Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 4 | Hướng Dẫn

Bài 5

NỀN TẢNG TIN LÀNH

II PHI-E-RƠ 1:16-19

 

Hôm nay, chúng ta nhóm ở đây đã đúng một tháng. Trong 4 tuần vừa rồi, chúng ta học những căn bản sống đạo. Giờ đây chúng ta phải bắt đầu mời bạn hữu đến nhà thờ. Điều đáng buồn là, lần lần bạn bè của mình chỉ còn là tín đồ, và mình không còn quen nhiều người ngoại. Nhưng thật ra, chúng ta không cần phải đợi quen thân rồi mới mời. Nếu có dịp nói chuyện, làm quen với một người ở supermarket, hay ngoài biển, chúng ta có thể ngỏ một lời mời. Nhiều khi, mình có dịp nói chuyện với một người mà mình sẽ không bao giờ gặp lại. Nếu không ngỏ lời mời họ đi nhà thờ, mình sẽ không để lại gì cho họ. Nhưng nếu mình mời, và họ nhận lời, mình có thể thay đổi đời sống của họ. Tôi xin khuyến khích mỗi người phải hăng hái mời người khác đến nhà thờ.

I. Những nền tảng sai lầm

Nhưng đến nhà thờ để làm gì? Tôi hy vọng chúng ta không nói, “Mời ông bà đến nhà thờ chúng tôi, vì ở đó giống như câu lạc bộ, gặp nhiều người Việt Nam vui lắm!” Không, nhà thờ không phải là một nơi giải trí. Bây giờ giả thử người được mời hỏi lại, “Tại sao tôi phải tin Chúa Giê-xu?” và giả thử chúng ta chỉ có chừng 5 hay 3 phút, thì chúng ta phải trả lời như thế nào? Không những chúng ta phải trả lời câu hỏi này khi đi làm chứng, nhưng chúng ta cũng phải biết rõ căn bản niềm tin của mình. Căn bản niền tin của chúng ta là gì? Tại sao chúng ta tin Chúa?

Trong kinh thánh, Phi-e-rơ không nói rằng ông tin Chúa Giê-xu là Thượng Đế vì ông cảm nhận được điều đó. Mỗi dịp Phục Sinh, chúng ta thường hát “Ngài sống... Ngài sống... Nếu hỏi chứng cớ Chúa sống đâu nào, Rằng Chúa sống trong lòng này!” Đây là sự thật: Mình có thể cảm nhận được Chúa đang sống trong lòng mình. Nhưng chúng ta không nên đặt sự cảm nhận đó làm căn bản niềm tin của mình, hay để đi làm chứng. Vì có người sẽ nói, “Tôi đi theo bà Thanh Hải. Tôi thấy bà ấy là thần rồi! Vì sao tôi biết? Vì tôi cảm nhận được điều này trong lòng tôi.”

Phi-e-rơ cũng không nói là ông tin Chúa Giê-xu là Thượng Đế vì đời sống của ông đã được thay đổi. “Anh em có biết trước kia tôi như thế nào không? Tôi là người rất nóng nảy. Nhưng bây giờ tin Chúa, tôi hoàn toàn thay đổi!” Vâng, đời sống ông có sự thay đổi, nhưng đó không phải là lý do ông đưa ra để chúng ta tin Chúa. Vì, lần nữa, nếu chúng ta nói như vậy, thì tài tử John Trovolta cũng sẽ nói là đời ông hoàn toàn thay đổi từ khi ông tin vào Scientology. Nếu mình nói, “Ngày xưa, tôi hay lo lắng đủ thứ chuyện; bây giờ có Chúa, tôi thấy đời sống của tôi bình an hơn,” thì sẽ có người nói, “Từ khi theo đạo thiền, tôi cũng như anh vậy. Thiệt ra, có lẻ tôi được bình an nhiều hơn anh nữa.”

Phi-e-rơ cũng không nói là ông tin Chúa Giê-xu vì những phép lạ Chúa đã làm cho ông, hay qua ông. “Anh em có thấy tôi đuổi quỷ, hay làm phép lạ không? Nếu thấy, anh em phải tin Chúa ngay.” Vâng, phép lạ vẫn còn xảy ra, nhưng đó không phải là nền tảng để mình xây dựng niềm tin lên. Lần nữa, nếu chúng ta nói về việc Chúa làm phép lạ trong đời sống của chúng ta, sẽ có người nói, “Lúc vượt biên, tôi cầu nguyện Phật Bà Quan Âm, và bà đã cứu tôi...”

Vâng, mình có cảm nhận được Chúa trong lòng, mình có một đời sống được đổi mới, mình có kinh nghiệm được sự trả lời của Chúa bằng những phép lạ. Những điều đó là sự thật. Chúng ta đã học rằng, tất cả những điều tốt lành trong đời sống chúng ta, như sự bình an... đến từ sự thông biết Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhưng chúng không thể là căn bản niềm tin của chúng ta. Xây dựng trên những nền tảng đó, tòa nhà niềm tin sẽ sụp đổ. Nếu chúng ta không định nghĩa được niềm tin của mình, thì chúng ta cũng không bảo vệ nó được.

Tôi thấy người Việt Nam mình thường có một lỗi lầm lớn, đó là không phân biệt được căn bệnh và triệu chứng. Mỗi khi vợ tôi than với người khác nhức lưng, hay nhức đầu, là có người cho thuốc. Họ không biết rằng nhức đầu chỉ là triệu chứng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau đưa đến bệnh nhức đầu. Có loại nhức đầu chỉ cần vài viên Aspirin thì hết, nhưng cũng có loại cần thuốc mạnh hơn, ngay cả cần giải phẫu. Trong trường hợp đó, vài viên Aspirin giỏi lắm chỉ có thể làm giảm cơn nhức tạm thời. Nếu không thấy sự khác nhau giữa căn bệnh và triệu chứng, chúng ta sẽ không thấy sự khác nhau giữa vài viên Aspirin và việc giải phẫu đầu. Đời sống thiếu bình an chỉ là triệu chứng bên ngoài, thuốc “thiền” cũng chữa được triệu chứng đó, cũng có thể cho sự bình an. Nhưng chỉ có Chúa Giê-xu mới trị được tận gốc mà thôi.

II. Nền tảng đúng

Thế thì Phi-e-rơ định nghĩa niềm tin như thế nào? Trong thơ Phi-e-rơ thứ nhì, từ câu 16 đến câu 19, ông viết:

16. Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài.

17. Vì Ngài đã nhận lãnh sự tôn trọng vinh hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha Ngài, khi Đấng tôn nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.”

18. Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh.

19. Nhơn đó, chúng tôi cùng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em.

Phi-e-rơ nói như thể ông đang đứng trước tòa làm chứng. Ông dùng những danh từ thích hợp với tòa án hơn là nhà thờ. Chúng ta có thể tưởng tượng người ta đặt Phi-e-rơ trước một phiên tòa, và hỏi, “Tên ông là gì?”“Tôi tên là Phi-e-rơ. Tôi xin tuyên hệ sẽ nói một cách trung thực tất cả mọi điều chính mắt tai nghe.” Ông nói điều ông dạy dỗ là điều khách quan, điều mắt thấy tai nghe, xảy ra bên ngoài ông, chứ không phải điều chủ quan, đến từ trong con người của ông, hay do ông bịa đặt.

Phi-e-rơ nói ông đã chứng kiến “sự đến của Chúa Giê-xu,” Phi-e-rơ không nói đến sự giáng sanh của Ngài. Vì lúc đó ông không biết Chúa (có thể ông cũng chưa sinh ra), và vì thế không thể chứng kiến được. Nhưng nếu ông nói đến sự trở lại của Chúa lại càng thêm bất ổn, vì Phi-e-rơ đang nói về điều xảy ra 2000 năm trước, và ngay cả ngày hôm nay chưa ai thấy sự đến lần thứ hai này. Vì thế xin chúng ta đặt Phi-e-rơ lên lấy khẩu cung: “Ông đã tuyên thệ nói sự thật. Xin ông kể lại ông thấy sự đến của ông Giê-xu lúc nào?”

1. Lời của Phi-e-rơ

“Vâng, tôi xin kể. Tôi theo ông Giê-xu này suốt 3 năm. Lúc đầu tiên, tôi thấy ông làm nhiều phép lạ, nhưng không biết ông là ai. Nhưng dần dần tôi biết. Có một lần, ông Giê-xu hỏi tôi, “Ngươi xưng ta là ai?” Tôi trả lời, “Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống.” (Ma-thi-ơ 16:13-17)

Sau khi nghe tôi nói vậy, ông Giê-xu thay đổi thái độ, và bắt đầu dạy tôi nhiều hơn, kể cả nhiều điều mà tôi không hiểu được. Chẳng hạn ông nói với tôi về việc ông sẽ đến thành Giê-ru-sa-lem, “phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.” (Ma-thi-ơ 16:21) Ông nói thêm, “28. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy con người ngự đến trong nước Ngài.” Tôi thật không hiểu ông muốn nói gì!

Sáu ngày hôm sau, có Gia-cơ, với người em tên Giăng, và tôi theo ông lên trên núi. Trên đó, tự nhiên tôi thấy khuôn mặt của ông sáng lòa như mặt trời, và áo của ông trắng như ánh sáng. Tôi thấy bên cạnh ông có hai ngươi khác, mà tôi biết được là Môi-se và Ê-li, mặc dầu không ai nói cho tôi biết. Lúc đó, không biết làm gì, tôi nói đại một câu, “Lạy Chúa, chúng ta ở lại đây thì tốt lắm; ví bằng đẹp ý Chúa, thì tôi sẽ đóng ba trại tại đây, một cái cho Chúa, một cái cho Môi-se và một cái cho Ê-li.” Bỗng nhiên, có một đám mây sáng rực che phủ chúng tôi, và có tiếng từ trong mây phán rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó!” Nghe tiếng đó, tôi sợ quá, gục đầu xuống, chỉ biết thờ lạy Ngài. Một lúc sau, có người kéo áo đứng dậy. Nhìn lên, mấy vị kia đã biến mất.

Thưa quý vị, tôi làm chứng về sự đến của Chúa Giê-xu mà chính mắt tôi thấy. Tôi không bịa đặt đâu. Và cũng không phải chỉ một mình tôi chứng kiến điều này đâu. Khi nãy tôi nói có 2 người khác theo Chúa Giê-xu lên núi với tôi, đó là Gia-cơ và Giăng. Xin quý vị mở sách Giăng thứ nhất, câu thứ nhất, để nghe lời làm chứng của Giăng: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về lời sự sống; vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy,...” Giăng cũng đã viết về sự sự vinh quang của Chúa Giê-xu. Sự vinh quang đó ông đã thấy được, đã ngắm được, đã rờ được, đã nghe được.

2. Lời các đấng tiên tri

“Nhưng ông Phi-e-rơ ơi, ông có diễm phúc thấy được Chúa Giê-xu, và tin. Nhưng làm sao bây giờ tôi tin được lời của ông? Làm sao tôi tin lời ông làm chứng là đúng?”

“Thiệt ra, không chỉ có mình tôi là Phi-e-rơ, với Gia-cơ và Giăng, làm chứng đâu. Có những người khác làm chứng, mà không biết mình làm chứng. Tôi muốn nói là “19. Nhơn đó, chúng tôi cùng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn...” Lời các tiên tri này là lời trong Cựu Ước. Đó là những hình ảnh của Chúa Giê-xu mà Cựu Ước đã ghi lại bao nhiêu thế kỷ trước Ngài. Nếu quý vị không tin tôi, vì nghĩ tôi có một động lực bất chính nào đó để làm chứng cho Chúa Giê-xu, xin quý vị nhớ là những người làm chứng trong Cựu Ước làm chứng mà không biết mình làm chứng cho ai. Họ viết những điều về Chúa Giê-xu mà không biết là họ làm chứng cho Chúa Giê-xu.

Lúc Chúa Giê-xu đã chết rồi, tinh thần chúng tôi rất xuống dốc. Chúng tôi hầu như muốn bỏ cuộc. Tôi ngại ngùng phải thú thật là tôi đã từ chối Chúa Giê-xu 3 lần, vì không thấy ý nghĩa của việc theo Ngài. Nhưng tôi nhớ bác sĩ Lu-ca có viết về việc Chúa hiện ra với hai người sứ đồ của Ngài trên đường Em-ma-út. Lu-ca viết, “Đoạn Ngài bắt đầu từ Môi-se, rồi kế đến mọi đấng tiên tri, mà cắt nghĩa cho hai người đó lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh.”

Xin đừng nhìn đến sự thay đổi trong đời sống của tôi, hay những phép lạ. Đó là những điều phụ thuộc. Nhưng xin quý vị xem những lời làm chứng của tôi về những điều xảy ra bên ngoài tôi có đáng tin hay không. Nếu quý vị muốn biết Chúa Giê-xu là ai, muốn biết chắc có phải Ngài là Thượng Đế không, xin quý vị nghe lời làm chứng của các đấng tiên tri trong Cựu Ước, của tôi, của Giăng và những người khác, kể cả Phao-lồ trong Tân Ước. Tôi mời quý vị đọc, để tự quyết định xem có phải Chúa Giê-xu là Thượng Đế hay không. Sau khi quý vị tin Chúa Giê-xu là Thượng Đế, quý vị sẽ tự nhiên thấy đời sống mình thay đổi, sẽ thấy nhiều phép lạ trong đời sống quý vị. Nhưng quý vị phải bắt đầu bằng những lời làm chứng trong kinh thánh. “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, Ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi-thiên 119:105)

Trong sách Khải Huyền đoạn 22 câu 6, Chúa Giê-xu được so sánh như sao mai. “Ta là Giê-xu, đã sai thiên sứ ta đến làm chứng về những sự đó cho các ngươi trước mặt các hội thánh. Ta là chồi và hầu tự của Đa-vít, là sao mai sáng chói.” Xin quý vị đọc kinh thánh “như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng.” Đó là nền tảng niềm tin của quý vị.

Mục Sư Đỗ Lê Minh