Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 13 | Bài 15 >> | Hướng Dẫn

Bài 14

TÌNH YÊU THƯƠNG

CÔ-RINH-TÔ 12:28-13:4

 

Kính thưa quý vị, hôm nay chúng ta sẽ học một đoạn Kinh Thánh mà có vẻ được nhiều người thích nhất. Có lẽ trong mỗi đám cưới đều có người đọc đoạn Kinh Thánh này. Đó là Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 13. Hôm nay, tôi không muốn đi nhanh qua đoạn Kinh Thánh này, nên chúng ta chỉ học phần đầu của nó mà thôi. Chúng ta sẽ tiếp tục tuần sau.

Để hiểu đoạn 13, chúng ta phải trở lại đoạn 12, từ câu 28 trước: “Đức Chúa Trời đã lập trong hội thánh, thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng. Có phải cả thảy là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy là thầy giáo sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao? Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao? Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết. Bây giờ, tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn.”

Tuần trước, chúng ta học đến ba thái độ trong hội thánh: Chúng ta có ơn tứ, nhưng đôi khi tự ty không dùng. Chúng ta cũng có thể có thái độ khác là tự tôn, nghĩ là chỉ có mình làm được tất cả mọi chuyện trong hội thánh. Và thái độ mà Phao-lồ dạy là chúng ta phải chăm sóc lẫn nhau, vì chúng ta tùy thuộc vào một sinh thể. Khi một chi thể đau, thì các chi thể khác phải lo lắng, chăm sóc nó. Sau khi Phao-lồ nói mình phải chăm sóc lẫn nhau, ông mới nói mình phải yêu thương lẫn nhau. Vì thế, đoạn 12 liên hệ với đoạn 13.

Có một điều mà tôi phải giải thích ở đây, vì nó có thể gây khó khăn cho một số người. Quý vị nhớ, lúc đó người Cô-rinh-tô ước ao những ơn ngoạn mục, như nói tiếng lạ hay chữa bệnh. Tuần trước, chúng ta thấy Phao-lồ nói là ơn tứ là điều Chúa ban cho mình, và mình không có quyền đòi hỏi. Chúa ban cho mình ơn gì, mình an phận dùng nó. Nhưng, bây giờ Phao-lồ lại nói trong câu 31, “Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết,” Có phải Phao-lồ tự tương phản, vì trước kia ông nói đừng tìm kiếm các ơn, bây giờ ông nói hãy ước ao? Trong nguyên bản tiếng Hy lạp, mình có thể hiểu đây là một mệnh lệnh: “Hãy ước ao...,” nhưng cũng có thể là một nhận xét: “Anh em ước ao....” (Trong bản NIV, bên dưới có đưa ra một cách dịch khác, “But you are eagerly desiring....”) Với nghĩa thứ hai, Phao-lồ nhận xét là, trong lúc có nhiều người tìm kiếm sự ban cho lớn hơn hết, điều đó không đúng. Vì thế, ông hứa, “tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn,” (câu 31) tức là tình yêu thương.

Bây giờ, cho tôi đọc nguyên đoạn 13. Đoạn này rất đẹp, và nhiều khi chúng ta không cần phải phân tích, nhưng chỉ cần đọc đi, đọc lại, để nó thấm vào trong tâm hồn chúng ta.

1. Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng.

2. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì.

3. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.

4. Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,

5. chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ,

6. chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật.

7. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.

8. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ.

9. Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn, nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn;

10. song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ.

11. Khi tôi còn trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ.

12. Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết; đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.

13. Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.

Mình có thể đọc đi, đọc lại đoạn này, và thụ hưởng trọn vẹn nguyên đoạn. Nhưng hôm nay, cho tôi cũng phân tích từng câu một. Chúng ta sẽ thấy đoạn này rất thâm thúy, dạy chúng ta rất nhiều điều.

Trong ngôn ngữ Hy Lạp ít nhất có ba chữ diễn tả tình yêu thương. Chữ thứ nhất là chữ phileo, nói đến tình bạn; thứ hai là chữ eros, nói đến mối tình giữa đàn ông và đàn bà, và thứ ba là chữ agape, nói đến mối tình giữa Thượng Đế với con người, và cũng là mối tình mà Phao-lồ muốn nói ở đây. Chúng ta có thể gọi phileoagape là “tình-yêu-vì” (Vì người khác có điều này, điều kia, mình yêu họ), hay “tình-yêu-nếu” (Nếu người khác có điều này, điều kia, mình yêu họ). Nhưng agape là “tình-yêu-mặc-dầu” (Mặc dầu người khác như thế nào, mình vẫn yêu họ).

I. Thiếu tình yêu thương

Trước hết, từ câu 1 đến câu 3, Phao-lồ nói, nếu không có tình yêu thương, tất cả mọi điều mình làm trong hội thánh hay ngoài xã hội đều không có ý nghĩa. Tình yêu thương là cái gì căn bản, quan trọng nhất. Đó cũng là điều mà ông nói trước kia: Thay vì cạnh tranh với nhau vì những ơn tứ, để thành tự ty hay tự tôn, chúng ta phải yêu thương lẫn nhau, lo lắng cho nhau.

1. Tôi không làm được gì

Câu 1, “Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng.” Chúng ta ngừng lại ở chữ “nói.” Tôi đã chia xẻ với quý vị là người Cô-rinh-tô rất quý trọng những người có tài hùng biện. Hội thánh Cô-rinh-tô chia năm, xẻ bảy vì có người theo Phao-lồ, nhưng cũng có người theo nhà hùng biện A-bô-lô. Vâng, tài hùng biện rất quan trọng. Nó khiến mình có thể trình bày, diễn đạt được tư tưởng một cách mạch lạc, rõ ràng. Nhưng Phao-lồ nói ở đây là, ngay cả có tài hùng biện mà thiếu tình yêu thương, thì cũng như không. Nói cách khác, có tài hùng biện bao nhiêu đi nữa, mà không có tình yêu thương, thì cũng giống như thùng rỗng kêu to, chỉ đưa ra những cái lý thuyết rỗng tuếch, không có thực chất. Một người nói hay chỉ vì tiền bạc, danh lợi, thì, đối với Đức Chúa Trời, chỉ như “chập chõa vang tiếng.”

Nhưng có vẻ Phao-lồ muốn nói đến điều thiêng liêng ở đây, vì ông nói đến “các thứ tiếng loài người và thiên sứ.” Có lẽ Phao-lồ muốn nói đến hiện tượng xảy ra trong Công Vụ các Sứ Đồ đoạn 2. Quý vị nhớ là, ngày Đức Thánh Linh hiện xuống, mọi người tự nhiên nói được tiếng của người khác. Trước kia mình không biết tiếng Persian, nhưng tự nhiên nói được, để người Persian hiểu được sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Ông cũng đến “tiếng của thiên sứ” nữa. Nhiều người dựa vào câu này và nói là thiên sứ có tiếng nói riêng, và mình phải tìm cách nói thứ tiếng đó. Đó là thứ tiếng mà mình gọi là “tiếng lạ.” Nhưng chúng ta phải biết rằng, Phao-lồ nhiều khi lý luận bằng cách phóng đại vấn đề, đưa nó đến thái cực, để chúng ta thấy là, ví dầu trong thái cực, không có tình yêu thương thì cũng vô ích mà thôi. Thật ra, chúng ta không biết thiên sứ có ngôn ngữ riêng để nói chuyện với nhau hay không, nhưng chúng ta biết là, khi nói chuyện với loài người, thiên sứ dùng ngôn ngữ của loài người. Dầu sao đi nữa, Phao-lồ nói như thế này, “Khi anh em nói chuyện với Thượng Đế, mặc dầu bằng ngôn ngữ của người khác, hay của thiên sứ đi nữa, nhưng nếu không có tình yêu thương, thì đó chỉ để anh em khoe mình, để cho người khác thấy mình thiêng liêng, và đó không khác gì “đồng kêu lên, hay là chập chõa vang tiếng.”

Như chúng ta biết, lúc đó có rất nhiều đền thờ tà thần. Bên ngoài đền thờ có những cái chuông, cái mõ. Bước vào, người ta gõ chuông đó, như để đánh thức ông thần của họ, để thần đó nghe lời cầu nguyện của họ. Vì thế, Phao-lồ nói là, “Anh em cầu nguyện với những thứ tiếng lạ, mà không có tình yêu thương, thì không khác gì anh em bước vào những đền thờ đạo lạc đó, và đánh vào những chuông đồng hay những chập chõa để cầu nguyện. Vô ích.

2. Tôi chẳng ra gì

Câu thứ hai, “Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm..., nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì.” Phao-lồ nói ở đây đến những người đứng lên giảng lời Chúa. Nếu một người có thể giảng một cách văn hoa, mạch lạc bao nhiêu đi nữa, nhưng thiếu tình yêu thương, người đó có thể được người khác kính nể, thán phục, nhưng chỉ là con số không đối với Thượng Đế. Một người có thể biết đủ các sự mầu nhiệm, biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai, có bằng PhD về thần học, nhưng nếu không có tình yêu thương, thì chỉ là con số không trước mặt Đức Chúa Trời.

Có hai điểm rất quan trọng mà người giảng lời Chúa, hay người nói về Chúa với người khác, phải luôn luôn để ý: Đó là lẽ thật và tình yêu thương. Chúng ta phải có sự cân bằng trong hai điều đó; chúng ta không thể coi trọng điều này, coi thường điều kia. Giảng đạo mà không biết lẽ thật sẽ đưa đến tà đạo. Điều này không được. Chúng ta phải có lời Chúa, và dạy dỗ lời Chúa. Nhưng mặt khác, người giảng dạy lời Chúa mà thiếu tình yêu thương thì cũng giống như những người Pha-ri-si trước kia. Họ biết rõ lời Chúa, nghiên cứu từng chữ một trong kinh thánh, nhưng vì thiếu tình yêu thương, mà đã áp dụng lời Chúa một cách sai lầm. Cô-rinh-tô đoạn 8 câu 1 nói rất rõ ràng, “Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương xây dựng.” Cũng như trong sách Phi-líp đoạn 1 câu 9, Phao lô không cầu nguyện cho tình yêu thương không, cũng không cầu nguyện cho sự thông biết không, nhưng “điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu.”

Phao-lồ nói thêm, “2. Dầu tôi được... mọi sự hay biết, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì.” “Sự hay biết” ở đây có thể hiểu được là những những gì mình hay biết ở ngoài đời, do những sự suy nghĩ, tìm tòi của mình. Đây là khoa học và kỹ thuật. Ông nói đến những người có bằng cấp cao về toán học, về vạn vật học, về vật lý học.... Nếu quý vị có bằng cấp cao bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu không có tình yêu thương, thì đối với Đức Chúa Trời, đó là con số không. Thật ra, chúng ta biết, và kinh nghiệm được điều này: Càng có kiến thức về khoa học cao chừng nào, mà không có tình yêu thương, thì càng nguy hiểm chừng đó.

Phao-lồ nói, “2. Dầu tôi... có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì.” Phao-lồ không muốn nói đến đức tin cứu rỗi ở đây. Tất cả mọi người phải có đức tin cứu rỗi. Nhưng Phao-lồ nói đến đức tin thể hiện trong đời sống của người tín đồ. Có người có một niềm tin kính rất mạnh. Mặc dầu đi qua những cơn sóng gió trong cuộc đời, họ vẫn đứng vững, không bị lung lay, vì họ biết trông cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời. Chúa cũng có thể dùng họ để làm bao nhiêu phép lạ nữa. Phao-lồ nói là, ngay cả như thế, nếu không có tình yêu thương, thì những người đó chỉ là con số không trước mặt Đức Chúa Trời.

3. chẳng ích chi cho tôi

Qua câu thứ ba, “3. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó..., song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.” Có nhiều lý do khiến chúng ta cho. Có người cho vì muốn người ta thấy, muốn khoe mình; có người cho vì mong người khác cho lại điều gì đó (tình yêu chẳng hạn); có người cho để cho xong chuyện (Gặp một người cứ đi theo mình xin tiền, mình móc túi lấy một đồng cho, để họ đi khuất mắt.) Trong gia đình cũng vậy, chúng ta cho con cái nhiều khi không phải vì tình yêu thương, nhưng có thể vì mặc cảm tội lỗi: Mình không có thì giờ với con cái, nên mua chuộc con cái bằng cách cho chúng nó những điều vật chất. Những thái độ đó không đến với tình yêu thương, và Phao-lồ nói là “chẳng ích chi cho tôi.” Vâng, có thể nó có ích với người mình cho, nhưng đối với cá nhân mình, điều đó không có ích gì. Phao-lồ nói đúng. Người cha mà cứ cho con tiền, vì muốn con quên là mình không có thì giờ với nó, một ngày sẽ thấy con bỏ nhà đi, hay coi thường mình.

Cũng vậy ông nói “3. Dầu tôi... bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.” Đọc câu này, chúng ta nghĩ đến những người tử đạo. Nhưng lịch sử cho thấy, lúc Phao-lồ nói câu này, chưa có người phải hy sinh vì Chúa. Có thể ông nói đến những người nô lệ, bị người ta đóng con dấu còn nóng đỏ, để chứng tỏ họ thuộc về người chủ. Có thể ông nói đến việc mạnh hơn việc cho người khác tất cả tiền bạc, đó là trở thành nô lệ cho họ. Hiểu ý nào cũng được, nhưng xin chúng ta trở lại việc bỏ mình hy sinh tử đạo. Phật giáo, công giáo, tin lành đều có người sẵn sàng chết, hay đã chết, cho đạo của mình. Nhưng có người chết không vì tình yêu thương. Nếu mình hy sinh đến thái cực như vậy, mà thiếu tình yêu thương, thì chỉ là vô ích, không có lợi gì cho ai hết, và cũng không có lợi gì cho mình.

II. Tình yêu thương

Trong ba câu đầu, Phao-lồ nói rằng, trong mọi khía cạnh trong đời sống của người tín đồ, thiếu tình yêu thương là thiếu tất cả. Bây giờ, từ câu 4 trở đi, ông phân tích một số điều về tình yêu thương. Không có thì giờ hôm nay, tôi chỉ muốn chia xẻ với quý vị hai điều mà thôi. Chúng ta sẽ tiếp tục tuần tới.

1. hay nhịn nhục

Câu 4, “Tình yêu thương hay nhịn nhục.” Nhịn nhục ở đây không phải là nhịn nhục đối với hoàn cảnh. Ông không nói đến việc mình lái xe gặp đèn đỏ quá lâu, mà vẫn tỉnh bơ, rung đùi. Nhưng nhịn nhục ở đây là nhịn nhục đối với người khác. Có thể mình nhịn nhục vì người khác chậm hơn mình, nói hoài không hiểu, dạy hoài không nghe. Có thể mình nhịn nhục vì người khác có những điều xấu xa, và mình phải nhịn nhục để nâng đỡ, dạy dỗ họ. Nhưng cũng có thể mình nhịn nhục vì người khác đàn áp, nói xấu, bóp chẹt mình. Đây nói đến sự chịu đựng, nhẫn nhục, không trả thù.

Lời khuyên nhịn nhục trong trường hợp sau cùng là một điều mới lạ ở thế kỷ đầu tiên. Lúc đó, người ta coi nhịn nhục như thế là yếu hèn. Hồi nhỏ tôi thích đọc truyện kiếm hiệp. Tôi nhớ tất cả mọi chuyện tôi đọc đều được xây dựng trong một bối cảnh là, có một người bị một ức hiếp nào đó, và con cháu họ tìm cách trả thù từ đời này qua đời kia. Mình phải trả thù. Mình chỉ có thể nhẫn nhục để chờ thời. Mình để bụng, làm bộ nói cười vui vẻ, không nói cho ai biết. Mình chờ một lúc nào đó người ta sơ hở, nghĩ là mình đã quên mối thù xưa, liền trở tay báo thù. Người Hy Lạp lúc đó coi sự nhịn nhục là yếu đuối, nhưng Phao-lồ dạy tình yêu thương phải nhịn nhục. Người ta đàn áp mình, mình nhịn nhục. Người ta nói xấu mình, mình nhịn nhục.

2. hay nhơn từ

Phao-lồ nói tiếp, “Tình yêu thương hay nhân từ.” Một đằng, tình yêu thương nhịn nhục; đằng khác, tình yêu thương nhân từ. Hai điều này đi đôi với nhau. Nhịn nhục là thụ động, không trả đũa, nhưng nhân từ là chủ động, ở điểm là mình làm điều tốt, làm ơn cho những người đã làm xấu cho chúng ta. Đó là tình yêu thương.

Hình ảnh lớn nhất của tình yêu thương, với sự hòa đồng nhiệm mầu giữa sự nhịn nhục và sự sự nhân từ, là điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta. Ngài dựng nên chúng ta, nhưng chúng ta đã từ khước, coi thường Ngài, sống đời sống như thể không có Ngài. Nhưng Thượng Đế đã kiên nhẫn đối với chúng ta, không trả đũa liền, không đánh cho thế gian này nát bấy liền. Thượng Đế vẫn chờ đợi đến một ngày nào đó chúng ta ăn năn. Không những có sự nhịn nhục, Ngài cũng có sự nhân từ, ở điểm là Ngài chọn một số người chúng ta, để ban cho sự sống đời đời. Một đằng Ngài không trừng phạt chúng ta, đằng khác Ngài ban cho chúng ta những điều mà chúng ta không xứng đáng.

Chúng ta cám ơn Chúa vì Ngài là tình yêu thương, và tình yêu thương có sự nhịn nhục và nhân từ. Là tín đồ của Đấng Christ, tự xưng mình là con của Đức Giê-hô-va, chúng ta có hình ảnh tuyệt vời đó của tình yêu thương. Chúng ta có thể ngưng ở đây, và tự hỏi: Khi làm việc trong hội thánh, tôi có một động lực đúng, là tình yêu thương, hay không? Tôi đã chứng tỏ được sự kiên nhẫn của tôi đối với người khác chưa? Tôi có tích cực làm một điều gì, để chứng tỏ sự nhân từ của tôi chưa? Trong gia đình, tôi có sự nhịn nhục và nhân từ hay không? Tôi đã đối xử với vợ hay chồng tôi như thế nào? Tôi có “để bụng” hay không? (Hôm qua bà nói một câu “cay” quá, mình phải chờ dịp nói lại một câu cho xứng đáng.) Tôi có cố gắng làm tất cả mọi điều trong tình yêu thương, để hàn gắn, hay để tình vợ chồng càng ngày càng đậm đà hơn hay không?

Mục sư Đỗ Lê Minh