Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 9 | Bài 11 >> | Hướng Dẫn

Bài 10

CỐ GIẢM CÁM DỖ

I CÔ-RINH-TÔ 10:13

 

Kính thưa quý vị, hôm nay chúng ta sẽ học một bài học rất cụ thể, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi chúng ta, đó là sự cám dỗ. Đoạn kinh thánh mà chúng ta sẽ học là ở trong sách Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 10, câu 13,

“Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.

1. Cám dỗ và thử thách

Trong kinh thánh, chữ “cám dỗ” có khi được dịch là “thử thách.” Sự thử thách với sự cám dỗ khác nhau, nhưng khi đối diện với chúng, chúng ta không phân biệt được. Chúng ta chỉ phân biệt được sau khi đã đi qua chúng mà thôi. Thử thách là điều đến từ Đức Chúa Trời, để dạy chúng ta muốn làm điều mình phải làm, mặc dầu mình không thích. Ngược lại, cám dỗ khiến chúng ta làm điều mình thích làm, mặc dầu Đức Chúa Trời không muốn chúng ta làm. Sự thử thách đưa mình đi lên, để đời sống mình ngày càng gần với Chúa; trong lúc sự cám dỗ kéo mình xuống xa khỏi Chúa. Hôm nay chúng ta sẽ không nói đến sự thử thách, nhưng chỉ nói đến sự cám dỗ mà thôi. Tôi sẽ trả lời với quý vị một số câu hỏi như: Sự cám dỗ là gì? Ai bị cám dỗ? Ai cám dỗ chúng ta? Và làm sao chúng ta chiến thắng được sự cám dỗ.

Thứ nhất, cám dỗ là gì? Như tôi nói hồi nãy, cám dỗ khác với thử thách. Nó khiến chúng ta làm những điều mà đáng lẽ chúng ta không được làm, cũng như nó ngăn cản chúng ta làm những điều mà đáng lẽ chúng ta phải làm. Sự cám dỗ khiến chúng ta tìm cách thỏa mãn những đòi hỏi của thân xác, những thú tính của xác thịt. Nhưng đặc biệt hơn hết, sự cám dỗ khiến đời sống thuộc linh của chúng ta bị tổn thương. Nó đưa những trường hợp khó khăn đến trong đời sống chúng ta, để chúng ta đặt câu hỏi, “Chúa ơi, nếu quả thật có Chúa, thì Chúa đã ngăn cản điều này, không cho nó xảy ra. Và vì chuyện này đã xảy ra, thì hoặc Chúa bất lực, hoặc không có Chúa.”

Sự cám dỗ đến từ từ. Lúc đầu chúng ta thấy sự cám dỗ nhẹ nhàng, và chúng ta theo nó. Đến chừng tỉnh lại, mình thấy tình vợ chồng bị sứt mẻ, vì mình đã không trung thành với vợ; mình thấy sự liên hệ của mình đối với con cái bị sức mẻ, vì đã bỏ bê con cái. Và đặc biệt hơn hết, mình thấy sự liên hệ của mình đối với Đức Chúa Trời bị sức mẻ, vì mình đã nghi ngờ Ngài, hay sống đời sống không đẹp lòng Ngài.

2. Ai bị cám dỗ? Mọi người

Câu hỏi kế tiếp là, “Ai bị cám dỗ?” Bản tiếng Việt dịch câu 13 như thế này, “Những sự cám dỗ đến cho anh em chẳng có sự nào quá sức loài người,” nhưng thật ra chúng ta phải dịch là, “Những sự cám dỗ đến cho anh em chẳng có sự nào là lạ lùng đối với con người.” (Bản NIV dịch, “No temptation has seized you except what is common to man.) Câu này hàm ý là tất cả mọi người chúng ta đều bị cám dỗ. Có người cám dỗ đến một cách nhẹ nhàng từ từ; có người cám dỗ đến một cách rầm rộ. Nhưng mỗi người chúng ta đều bị cám dỗ. Chúa Giê-xu đã bị cám dỗ: Trước khi hành đạo, Ngài sống 40 ngày trong đồng vắng, và bị ma quỷ đến cám dỗ; sau khi Ngài hóa hình, Phi-e-rơ xin dựng lều thờ phượng Ngài thì bị Ngài quở trách, vì lúc đó Ngài đang bị cám dỗ. Trước khi bị treo trên thập tự giá, Ngài cũng bị cám dỗ, không muốn đi con đường này. Nhưng cám ơn Chúa là Ngài đã không theo những sự cám dỗ đó, và đã hoàn thành chức vụ của Ngài.

Chúa Giê-xu bị cám dỗ, nhưng Ngài không có tội lỗi gì hết. Thành ra bị cám dỗ không phải là điều tội lỗi. Chúng ta chỉ phạm tội khi để sự cám dỗ khắc phục mình, và làm theo điều nó quyến rũ. Martin Luther nói là mình không thể cản một con chim bay trên đầu mình, nhưng để nó làm tổ trên tóc mình là tội lỗi.

Điều thứ hai chúng ta học được là “Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu.” Chúa biết mỗi chúng ta có một sức chịu đựng để không đi theo sự cám dỗ. Nếu đời sống thuộc linh chúng ta yếu đuối, có thể Chúa không để chúng ta bị cám dỗ quá sự yếu đuối của chúng ta. Nhưng khi chúng ta cảm thấy đời sống thuộc linh của mình trước kia không bao giờ bằng như vậy, đó là lúc chúng ta bị cám dỗ nhiều nhất. Ở trên đỉnh cao của đời sống thuộc linh, mình đâm ra coi thường, cũng như người Việt Nam mình nói, “Đi biển không chết, nhưng chết bởi lỗ chân lông.” Thành ra chúng ta phải luôn luôn đề phòng, phải nhớ là sự cám dỗ đến với tất cả mọi người. Đối với người càng mạnh chừng nào, thì sự cám dỗ đến càng mạnh chừng đó.

3. Ai cám dỗ?

Câu hỏi kế tiếp là, “Ai cám dỗ chúng ta?” Gia-cơ nói rõ ràng trong Gia-cơ đoạn 1 câu 13, “Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai.” Đức Chúa Trời thử thách chúng ta, nhưng không cám dỗ chúng ta, để chúng ta bước vào con đường tội lỗi.

Thế thì ai là người cám dỗ chúng ta? Thứ nhất, chính Sa-tan đã cám dỗ Chúa Giê-xu trên đồng vắng; chính Sa-tan là người mà Chúa Giê-xu bảo hãy lui ra khỏi Ngài. Chính Sa-tan cũng là người cám dỗ mỗi chúng ta. Thứ hai, thế gian cũng cám dỗ chúng ta nữa. Thế gian ở đây là một nhân sinh quan nằm dưới sự điều khiển của Sa-tan. Giăng thứ nhất đoạn 12 từ câu 15 tới câu 16 nói rõ ràng, “Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra.” Sự mê tham của xác thịt, những tình dục đồi trụy thế gian mời gọi chúng ta. Sự mê tham của mắt là sự mê tham những điều đẹp. Sự kiêu ngạo của đời khuyến khích chúng ta ở nhà đẹp hơn người khác, lái xe sang hơn người khác.

Nhưng chúng ta không thể nào đổ thừa hoàn toàn vào Sa-tan, “Vì Sa-tan khiến tôi làm, nên tôi không có tội.” Sa-tan hay thế gian chỉ là điều kiện bên ngoài mà thôi. Con chim bay trên đầu chúng ta là điều bên ngoài, và chúng ta không cản được. Nhưng quan trọng hơn hết, chính chúng ta để chúng ta bị quyến rũ. Gia-cơ từ đoạn 1 từ câu 14 đến câu 15 nói, “Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết.” Sa-tan là điều kiện bên ngoài, nhưng lòng tư dục trong lòng chúng ta phải hợp tác với điều kiện bên ngoài để sanh ra tội lỗi. Chính mỗi người chúng ta khiến mình phạm tội. Chúng ta chịu thua sự cám dỗ bởi vì chúng ta muốn chịu thua. Mình có thể điều khiển được việc mình có nên theo sự cám dỗ hay không, và mình không thể nào chỉ đổ thừa Sa-tan hay thế gian.

4. Làm sao chiến thắng cám dỗ

Câu hỏi kế tiếp là, “Làm sao chúng ta chiến thắng được sự cám dỗ?” Tôi có ba chữ bắt đầu bằng chữ “T.” Tôi nói ba chữ này trước, và sẽ giải thích từng chữ một. Chữ thứ nhất là Tẩu, chữ thứ hai là Tấn, và chữ thứ ba là Tín.

a. Tẩu / Chạy

Cách đầu tiên chúng ta làm khi đối diện với cám dỗ là “tẩu,” tức bỏ chạy. “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách.” Có 36 chước, nhưng chước hay nhất là bỏ chạy. “Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” Chúa không bao giờ để chúng ta trong một hoàn cảnh mà không có đường thoát ra. Ngài luôn mở một con đường cho chúng ta chạy thoát.

Nếu quý vị nghiện rượu, thì xin đừng bước vào tiệm rượu. Thấy tiệm rượu là phải bỏ chạy, tránh xa nó ra. Nếu không có vợ, hay không có chồng, bị thúc giục về xác thịt, thì xin đừng tìm những lúc ở gần một người khác phái một mình, trong một không khí gợi tình. Nếu nói chuyện trên điện thoại, và mình cảm thấy câu chuyện đưa đến một đề tài không đẹp lòng Thượng Đế, thì phải ngắt điện thoại liền. Coi ti-vi mà thấy những cảnh không đẹp, tắt ti-vi đi.

Trong Sáng-thế Ký đoạn 39 từ câu 6b ghi lại câu chuyện của Giô-sép: “Vả, Giô-sép hình dung đẹp đẽ, mặt mày tốt tươi. Sau các việc nầy, vợ chủ đưa mắt cùng Giô-sép, mà nói rằng: Hãy lại nằm cùng ta. Chàng từ chối và đáp rằng: Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và nầy, chủ chẳng lo biết đến việc chi trong nhà nữa; trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cũng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao? Thường ngày người dỗ dành mặc dầu, thì Giô-sép chẳng khấng nghe lời dụ dỗ nằm cùng hay là ở cùng người chút nào. Một ngày kia, Giô-sép vào nhà đặng làm công việc; vả, chẳng có người nhà nào ở đó, thì người bèn nắm áo chàng mà rằng: Hãy nằm cùng ta! Nhưng chàng liền tuột áo để lại trong tay người mà chạy trốn ra ngoài.” Không đứng đó để cầu nguyện, suy nghĩ, ông tức thì chạy trốn khỏi sự cám dỗ.

Không những phải chạy chốn bằng thân thể, nhiều khi chúng ta cũng phải chạy trốn trong đầu óc nữa. Nếu đầu mình có ý nghĩ xấu xa nào, hãy chạy trốn khỏi nó. Chạy trốn không phải là đổi đầu óc của mình thành ra trống không, nhưng có nghĩa là tìm cái gì khác đẹp hơn để thế vào đó. Phi-líp đoạn 4 câu 8, “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” Đối diện với sự cám dỗ, mình ráng nghĩ đến những điều cao thượng, trong sạch. Khi bị cám dỗ, cá nhân tôi thường nghĩ tới hình ảnh Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá.

b. Tấn / Chống

Nhưng không phải mình luôn luôn có thể trốn khỏi sự cám dỗ. Mình còn sống trên thế gian này, thì sự cám dỗ còn luôn bao trùm mình. Mình không thể nào rút về ở ẩn một nơi vắng vẻ để không bị cám dỗ. Ngay cả khi về đó, mình cũng bị cám dỗ, nhiều khi còn mạnh hơn (như Chúa Giê-xu bị cám dỗ ngoài đồng vắng).

Thứ nhất là mình “tẩu.” “Tẩu” không được thì “tấn,” như mình “đứng thế tấn” để chống trả. Chúa để sự cám dỗ đến, nhưng Chúa cũng cho chúng ta quyền năng chống trả lại sự cám dỗ. “Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu.” Gia-cơ đoạn 4 câu 7, “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em.”

Nhưng chúng ta phải chống trả sự cám dỗ tức thì, ngay lúc ban đầu. Lúc đầu, nó nhẹ nhàng, ngọt ngào lắm. Nhưng nếu chúng ta cứ đi theo nó, thì nó sẽ lớn lần. Đến chừng mình giật mình tỉnh lại, thì đã quá trễ, mình không còn có thể chiến thắng nó được. Người Es-ki-mô bắt chó sói bằng cách để những con dao có bôi máu giữa rừng. Thấy máu, chó sói đến liếm con dao. Đến khi cái lưỡi của nó bị cắt chảy máu, nó không biết. Lần lần, máu nó chảy ra hết, rồi nó gục xuống chết.

Nhưng làm sao mình có thể đứng tấn được trước sự cám dỗ? Xin chúng ta học từ Chúa Giê-xu: Bị cám dỗ ngoài đồng vắng, Ngài chống trả bằng lời Chúa. Trong sự cám dỗ thứ nhất, Ma-thi-ơ đoạn 4 câu 4 ghi, “Đức Chúa Giê-xu đáp: Có lời chép rằng...” Đến sự cám dỗ thứ hai, đoạn 4 câu 7 ghi, “Đức Chúa Giê-xu phán: Cũng có lời chép rằng...” Đến sự cám dỗ thứ ba, đoạn 4 câu 10 ghi, “Đức Chúa Giê-xu bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng...” Sau khi Đức Chúa Giê-xu dùng lời Chúa, câu 11 ghi, “Ma quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài.”

Mỗi người chúng ta phải có lời Chúa như là một khí cụ trong đời sống của mình. Chúng ta phải hiểu và nhớ lời của Chúa. Chúng ta không thể nào đợi đến khi cám dỗ đến, rồi mới chạy tìm kinh thánh, vội giở ra xem có câu nào thích hợp. Nhân tiện, tôi xin khuyến khích mọi người đi học trường Chúa nhật để biết thêm lời Chúa. Trong giờ thờ phượng, quý vị chỉ nghe giảng một chiều mà thôi. Nhưng trong giờ trường Chúa nhật, quý vị có thể đặt câu hỏi, có thể bày tỏ những khó khăn của mình, để những người trong cùng lớp có thể chia xẻ những kinh nghiệm của mình.

c. Tín / Chúa

Thứ nhất là “tẩu,” thứ hai là “tấn,” và thứ ba là “tín.” Phi-e-rơ thứ nhất đoạn 5 câu 8, câu 9, “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó.” Tại sao dùng lời Chúa, thì mình có thể chiến thắng được sự cám dỗ? Có phải lời Chúa là bùa chú, là những câu nói vô nghĩa, nhưng khi mình đọc lên, thì ma quỷ sợ? Thưa không. Lời Chúa có hiệu nghiệm vì đằng sau lời của Chúa là chữ “tín,” là sự tin cậy.

Chúng ta phải tin là Đức Chúa Trời là thành tín: Ngài hứa điều gì, thì Ngài làm điều đó. Khi đối diện với sự cám dỗ, chúng ta phải nhớ và tin vào lời hứa của Ngài, rằng Ngài sẽ không để chúng ta bị cám dỗ quá sức mình. Chúng ta cũng phải tin vào một Đức Chúa Trời quyền năng: Ngài có quyền trên vũ trụ này. Không có gì xảy ra, mà Ngài không cho nó xảy ra. Tin vào quyền năng của Chúa, chúng ta sẽ không đặt niềm tin vào mình khi bị cám dỗ. Chúng ta cũng không dùng lời Chúa trước sự cám dỗ, nhưng trong bụng run cầm cập.

Đằng sau việc dùng lời Chúa là một thái độ tin cậy vững vàng vào quyền năng của Đức Chúa Trời. Và chúng ta chỉ có thể có quyền năng của Đức Chúa Trời khi tin vào Ngài mà thôi.

Tóm lại, làm sao để chúng ta có thể chống trả lại sự cám dỗ mỗi ngày mỗi giờ trong đời sống của một người tín đồ, dầu yếu đuối hay mạnh mẽ? Hồi nãy tôi nói ba chữ: Tẩu, tấn và tín. Nhưng nếu nói theo chữ CH, thì mình cũng nói được ba chữ, “Chạy, Chống và Chúa.” Thứ nhất mình chạy trước. Chạy không được thì mình đứng tấn chống. Mình chống được là nhờ biết tin cậy vào Chúa.

Bây giờ tôi muốn kêu gọi những ai chưa có lần nào tin Chúa, chưa có quyền năng của Chúa trong lòng, tin Chúa, để thấy mình có quyền hơn sự cám dỗ, để chống lại nó, để biết là mình có thể sống đời sống đẹp lòng Chúa trên thế gian này. Không có Chúa, sự cám dỗ sẽ luôn theo quý vị, để ngày nào đó, quý vị phải nhận hình phạt từ Đức Chúa Trời. Quý vị chỉ có thể sống đời sống đẹp lòng Chúa, chỉ có sức mạnh chống trả sự cám dỗ, nếu quý vị tin Chúa. Nếu đã tin Chúa rồi, xin quý vị cúi đầu cầu nguyện, cám ơn Chúa và xin Chúa luôn nhắc mình, là mình phải sẵn sàng “tẩu, tấn và tín” khi đối diện với cám dỗ.

Mục sư Đỗ Lê Minh