Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 4 | Hướng Dẫn

Bài 5

NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI

I CÔ-RINH-TÔ 3:9-15

(KỶ NIỆM ĐỆ TAM CHU NIÊN THÀNH LẬP HỘI THÁNH GARDEN GROVE)

 

Kính thưa quý vị, hôm nay chúng ta ăn mừng 3 năm Chúa làm việc trong hội thánh chúng ta. Đây là lúc chúng ta ngồi lại suy nghĩ về nền tảng của hội thánh. Trong mấy tuần vừa rồi, tôi có dịp chia xẻ với quý vị những điều tôi học được trong sách Cô-rinh-tô thứ nhất, và hôm nay tôi cũng muốn dựa vào Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 3 từ câu 9 tới câu 15, để chia xẻ với quý vị về cái “nhà” của Đức Chúa Trời, tức là hội thánh của Ngài.

9. Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây.

10. Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nên như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên; nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó.

11. Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Giê-xu Christ.

12. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy,

13. thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra.

14. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình.

15. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.

I. Hội Thánh là nhà của Đức Chúa Trời

Trong đoạn này Phao-lồ ví sánh hội thánh như “nhà của Đức Chúa Trời.” Câu 9, “Anh em là nhà của Đức Chúa Trời xây.” Thật ra, ông không nói hội thánh là nhà của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta là nhà của Đức Chúa Trời. Có thể Phao-lồ nói đến hội thánh gồm tất cả những người đã từng tin Chúa suốt 2000 năm nay, hay ông cũng có thể nói đến hội thánh địa phương ở đây, tức là hội thánh Việt Nam tại Garden Grove. Mỗi người ngồi đây đã được Chúa kêu gọi, cứu, và đem vào trong hội thánh, và tập thể chúng ta là nhà của Đức Chúa Trời.

Hội thánh của Chúa không phải là tòa nhà nơi chúng ta tụ họp. Chúa Giê-xu không chết cho tòa nhà này, nhưng cho mỗi người chúng ta. Sau 100 năm, 200 năm, tòa nhà này sẽ sụp đổ, nhưng linh hồn của mỗi người chúng ta vẫn còn lại đời đời, và Chúa chết để linh hồn đó được sự cứu rỗi.

Hội thánh cũng không phải là của Mục Sư, của ban chấp hành, hay của cá nhân nào trong đó, nhưng là của Đức Chúa Trời. Không ai sở hữu hội thánh này.

Thường chúng ta tạo dựng Thượng Đế theo hình ảnh của mình, và đôi khi chúng ta xây nhà của Thượng Đế cũng dựa theo điều chúng ta nghĩ. Nhưng trở lại Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 25 câu 9, chúng ta nghe Chúa dặn, “Hãy làm đền đó y như kiểu đền tạm, cùng kiểu các đồ dùng, mà ta sẽ chỉ cho ngươi.” Vì thế, muốn xây nhà của Thượng Đế, chúng ta phải biết rõ ràng Thượng Đế muốn chúng ta xây như thế nào.

Trong đoạn này, Phao-lồ nói rất rõ ràng về những điều căn bản trong việc thành lập và duy trì hội thánh. Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ những điều này, không những chỉ trong ngày kỷ niệm 3 năm thành lập hội thánh, nhưng trong mỗi ngày mỗi giờ trong đời sống của hội thánh.

II. Nền của Hội Thánh là Đức Chúa Giê-xu Christ

Trước khi xây nhà, chúng ta phải đắp nền. Phao-lồ nói, nền tảng của hội thánh phải là Đức Chúa Giê-xu Christ. Câu 11, “Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Giê-xu Christ.” Để ý hai chữ Giê-xu và Christ. Giê-xu là tên của một nhân vật lịch sử đã có mặt ở trên thế gian này 2000 năm về trước. Đây là một người bằng xương bằng thịt, được sinh ra bởi một người nữ, và đã bị treo trên thập tự giá. Nhưng chữ “Christ” nói đến một Đấng đã được xức dầu, tức là Thượng Đế. Hội thánh chỉ có thể là hội thánh nếu nó được xây dựng trên Chúa Giê-xu Christ, tức là Thượng Đế đã trở thành người, và chỉ Chúa Giê-xu Christ mà thôi.

Tác giả Thi Thiên 40 viết, “Tôi nhịn nhục trông đợi Đức Giê-hô-va, Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu cầu của tôi. Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm.” Vâng, khi cảm thấy mình quá tuyệt vọng, chúng ta ngước mắt lên kêu gọi Chúa, và Ngài đưa tay xuống kéo chúng ta lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm. Nhưng Chúa không kéo chúng ta khỏi đó, rồi bỏ chúng ta ở giữa biển khơi, để bị sóng đời đánh qua đánh lại. Như Thi Thiên 40 tiếp tục, “Ngài đặt chân tôi trên hòn đá, và làm cho bước tôi vững bền.” Hòn đá đó, hay nền tảng đó, chính là Chúa Giê-xu Christ.

Điều này có ba nghĩa. Một nghĩa ở trong quá khứ, một nghĩa trong hiện tại, và một nghĩa trong tương lai. Trong quá khứ, nền tảng Chúa Giê-xu Christ mà hội thánh chúng ta đặt trên đó đã xảy ra gần 2000 năm về trước. Chúa Giê-xu đã chết trên thập tự giá, và nhờ dòng huyết của Ngài trên thập tự giá đó, chúng ta được cứu. Ngày hôm nay hội thánh phải được đặt trên nền tảng của sự chết, và sự sống lại của Ngài.

Nền tảng Chúa Giê-xu Christ cũng có nghĩa trong hiện tại nữa. Giờ đây chúng ta thừa hưởng cuốn kinh thánh, nói về Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu công nhận cuốn kinh thánh là sự khải thị của Đức Chúa Trời, và những điều dạy dỗ trong hội thánh phải đến từ kinh thánh. Trong sách Ma-thi-ơ đoạn 7 từ câu 24 đến câu 27 Chúa nói, “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, và đã cất trên đá. Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều.” Dạy dỗ, nghe, và làm theo lời Chúa là căn bản của hội thánh trong hiện tại.

Và lời Chúa có nhiều hứa hẹn trong tương lai. Sự trông chờ của chúng ta vào tương lai cũng phải được xây dựng trên Chúa Giê-xu Christ. Ngày nào đó, Chúa Giê-xu sẽ trở lại, và khi đối diện với Ngài, chỉ có một điều mà chúng ta có thể nói được để được cứu, ấy là Ngài đã chết thế cho chúng ta.

Tôi phải nói thêm là nền tảng đó đã được lập xong rồi. Câu 11, “Chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập.” Để ý chữ “đã.” Câu 10, “Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một tay thợ khéo.” Tôi đã chia xẻ với quý vị trước kia rằng đoạn này nói đến sự chia rẽ trong hội thánh giữa nhóm người theo Phao-lồ, với nhóm người theo A-bô-lô. Phao-lồ nói ông và A-bô-lô là những người đồng hầu việc với Đức Chúa Trời. Nhưng sau đó ông nói là chỉ riêng ông, chứ không phải ông và A-bô-lô, đã lập nền cho hội thánh (hay đúng hơn, Phao-lồ cùng với các sứ đồ). Những người đi sau Phao-lồ, như A-bô-lô, như Đỗ Lê Minh, không thể lập thêm nền nữa. Cuốn kinh thánh đã được hoàn tất rồi. Sự khải thị của Đức Chúa Trời đã xong rồi, không ai có thể thêm điều gì vào cuốn kinh thánh được.

Có nhiều hội thánh được xây dựng trên nền tảng Đức Chúa Giê-xu Christ, và chúng ta cám ơn Chúa điều đó. Nhưng chúng ta cũng phải để ý là chỉ Chúa Giê-xu Christ mà thôi. Có bao giờ mình trải một lớp plastic dầy chừng một, hai thước trên nền bê tông cốt sắt thật chắc chắn, rồi xây nhà trên đống plastic đó không? Hình ảnh đó có vẻ khôi hài, nhưng đó là nguy cơ mà chúng ta có thể vấp phạm. Chúng ta nói mình xây dựng hội thánh trên nền Đức Chúa Giê-xu Christ, nhưng đôi khi mình xây dựng hội thánh trên nền Đức Chúa Giê-xu Christ và một điều gì khác. Chúng ta có thể xây dựng hội thánh trên Đức Chúa Giê-xu Christ, và một người nào khác - đôi khi chính mình. Hội thánh Mormon thờ phượng Chúa Giê-xu và ông Joseph Smith. Hội thánh Cao Đài ở Việt Nam thờ Đức Chúa Giê-xu và Victor Hugo. Đi thờ phượng về, tôi phê bình, “Bữa nay mình cảm thấy buồn quá,” hay “Bữa nay có điều làm tôi vui quá.” Nhưng mình đi thờ phượng Chúa, chứ không phải Chúa và mình. Mình muốn làm thỏa mãn Chúa, chứ không phải Chúa và mình.

Đôi khi chúng ta xây dựng hội thánh chúng ta trên Chúa Giê-xu Christ, nhưng cũng trên việc làm của mình. Một đằng mình đi thờ phượng Chúa, nhưng đằng khác mình làm lành, gây công đức để được cứu. Những cái đó là đồ plastic mỏng manh, và chúng ta không thể đặt trên tảng của Chúa Giê-xu Christ, để xây nhà-hội-thánh.

Chúng ta có thể xây hội thánh trên Chúa Giê-xu Christ và ông mục sư. “Ông mục sư này hay lắm đó; ông mục sư kia giỏi lắm đó.” Chúng ta có thể xây hội thánh trên Đức Chúa Giê-xu Christ và giáo hạt, hay các tổ chức tôn giáo. Nhưng chúng ta phải xây hội thánh chỉ trên Chúa Giê-xu Christ mà thôi, và chỉ khi làm như thế, chúng ta mới có thể làm đẹp lòng Đúc Chúa Trời.

III. Chúng ta xây trên đó.

1. Mỗi người phải xây

Có nền Chúa Giê-xu rồi, thì chúng ta làm gì? Chúng ta không thể chỉ đặt nền xong rồi nói “Đây là cái nhà. Anh chị có thấy cái nền đẹp không?” Không, nhà của Đức Chúa Trời không phải chỉ là cái nền không. Chúa Giê-xu và các sứ đồ đã xây dựng nền tảng, nhưng Phao-lồ nói chúng ta, là những người trong hội thánh, phải góp phần xây dựng trên nền tảng đó. Câu 10, “Tôi đã lập nên như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên.” Mỗi người chúng ta (chứ không phải chỉ mục sư) là những viên gạch trong nhà Đức Chúa Trời, nhưng cũng phải đi kiếm những viên gạch khác đem về để làm gạch thêm. Ê-phê-sô đoạn 2 câu 10, “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-xu Christ để làm việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”

Chúng ta không thể nào làm việc riêng rẽ, nhưng làm trong một tinh thần đồng đội. Phao-lồ trồng; A-bô-lô tưới. Có người gieo; có người hái. Chúa cho mỗi người một ơn tứ đặc biệt trong hội thánh, và mỗi người phải dùng ơn tứ đó để đóng góp vào công việc nhà Chúa. Tôi không hát được, nhưng có nhiều người trong hội thánh không giảng được. Sau 2000 năm, hội thánh vẫn còn được xây dựng, và vẫn sẽ được tiếp tục xây dựng. Ai xây dựng? Mỗi người chúng ta. Xin những ai chưa đóng góp nhớ cho, là quý vị phải đóng góp vào việc xây dựng hội thánh, trên nền tảng Chúa Giê-xu Christ.

2. Mỗi người sẽ nhận phần thưởng

Nói rằng mỗi người chúng ta có trách nhiệm xây dựng hội thánh rồi, Phao-lồ mới nói thêm là mỗi người chúng ta sẽ nhận được phần thưởng trong ngày cuối cùng, tùy theo việc mình làm. Câu 10-15, “Nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.”

Phao-lồ nói là mỗi người tín đồ chúng ta sẽ đi qua một sự xét xử, nhưng sự xét xử Phao-lồ nói ở đây không phải là sự xét xử để coi chúng ta có được cứu hay không. Đối với người tín đồ, sự xét xử này đã xảy ra gần 2000 năm về trước: Khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá, chúng ta đã bị treo với Ngài. Tất cả chúng ta đều đã được cứu.

Sự xét xử ở đây cũng không phải là “ngục luyện tội,” theo lối dạy của Công Giáo, nhưng là sự xét xử để cho chúng ta phần thưởng. Mỗi người chúng ta có một trách nhiệm trong hội thánh, và tùy cách chúng ta thi hành trách nhiệm đó, chúng ta sẽ được phần thưởng trong tương lai. Trước khi tôi chia xẻ phần thưởng là gì, tôi xin chia xẻ với quý vị tiêu chuẩn nào Chúa sẽ xét xử chúng ta. Có ba tiêu chuẩn ở đây: thứ nhất là việc làm của chúng ta, thứ hai là động lực khi chúng ta làm chuyện đó, và thứ ba là thái độ của chúng ta khi làm việc đó.

Thứ nhất việc làm của chúng ta. Rất tiếc là có nhiều người trong hội thánh không làm gì hết, chỉ đến đây thụ hưởng rồi ra về. Ngày cuối cùng, Chúa sẽ hỏi, “Ta cho ngươi vinh dự đóng góp vào việc xây dựng nhà Chúa, ngươi đã làm được gì?” Nếu chúng ta không làm gì hết, đó là rơm rạ, cỏ khô. Chúa không đòi hỏi mình làm nhiều hơn khả năng và điều kiện cho phép, nhưng trong khả năng, điều kiện đó, mình có làm việc gì cho Chúa chưa? Và Chúa muốn chúng ta làm điều mà Chúa muốn mình làm. Ma-thi-ơ đoạn 7 câu 21, “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” Nếu quý vị có sự kêu gọi đi hầu việc Chúa, nhưng cưỡng lại, cứ lăng xăng làm chuyện này chuyện kia trong hội thánh để lấn áp sự kêu gọi đó, Chúa nói những điều đó vô ích. Câu hỏi là chúng ta có làm gì cho Chúa trong hội thánh này hay không, hay chúng ta chỉ nhận, mà không phát ra.

Tiêu chuẩn quan trọng hơn là lý do, động lực khiến chúng ta làm những điều mình làm. Chúa không đo lường kết quả bằng con số, nhưng nhìn động lực đằng sau việc làm. Tại sao chúng ta làm việc trong hội thánh? Vì chúng ta muốn thỏa mãn tự ái cá nhân? Vì muốn có công đức? Vì muốn người khác thấy? Nếu quý vị đứng trên đây ca ngợi Chúa chỉ để người ta nghe mình hát hay (mình hát trong buồng tắm không ai nghe), thì đó không phải là hầu việc Chúa. Chúng ta hát là để thờ phượng Chúa, và chỉ để thờ phượng Chúa mà thôi. Ngài nhìn vào tận trong lòng của chúng ta, và Ngài biết rõ tấm lòng của từng người.

Tiêu chuẩn thứ ba là thái độ khi chúng ta làm. Khi làm điều gì, chúng ta có làm trong tình yêu thương không? Nói với người khác, chúng ta có chọn lời nói ngọt ngào, để có thể khuyến khích, nâng đỡ người khác hay không? Chúng ta làm việc trong hội thánh với sự khôn ngoan ngoài đời, hay biết ngồi xuống nghe sự chỉ dạy nhỏ nhẹ của Đức Thánh Linh trong lòng trước. Chúng ta có tìm cách đi đường tắt để có kết quả hơn, mặc dầu đường đó không làm đẹp lòng Chúa không? Chúa biết thái độ trong việc làm của chúng ta, và Chúa xét xử chúng ta theo thái độ đó.

Chúa không cần chúng ta. Nếu tôi không giảng thì có người khác giảng, và có thể người đó giảng hay hơn tôi. Nhưng Chúa cho tôi cái vinh dự đó, và tôi có làm với một động lực và thái độ đứng đắn hay không? Ngày nào đó, mỗi người chúng ta sẽ đối diện trước Đức Chúa Trời, không phải để được sự cứu rỗi, nhưng để được phần thưởng, và phần thưởng đó sẽ dựa vào việc, động lực và thái độ của chúng ta.

Thế thì phần thưởng là phần thưởng gì? Kinh thánh nói nhiều đến những “vương miện” Ngài trao chúng ta trong ngày chúng ta gặp Ngài. Có một cái vương miện rất hay, mà tôi muốn chia xẻ với quý vị hôm nay. Trong sách Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhất đoạn 2 câu 19, Phao-lồ nói cái vương miện Chúa ban cho ông là những người tin Chúa qua ông. Nếu vì lòng yêu thương người khác, vì danh Chúa, mà quý vị đi ra, đem một người về với Chúa, người đó là vương miện Chúa sẽ trao cho quý vị. Còn gì vui bằng, khi thấy những người mình đem về cho Chúa thành một vương miện cho mình?

Nhưng tôi không muốn nói nhiều đến những vương miện ở đây. Hôm nay, cho tôi nói đến một phần thưởng khác, tế nhị hơn, giản dị hơn, nhưng đối với tôi sâu đậm hơn nhiều, so với những vương miện chúng ta sẽ nhận được trong tương lai. Khi chúng ta gặp Chúa, hy vọng Ngài sẽ vỗ đầu chúng ta, và nói như trong Ma-thi-ơ 25:21, “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm!” Một lời khen giản dị từ Đấng Sáng Tạo là tất cả. Lúc nhỏ tôi ráng học, chỉ mong là khi tôi đem bảng điểm về, ba tôi nhìn và nói, “Giỏi.” Xin quý vị hãy tưởng tượng tình cảm của quý vị như thế nào, khi Chúa nhìn quý vị với con mắt đằm thắm và nói, “Được lắm.” Và phần thưởng nằm ở đó.

Đây là ý riêng của tôi thôi (tôi không có câu kinh thánh để trích dẫn): Ngày mình gặp Chúa trên thiên đàng, mình sẽ cảm nhận được phần thưởng Ngài cho nhiều hơn, nếu mình hầu việc Chúa trên thế gian này nhiều hơn. Một người làm việc cho một công ty về nhà, mệt mỏi than, “Another day, another dollar!” Đời sống quả thật thiếu ý nghĩa. Ngược lại, một người bỏ chừng đó thì giờ đi hầu việc Chúa, thăm viếng, nâng đỡ người khác trong niềm tin, đem người về với Chúa, tối về cám ơn Chúa cho mình được đóng góp vào việc xây dựng nhà Ngài. Nếu trên đời, người này cảm nhận được cái vinh dự đó, người đó càng cảm nhận nhiều hơn nữa trong ngày cuối cùng. Giả sử trên thiên đàng chỉ có món ăn Việt Nam thôi. Nếu mấy người Mỹ ở trên thế gian này chưa bao giờ nếm thức ăn Việt Nam, lên trên đó họ sẽ ngỡ ngàng. Nếu chưa bao giờ học cầm đũa thì làm sao ăn?

Nhìn lại ba năm qua, hội thánh chúng ta có nghĩ là mình xứng đáng được nghe Chúa khen “Được lắm!” không? Chúng ta có cảm nhận được lời khen ngợi đó của Chúa chưa? Nếu chưa, đây là lúc chúng ta bắt đầu. Đây là lúc mỗi người chúng ta xăn tay áo lên đóng góp vào trong công việc nhà Chúa. Nền tảng của hội thánh là Đức Chúa Giê-xu Christ đã được xây dựng rồi, bây giờ chúng ta cần phải đóng góp, xây lên trên đó. Thưa quý vị, sức lực của quý vị, và của tôi, bỏ vào đó sẽ không mất, nhưng sẽ còn lại đời đời, miễn là chúng ta làm với một động lực, và với một thái độ chính đáng. Trong ngày chúng ta đối diện với Thượng Đế, tôi mong là tất cả chúng ta trong hội thánh Garden Grove sẽ đứng chung với nhau, cùng nghe Chúa khen ngợi. Xin đừng để một người nào trong hội thánh này được cứu, nhưng chỉ như đi qua lửa.

Mục sư Đỗ Lê Minh