Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 10 | Bài 12 >> | Hướng Dẫn

Bài 11

XÉT MÌNH TRƯỚC TIỆC THÁNH

I CÔ-RINH-TÔ 11:17-34

 

Kính thưa quý vị, hôm nay chúng ta sẽ học về một trong hai bí tích rất quan trọng trong hội thánh. Bí tích đầu tiên là lễ báp-têm và thứ hai là tiệc thánh. Theo thông lệ, mỗi đầu tháng chúng ta dự tiệc thánh, để nhớ lại sự hy sinh của Chúa. Nhưng hôm nay, nhân tiện chúng ta học cuốn sách Cô-rinh-tô thứ nhất, tôi xin phân tích rõ ràng hơn ý nghĩa của tiệc thánh. Đoạn kinh thánh mà tôi muốn chia xẻ với quý vị nằm trong sách Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 11 từ câu 17 đến câu 34.

23. Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Đức Chúa Giê-xu, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh,

24. tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta.

25. Cũng một lẽ ấy, sai khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta.

26. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.

27. Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa.

28. Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy;

29. vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình.

30. Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ.

31. Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán.

32. Song khi chúng ta bị Chúa xét đoán, thì bị Ngài sửa phạt, hầu cho khỏi bị án làm một với người thế gian.

Thưa quý vị, tiệc thánh đáng lẽ là tiệc vui, mà mỗi người chúng ta phải coi như một vinh dự được tham dự. Nhưng khi đọc đoạn này, nhiều người sợ, đến nỗi không dám dự tiệc thánh nữa. Họ sợ cũng đúng, vì trong đoạn này có nhiều điều rất mạnh. Chúng ta đọc lại câu 29, “Vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình. Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ.” Chữ “ngủ” ở đây là lối nói văn chương, có nghĩa là “chết,” nhưng là cái chết thể xác, chứ không phải cái chết tâm thần. Câu 32, “Song khi chúng ta bị Chúa xét đoán, thì bị Ngài sửa phạt, hầu cho khỏi bị án làm một với người thế gian.” Đây có nghĩa là, khi người tín đồ dự tiệc thánh một cách không nghiêm chỉnh, Chúa có thể phạt đến chết, nhưng để đến ngày cuối cùng, linh hồn không chịu sự trừng phạt đời đời. (Trường hợp này cũng giống như trường hợp được kể trong sách Công Vụ đoạn 5 về hai ông bà A-na-nia và Sa-phi-ra. Hai ông bà đã nói láo với Đức Thánh Linh, và ngả ra chết. Nhưng đây không có nghĩa là hai ông bà không được sự cứu rỗi.) Chúng ta cám ơn Chúa là không phải mỗi lúc chúng ta dự tiệc thánh cách không xứng đáng, Ngài khiến chúng ta bị bệnh, hay chết. Nhưng đây không có nghĩa là Ngài không làm điều đó. Trong sự yêu thương của Ngài, Ngài nhịn nhục và tha thứ chúng ta.

Chúng ta phải biết một cách rõ ràng là tiệc thánh của Chúa có một tầm quan trọng. Ngài coi đây là tiệc của Ngài, không phải của chúng ta. Và khi đến dự tiệc thánh của Chúa, chúng ta phải có một thái độ rất đàng hoàng. Nếu coi thường tiệc thánh của Ngài, Chúa coi như chúng ta coi thường Ngài. Lá cờ của một quốc gia không phải là một tấm vải, nhưng đại diện cho quốc gia đó. Nếu chúng ta đạp lên trên lá cờ, chúng ta phỉ báng quốc gia đó. Cũng vậy, khi chúng ta dự tiệc thánh của Chúa một cách không đàng hoàng, chúng ta phỉ báng Chúa.

I. Nhìn lên Chúa

Câu 28, “Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy.” “Xét lấy mình” là nhìn vào trong tâm hồn mình, để xem mình có dự tiệc thánh một cách xứng đáng hay không. Trước nhất tôi phải nói rõ ràng điều này: Tiệc thánh chỉ dành cho những người đã tin Chúa. Người nào chưa tin Chúa mà ăn tiệc thánh, tức là ăn lấy sự xét đoán cho mình. Làm sao mình biết được mình đã tin Chúa hay không? Câu trả lời giản dị là mình phải công nhận rằng Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi, đã đến thế gian để chết thế cho mình.

1. Nhìn sau: Nhớ quá khứ

Muốn biết mình có tin Chúa hay không, xin chúng ta nhìn trở ngược lại quá khứ, và xem thái độ của mình đối với cái chết của Chúa Giê-xu 2000 năm trước như thế nào. Phao-lồ nói trong câu 23, “Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: Ấy là Đức Chúa Giê-xu, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho.” Cái bánh tượng trưng cho thân thể của Chúa, đã phó cho chúng ta. Nếu không hiểu rõ điều đó, hay không chấp nhận điều đó, chúng ta không là tín đồ của Chúa.

Thường chúng ta không mua bánh mì ở ngoài đem về làm tiệc thánh, nhưng dùng bánh không có chất men trong đó. Bánh không men tượng trưng cho một đời sống mới, đã được tẩy sạch, không còn tội lỗi nữa. Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 5 từ câu 7 tới câu 8 chép như thế này, “Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.” Khi bỏ bánh không men vào miệng, chúng ta nói là, bây giờ đời sống của tôi là đời sống đã được Chúa đổi từ trạng thái tội lỗi qua trạng thái vô tội.

Đọc tiếp câu 25, “Cũng một lẽ ấy, sai khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta.” Đôi khi chúng ta dịch chữ “giao ước mới” như “tân ước.” Trong thời Cựu Ước, mỗi khi Chúa lập một giao ước gì với dân Do Thái, luôn có sự đổ máu. Huyết của một con vật nào đó phải được đổ ra, như là sự giao ước, sự đồng ý giữa hai bên. Trước ngày người Do Thái ra khỏi xứ Ai Cập, họ phải lấy huyết của chiên con bôi trên cửa, để người con đầu lòng của họ không bị giết. Huyết đó là dấu ấn của sự giao ước của họ với Chúa. Ngày hôm nay chúng ta không cần huyết của chiên con nữa, vì đã có dòng huyết của Chúa Giê-xu đổ ra trên thập tự giá cho chúng ta. Huyết đó ấn chứng cho một giao ước mới, một “tân ước,” giữa Thượng Đế với mỗi người chúng ta, để đến ngày cuối cùng, khi nhìn thấy dòng huyết của Chúa Giê-xu bao phủ chúng ta, Đức Chúa Trời không còn thấy tội lỗi của chúng ta nữa. Khi uống chén trong tiệc thánh, chúng ta công nhận là Chúa Giê-xu đã chết cho chúng ta, và dòng máu của Ngài là giao ước mới giữa Ngài với chúng ta.

“Hãy làm điều này để nhớ đến ta.” Khi ăn bánh, chúng ta nhớ đến Chúa; khi cầm chén, chúng ta nhớ đến Chúa. Cái khái niệm về “nhớ” hồi xưa khác hẳn với bây giờ. Bây giờ chúng ta hiểu chữ “nhớ” như nghĩ đến Chúa; nhưng khi Chúa dùng chữ “nhớ” ở đây, nó có nghĩa mạnh hơn nhiều lắm. Đây có nghĩa là như mình đang ở dưới thập tự giá của Chúa, và dòng huyết của Ngài đang rửa sạch tâm hồn của mình, để đời sống của mình trở thành ra một bánh không men.

2. Nhìn tới: Hướng đến tương lai

Khi dự tiệc thánh của Chúa, không những chúng ta nhìn vào quá khứ, để nhớ lại những gì Chúa đã làm cho chúng ta, nhưng chúng ta cũng nhìn tới tương lai, để mong chờ ngày nào đó mình cũng sẽ dự tiệc thánh này với chiên con của Đức Chúa Trời trên thiên đàng. Câu 26, “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.” Ma-thi-ơ đoạn 14, từ câu 22 tới câu 25, cũng có kể lại câu chuyện Chúa lập nên tiệc thánh: “Khi đang ăn, Đức Chúa Giê-xu lấy bánh, tạ ơn, đoạn bẻ ra trao cho các môn đồ, mà phán rằng: Hãy lấy, nầy là thân thể ta. Ngài lại cầm chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đồ, và ai nấy đều uống. Ngài phán rằng: Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đổ ra cho nhiều người. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày ta sẽ uống trái nho mới trong nước Đức Chúa Trời.”

3. Nhìn ra: Rao sự chết của Chúa

Khi dự tiệc thánh, không những chúng ta nhìn đằng sau để thấy quá khứ, nhìn tới để thấy tương lai, nhưng cũng phải nhìn rộng ra, để rao sự chết của Chúa cho những người xung quanh, như trong câu 26, “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.” Cầm cái bánh cho vào miệng, hay cầm cái chén uống, chúng ta làm một lễ báp-têm nho nhỏ. Lễ báp-têm để làm gì? Một phần là để mình đồng hóa với sự chết và sự sống lại của Chúa, nhưng một phần là để mình nói một cách công khai là mình là tín đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ, và muốn rao sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến.

Nếu trong lòng của quý vị chưa tin Chúa, nếu quý vị chưa thật sự tin rằng dòng huyết của Chúa đã rửa sạch tội lỗi của mình, nếu quý vị chưa thật sự có sự trông chờ ngày Chúa trở lại, thì xin quý vị đừng dự tiệc thánh. Vì khi dự tiệc thánh, quý vị tuyên bố với mọi người rằng quý vị là người tín đồ, mặc dầu quý vị không tin. Đó là sự tương phản. Đó là một sự phỉ báng dòng huyết của Chúa, coi đó như một trò chơi, trò đùa. Dự tiệc thánh một cách không xứng đáng như thế là một tội lỗi lớn đối với Thượng Đế.

II. Nhìn quanh: Yêu nhau

Bây giờ tôi xin nói với người đã tin Chúa. Không có nghĩa là tin Chúa rồi thì dự tiệc thánh cách nào cũng được. Là tín đồ, chúng ta cũng phải rất cẩn thận khi dự tiệc thánh, và mỗi người chúng ta cũng phải tự xét lấy mình. Thế thì xét lấy mình là như thế nào? Mỗi lần chúng ta dự tiệc thánh, tôi thường nhắc nhở là mình phải nhìn lại quá khứ để xem mình có làm gì không đẹp lòng Chúa hay không. Và nếu mình có làm điều gì không đẹp lòng Chúa, thì mình phải xin lỗi Chúa. Là Đấng thành tín; Chúa sẵn sàng tha tội cho chúng ta, để chúng ta có thể dự tiệc thánh. Đây là điều tốt. Đây là điều chúng ta phải làm. Nhưng hôm nay tôi muốn phân tích kỹ hơn đoạn này, để chúng ta thấy có một điều khác mà Chúa muốn chúng ta suy nghĩ khi dự tiệc thánh.

Thông thường, mình dự tiệc thánh một cách cá nhân. Đến đây, mình tự xét lấy mình. Rồi mình ăn bánh và uống chén để nhớ đến Chúa. Mình không để ý gì đến những người đang ngồi bên cạnh. Nhưng đó không phải là tinh thần mà Phao-lồ nói ở đây. Chúng ta không dự tiệc thánh một mình, lẻ tẻ, nhưng chung với người khác, trong cộng đồng công dân Chúa. Mình không thể ở nhà, bẻ bánh hay uống chén một mình, mà nói mình dự tiệc thánh được. Phao-lồ dạy là chúng ta phải nhìn anh em mình, phải yêu anh em mình, trước khi dự tiệc thánh.

Để giải thích thêm, tôi xin đọc cũng đoạn này, từ câu 17, “Trong khi tôi truyền lời cáo dụ nầy, chẳng phải khen anh em, vì sự nhóm lại của anh em không làm cho mình hay hơn mà làm cho mình dở hơn. Trước hết, tôi nghe rằng khi anh em có sự nhóm họp hội thánh, thì sanh ra sự phân rẽ; tôi cũng hơi tin điều đó. Vì chắc trong vòng anh em phải có bè đảng, hầu cho được nhận biết trong anh em những kẻ nào thật là trung thành. Vậy, khi anh em nhóm nhau lại một chỗ, ấy chẳng còn phải là tiệc thánh của Chúa mà anh em ăn; bởi vì lúc ngồi ăn, ai cũng nôn nả mà ăn bữa riêng mình, đến nỗi người nọ chịu đói, còn kẻ kia thì quá độ. Anh em há chẳng có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh bỉ hội thánh của Đức Chúa Trời, muốn làm cho những kẻ không có gì phải hổ thẹn? Tôi nên nói chi với anh em? Có nên khen anh em không? Trong việc nầy tôi chẳng khen đâu.” Rồi đến câu 33, “Hỡi anh em, vậy thì lúc anh em hội lại để ăn chung với nhau, hãy chờ đợi nhau. Ví bằng có ai đói, hãy ăn tại nhà mình, hầu cho anh em không nhóm lại để mà chuốc lấy sự đoán xét.”

Chúng ta biết, mỗi năm người Do Thái phải giữ lễ Vượt Qua, để kỷ niệm ngày Chúa vượt qua nhà họ, và không giết người con đầu lòng. Trong đêm Chúa Giê-xu dự lễ Vượt Qua, Ngài lập ra tiệc thánh (Ma-thi-ơ đoạn 26 câu 26). Sau đó, hội thánh của Chúa không đợi mỗi năm một lần để dự tiệc thánh trong lễ Vượt Qua, nhưng họ ăn uống chung với nhau thông thường hơn, và trong những bữa ăn đó, họ có tiệc thánh. Công Vụ đoạn 2 câu 46 ghi lại, “Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà.”

Nhưng vấn đề ở hội thánh Cô-rinh-tô là gì? Phao-lồ nói rất rõ ràng trong câu 21, “Bởi vì lúc ngồi ăn, ai cũng nôn nả mà ăn bữa riêng mình, đến nỗi người nọ chịu đói, còn kẻ kia thì quá độ. Anh em há chẳng có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh bỉ hội thánh của Đức Chúa Trời, muốn làm cho những kẻ không có gì phải hổ thẹn?” Đáng lẽ người ta phải ăn chung với nhau, chia với nhau ngọt bùi, người giàu đem nhiều đồ ăn đến và ngồi một góc ăn riêng, còn người nghèo mang ít đồ ăn đến và ngồi một góc ăn riêng. Họ cũng không chờ nhau nữa. Tiệc thánh trở thành một nơi nhậu nhẹt, say xưa, vui đùa.

Đối với xã hội lúc đó, Chúa Giê-xu đến làm một cuộc cách mạng lớn. Nhờ Ngài, không còn người Do Thái hay người ngoại bang nữa, không còn người nô lệ hay người tự chủ nữa. Nhưng chỉ trong vòng vài chục năm, hội thánh Cô-rinh-tô kéo cuộc cách mạng trở ngược lại, và họ phân biệt người giàu với người nghèo. Vâng, chúng ta đã bàn về chuyện hội thánh Cô-rinh-tô chia rẽ, có người theo Phao-lồ, có người theo A-bô-lô. Nhưng bây giờ sự chia rẽ còn tệ hơn nữa, vì nó không theo thần học, nhưng theo giai cấp xã hội, phân biệt người giàu với người nghèo.

Trong đoạn này, Phao-lồ nhắc đi nhắc lại rằng chúng ta dự tiệc thánh với nhau. Câu 17, “sự nhóm lại của anh em;” câu 18, “sự nhóm họp của hội thánh;” câu 20, “Khi anh em nhóm họp lại với nhau một chỗ;” câu 33, “anh em hội lại;” câu 34, “anh em nhóm lại.” Trong câu 29 ông nói, “Người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình.” Thật ra, chúng ta nên dịch là “Người nào không để ý đến thân Chúa...” (Bản NIV dịch, "For anyone who eats and drinks without recognizing the body of the Lord...") Thân Chúa ở đây có thể là thân xác của Chúa, nhưng cũng có thể là hội thánh của Chúa. Người nào dự tiệc thánh của Chúa, mà không để ý đến người khác trong hội thánh, là dự tiệc thánh cách không xứng đáng. Chúng ta cũng đọc trong Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 10 từ câu 16 đến câu 17, “Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao? Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh.”

Là tín đồ, trước khi dự tiệc thánh, chúng ta tự xét coi mình có phạm tội gì với Chúa hay không. Đây là điều đáng làm. Nhưng hôm nay tôi muốn nhấn mạnh một điều nữa, mà có thể chúng ta đã không để ý. Đó là chúng ta đến đây để dự tiệc thánh với nhau, với những người tín đồ trong hội thánh, và thái độ của chúng ta đối với người khác phải làm đẹp lòng Thượng Đế. Hôm nay, khi dự tiệc thánh, khi tự xét về những điều mình làm trong quá khứ, chúng ta đặc biệt phải xét lại thái độ của mình đối với người khác trong hội thánh. Chúng ta có thương yêu, nâng đỡ lẫn nhau, hay chúng ta chia rẽ, nói xấu, ganh tỵ với những người khác trong hội thánh. Ma-thi-ơ đoạn 5, từ câu 23 đến câu 24, “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ.”

Tóm lại, trước khi dự tiệc thánh, chúng ta phải tự xét mình xem mình có phải là tín đồ hay không: Mình có đồng hóa được với việc Chúa chết cho mình trên thập tự giá 2000 năm về trước hay không? Mình có mong chờ Chúa trở lại trong tương lai hay không? Mình có biết là, khi nhận bánh bỏ vào miệng, mình làm một lễ báp-têm nhỏ, trong đó mình tuyên xưng với mọi người rằng mình là tín đồ của Đấng Christ hay không? Nếu làm được những điều đó rồi, mình đặt thêm một câu hỏi nữa: Mình có yêu thương những người tín đồ đang dự tiệc thánh với mình hay không?

Hôm nay là Chúa nhật thứ ba trong tháng. Như thông lệ, chúng ta không dự tiệc thánh. Nhưng vì bài học này, tôi xin đề nghị chúng ta dự tiệc thánh một lần nữa, và hôm nay chúng ta sẽ dự tiệc thánh với một tinh thần mới: Chúng ta dự tiệc thánh và để ý đến những người xung quanh, chứ không phải chỉ mình với Chúa mà thôi. Tôi mời quý vị bước lên đây, để chúng ta dự tiệc thánh cùng nhau. Chúng ta sẽ đứng quanh bàn tiệc, và chúng ta sẽ được nối với nhau bằng một sợi dây mầu đỏ, tượng trưng cho dòng huyết của Chúa. Trước khi dự tiệc thánh, chúng ta suy nghĩ về tất cả những người đứng trên này. Nếu có điều gì mình buồn người anh chị em mình, mình sẵn sàng tha thứ họ; có điều gì mình làm phiền lòng người anh chị em của mình, mình hứa nguyện sẽ đến xin lỗi, làm lành. Khi tôi mời quý vị ăn bánh, xin quý vị đưa bánh mời người bên tay phải của mình, và cầu nguyện cho người đó. Khi tôi mời quý vị uống chén, xin quý vị đưa chén mời người bên tay trái của mình, và cầu nguyện cho người đó.

Mục sư Đỗ Lê Minh