Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 6 | Hướng Dẫn

Bài 7

TÌNH DỤC VÀ HÔN NHÂN

I CÔ-RINH-TÔ 7:1-9

 

Kính thưa quý vị, hôm nay chúng ta vui mừng đón chào cặp vợ chồng mới là thầy cô Bạch. Hôm nay cũng đúng lúc chúng ta học một đoạn trong kinh Thánh nói về tình yêu và gia đình, và đặc biệt về vấn đề tình dục, mà tôi nghĩ rất là cụ thể và thích hợp cho những gia đình trẻ. Chưa bao giờ tôi nghe mục sư nào giảng theo sách Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 7 này cả. Có lẽ vì đề tài này quá “lộ liễu,” không được thanh tao, tình tứ bằng những đoạn khác như Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 13, nên có ít người giảng. Nhưng tôi nghĩ đoạn này sẽ cho chúng ta những bài học rất có giá trị trong đời sống gia đình.

Cho tôi đọc sách Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 7 từ câu 1 đến câu 9:

1. Luận đến các điều hỏi trong thơ anh em, tôi tưởng rằng đờn ông không đụng đến đờn bà là hay hơn.

2. Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đờn ông phải có vợ, mỗi người đờn bà phải có chồng.

3. Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy.

4. Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là vợ.

5. Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỉ Sa-tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng.

6. Ấy đó là sự tôi thuận cho phép, chớ chẳng phải sự tôi truyền biểu.

7. Tôi muốn mọi người đều được giống như tôi; song mỗi người đã được ban riêng cho mình bởi Đức Chúa Trời, người nầy thể nầy, kẻ kia thể khác.

8. Vậy, tôi nói với những kẻ chưa cưới gả, và kẻ góa bụa rằng ở được như tôi thì hơn.

9. Song nếu họ chẳng thìn mình được, thì hãy cưới gả; vì thà cưới gả còn hơn để cho lửa tình un đốt.

1. Gia đình và tình dục

Phao-lồ bắt đầu đoạn Kinh Thánh này bằng câu “Luận đến những điều hỏi trong thơ anh em...” Trước kia ông bàn đến những chuyện mà ông nghe đồn, nhưng bây giờ ông trả lời một bức thơ gởi từ Cô-rinh-tô qua. Ông bàn đến một số vấn đề cụ thể như “Đàn ông có nên đụng đến đàn bà hay không?” Chữ “đụng đến đàn bà” đây là một cách nói thanh tao về vấn đề tình dục, chứ không phải những hành động như bắt tay người khác phái.

Chúng ta phải phân biệt hai vấn đề, mà nhiều khi chúng ta lầm lẫn. Một đằng Phao-lồ nói đến chữ “tình dục” (Có nên có tình dục hay không?), và đằng khác ông nói đến chữ “gia đình” (Có nên có gia đình hay không?). Trong thế kỷ thứ nhất, ở hội thánh Cô-rinh-tô có hai loại người. Thứ nhất là người Do Thái, là những người rất trọng việc có gia đình. Người đàn ông trên 18 tuổi phải có bổn phận lập gia đình; không có vợ là không được lên thiên đàng nữa! Nhưng đồng thời cũng có những người Hy Lạp. Những người này, ngược lại, nghĩ là tin Chúa thì phải sống đời sống thanh sạch, thành ra không nên có gia đình. Không những như vậy, bên ngoài hội thánh lúc đó có phái Hưởng Lạc, cho là tình dục là chuyện xác thịt, và vì xác thịt không quan trọng, mình cứ thụ hưởng. Cũng có một phái khác gọi là phái Khắc Kỷ, coi những điều liên hệ đến xác thịt là dơ bẩn.

Có gia đình

Không có gia đình

Có tình dục

Trường hợp 1

Trường hợp 3

Hưởng Lạc

Không có tình dục

Trường hợp 2

Trường hợp 4

Khắc Kỷ

Do Thái

Hy lạp

Có 4 trường hợp: Trường hợp thứ nhất: có gia đình, và có tình dục; Trường hợp thứ hai: có gia đình, nhưng không có tình dục; Trường hợp thứ ba: không có gia đình, nhưng có tình dục; Trường hợp thứ tư: không có gia đình, và cũng không có tình dục. Trong Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 6, Phao-lồ nói đến trường hợp thứ ba. Đó là tình dục bên ngoài hôn nhân, như đĩ điếm. Bây giờ trong đoạn 7, Phao-lồ nói đến những trường hợp khác. Hôm nay, chúng ta trước tiên bàn đến sự chọn lựa giữa trường hợp 1 và trường hợp 4. Sau đó, chúng ta sẽ bàn đến sự chọn lựa giữa trường hợp 1 và trường hợp 2.

1. Trường hợp 4: Không nên có gia đình, nếu có ơn

Trước hết câu hỏi đặt ra là chúng ta nên có gia đình, có vợ có chồng hay không. Trong bản dịch tiếng Việt, câu 1 có vài chỗ sai lầm. Thứ nhất là trong nguyên bản không có chữ “tôi tưởng rằng,” thành ra mình có thể hiểu câu “Đàn ông không đụng đến đàn bà là hay hơn” không phải là ý kiến của Phao-lồ, nhưng chỉ là đề tài của vấn đề. Hơn nữa, trong nguyên bản không có sự so sánh, không nói là hay “hơn.” Tôi có thể dịch như thế này: “Luận đến những điều hỏi trong thơ anh em: Đàn ông không đụng đến đàn bà thì tốt.” (Bản NIV dịch là, “Now for the matters you wrote about: It is good for a man not to marry.”) Cũng vậy, câu thứ 8 dịch là, “Vậy, tôi nói với những kẻ chưa cưới gả, và kẻ góa bụa rằng ở được như tôi thì hơn,” nhưng nguyên bản không có sự so sánh “thì hơn.” Tôi cũng có thể dịch là, “... ở được như tôi thì tốt.” (Bản NIV dịch là, “It is good for them to stay unmarried, as I am.”)

Không ai biết rõ Phao-lồ trước khi viết thơ này có vợ không. Có người nói là ông không bao giờ lấy vợ, nhưng có nhiều bằng cớ cho thấy là ông đã một lần có vợ. Như tôi nói hồi nãy, người Do Thái coi một người nào 18 tuổi mà chưa có vợ là “phó thường dân,” là “đồ bỏ.” Nhưng Phao-lồ không phải là “đồ bỏ” trong cộng đồng Do Thái. Không những là một thầy Rabbi, ông còn là thành viên của Sanhedrin, một tổ chức lãnh đạo tối cao của xã hội Do Thái lúc đó. Thành ra ông phải có vợ. Nhưng lúc viết bức thơ này, rõ ràng là ông không có vợ. Có giả thiết nói là vợ ông đã bỏ ông khi ông tin Chúa; có giả thiết khác cho là bà đã chết. Dầu sao đi nữa, điều quan trọng là Phao-lồ nói trong câu 7, bây giờ tôi không có vợ và “tôi muốn mọi người đều được giống như tôi.”

Nói như vậy không có nghĩa là Phao-lồ nói không có vợ tốt hơn có. Trong Ti-mô-thê thứ nhất đoạn 4 từ câu 1 đến câu 3, ông viết, “Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ, bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì, họ sẽ cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên.” Ở đây Phao-lồ nói những người dạy đạo lạc cấm cưới gả. Thành ra ông không cấm cưới gả. Nói chung, Phao-lồ chỉ muốn nói: “Không có vợ như tôi là tốt.”

Phao-lồ nói thêm một điều rất rõ ràng trong câu 7, “Song mỗi người đã được ban riêng cho mình bởi Đức Chúa Trời, người nầy thể nầy, kẻ kia thể khác.” Đại khái, Phao-lồ nói không có vợ là điều tốt, nhưng muốn như vậy, phải có được “ơn riêng” của Đức Chúa Trời. Trong câu 9, Phao-lồ gọi ơn đó là ơn “thìn mình,” tức là ơn tự kiềm chế để không bị “lửa tình un đốt.” Mỗi người chúng ta ai cũng có đòi hỏi về xác thịt, nhưng có người không bị bận tâm nhiều về nó, có người cả ngày cứ nghĩ đến nó. Người có ơn thìn mình không để những đòi hỏi về xác thịt điều khiển, lôi kéo, bắt mình phải đi tìm những giải pháp sinh dục.

Phải hiểu là ơn là để dùng cho hội thánh, chúng ta mới hiểu câu 32, “Vả, tôi muốn anh em được thong thả chẳng phải lo lắng gì. Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng.” Phao-lồ muốn nói là, nếu có ơn thìn mình, thì ở vậy để chăm lo công việc nhà Chúa tốt hơn là lấy vợ lấy chồng. (Trường hợp 4)

 

Có gia đình

Không có gia đình

Không có ơn thìn mình

Trường hợp 1

 

Có ơn thìn mình

 

Trường hợp 4

2. Trường hợp 1: Nên có gia đình nếu không có ơn

Tuy nhiên, nếu không có ơn “thìn mình,” thì “thà cưới gả còn hơn để cho lửa tình un đốt,” rồi đi tìm những giải pháp không đẹp lòng Chúa. Phao-lồ nói trong câu 2, “Cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đờn ông phải có vợ, mỗi người đờn bà phải có chồng.”

Chúa cho người này ơn thìn mình, và không cho người kia. Đây là quyền của Chúa. Mình có thể cầu nguyện xin ơn đó, nhưng cuối cùng có hay không là do Chúa. Chuyện nên lấy vợ lấy chồng hay không tùy thuộc vào một khía cạnh mà mình không điều khiển được. Vì thế, chúng ta không nên so sánh trường hợp 1 với trường hợp 4, nói người có ơn ở vậy là hơn người không có ơn, hay người có gia đình là hơn người không có. Chúng ta cũng phải hiểu là có rất nhiều khía cạnh khác rất phức tạp trong đời sống, khiến chúng ta có nên lập gia đình hay không. Phao-lồ không chê trách những không có ơn thìn mình, nhưng vì hoàn cảnh, hay vì lý do nào đó, mà không có gia đình.

Có hai khuynh hướng hoàn toàn sai lầm. Một khuynh hướng là như bên Công Giáo, bắt buộc người hầu việc Chúa phải ở vậy. Đối với một linh mục có ơn ở vậy thì đúng rồi; nhờ đó ông có thể tập trung tư tưởng chăm lo công việc Chúa. Nhưng có nhiều linh mục không có ơn đó, đành để lửa tình un đốt, và kết quả là chúng ta nghe bao nhiêu chuyện bậy bạ xảy ra ở trong hội thánh, mà báo chí phơi bày, làm xấu danh Chúa. Trong lúc đó, dù không quá đáng như vậy, người Tin Lành chúng ta thường cho là có gia đình tốt hơn là không. Mục Sư mà chưa có vợ chắc không thành công. Thưa, suy nghĩ đó cũng sai lầm. Hội thánh Việt Nam có một vị mục sư mà cha mẹ ông đặt cho ông một cái tên có nghĩa là “ông chồng,” nhưng ai cũng biết ông là không có vợ, và ông đã dành trọn đời ông hầu việc Chúa.

Tóm lại, chúng ta không nên so sánh giữa người có vợ và người không có vợ. Chỉ có người đó mới biết mình có ơn điều khiển những dục tình trong mình hay không mà thôi.

Có vài điều hơi lạc đề một tý, nhưng cho tôi chia xẻ ở đây. Thứ nhất, câu này chống lại việc đồng tình luyến ái: Đàn ông phải có vợ, và đàn bà phải có chồng. Thứ hai, câu này chống lại tình dục trước hôn nhân. Phao-lồ không nói là mỗi người phải có người yêu, nhưng phải có chồng có vợ.

II. Tình dục trong hôn nhân

Bây giờ tôi muốn nói với những người có gia đình. Có nhiều trường hợp mà ở ngoài thì có vợ, có chồng, nhưng ban đêm không có chuyện phòng the (Trường hợp 2). Ở Cô-rinh-tô có người đã có gia đình trước khi tin Chúa. Nhưng sau khi tin Chúa, họ thấy chuyện tình dục là xấu xa, thành không thèm chung đụng với người chồng hay vợ mình nữa. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong gia đình.

1. Tình dục là tốt

Trước hết, kinh thánh không bao giờ nói tình dục trong hôn nhân là xấu xa. Ngược lại, kinh thánh cho tình dục là điều tốt lành. Tốt lành không phải chỉ để có con cái nối dõi tông đường. Đó là một trong những lý do Chúa cho mình tình dục, nhưng không phải là lý do độc nhất. Chúa cũng cho tình dục trong hôn nhân như một “khoái lạc” trong “tứ khoái” mà Chúa ban, để mình thụ hưởng. Nếu đọc Nhã Ca, quý vị sẽ thấy tác giả diễn tả những khoái lạc trong tình dục. Hôm nay chúng ta đọc Châm Ngôn đoạn 5 câu 15, “Hãy uống nước hồ con chứa, Và nước chảy trong giếng con.” (Đọc câu này, tôi nhớ lại châm ngôn Việt Nam: “Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”) Châm ngôn đoạn 5 câu 18,

“Nguyện nguồn mạch con được phước;

Con hãy lấy làm vui thích nơi vợ con cưới buổi đang thì,

Như nai cái đáng thương, và hoàng dương có duyên tốt,

Nguyện nương long (tức là bộ ngực) nàng làm thỏa lòng con luôn luôn,

Và ái tình nàng khiến cho con say mê mãi mãi.”

Xin quý vị đừng nghĩ chuyện tình dục vợ chồng là xấu xa, dơ bẩn, không được thiêng liêng.

2. Đừng từ chối nhau

a. Làm hết bổn phận

Điều quan trọng mà tôi xin nhấn mạnh là Phao-lồ nói rất rõ ràng, “Đừng từ chối nhau.” (Câu 5) Ông giải thích từ câu 3, “Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình bèn là vợ.”

“Làm hết bổn phận” trong nguyên bản có nghĩa là trả nợ. Người ngoài nhìn tình dục một chiều, để mình thụ hưởng. Người Việt Nam có chữ “chiếm đoạt” một người, bày tỏ một thái độ ích kỷ. Nhưng kinh thánh nói, trong gia đình, tình dục là bổn phận, là cái nợ mình phải trả cho người phối ngẫu, chứ không phải là một quyền lợi của mình. Chúng ta không còn sở hữu thân thể mình nữa, nhưng người vợ hay người chồng của mình. Chúng ta có bổn phận phải thỏa mãn những nhu cầu của người vợ, người chồng đó, chứ không phải người đó phải thỏa mãn những nhu cầu của mình.

Đôi khi người ta dùng tình dục như một khí cụ để điều khiển người khác; đôi khi như một phần thưởng, một con mồi để buộc người vợ hay chồng mình làm những điều mình muốn. Nếu không làm thì mình phạt bằng cách từ chối tình dục. “Nếu anh chưa đỗ thì chưa động phòng....” Thái độ đó hoàn toàn khác hẳn với cái nhìn của Phao-lồ ở đây. Mình phải có bổn phận thỏa mãn nhu cầu của người phối ngẫu, chứ không phải ngược lại. (Nếu có người vợ, người chồng nào nhớ điều này, tôi nghĩ bài giảng hôm nay của tôi là đủ rồi.)

b. Bổn phận hỗ tương

Cái đẹp ở đây là sự hỗ tương. Đọc câu 4, “Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng,” mấy ông Do Thái thời đó khoái lắm, cười ha hả. Nhưng khi Phao-lồ viết thêm câu tới, mấy ông tái mặt, vì chưa bao giờ mấy ông nghĩ được chuyện này: “Chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là vợ.” Trong hôn nhân hai người là một, chồng sở hữu thân thể của người vợ, vợ cũng sở hữu thân thể người chồng.

Có những tình dục sai trật, bậy bạ, trong đó người chồng cho mình có quyền trên người vợ, và bắt người vợ làm những hành động mà người vợ không thích. Nhưng mình phải nhớ là hai bên sở hữu lẫn nhau, và hai bên phải đồng ý với nhau, phải cùng nhau thụ hưởng món quà này, trước khi nó có ý nghĩa. Vâng, người chồng là chủ gia đình, nhưng đối với vấn đề tình dục, chồng nợ vợ, và vợ nợ chồng.

c. Bổn phận dài lâu

Bổn phận này cũng phải dài lâu nữa. Không phải lúc mới lập gia đình thì hai bên đều thụ hưởng, rồi như những người Cô-rinh-tô này, tin Chúa xong, thì thành quá thiêng liêng mà xao lãng tình dục. Phao-lồ nói trong câu 5, “Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau.”

Để ý là Phao-lồ đề cập đến một trường hợp chính đáng khiến vợ chồng ngưng tình dục, đó là “để chuyên việc cầu nguyện.” Có bao giờ hai vợ chồng đồng ý ngưng chuyện tình dục một thời gian để kiêng ăn cầu nguyện hay không? Phao-lồ cũng nói thêm là hai bên phải ưng thuận với nhau. Không thể nào một người tự nhiên nói, “Hôm nay tôi phải cầu nguyện, thành ra tôi không cho ông (hay bà) đụng đến tôi.” Chẳng thà bà ấy nói, “Bữa nay em bận quá,” thì mình có thể nói, “Để anh làm giúp em;” nhưng khi bà ấy đem những điều thiêng liêng đó ra, thì mình cảm thấy không thiêng liêng bằng, và đành chịu thua thôi. Chúng ta không thể dùng chuyện thiêng liêng để chạy nợ. Không những có sự thỏa thuận ngưng lại, nhưng cũng sự thỏa thuận khi nào trở lại nữa.

3. Kẻo Sa-tan cám dỗ

Phao-lồ kết luận rằng, nếu không theo những lời dạy trên, chúng ta chỉ tạo duyên cớ để Sa-tan cám dỗ thôi. Câu 5, “Kẻo quỉ Sa-tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng.” Thứ nhất Sa-tan cám dỗ bằng cách làm cho chúng ta cảm thấy bực bội. Xin nhớ rằng nếu một người không có ơn thìn mình mà không thỏa mãn được, thì có một sự bực bội, càu nhàu, khó chịu. Và khi người đó đi kiếm một người khác để thỏa mãn nhu cầu mình, thì Sa-tan chiến thắng, cười hả hả. Không phải không có tình dục trong hôn nhân là trong sạch, nhưng thiếu tình dục trong hôn nhân là sự cám dỗ, đưa đến những sự đồi trụy bên ngoài hôn nhân.

Mục sư Đỗ Lê Minh