Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 7 | Hướng Dẫn

Bài 8

TỰ DO TRONG TÌNH YÊU

I CÔ-RINH-TÔ 8:1-13

 

Hôm nay tôi xin chia xẻ với quý vị một vấn đề có vẻ cổ lỗ sĩ rồi, không còn thích hợp gì với thời đại của chúng ta nữa. Nhưng khi nghiên cứu thêm, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi, áp dụng được trong ngày hôm nay. Đề tài Phao-lồ muốn bàn ở đây được ghi lại trong cuốn sách Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 8, nói về vấn đề ăn của cúng thần tượng. Chúng ta sẽ thấy, mặc dầu vấn đề này không còn trong Hội Thánh chúng ta nữa, nhưng cách giải quyết vấn đề là điều chúng ta cần phải học hôm nay.

Tôi xin đọc Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 8, từ câu 1 đến câu 13:

1. Luận đến của cúng các thần tượng thì chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả. Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt.

2. Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết.

3. Nhưng nếu có một người yêu mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó.

4. Vậy, về sự ăn ở của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác.

5. Thật người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều Chúa),

6. về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Giê-xu Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.

7. Nhưng chẳng phải mọi người đều có sự hay biết đó. Một đôi người vì nghĩ thường có thần tượng, nên khi ăn của cúng tế đó cho là của cúng tế thần tượng; thì lương tâm yếu đuối của họ bởi đó ra ô uế.

8. Vả, ấy chẳng phải là đồ ăn làm cho chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời; nếu chúng ta ăn, chẳng được ích gì, bằng không ăn, cũng chẳng tổn gì.

9. Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm.

10. Bởi vì, nếu có kẻ lương tâm yếu đuối thấy ngươi là người có sự hay biết ngồi ăn trong miếu tà thần, thì há chẳng cũng bắt chước mà ăn của cúng tế sao?

11. Thế thì ngươi lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho!

12. Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ.

13. Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi.

Cho tôi nói đến bối cảnh của vấn đề trước. Trong thành phố Cô-rinh-tô ở thế kỷ thứ nhất, người ta thờ thần tượng rất nhiều. Người ta thường nghĩ rằng thịt mình mua ngoài tiệm bị quỷ ám. Thành ra, trước khi ăn, người ta đem thịt đó đến đền thờ thần A-bô-lô để dâng thịt lên. Sau khi thịt được dâng lên, thịt được chia làm ba phần: 1/3 đốt đi để cúng cho thần, 1/3 dâng lại cho thầy tế lễ, và 1/3 đem về ăn. Vấn đề là các thầy tế lễ được dâng quá nhiều thịt, nên phải mang thịt ra ngoài chợ bán lại để lấy tiền. Thành ra, khi một người tín đồ Đấng Christ cần mua thịt ăn, rất có thể thịt mua đã được cúng trên bàn thờ thần A-bô-lô rồi. Câu hỏi họ đặt ra là, “Chúng tôi có thể ăn thịt mua ngoài chợ hay không?”

Ngoài ra, sau khi dâng thịt, đôi khi người ta không đem thịt về nhà ăn, nhưng tổ chức một bữa tiệc ngay đền thờ, và mời họ hàng đến ăn chung. Nếu một người trước kia thờ thần tượng bây giờ tin Chúa được mời dự một bữa tiệc trong đền thờ thần A-bô-lô, thì họ cũng không biết mình có nên đến ăn hay không.

Trong hội thánh Cô-rinh-tô lúc đó có hai khuynh hướng. Một khuynh hướng có thể gọi là “khuynh hướng tự do,” nói là, “Bây giờ tin Chúa rồi, mình có tự do, ăn gì cũng được, không sao hết.” Ngược lại, khuynh hướng thứ hai nói, “Tin Chúa rồi, mình không được ăn thịt cúng thần tượng. Thành ra hội thánh viết thơ hỏi Phao-lồ có nên ăn thịt cúng hay không. (Tôi muốn nói rõ là đây chỉ bàn đến vấn đề ăn thịt cúng thôi. Trong chương 10, Phao-lồ nói rất rõ ràng là mình không thờ phượng các thần khác.)

Vấn đề này hôm nay không còn nữa. Mua thịt bán ngoài chợ, mình biết là thịt này chưa bao giờ được cúng cho thần nào hết. Nhưng có rất nhiều vấn đề cũng giống như vấn đề đang bàn ở đây, và tôi xin đơn cử một vài vấn đề thôi. Người tín đồ có nên uống rượu, hút thuốc, đánh bài, nhảy đầm, mua vé số... hay không? Mình có nên sửa sắc đẹp hay không? Tiệc thánh nên có rượu hay không? Lễ Giáng Sinh nên có cây Giáng Sinh, hay ông già Noel hay không? Con mình muốn mình hóa trang cho nó thành quái vật trong ngày Hallowen, mình có nên làm hay không? Đặc biệt, mình có nên ăn giỗ hay không? Thấy có một bàn thờ thật to trước một tiệm ăn, mình có nên bước vào đó hay không? Hôm nay tôi xin rút tỉa từ cách Phao-lồ giải quyết vấn đề ăn thịt cúng vài nguyên tắc để chúng ta biết mình phải làm gì, khi đối diện với những điều tôi vừa kể.

Có hai câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra khi đối diện với những vấn đề này. Tôi xin đưa hai câu hỏi này trước, và sẽ phân tích sau:

1. “Liệu điều tôi làm có thích hợp với kinh thánh hay không?” và

2. “Liệu điều tôi làm có làm vấp phạm người khác hay không?”

I. Tự do trong hiểu biết: Kinh thánh có cấm hay không?

Chúng ta cần đặt câu hỏi “Kinh thánh nói gì?” khi đối diện với những vấn đề mà chúng ta không biết có nên làm hay không. Chúng ta sẽ thấy có những điều kinh thánh cấm rất rõ ràng, và như thế, mình phải tuân theo. (Dầu vậy, đôi khi vì quá muốn làm những điều đó, có người vẫn ráng bào chữa cho hành động của mình. Giả sử như khi thương một người không tin Chúa, các thanh niên thường bào chữa, “Tôi sẽ đem tin lành đến cô - hay anh đó - đó sau khi lập gia đình.”) Ngược lại, có nhiều điều kinh thánh không cấm, và nếu thế, chúng ta có sự tự do làm. Chúng ta có sự tự do uống rượu, hút thuốc, đi Las Vegas đánh bài,...

Cho tôi gọi sự tự do làm những điều mà kinh thánh không cấm là sự tự do trong hiểu biết. Nhưng khi quyết định dựa vào sự hiểu biết của mình về kinh thánh, chúng ta gặp hai vấn đề sau đây:

1. Sự hay biết giới hạn

Điều khó khăn là sự hiểu biết của mình rất giới hạn. Trong xác thịt này, mình không hiểu rõ được những sự nhiệm mầu của Thượng Đế. Có rất nhiều điều mình không biết đủ, và phải chờ đến ngày gặp Chúa mình mới biết tận tường. Phao-lồ nói trong câu 2, “Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết.” Vì thế, khi đối diện với một vấn đề, nhiều khi chúng ta không có câu trả lời cho câu hỏi “Kinh thánh nói gì?” (Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta ngưng học kinh thánh. Ngược lại, chúng ta càng phải luôn luôn tìm tòi, học hỏi kinh thánh, để biết rõ hơn kinh thánh khuyên mình làm gì, và không cho mình làm gì.)

Cũng có rất nhiều điều mà kinh thánh im lặng, không khuyến khích, mà cũng không cấm. Chúng nằm chính giữa, không trắng, không đen. Trở lại việc ăn thịt cúng, về câu hỏi thứ nhất, Phao-lồ trả lời trong câu 4, “Vậy, về sự ăn của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác. Thật người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều Chúa), về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Giê-xu Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.” Phao-lồ nhấn mạnh là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu là một, và là Đấng Sáng Tạo muôn vật. Vì thế, những tượng trong đền thờ các thần khác chỉ là những vật do con người làm nên bằng gỗ, đá. Mặc dầu có người gọi chúng là thần là chúa, không phải vì vậy mà chúng thật sự là thần là chúa. Vì vậy, Phao-lồ trả lời câu hỏi “Kinh thánh có cấm hay không?” trong câu 8 như thế này, “Vả, ấy chẳng phải là đồ ăn làm cho chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời; nếu chúng ta ăn, chẳng được ích gì, bằng không ăn, cũng chẳng tổn gì.” Đây là một ví dụ trong đó kinh thánh nói làm cũng được, không làm cũng được.

2. Sự hay biết sanh kiêu căng

Phao-lồ cũng nói trong câu thứ nhất, “Song sự hay biết sanh kiêu căng.” Đằng sau vấn đề ăn của cúng các thần tượng, có một số người theo khuynh hướng tự do, chủ trương là mình làm gì cũng được. Đọc đoạn này, chúng ta có thể đoán được lý do họ viết thơ hỏi Phao-lồ về vấn đề này: Họ muốn lôi kéo Phao-lồ về phe mình; họ muốn Phao-lồ xác nhận là họ đúng; họ muốn trưng dẫn thơ này trước Hội Thánh để nói, “Thấy không, chúng tôi đúng, và mấy anh sai rồi.” Họ muốn tâng bốc mình lên, chứng tỏ mình đúng, và người khác sai.

Thành ra khi mình dùng kiến thức mình về kinh thánh để quyết định có nên làm một điều nào đó hay không, mình phải nhớ hai điều mà Phao-lồ cảnh cáo ở đây: Thứ nhất, kiến thức của mình về những điều thuộc linh không bao giờ đủ, không cho chép mình có một quyết định dứt khoát mọi vấn đề. Thứ hai, quan trọng hơn, dùng kiến thức của mình về kinh thánh để quyết định nhiều khi đưa đến thái độ kiêu ngạo. Nhưng dầu sao đi nữa, muốn biết có nên làm một điều nào đó hay không, câu hỏi trước nhất mà chúng ta phải hỏi là kinh thánh có cấm chúng ta làm hay không.

II. Tự do trong tình yêu: Có xui anh em tôi vấp phạm hay không?

Nhưng chấm dứt ở đây là hoàn toàn sai lầm. Mình phải hỏi câu hỏi kế tiếp là, “Nếu kinh thánh không cấm, thì liệu điều mình sắp làm có làm tổn thương người khác, hay có ảnh hưởng xấu với người khác hay không?”

Về vấn đề ăn của cúng, Phao-lồ cũng trả lời trong câu 7, “Nhưng chẳng phải mọi người đều có sự hay biết đó. Một đôi người vì nghĩ thường có thần tượng, nên khi ăn của cúng tế đó cho là của cúng tế thần tượng; thì lương tâm yếu đuối của họ bởi đó ra ô uế.” Qua câu thứ 9, “Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm. Bởi vì, nếu có kẻ lương tâm yếu đuối thấy ngươi là người có sự hay biết ngồi ăn trong miếu tà thần, thì há chẳng cũng bắt chước mà ăn của cúng tế sao? Thế thì ngươi lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho! Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ. Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi.”

Đại khái Phao-lồ nói như thế này, “Anh em hỏi có nên ăn thịt cúng hay không, thì tôi không cấm. Nhưng bây giờ anh em cũng phải nghĩ đến người khác nữa, vì trong hội thánh có nhiều người không biết điều này. Nếu những người mới tin Chúa thấy anh em ăn thịt đã cúng trong đền thờ A-bô-lô thì họ nghĩ thế nào? Có thể họ sẽ bắt chước.” Vâng, đặc biệt là khi chúng ta đem một người về với Chúa, họ rất quý trọng chúng ta, và họ luôn muốn theo gương chúng ta. Bây giờ nếu họ thấy chúng ta mua thịt cúng về ăn, thì họ sẽ bắt chước. Và như vậy thì có hai trường hợp có thể xảy ra.

Chúng ta phải nhớ rằng, có thể họ không hiểu là chỉ có một Đức Chúa Trời thôi, còn các thần khác chỉ là vật thọ tạo. Trường hợp thứ nhất có thể xảy ra là họ bắt đầu nghĩ trong đầu, “Thần A-bô-lô với Chúa Giê-xu cũng chỉ là thần thôi. Đi nhà thờ cũng được; đi thờ phượng trong đền thờ A-bô-lô cũng được. Đạo nào cũng tốt. Một vai mình thờ Phật, một vai mình thờ Chúa Giê-xu càng tốt. Thành ra khi ăn thịt cúng, chúng ta làm niềm tin của họ thành sai trật.

Trường hợp thứ hai có thể xảy ra là, khi họ đã biết rõ hơn là chỉ có một Đức Chúa Trời thôi, thì khi thấy chúng ta ăn thịt cúng, hay khi bắt chước chúng ta ăn thịt cúng, họ cảm thấy không được vui; họ cảm thấy trong lòng như họ đang làm điều gì nghịch lại với Thượng Đế.

Trong cả hai trường hợp, việc ăn thịt cúng của chúng ta làm cho họ bị vấp ngã. Phao-lồ vì thế kết luận trong câu 13, “Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi.”

Hồi nãy mình nói, nếu kinh thánh không cấm thì mình có sự tự do làm. Tôi gọi đó là sự tự do trong hiểu biết. Nhưng bây giờ cho tôi bàn về sự tự do trong tình thương.

Trước hết cho tôi bàn tới chữ “tự do” trước. Khi đi tìm tự do, chúng ta tìm cái gì? Có phải tự do là muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói không? Nếu mình rời bỏ Việt Nam vì ở đó thiếu tự do, thì tại sao mình qua nước Mỹ? Vì nước Mỹ cũng không phải là nước tự do theo nghĩa đó. Ở đây, nếu trần truồng đi ra ngoài đường, chúng ta sẽ bị bắt ngay. Nếu muốn hoàn toàn có tự do như thế, chúng ta chỉ có một cách mà thôi, đó là đi ra một hoang đảo nào đó sống một mình. Ở đó, chúng ta muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi, và không muốn mặc quần áo cũng được. Nhưng đó có phải là tự do mình muốn không? Chúng ta phải nhớ là chúng ta không sống trong chân không, hay trong một hoang đảo. Chúng ta sống với người khác, và sự tự do của chúng ta phải bị giới hạn bởi sự tự do của người khác.

Đó là sự tự do nói chung, bây giờ chúng ta bàn thêm về sự tự do trong Chúa. Trước khi tin Chúa, mình ở trong sự tối tăm, làm nô lệ cho tội lỗi. Bây giờ mình đã tin Chúa, được đem ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Nhưng không phải vì thế mà mình được tự do muốn làm gì thì làm, như đang sống trên một hoang đảo. Đúng hơn, mình vượt ra khỏi sự tối tăm đó, để bước vào vòng tay của Đức Chúa Giê-xu Christ. Thay vì làm nô lệ cho tội lỗi, cho Sa-tan, bây giờ mình trở thành nô lệ cho Đức Chúa Trời. Bây giờ được tự do trong Chúa, chúng ta chỉ làm những điều Chúa muốn chúng ta làm thôi, chứ không phải những điều chúng ta muốn làm.

Thế thì điều gì Chúa muốn chúng ta làm? Có hai điều, ấy là yêu Chúa và yêu người. Sự tự do trong Chúa phải là sự tự do trong tình yêu thương. Chúa là tình yêu thương, Chúa muốn mình yêu thương người khác, và sự tự do của mình phải được giới hạn trong tình yêu thương đó. Phao-lồ so sánh sự tự do trong hiểu biết với sự tự do trong tình yêu thương trong câu 1, “Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt.” Làm gương tốt để gây dựng người khác.

Nếu chỉ dựa vào kiến thức để giải quyết một vấn đề, chúng ta nhìn đầu óc mình, và hỏi, “Kinh thánh dạy tôi điều gì?” Ngược lại, để giải quyết một vấn đề trong tình yêu thương, chúng ta không nhìn mình, nhưng nhìn người khác, và hỏi, “Điều mình sắp làm có ảnh hưởng gì đến người khác hay không?” Sự tự do dựa vào kiến thức nhìn vấn đề một cách tổng quát, sách vở - nếu điều này xảy ra, thì tôi được làm điều này, hay không được làm điều kia. Nhưng sự tự do trong tình yêu thương buộc tôi nhìn vấn đề một cách đặc thù, trực tiếp đến những người trong cuộc. Nếu tôi được mời ăn của cúng, và nếu tôi dùng kiến thức, thì sẽ nói, “Ăn cũng không sao!” Nhưng khi tôi nghĩ đến sự tự do trong tình yêu thương, thì tôi bắt đầu nhìn người khác, và xem hành động của tôi có ảnh hưởng gì đến người khác hay không. Và tôi không nghĩ đến người khác một cách chung chung, nhưng đến từng cá nhân một: người anh, người em, người chị, người bạn, người bà con của mình.

Có một người Hồi Giáo nọ tin Chúa. Hôm nọ nhà thờ đãi tiệc, và trong bữa tiệc đó có thịt heo. Thấy thịt heo, ông không ăn, và những người trong nhà thờ cười ông, nói rằng ông này chưa được “giải thoát,” chưa biết rõ chân lý. Nhưng ông giải thích như vầy: “Một ngày nào đó tôi sẽ về lại quốc gia tôi. Và tôi biết câu hỏi đầu tiên mà ba má tôi sẽ hỏi là ở ngoại quốc có bao giờ tôi ăn thịt heo hay không. Đó là điều ba má tôi rất quan tâm. Nếu tôi xác nhận là có, phản ứng đầu tiên của hai ông bà là đá tôi ra khỏi nhà, không thèm nói chuyện với tôi nữa. Nhưng nếu tôi phủ nhận, tôi mới có dịp nói chuyện với hai ông bà về niềm tin của mình.” Quý vị thấy, đây không còn là lý thuyết trên đầu, hay nói đến những người không có bộ mặt, nhưng đây liên hệ đến ba má ông mà ông yêu thương.

Giả sử có người mời tôi đi ăn giỗ. Dĩ nhiên tôi nói rõ, “Tôi không cúng tế ai hết. Tôi chỉ thờ phượng Đức Chúa Giê-xu Christ mà thôi.” Nhưng người ấy vẫn mời tôi, và nói, “Chúng tôi chỉ mời ông dự tiệc chung với chúng tôi sau khi chúng tôi cúng thôi,” thì tôi phải đối xử làm sao? Nếu áp dụng sự tự do trong đầu óc, lý trí, tôi sẽ ăn, không do dự. Nhưng khi áp dụng sự tự do trong tình yêu thương, tôi phải nhìn xem người ăn chung với tôi là ai, một cách cụ thể, rõ ràng. Nếu trong đám người ngồi ăn chung với tôi có một hai người tín đồ, tôi sẽ không ăn. Không phải tôi giả dối, nhưng đặc biệt vì tôi là mục sư, hành động ăn của tôi đó sẽ làm cho niềm tin của họ bị lung lay. Nhưng ngược lại, nếu trong đám đó không có người tín đồ nào, thì tôi ăn. Đây cũng không phải tôi giả dối, nhưng nếu ngồi ăn chung với họ, tôi có thể đồng hóa được với họ, và họ sẽ nhìn tôi với con mắt thiện cảm hơn. Tôi là một người đầu tiên trong đại gia đình tin Chúa, và đại gia đình của tôi không thích chuyện này. Họ rất bực tức, mặc dầu không dám nói ra. Nếu tôi cứng rắn từ chối không ăn giỗ với họ, thì hành động ấy không giúp ai đến gần Chúa Giê-xu hơn. Vì thế tôi sẽ ngồi xuống ăn chung với họ, với một lương tâm trong sạch, biết là những đồ cúng này không bị nhơ bẩn, vì đã có lần đã được dâng lên bàn thờ.

Quý vị thấy, quyết định trong tình yêu thương cụ thể hóa vấn đề. Nó nhìn từng người một, và coi hành động của mình có ảnh hưởng gì đến người này hay không. Nếu quý vị hỏi tôi có nên nhảy đầm hay không? Tôi cũng sẽ lập lại bài giảng ngày hôm nay: Tùy trường hợp. Mình phải nhìn vấn đề một cách riêng rẽ, với từng người một, trước khi quyết định. Mình không thể nào quyết định chỉ dựa vào lý thuyết một cách tổng quát. Nếu quý vị nhảy đầm với vợ, chồng mình, đó là điều tốt. Đa-vít nhảy trước Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta hỏi hai câu hỏi này, mình sẽ tìm thấy câu trả lời cho nhiều vấn đề mà mình không biết có nên làm hay không. Tôi xin nhắc lại hai câu hỏi đó: Thứ nhất là “Kinh thánh có cấm mình làm điều đó hay không?” Điều này đòi hỏi chúng ta phải học và biết kinh thánh. Nếu kinh thánh không cấm, thì mình phải trả lời câu hỏi thứ hai là “Liệu điều tôi làm có làm vấp phạm người khác hay không?” Mình có đặt sự tự do của mình trong tình yêu thương hay không? Mình có đặt người khác trên sự tự do của mình hay không? Mình có coi miếng thịt trên bàn, tức thời, ở đây, quan trọng hơn sự cứu rỗi, hay niềm tin của người khác hay không? Khi chúng ta để ý đến sự cứu rỗi, hay niềm tin của người khác, những điều tức thời như nhảy đầm, hút thuốc sẽ thành ra quá nhỏ.

Trước khi chấm dứt, tôi muốn đổi vấn đề một tí. Nãy giờ mình chỉ nói chuyện tiêu cực: Kinh thánh có cấm hay không? Nhưng bây giờ mình nói đến chuyện tích cực hơn. Có những điều kinh thánh khuyến khích chúng ta làm, chẳng hạn như làm chứng với người ngoài. Quý vị ngồi đây chắc ai cũng biết bằng lý thuyết rằng đây là một bổn phận. Nhưng chúng ta cũng phải xem đây là một việc làm trong tình yêu thương nữa. Mình lưỡng lự không biết chiều nay có nên đi ra làm chứng hay không. Một đằng thân thể mình muốn ở nhà ngủ thêm vài tiếng đồng hồ cho khỏe. Nhưng thay vì nghĩ đến bao nhiêu người cần sự cứu rỗi một cách chung chung, mình phải đặc biệt nghĩ đến một người nào đó, có gương mặt, có tên một cách cụ thể. Khi đó mình sẽ thấy sự cứu rỗi của người đó là quan trọng, và lớn lao hơn giấc ngủ của mình nhiều.

Mục sư Đỗ Lê Minh