Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 16 | Bài 18 >> | Hướng Dẫn

Bài 17

CHÚNG TA SỐNG LẠI

I CÔ RINH TÔ 15:20-34

 

Kính thưa quý vị, chúng ta đã học về tin lành của Chúa. Phao-lồ nói đến hai điều căn bản trong đó: Thứ nhất là Chúa chết vì tội chúng ta theo lời kinh thánh, và thứ hai là Chúa sống lại theo lời kinh thánh. Nếu Chúa thật sự không sống lại, thì tội lỗi của chúng ta vẫn còn, và chúng ta là những người đáng thương hại hơn hết. Nhưng sau khi nói điều đó rồi, thì Phao-lồ nói một câu rất vui, “Nhưng Đấng Christ đã sống lại.” Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục học sách Cô-rinh-tô thứ nhất, và sẽ xem sự sống lại của Chúa đó có ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Tôi xin đọc đoạn 15, từ câu 20 đến câu 34:

20. Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.

21. Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết.

22. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại,

23. nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại.

24. Kế đó, cuối cùng sẽ đến là lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực;

25. vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chơn mình.

26. Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng, tức là sự chết.

27. Vả, Đức Chúa Trời đã để muôn vật dưới chơn Ngài; mà đã nói rằng muôn vật phục Ngài, thì chắc phải trừ ra Đấng làm cho muôn vật phục Ngài.

28. Khi muôn vật đã phục Ngài, thì bấy giờ chính mình Con sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự.

29. Bằng chẳng vậy, những người vì kẻ chết chịu phép báp têm sẽ làm chi? Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp têm?

30. Lại sao chính mình chúng tôi giờ nào cũng ở trong sự nguy hiểm?

31. Hỡi anh em, tôi chết hằng ngày, thật cũng như anh em là sự vinh hiển cho tôi trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta.

32. Nếu tôi theo cách loài người mà đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi? Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!

33. Anh em chớ mắc lừa: bạn bè xấu làm hư thói nết tốt.

34. Hãy tỉnh biết, theo cách công bình, và chớ phạm tội; vì có người không biết Đức Chúa Trời chút nào, tôi nói vậy để anh em hổ thẹn.

I. Mọi người đều sống lại

1. Mọi người đều chết

Thưa quý vị, hôm nay chúng ta sẽ học về kết quả của sự sống lại của Chúa Giê-xu. Phao-lồ nói trước nhất là, tất cả mọi người ai cũng sẽ phải chết. Cái chết đến từ tội lỗi của A-đam. Trong câu 21, Phao-lồ nhắc, “Vì chưng bởi một người mà có sự chết,” trong câu 22, “Như trong A-đam mọi người đều chết.” A-đam là người đàn ông đầu tiên. Mặc dầu tội lỗi bắt nguồn từ vợ ông, nhưng vì là người đứng đầu trong gia đình, ông phải chịu trách nhiệm. Tất cả con cháu của ông đều phải chịu một cái chết. Chúng ta ai cũng ý thức được điều này, ấy là mỗi chúng ta đều sẽ trút hơi thở cuối cùng.

Trong kinh thánh, chữ “chết” thường không nói đến cái giây phút linh hồn mình lìa khỏi thân xác, nhưng nói đến một trạng thái liên tục kéo dài. Mặc dầu đang “sống” trên thế gian này, mặc dầu đang ăn uống, đi, đứng, hay ngủ, chúng ta đã chết. Có cái chết đang hoành hành trong thể xác của chúng ta. Cái chết cũng không chấm dứt ngày linh hồn chúng ta lìa khỏi thân xác. Nó cứ tiếp tục, cho đến ngày cuối cùng, khi mỗi người chúng ta phải chịu cái chết đời đời trong hỏa ngục tối tăm.

2. Đấng Christ sống lại

Nhưng Phao-lồ nói một cách vui mừng trong câu 20, “Nhưng bây giờ Đấng Christ đã từ cõi chết sống lại.” Câu 20, “Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.” Dùng chữ “ngủ” ở đây, ông muốn nói đến sự tạm bợ của cái chết: Ngài chết, nhưng đã sống lại, như mình ngủ, rồi thức.

Chúng ta biết là kinh thánh cũng có ghi lại việc ông La-xa-rơ đã chết và sống lại trong thời Chúa Giê-xu. Thế thì tại sao Phao-lồ lại nói là Đấng Christ là người đầu tiên sống lại? Tiếng Anh có hai chữ nói đến sự sống lại: Chữ “resuscitation” nói đến sự sống lại trong cùng một thân thể. Người sống lại cũng sẽ già thêm, rồi một ngày nào đó cũng sẽ chết lại. Nhưng Phao-lồ dùng ở đây chữ “resurrection,” với một ý nghĩa khác hẳn. Chúa Giê-xu sống lại, hiện ra với hai người môn đồ trên đường Em-ma-út, nói chuyện với họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Ngài hiện ra trong một thân thể đặc biệt, mà mình phải đợi đến ngày cuối cùng mới biết được. Đặc biệt hơn hết, chữ “resurrection,” hàm ý không chết lại nữa. Chúa Giê-xu đã sống lại, và sẽ không chết lần thứ hai nữa. Ngài là người đầu tiên trong lịch sử sống lại như vậy.

3. Người trong Đấng Christ sống lại

Vì Đấng Christ đã sống lại, chúng ta cũng sẽ sống lại. Ngài là trái đầu mùa, và có cả một mùa gặt về sau. Bởi vậy, Phao-lồ mới trong câu 21, “bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết;” câu 22, “trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại;” câu 23, “những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại.”

Về chữ “trái đầu mùa,” người Do Thái hiểu rất rõ ràng, vì Lê-vi Ký đoạn 23 từ câu 9 có ra lịnh là họ phải dâng trái đầu mùa mà họ gặt hái lên Chúa: “Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi nào các ngươi đã vào xứ mà ta sẽ ban cho, và đã gặt mùa màng rồi, thì hãy đem đến cho thầy tế lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi. Qua ngày sau lễ sa-bát, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu cho bó lúa đó được nhậm.” Trái đầu mùa tượng trưng cho tất cả mùa màng về sau. Thấy trái đầu mùa, mình biết được về sau có gì. Giả sử như có một người đưa mình một hột cây, và nói, “Tôi mới sáng chế ra hột này. Nếu trồng, nó sẽ nở bông rất đẹp. Và nếu mua cái hột này, anh sẽ giàu to.” Cầm hột, mình nói, “Được rồi, để tôi trồng thử.” Quả thật, hoa nở ra rất đẹp. Nhưng dầu đẹp bao nhiêu đi nữa, nếu đem hoa này ra chợ bán, nhiều lắm là nó cũng chỉ đáng giá 100 đô-la thôi. Có phải vì thế mà mình mua hột chỉ với giá này hay không? Thưa không, mình sẽ phải trả 1 triệu đô-la, vì mình không chỉ mua một hột này. Nó là trái đầu mùa, tượng trưng cho bao nhiêu hoa sẽ nở trong tương lai. Cũng vậy, Đấng Christ là Đấng đầu tiên sống lại, khiến cho bao nhiêu người sẽ sống lại trong tương lai.

Khi sống lại trong ngày cuối cùng, chúng ta sẽ thấy như lời Chúa hứa trong câu 24, “Kế đó, cuối cùng sẽ đến là lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực; vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chơn mình. Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng, tức là sự chết.” Khi sự chết đã bị hủy diệt rồi, mình sẽ không còn đau đớn, khổ đau, hay chia cách nữa. Đây là sự sống lại tuyệt diệu, mà bây giờ mình không thể nào tưởng tượng được. Là tín đồ trong Đấng Christ, chúng ta phải mong chờ một ngày nào đó mình sẽ sống lại trong Đấng Christ.

4. Người ngoài Đấng Christ cũng sống lại

Phao-lồ nói trong Công Vụ đoạn 24 câu 15, “...sẽ có sự sống lại của người công bình và không công bình.” Ngày cuối cùng, không chỉ những người trong Đấng Christ sẽ sống lại, ngay cả những người ngoài Đấng Christ cũng sẽ sống lại. Ở trong A-đam, tất cả mọi người chúng ta đều sẽ chết, và tất cả cũng sẽ sống lại, dầu tin Chúa hay không. Cái khác nhau là, người trong Đấng Christ sẽ sống lại để thụ hưởng sự thông công ngọt ngào với Thượng Đế; nhưng những người bên ngoài Đấng Christ sẽ sống lại để nhận hình phạt đời đời trong hỏa ngục tối tăm. Khải Huyền đoạn 20 câu 12, “Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự Chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.”

Có một đoàn người leo núi, và có một sợi dây nối người leo trước phía trên với người leo sau phía dưới. Hôm nọ, người dẫn đầu nắm một hòn đá, và hòn đá đó lở ra, làm ông té. Khi té, ông kéo người thứ hai xuống. Rồi người thứ hai kéo người thứ ba... Thấy vậy, người ở dưới cùng “chịu trận,” bám vào một khối đá rất vững chắc. Nhờ ông làm vậy, không ai bị rớt xuống vực sâu. Cũng vậy, A-đam là người phạm tội, và đã kéo chúng ta xuống. Nhưng cám ơn Đức Chúa Giê-xu, Ngài đã trở thành người, đã đứng vững, để nhờ đó, chúng ta không bị rơi xuống vực sâu.

Tiếc là, nhiều người tín đồ không biết chắc là mình có sự cứu rỗi. Người ta kể rằng, hôm nọ, nhà bác học Einstein đi xe lửa. Khi người soát vé đến hỏi vé, ông lục hết túi này đến túi kia, nhưng không thấy vé ở đâu. Người soát vé mới nói, “Thôi được! Tôi biết ông là Dr. Einstein, và biết ông không đi vé lậu đâu. Chắc ông chỉ để lộn nó ở đâu đó thôi.” Sau khi bỏ đi, người soát vé nhìn lại, và vẫn thấy ông Einstein kiếm vé của mình. Quay trở lại, người soát vé nói, “Dr. Einstein ơi, xin ông đừng có lo. Tôi biết ông là ai mà.” Đang bò dưới sàn, ông Einstein nhìn lên, nói, “Ông biết tôi là ai; tôi cũng biết tôi là ai. Nhưng kẹt một điều là tôi quên, không biết tôi muốn đi đâu, và sẽ xuống ga nào!” Nhiều khi, sống trên đời này, nhiều khi chúng ta quên mình đang hướng về đâu, không nhớ hay không biết là mình sẽ về thiên đàng. Chúng ta phải nhắc nhở lẫn nhau, và chúng ta phải sống như thể mình biết mình đi đâu.

II. Chúng ta sống như thế nào?

1. Không làm báp têm cho kẻ chết

Biết mình sẽ sống lại, chúng ta phải sống trên thế gian này như thế nào? Câu 29 là một câu nói rất khó hiểu của Phao-lồ: “Bằng chẳng vậy, những người vì kẻ chết chịu phép báp têm sẽ làm chi? Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp têm?” Có vẻ như Phao-lồ bảo chúng ta làm phép báp-têm cho những người đã chết. Người Mormon bây giờ có bí tích như thế. Họ cứ làm lễ báp-têm cho bao nhiêu người đã chết, và nghĩ rằng nhờ thế mà họ có thể cứu những người đó.

Nhưng đây không phải là điều Phao-lồ dạy dỗ. Chúng ta chỉ áp dụng những bí tích trong hội thánh nếu nó thỏa mãn ba điều kiện. Thứ nhất là Chúa dạy những điều đó, thứ hai là sách Công Vụ có ghi lại việc hội thánh đầu tiên làm những điều đó, và thứ ba là các sứ đồ có dạy những bí tích đó trong các thơ tín. Chúng ta không làm lễ rửa chân chẳng hạn, vì chỉ có Chúa làm, mà không có sách nào nói hội thánh đầu tiên đã làm. Lễ báp-têm cho kẻ chết này cũng vậy. Đây là một chỗ độc nhất mà nói đến hành động này. Chúng ta phải thấy là Phao-lồ nói điều này một cách rất mơ hồi. Ông không giải thích làm báp-têm cho người chết là làm như thế nào. Để ý là Phao-lồ dùng đại danh từ “họ” trong “thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp têm?” Ông nói đến việc làm của người khác, chứ không phải của ông, hay ông đồng ý với điều này. Hơn nữa, những bí tích chúng ta làm trong hội thánh phải phù hợp với những lời dạy dỗ khác trong kinh thánh. Và kinh thánh nói rõ ràng là mình không thể nào cứu người đã chết, và lễ báp-têm là dành cho những người đã tin Chúa, chứ không bao giờ cho những người không tin Chúa. Đối với kinh thánh, chết là quá trễ rồi. Nhiều người đoán là, sở dĩ người Cô-rinh-tô có phong tục này, vì có một số người trong hội thánh đã tin Chúa, nhưng vì một lý do nào đó, đã chết trước khi nhận lễ báp-têm, và hội thánh làm lễ báp têm cho họ. Một cách giải thích khác là, theo nguyên bản Hy Lạp, thay vì dịch “phép báp-têm cho những người đã chết,” mình cũng có thể dịch là “làm lễ báp-têm để thế chỗ cho những người đã chết” trong hội thánh. Nhưng dù sao đi nữa, những bí tích, những việc làm của mình sẽ không bao giờ cứu được ai hết, ngay cả cứu chính mình.

2. Chết hằng ngày

Ý thức được chúng ta sẽ sống lại, chúng ta không làm một số nghi lễ để đáp ứng lại. Nhưng quan trọng hơn, Phao-lồ nói trong câu 30, “Lại sao chính mình chúng tôi giờ nào cũng ở trong sự nguy hiểm? Hỡi anh em, tôi chết hằng ngày, thật cũng như anh em là sự vinh hiển cho tôi trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta. Nếu tôi theo cách loài người mà đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi? Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” Phao-lồ muốn nói gì khi nói “Tôi chết hằng ngày”? Thứ nhất, đây có nghĩa là ông chịu hy sinh, chịu đối diện sự chết hằng ngày. Ông sẵn sàng bị đánh đập, bị lao tù, bị ném đá, bị mưu giết mình. Ông nói thêm, tôi “đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô.” Vì Phao-lồ là công dân Hy Lạp, các nhà sử học không tin là ông thật sự đã bị đem ra để đánh với các loài thú, để làm trò đùa, như trong phim ảnh. Có vẻ như ông muốn nói một cách bóng bẩy đến sự hy sinh của ông, đến bao nhiêu khó khăn, vất vả ông chịu trong khi hầu việc Chúa.

Điều quan trọng ông muốn nói ở đây là, sở dĩ ông chịu những đau đớn, vất vả, vì, một ngày nào đó, ông sẽ sống lại. Không phải ông là người mà mình gọi là có “thú đau thương,” hay thích làm “anh hùng rơm,” thích giỡn với cái chết. Nếu không tin người chết sẽ sống lại, Phao-lồ đã khuyên chúng ta hãy ăn, uống, hưởng thụ, đừng hy sinh cho Chúa, vì, như ông nói trước kia, sự hy sinh đó chỉ làm cho người tín đồ thành những người đáng thương hại hơn hết mà thôi. Ông chết hằng ngày là vì ông muốn thấy người khác tin Chúa, và được cứu rỗi như ông. Ở bên này, khi đi ra làm chứng với người khác, chúng ta không phải đối diện với cái chết, không bị người ta ném đá, bỏ tù. Nếu vì sự sống lại của người khác mà Phao-lồ sẵn sàng đối diện với cái chết như vậy, chúng ta có sẵn sàng đi ra làm chứng với người khác hay không? Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ một số tiện nghi vật chất, để người khác có sự sống đời đời như chúng ta hay không?

Có thể ngày nay chúng ta không có những khó khăn đó, nhưng chúng ta cũng phải chết hằng ngày ở điểm là chúng ta phải làm chết đi con người cũ, con người xác thịt. Chúa nói trong Lu-ca đoạn 14, câu 27, “Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.” Vác thập tự giá của mình là đánh chết con người cũ của mình, với những đòi hỏi cá nhân ích kỷ, những tự cao tự đại của nó. Phao-lồ nói trong Ga-la-ti đoạn 2 câu 19, “Vả, bởi luật pháp, tôi đã chết cho luật pháp, để sống cho Đức Chúa Trời. Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ.” Chúng ta có thể nói được như vậy chưa? Con người cũ chúng ta đã chết chưa? Chúng ta đã chết hằng ngày, để người khác được sống trong ngày cuối cùng, chưa? Đây là một thách thức lớn cho chúng ta.

3. Chớ mắc lừa

Thay vì dịch câu 34 như “Hãy tỉnh biết, theo cách công bình,” các bản dịch tiếng Anh dịch, như bản NIV dịch, “Come back to your senses as you ought,” hay bản NASB dịch, “Become sober-minded as you ought.” Đây có nghĩa là “Hãy tỉnh thức, vì đây là điều anh em phải làm.” Trong câu 33, Phao-lồ nói một điều mà ai cũng công nhận, đó là “Bạn bè xấu làm hư thói nết tốt,” như người Việt Nam thường nói, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Những người Cô-rinh-tô quả thật đã “gần mực” quá nhiều. Họ ở trong một thành phố có đạo đức suy đồi, và bị ảnh hưởng từ bên ngoài quá nhiều. Và Phao-lồ khuyên họ phải tỉnh thức, đừng đi theo người đời nữa. Đây cũng phải là bài học cho chúng ta. Xin đừng quên chân lý của sự cứu rỗi, đừng quên là chúng ta sẽ sống lại. Xin đừng quên là chúng ta phải chết mỗi ngày, vì muốn người khác cũng có sự sống lại như chúng ta. Để được như thế, Phao-lồ khuyên chúng ta phải cẩn thận, đừng để bị mắc lừa, hay để người khác dẫn mình đi theo con đường sai bậy.

4. Chớ phạm tội

Cuối cùng, Phao-lồ tóm tắt, “Chớ phạm tội.” Có nhiều người đảo lộn thứ tự, khuyên đừng phạm tội để được sự cứu rỗi. Nhưng Phao-lồ dạy là, vì mình đã có sự cứu rỗi, sự sống lại, nên mình đừng phạm tội nữa.

Tôi xin tóm tắt những lời dạy của Phao-lồ: Ở trong Đấng Christ, chúng ta sẽ được sự sống lại. Tất cả mọi người đều sẽ sống lại trong ngày cuối cùng, nhưng chỉ những người trong Đấng Christ mới sống lại trong tình yêu thương của Thượng Đế hằng hữu. Những người ngoài Đấng Christ sẽ sống lại chỉ để bị quăng vào lò lửa hừng hực. Biết được điều đó, mình không thể nào ngồi yên được. Mình phải làm một cái gì. Điều quan trọng mình phải chết hằng ngày, hy sinh đem tin lành cho người khác, để người khác cũng biết Chúa, và được sự cứu rỗi, sự sống đời đời như mình. Và mình cũng phải dẹp bỏ con người cũ, để Chúa được thể hiện trong đời sống của mình, và sống đời sống đẹp lòng Chúa.

Tôi xin mời quý vị đứng lên và chúng ta đặt hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất là, “Mình đã ý thức được rõ ràng là mình sẽ có được sự sống đời đời hay không?” Và nếu là câu trả lời là “Tôi biết,” thì câu hỏi thứ hai là, “Mình có chết hằng ngày, để người khác cũng có được sự sống đời đời như mình hay không?”

Mục sư Đỗ Lê Minh