, vì thường nghĩ dến Chúa như một Đấng Yêu Thương, chúng ta quên kính sợ Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều để chúng ta có thể có sự kính sợ Ngài, và thể hiện sự kính sợ đó trong đời sống của chúng ta. Kính sợ Chúa không phải là tránh mặt Ngài, nhưng trước hết phải nói như Đa-vít trong Thi Thiên 16 câu 8, “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi.”

5. Tình yêu thương anh em

Sau khi nói đến sự tôn kính Chúa, Phi-e-rơ nói đến lòng yêu thương anh em. Đây là chữ philadelphia trong tiếng Hy Lạp, nói đến lòng yêu thương những người đồng đạo. Sự kính Chúa và yêu người phải đi đôi với nhau. Giăng thứ nhất đoạn 4 câu 20 viết, “Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.” Tình yêu thương này đòi hỏi chúng ta phải gạt bỏ tất cả những xích mích nhỏ nhặt, phải phục vụ cho nhau, phải nhớ nhau trong sự cầu nguyện, phải lo lắng cho nhau, và giúp đỡ lẫn nhau.

6. Lòng yêu mến.

Cuối cùng, điều cao hơn hết là lòng yêu mến. Đây là chữ agape trong tiếng Hy Lạp. Nó không chỉ nói đến lòng yêu thương những tín hữu trong hội thánh, nhưng cũng nói đến lòng yêu thương tất cả mọi người. Khi yêu anh chị em tín hữu, chúng ta kiếm được sư an ủi, vỗ về, nhưng Phi-e-rơ đòi hỏi chúng ta không ngừng ở đây, nhưng phải hy sinh, yêu thương người khác, đầu không nhận được gì.

Quý vị thấy, có một thứ tự rất tuyệt diệu ở đây. Trước hết, Chúa ban cho chúng ta đức tin đồng quí báu như các sứ đồ. Rồi Ngài ban cho chúng ta tất cả mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính. Bây giờ, Ngài đòi hỏi chúng ta phải sống đạo, tìm cách phát triển tất cả những khả năng mình có đến tột cùng cho công việc nhà Chúa. Chúa muốn chúng ta phải biết lời Ngài trong kinh thánh, phải biết tiết độ trong sự khoái lạc, nhịn nhục trong sự đau đớn, biết kính Chúa, yêu anh em đồng đạo và yêu mọi người.

Tôi muốn nói thêm là, mặc dầu có cái thứ tự như vậy, Phi-e-rơ không muốn chúng ta phải chờ làm xong điều này mới làm điều kia. Xin đừng nói rằng, “Tôi chưa có sự tiết độ, thì làm sao có sự nhịn nhục được? Xin cho tôi tập sự tiết độ trước khi tập sự nhịn nhục.” Thưa, không. Không bao giờ chúng ta có thể thành toàn hảo, ngay cả toàn hảo trong một khía cạnh của đời sống. Đây cũng giống như một liều thuốc mà Phi-e-rơ cho chúng ta. Chúng ta phải bỏ tất cả mọi điều vào và nấu, thì nó mới bổ được, mới chữa lành bịnh được. Chúng phải hợp lại với nhau đúng lượng để làm chúng ta có thể sống đẹp lòng Thượng Đế.

Bài học ngày hôm nay không còn “ru ngủ” chúng ta như bài học tuần trước, trong đó chúng ta vui vì thấy Chúa đã ban cho chúng ta mọi điều. Hôm nay, chúng ta phải cố gắng hết sức để sống đạo. Lời dạy dỗ này đòi hỏi chúng ta rất nhiều. Giờ đây, tôi xin mỗi người chúng ta nhìn tận đáy lòng của mình, và nói với Chúa, “Chúa ơi, con cám ơn Chúa đã ban cho con mọi điều. Bây giờ xin Chúa cho con sự can đảm để có thể áp dụng chúng vào trong đời sống của con.”

Mục Sư Đỗ Lê Minh