Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 5 | Hướng Dẫn

Bài 6

KỶ LUẬT TRONG HỘI THÁNH

I CÔ-RINH-TÔ 5:1-13

 

Kính thưa quý vị, hôm nay tôi sẽ giảng một bài giảng mà tôi mong quý vị không có dịp áp dụng. Đây là bài học về kỷ luật trong Hội Thánh. Tôi mong là hội thánh chúng ta trong tương lai không bao giờ phải áp dụng kỷ luật cho một người nào hết. Nhưng có thể chúng ta phải làm, và nếu phải làm, chúng ta cần phải nhớ bài học này, để làm một cách đàng hoàng, đúng đắn, đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Tôi giảng theo sách Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 5, từ câu 1 đến câu 13:

1. Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình.

2. Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn!

3. Về phần tôi, thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó, (vì anh em và lòng tôi được hội hiệp với quyền phép của Đức Chúa Giê-xu, là Chúa chúng ta),

4. nên tôi đã dường như có mặt ở đó, nhơn danh Đức Chúa Giê-xu là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó

5. rằng, một người như thế phải phó cho quỉ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Giê-xu.

6. Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?

7. Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi.

8. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.

9. Trong thơ tôi viết cho anh em, có dặn đừng làm bạn với kẻ gian dâm,

10. đó tôi chẳng có ý nói chung về kẻ gian dâm đời nầy, hay là kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, kẻ thờ hình tượng, vì nếu vậy thì anh em phải lìa khỏi thế gian.

11. Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy.

12. Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao?

13. Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em.

Nói đến vấn đề kỷ luật trong Hội Thánh, tôi muốn trả lời 4 câu hỏi sau đây. Thứ nhất là “Kỷ luật đối với ai, và ai thi hành kỷ luật?” Thứ hai là “Tại sao chúng ta phải thi hành kỷ luật?” Thứ ba là “Trong trường hợp nào chúng ta phải thi hành kỷ luật?” Thứ tư là “Cách nào chúng ta thi hành kỷ luật?”

I. Ai?

a. Chịu kỷ luật: Người tín đồ

Trong câu 13 Phao-lồ nói rõ ràng, “Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ.” Kỷ luật trong hội thánh chỉ áp dụng cho tín đồ của hội thánh mà thôi. Mình không có quyền đoán xét những người ngoài, đó là quyền của Đức Chúa Trời. Đối với họ, mình chỉ làm một điều mà thôi; đó là đem tin lành đến họ, để họ tin Chúa và được sự cứu rỗi như mình.

Gian dâm là hành động của hai người. Nhưng khi Phao-lồ nói đến sự gian dâm trong hội thánh Cô-rinh-tô, ông chỉ nói đến người đàn ông, vì người đó là phần tử của Hội Thánh. Ông không đề cập tới người đàn bà, vì người này ở ngoài Hội Thánh.

b. Thi hành kỷ luật: Hội thánh

Câu hỏi quan trọng hơn là "Ai thi hành kỷ luật?" Tập thể hội thánh phải thi hành kỷ luật. Phao-lồ viết cho cả hội thánh Cô-rinh-tô, và toàn hội thánh có quyền, và trách nhiệm đó. Chúa nói trong Ma-thi-ơ 18:18, “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời.” Chúng ta không kiếm người ngoài hội thánh, để họ áp dụng kỷ luật cho những người trong hội thánh. Và trách nhiệm là của toàn thể hội thánh, chứ không phải của Giáo Hoàng, linh mục hay mục sư.

Có rất nhiều tổ chức ngoài đời rất cứng rắn đối với phần tử của họ. Có nhiều nơi, nếu mình chỉ vắng mặt không đi họp hai lần là bị đuổi. Không đóng tiền niên liễm là bị loại tên tức khắc. Nhưng ngược lại, đôi khi hội thánh quá dễ dãi, và để tội lỗi hoành hành trong đó.

Đôi khi chúng ta nghĩ hội thánh phải bày tỏ sự yêu thương, thành ra không dám nói đến kỷ luật. Chúng ta nhớ đến lời Chúa dạy trong Ma-thi-ơ đoạn 7 câu 1, “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy. Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” Chúa dạy mình đừng đoán xét người khác, nhưng tại sao tôi lại nói mình phải đoán xét? Thưa, trong sách Ma-thi-ơ, Chúa nói chỉ chuyện với những người Pha-ra-si, khi họ tự đặt ra hết luật đến luật kia để xét xử người khác, để chứng tỏ mình thánh tiện, chứ không với một mục đích chính đáng mà chúng ta sẽ học kế tiếp.

III. Để làm gì?

a. Bảo vệ danh Chúa

Bây giờ câu hỏi thứ hai, "Luật pháp trong hội thánh để làm gì?" Có 3 mục đích ở đây. Thứ nhất là để bảo vệ danh Chúa. Phao-lồ nói trong câu đầu tiên, “Có tin đồn ra khắp nơi...” quanh vùng Cô-rinh-tô. Hội Thánh chúng ta là đại diện của Thượng Đế trên thế gian này. Khi người ta nói, “Ông này, bà kia là người Tin Lành mà làm điều này, điều kia,” không những họ chê trách chúng ta hay hội thánh, họ cũng phỉ báng danh Chúa nữa. Khi chúng ta làm gì sai lầm để người ngoài bàn tới bàn lui, danh của Chúa đã bị bôi nhọ. Vì thế, hội thánh phải có trách nhiệm khai trừ những tội lỗi đó.

b. Bảo vệ hội thánh

Lý do thứ hai khiến chúng ta phải khai trừ tội lỗi trong hội thánh là để bảo vệ hội thánh. Phao-lồ viết trong câu thứ 6, “Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?” Tôi muốn giải thích cho quý vị chữ “men” này. Bây giờ chúng ta dùng một chất gọi là “yeast,” nhưng ngày xưa người ta dùng chất gọi là “leaven” để làm bánh. Nhồi bột xong, người ta lấy một ít bột để riêng ra, cho nó dần dần lên men, thành leaven. Về sau, khi làm bánh, người ta nhồi bột mới, nhưng cũng trộn với một ít bột cũ đã lên men. Khi chất men lan ra làm cho bột mới “dậy,” người ta mới làm bánh được. Phao-lồ ví sánh chất men với tội lỗi trong hội thánh. Nếu trong Hội thánh có tội lỗi nào đó, nó sẽ lan ra. Khi một người phạm một tội trong hội thánh mà hội thánh làm lơ, có người sẽ nói, “Ông này làm được thì mình cũng làm được.” Tội lỗi là chất men, lan ra trong hội thánh, là tế bào ung thư làm những tế bào xung quanh cũng bị hư theo.

c. Hoàn phục người phạm tội

Lý do thứ ba mình trừng phạt người phạm tội là vì mình muốn người phạm tội trở lại con đường ngay thẳng. Cha mẹ trừng phạt con không để nó bỏ nhà đi, hay để nó mang mặc cảm suốt đời, nhưng để dạy dỗ nó nên người tốt hơn. Phao-lồ viết về một người phạm tội trong thơ này, nhưng trong Cô-rinh-tô thứ nhì, đoạn 2 câu 6 và câu 7, ông viết về người đó như thế này, “Kẻ đó đã bị phần nhiều người trong anh em quở trách, ấy là đủ rồi; thà nay anh em tha thứ yên ủi, hầu cho người khỏi bị sa ngã vì sự buồn rầu quá lớn. Vậy tôi xin anh em hãy bày tỏ lòng yêu thương đối với người đó.”

Như hồi nãy tôi nói, đôi khi chúng ta không áp dụng kỷ luật trong hội thánh, nhưng ngược lại đôi khi có những tội lỗi mà mình muốn làm lớn chuyện: Mình muốn tẩy chay người phạm tội, muốn người đó bị mất mặt. Mình làm tất cả mọi điều nhưng quên tình yêu thương, quên rằng mục đích của luật pháp là để người phạm tội trở lại con đường ngay thẳng.

II. Khi nào?

a. Tội công khai

Câu hỏi thứ ba là, “Khi nào mình áp dụng luật pháp?” Thưa, thứ nhất là khi đây là tội công khai mà mọi người biết, và vì thế mà danh Chúa bị phỉ báng, hay tội lỗi hoành hành. Câu 1, “Có tin đồn khắp nơi rằng...” Hội thánh chúng ta không phải là cảnh sát. Chúng ta không đặt người rình mò trong nhà người tín đồ. Là mục sư, tôi không theo dõi quý vị. Nhưng nếu có tin xấu đồn ra, thì tôi phải có trách nhiệm đối phó.

Những người phạm tội kín đáo trong phòng phải chịu trách nhiệm trực tiếp với Đức Chúa Trời. Hơn nữa, mình không thể đoán xét người khác dựa vào những điều mình không biết, chẳng hạn như động lực trong lòng một người. Nhưng Phao-lồ không nói ở đây những điều nằm đằng sau những việc làm, nhưng những việc rõ ràng là tội lỗi mà ai cũng công nhận. Đối với những điều đó, chúng ta phải thi hành kỷ luật.

b. Tội xấu xa

Tội cũng phải lớn nữa, lớn bao nhiêu tùy trường hợp. Tôi đã trình bày bối cảnh của thành phố Cô-rinh-tô lúc đó rồi: Về phương diện đạo đức, nó xuống thấp vô cùng. Nhưng Phao-lồ nói ở đây, “1. Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy.” Nếu một người đi thờ phượng mà không đeo cravat, thì ngay cả nếu điều này đi ngược lại với “truyền thống,” cũng không đáng mình để ý.

c. Thiếu ăn năn

Nếu đọc câu “...đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình” trong tiếng Việt, chúng ta không thấy được rõ ràng. Chữ “lấy vợ cha mình” trong tiếng Hy Lạp là trong thể hiện tại, hàm ý một sự liên tục. Ngày này qua ngày kia, tuần này qua tuần kia, ông ăn ở với vợ của cha mình, mà không biết ăn năn. Nếu một người phạm lỗi, dầu nặng đến đâu đi nữa, nhưng đã ăn năn thì mình bỏ qua.

IV. Bằng cách nào?

Bây giờ câu hỏi thứ tư rất quan trọng là "Bằng cách nào?" Đôi khi hội thánh đối phó một cách sai lầm, thiếu tình yêu thương. Chúng ta tìm cách đẩy người phạm tội ra khỏi hội thánh, nhục mạ họ. Hậu quả là chúng ta đem lại tiếng xấu cho người đó, và cho cả hội thánh. Hồi nãy tôi thưa với quý vị là tôi mong chúng ta không bao giờ phải dùng bài giảng này, nhưng tôi cũng mong là chúng ta nhớ bài giảng này khi phải trừng phạt người phạm tội. Lúc đó ai cũng nóng giận, bột chột, và chúng ta cần có người nói, “Ngưng lại, ngưng lại. Chúng ta hãy xem lại lời Chúa, hãy cầu nguyện, để coi Chúa dạy chúng ta làm gì.” Buồn thay, hội thánh nhiều khi không có đủ người trưởng thành trong Chúa để làm chuyện này.

Trước hết, Phao-lồ nói đến thái độ của người Cô-rinh-tô trong câu thứ 2, “Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu!” Chúng ta phải có sự đau buồn, than khóc về những tội lỗi xảy ra trong hội Thánh. Chúng ta phải phải rơi nước mắt, đổ dòng lệ.

Còn phương cách thi hành luật lệ thì như thế nào? Trong câu thứ 5, Phao-lồ nói vắn tắt, “Một người như thế phải phó cho quỉ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Giê-xu.” Chỉ đọc như vậy, chúng ta thấy Phao-lồ quá hấp tấp. Nhưng có lẽ Phao-lồ chỉ là tóm tắt một lời dạy của Chúa Giê-xu trong sách Ma-thi-ơ đoạn 18, từ câu 15. Chúng ta phải nhớ đoạn này khi đối diện với vấn đề luật pháp trong Hội Thánh. Đây là lời dạy dỗ rất khôn ngoan, bao đầy tình yêu thương, với mục đích là để gây dựng người phạm tội, lôi kéo họ trở về đường ngay, chứ không phải để sỉ nhục họ, làm họ mang tiếng.

Ma-thi-ơ 18:15. Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, (có bản không có chữ “cùng ngươi”) thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại.

16. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn.

17. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy.

Theo câu 15, khi biết một người phạm tội, điều đầu tiên là mình đến nói chuyện thẳng với người đó. Có thể khi hai người nói chuyện, mình có dịp nghe người đó giãi bày sự thật, và biết điều mình nghe là không đúng. Cũng có thể sau khi nói chuyện với nhau, người đó nhận tội, và cùng mình cầu nguyện xin lỗi Chúa. Đẹp vô cùng! Không những chuyện này không bể ra tùm lum, nhưng bây giờ người đó sẽ coi mình như người bạn.

Nhưng nếu sau khi mình đến gặp riêng họ, mà người phạm tội vẫn khăng khăng chối, không ăn năn thì sao? Mình cũng không vội đem tội của họ ra đăng trên báo hay trên Internet, để cả thế giới biết. Chúa Giê-xu dạy tiếp trong câu 16, “Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn.” Mình cần thêm một hai người trưởng thành trong Chúa (không nhất thiết là mục sư) đến gặp người đó để nói chuyện thêm. Ít nhất có người làm chứng điều mình nói, và để ý xem thử người đó có thật sự phạm tội hay không, hay thái độ của họ như thế nào.

Câu 17, “Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng hội thánh, lại nếu người không chịu nghe hội thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy.” Lúc đó hội thánh chỉ còn cách dứt phép thông công, như Phao-lồ nói trong câu 5, “Một người như thế phải phó cho quỉ Sa tan.” Khi còn ở trong hội thánh, họ ở trong sự đùm bọc, che chở của Đức Thánh Linh. Nhưng khi bị đuổi ra khỏi hội thánh rồi, họ bước từ quyền lực của Đức Thánh Linh trong sự sáng, đến quyền lực của Sa-tan trong chỗ tối tăm.

Nhưng tại sao Phao-lồ nói thêm là “để hủy hoại phần xác thịt?” Có hai lối dịch từ nguyên bản Hy Lạp. Như ở đây dịch là “xác thịt.” Nếu bị đẩy ra khỏi Hội Thánh, vì tội lỗi, mình không thể có sự bình an được. Mình ngủ không được, bao tử mình sớm bị toét... Nhưng có bản dịch khác, như bản NIV, dịch là “để sự đen tối bị hư hoại đi.” (So that the sinful nature may be destroyed.) Nếu con mình đã lớn tuổi rồi, mà cả ngày nó cứ ở nhà nghe nhạc tục tĩu, rồi sì ke thuốc lá. Nếu là cha mẹ, mình đã khuyên răn, năn nỉ, dạy dỗ không được, thì đến lúc nào đó mình phải đuổi nó ra khỏi nhà. Nhưng mình không nói, “Đi cho khuất mắt, đừng bao giờ trở lại nữa!” Sở dĩ mình đuổi nó ra khỏi nhà là để cho nó biết là bên ngoài khó khăn làm sao, và ở trong nhà với cha mẹ là cả một ơn phước lớn. Mình cho nó biết là, khi nó biết ăn năn hối cải, mình sẵn sàng đưa tay đón nó về, như người cha đón người con hoang đàng.

Đó là thái độ của sự dứt phép thông công. Xin đừng cảm thấy lý thú khi mình đẩy được một người ra khỏi hội thánh, để khi gặp nhau ngoài đường mình ngoảnh mặt làm ngơ. Đây là một quyết định tập thể, và chúng ta chỉ làm trong tình yêu thương, trong sự đau đớn, sau khi đã cầu nguyện thiết tha với Chúa.

Tôi xin tóm tắt ở đây trước khi chúng ta cầu nguyện: Tôi mong rằng Hội thánh này không bao giờ phải đi đến tình trạng phải áp dụng bài học ngày hôm nay. Nhưng khi phải áp dụng, tôi hy vọng có người nhớ lại bài giảng ngày hôm nay, và mời mọi người cầu nguyện trước, để tìm cách giải quyết vấn đề trong tình yêu thương. Thứ nhất, ai thi hành kỷ luật? Không phải mục sư, nhưng cả hội thánh. Ai phải chịu kỷ luật? Chỉ người tín đồ mà thôi. Tại sao chúng ta phải áp dụng luật lệ? Thứ nhất là để bảo vệ danh Chúa, thứ hai để bảo vệ hội thánh, và thứ ba để người phạm tội trở lại con đường ngay. Khi nào? Khi tội lỗi rõ ràng, có thể làm tổn hại danh Chúa, và khi người phạm tội không ăn năn hối cải, cứ tiếp tục phạm tội. Và chúng ta phải làm trong sự than khóc cho tội lỗi, và cho người đó. Chúng ta phải áp dụng luật lệ với đầy tình yêu thương, một cách nhẹ nhàng, đi từ một đến hai, ba người, trước khi ra trước hội thánh. Cuối cùng, nếu phải dứt phép thông công, chúng ta làm như mình bị đứt ruột, chứ không để mình tống khứ một người mình không thích ra khỏi hội thánh của Chúa.

Mục sư Đỗ Lê Minh