Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 1 | Bài 3 >> | Hướng Dẫn

Bài 2

SỰ TRANH CANH TRONG HỘI THÁNH

I CÔ-RINH-TÔ 1:10-17, 3:3-8

 

I. Vấn đề: Có sự tranh cạnh

Kính thưa quý vị, chúng ta đã bắt đầu học sách Cô-rinh-tô thứ nhất tuần trước. Và như tôi chia xẻ với quý vị, trong sách này, Phao-lồ dạy dỗ những người tín đồ ở hội thánh Cô-rinh-tô khi họ phải đối phó với một số vấn đề trong Hội Thánh, và những vấn đề đó vẫn còn xảy ra ngày hôm nay. Hôm nay tôi muốn chia xẻ với quý vị một vấn đề rất quan trọng, đó là sự hợp nhất, hay đúng hơn là sự ghen ghét, tranh cạnh trong Hội Thánh.

Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 1 từ câu 10 đến câu 17 viết như thế này:

10. Hỡi anh em, tôi nhơn danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.

11. Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh.

12. Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lồ; ta là của A-bô-lô, ta là của Sê-pha, ta là của Đấng Christ.

13. Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lồ đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhơn danh Phao-lồ mà chịu phép báp-têm sao?

14. Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì ngoài Cơ-rít-bu và Gai-út, tôi chưa từng làm phép báp-têm cho ai trong anh em,

15. hầu cho chẳng ai nói rằng anh em đã nhơn danh tôi mà chịu phép báp-têm.

16. Tôi cũng đã làm phép báp tem cho người nhà Sê-pha-na; ngoài nhà đó, tôi chẳng biết mình đã làm phép báp-têm cho ai nữa.

17. Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích.

Đoạn 3 từ câu 3 đến câu 8 viết như thế này:

3. Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?

4. Có người thì nói: Ta là môn đồ của Phao-lồ; kẻ thì rằng: Ta là của A-bô-lô, vậy anh em há chẳng phải là người cũng như kẻ khác sao?

5. Thế thì, A-bô-lô là ai, và Phao-lồ là ai? Ấy là kẻ tôi tớ, mà bởi kẻ đó anh em đã tin cậy, y theo Chúa đã ban cho mọi người.

6. Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên.

7. Vậy, người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên.

8. Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm.

Hai đoạn này ghi nhận một vấn đề rất rõ ràng trong hội thánh Cô-rinh-tô lúc đó. Đó là sự ghen ghét, tranh cạnh. Đoạn 1 câu 11, “Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh.” Phao-lồ lặp lại trong đoạn 3 câu 3, “Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh.” Trong đoạn 1 câu 12, Phao-lồ diễn tả thêm điều ông nghe về sự tranh cạnh đó, “Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lồ, ta là của A-bô-lô, ta là của Sê-pha, ta là của Đấng Christ.”

Trước hết, mình không biết có phải đây là sự thật đã xảy ra hay không, hay Phao-lồ chỉ dùng những tên này để làm ví dụ về thái độ của người Cô-rinh-tô lúc đó. Nhưng dầu sao đi nữa, chúng ta cũng tìm hiểu xem những người này là ai. Tuần trước chúng ta biết là Phao-lồ người gây dựng nên hội thánh Cô-rinh-tô, và bây giờ ông không còn ở đó nữa. Nhưng hội thánh Cô-rinh-tô vẫn còn có nhiều người đã là môn đồ của Phao-lồ. Phần nhiều những người ngoại đạo mới tin Chúa rất thích lối dạy dỗ của Phao-lồ, vì ông dạy là mình có thể làm được mọi chuyện, miễn là làm trong tình yêu thương. Thành ra có một nhóm người vẫn thích Phao-lồ, mặc dầu ông đã đi xa, và cứ khư khư nói rằng họ chỉ theo Phao-lồ mà thôi.

Tôi thấy điều này vẫn còn xảy ra trong thế kỷ này: Có vị mục sư thành lập một hội thánh, và vì lý do nào đó, phải lìa hội thánh đi nơi khác. Trong hội thánh, nhiều người vẫn cứ nghĩ đến vị mục sư cũ đó. “Tôi ở đây từ lúc hội thánh được thành lập, lúc mục sư X gây dựng hội thánh. Bây giờ mục sư mới này nói gì thì nói, chứ hội thánh này là hội thánh được xây dựng bởi mục sư X, và những điều mục sư X làm thì mình phải theo.” Họ gây bè phái trong hội thánh. Họ coi thường vị mục sư mới, vì mục sư mới không phải là người gây dựng hội thánh.

Người thứ hai là A-bô-lô. Công Vụ đoạn 18 từ câu 24 chép như thế này, “Bấy giờ có một người Giu-đa tên là A-bô-lô, quê tại thành A-léc-xan-tri, là tay khéo nói và hiểu kinh thánh đến thành Ê-phê-sô. Người đã học đạo Chúa, nên lấy lòng rất sốt sắng mà giảng và dạy kỹ càng những điều về Đức Chúa Giê-xu, dẫu người chỉ biết phép báp-têm của Giăng mà thôi. Vậy người khởi sự giảng cách dạn dĩ trong nhà hội. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe giảng, bèn đem người về với mình, giảng bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ lưỡng. Người toan sang xứ A-chai, thì anh em giục lòng cho và viết thơ gởi dặn môn đồ phải tiếp đãi người tử tế. Khi tới rồi, người được nhờ ơn Đức Chúa Trời mà bổ ích cho kẻ đã theo, vì người hết sức bẻ bác người Giu-đa giữa thiên hạ, lấy kinh thánh mà bày tỏ Chúa Giê-xu Christ là Đấng Christ.”

A-bô-lô đặc biệt có khẩu tài. Người ta say mê nghe ông thuyết trình, giảng dạy. Lúc bắt đầu giảng dạy, ông không biết rõ về thần học. Nhưng khi Bê-rít-sin và A-qui-la nghe ông giảng không đúng, và đem ông về nhà dạy ông thêm về đạo Chúa, thì sau đó thần học của ông rất chính xác. Và đây là điều xảy ra trong nhiều hội thánh ngày hôm nay: Hội thánh có hai, ba mục sư, nhưng có một mục sư có ơn giảng. Khi ông nói thì mọi người chăm chú nghe, trong lúc vị mục sư khác hơi chậm chạp, nói dài dòng, và không được minh bạch. Thành ra hội thánh phân ra làm hai phe: một phe theo ông mục sư giảng hay, một phe binh ông mục sư giảng kém hơn.

Có thể hội thánh bây giờ không có những vấn đề như trên, nhưng có vấn đề tương tự. Đó là, nếu không có hai, ba mục sư chia bè phái với nhau, thì hội thánh có một ông mục sư, và coi mục sư này như thần tượng. Ông mục sư của tôi là số một; ông mục sư của tôi như thế này, thế kia. Rồi mình bắt đầu coi thường những mục sư khác. Có thể vì mục sư này có lòng tự kiêu trước, rồi lôi kéo tín đồ theo; cũng có thể những người tín đồ trong hội thánh tâng bốc ông quá, đến nỗi ông có sự tự kiêu trong lòng. Những sự kiêu hãnh về người lãnh đạo của mình, hay trong lòng những nhà lãnh đạo, đưa đến nạn bè phái chia rẽ trong Hội Thánh.

Nhưng chưa hết, Phao-lồ còn nói đến một nhóm người thứ ba nữa, nhóm người của Sê-pha. Tên Sê-pha có vẻ hơi lạ, nhưng đúng ra chỉ là tên khác của Phi-e-rơ. Phi-e-rơ là một trong mười hai người có vinh dự nhất trên lịch sử, đó là được Chúa chọn làm sứ đồ, và có lúc nào đó ông đã qua Cô-rinh-tô giảng dạy. Có một số người nhận mình là đệ tử của Phi-e-rơ, và chỉ biết Phi-e-rơ thôi. Những người này thường là người Do Thái, trọng chức tước, nghi lễ, hơn là sự dạy dỗ. Trong hội thánh Việt Nam tại Mỹ bây giờ có sự xích mích giữa thế hệ đầu tiên xuất thân từ Việt Nam, và thế hệ thứ hai sanh trưởng bên này, chỉ biết nói tiếng Anh. Ở Việt Nam, đi nhà thờ mình ăn mặc sang trọng, trong lúc đám nhỏ bên này hoàn toàn khác hẳn. Đi nhà thờ, nhiều khi chúng chỉ mặc áo T-shirt, quần đùi, mang dép. Chúng coi thường phòng nhóm này, coi đây chỉ là một chỗ để gặp gỡ thôi.

Có một nhóm khác nữa, xưng mình là môn đồ của Đấng Christ, và chỉ biết có Chúa Giê-xu Christ mà thôi. Mỗi ngày ta đọc kinh thánh, ta cầu nguyện, ta nói chuyện trực tiếp với Chúa, để Chúa chỉ bảo là đủ rồi. Họ rất “thiêng liêng,” nên tạo thành một nhóm người riêng, coi thường từ Phi-e-rơ đến Phao-lồ. Đây có lẽ là nhóm tệ nhất trong tất cả các nhóm, vì họ có sự hãnh diện thuộc linh. Tôi không muốn nói nhiều hơn, nhưng chúng ta thấy có những người như vậy ở trong Hội Thánh.

II. Lời khuyên

Phao-lồ có một lời khuyên trong câu 10, “Hỡi Anh em, tôi nhơn danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.”

Tiêu cực trước, Phao-lồ khuyên chúng ta chớ phân rẽ nhau. Chữ “phân rẽ” có thể được dịch là xé lẻ, chia năm xẻ bảy, như mình cầm tờ 100 đồng xé toạc ra làm hai. Phao-lồ nói, đừng làm như vậy, đừng xé nhỏ hội thánh như vậy.

Tích cực hơn, Phao-lồ “khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau.” Theo nguyên bản, đây có nghĩa là, “anh em hãy vá lại cái lưới đánh cá đã lủng.” (Chúng ta thấy cùng một chữ trong sách Mác đoạn 1 câu 19, trong đó Chúa Giê-xu thấy các ông Gia-cơ và Giăng đang vá lưới và gọi các ông theo Ngài.) Tôi xin dịch là, “Anh em ơi, tôi khuyên anh em hãy hàn gắn lại sự đổ vỡ.” Phao-lồ nói, anh em đừng có sự chia rẽ nữa, hãy ngồi lại, hàn gắn lại với nhau. Hãy vá lại cái lưới đã rách.

Ông giải thích thêm là anh em phải hàn gắn lại để có “đồng một tiếng nói với nhau, ...phải hiệp một ý, một lòng cùng nhau.” Có phải Phao-lồ muốn nói là, bây giờ mục sư nói gì thì anh em phải nghe theo răm rắp; ban chấp hành hội thánh chỉ có một ý thôi; trong phiên họp không ai được cãi với ai hết? Thưa không, tôi mong hội thánh chúng ta không có những điều đó. Tôi mong mỗi người chúng ta có sự suy nghĩ cá nhân, có ý kiến riêng, không để mục sư nói gì thì nghe đó. Mỗi khi có ai cho tôi ý kiến gì về hội thánh, tôi nghe rất kỹ.

Phao-lồ không muốn chúng ta ai cũng giống ai hết, nhưng muốn chúng ta phải có chung một điều căn bản trước, đó là có chung một nhân sinh quan, tức là có cùng một cái nhìn về Thượng Đế, về Chúa Giê-xu Christ. Nói như thế có nghĩa là chúng ta trước hết phải tin Chúa, phải đồng ý với nhau về những căn bản tin lành. Và nếu không đồng ý về những điều đó, chúng ta không thể nào hiệp một được. Phao-lồ nói rất rõ ràng là chúng ta phải tránh xa những người dạy tà đạo, nếu không nói là nguyền rủa họ nữa.

Không những phải có đồng một lòng với nhau, chúng ta cũng phải có đồng một lòng với Đấng Christ nữa. Phi-líp đoạn 2 câu 5, “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng của Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” Nếu hội thánh chúng ta có đồng một niềm tin, đồng một tâm tình như vậy, chúng ta sẽ không có vấn đề.

III. Phương cách

Phao-lồ đưa ra một số phương cách để giúp chúng ta có đồng một lòng, một ý. Khi bắt đầu thấy có bè phái trong hội thánh, hay thấy mình bắt đầu thần tượng hóa một mục sư nào đó, thì chúng ta phải nghĩ đến những điều sau đây.

1. Nghĩ đến thân thể của Chúa

Thứ nhất Phao-lồ dạy rằng, khi có sự chia rẽ, chúng ta phải nhìn lên thân thể Đấng Christ. Nói cách khác, chúng ta không nhìn trong những nhóm nhỏ của mình nữa, nhưng hướng mắt lên cao hơn, và nhìn trọn vẹn hội thánh của Chúa. Hội thánh của Chúa không phải chỉ là nhóm nhỏ của mình, của Phao-lồ, của A-bô-lô, hay của Sê-pha..., nhưng là của Chúa.

Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 12 câu 12, “Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng tôi đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.” Rồi qua câu 24, “Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.”

Phao-lồ hỏi trong đoạn 1 câu 13, “Đấng Christ bị phân rẽ ra sao?” Khi Đấng Christ bị chết trên thập tự giá, người ta không đánh gãy xương của Ngài, và không xé áo choàng của Ngài. Nếu lúc đó thân thể của Ngài không bị phân rẽ, tại sao bây giờ chúng ta phân rẽ thân thể của Ngài, để làm đau lòng Ngài.

Chúng ta phải có cái nhìn toàn diện: mỗi người chúng ta là cái chi thể của Chúa; Chúa là vị lãnh đạo tối cao của chúng ta, chứ không phải mục sư này, mục sư kia. “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới.” Phao-lồ là người đã xây dựng hội thánh, và đến chừng ông ra đi, A-bô-lô đến giảng dạy để họ lớn lên. Mỗi người có một ơn tứ riêng, thích hợp với một số người riêng, để đóng góp vào chi thể của Chúa. (Tôi biết có một số người thích cách tôi giảng, nhưng cũng có một số người không thích.)

Chúng ta phải nhìn hội thánh như của Đức Chúa Trời, và tất cả mọi người trong đó là đầy tớ của Ngài. Phao-lồ nói thêm trong đoạn 3 câu 5, “Thế thì, A-bô-lô là ai, và Phao-lồ là ai? Ấy là kẻ tôi tớ, mà bởi kẻ đó anh em đã tin cậy, y theo Chúa đã ban cho mọi người. Ngón tay phải này không thể nói, Tôi quan trọng hơn ngón tay trái, vì tôi thuộc về bàn tay phải, chứ không tay trái.”

2. Nghĩ đến việc làm của Chúa

Sau khi đã đưa mắt lên cao nhìn thân thể Đấng Christ, bây giờ chúng ta nhìn lui về quá khứ, và nghĩ đến việc làm của Ngài. Đoạn 1 câu 13: “Có phải Phao-lồ đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em?” Có phải ông mục sư này, ông mục sư kia là người đã cứu chúng ta hay không? Có phải người đó đã chịu đau đớn trên thập tự giá hai ngàn năm về trước để gánh vác tội lỗi của chúng ta hay không? Chỉ có Đức Chúa Giê-xu Christ mới cứu được chúng ta thôi. Chỉ có dòng huyết của Ngài mới rửa sạch tội lỗi chúng ta mà thôi. Chúng ta, tất cả mọi người - mục sư giảng hay, mục sư giảng dở, người tín đồ trong hội thánh - đều “cá mè một lứa,” đều là những người tội nhân cần sự cứu rỗi của Chúa, và được cứu nhờ hồng ân của Ngài mà thôi. Không ai hơn ai. Xin đừng so sánh, hay hãnh diện về người lãnh đạo mình.

Khi chúng ta nhìn đến hiện tại cũng vậy. Có thể nghe ông mục sư này giảng, quý vị thấy vui, nhưng trong đêm tối, khi quý vị cô đơn nằm một mình, chỉ có Đức Thánh Linh mới đến an ủi, chuyện trò cùng quý vị. Khi quý vị không biết phải làm gì, không biết than thở thế nào trong khi cầu nguyện, chỉ có Chúa Giê-xu mới có thể nghe lời cầu nguyện của quý vị, và giúp đỡ quý vị mà thôi. Còn những người khác chỉ là con người, và chúng ta không coi trọng một người đến nỗi gây bè phái chia rẽ trong Hội Thánh.

3. Nghĩ đến ý muốn của Chúa

Chúng ta đã nhìn lên để thấy thân thể Đấng Christ, đã nhìn lui về quá khứ để thấy việc Chúa làm, bây giờ chúng ta hãy vươn lên cao hơn, và từ đó nhìn xuống thế gian, để thấy thế gian này là một cuộc chiến tranh thuộc linh. Một bên là những người đã được Chúa cứu về ánh sáng, bên kia là những người còn đi trong sự tối tăm, và cần được sự cứu rỗi. Lúc đó chúng ta mới thấy chúng ta cần phải nhìn đến ý muốn của Chúa. Trong câu 17, Phao-lồ nói, “Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành.”

Mỗi chúng ta được Đấng Christ để lại trên thế gian này để đem tin lành đến cho người khác. Chúng ta đang chiến đấu trong cùng một chiến trận giữa Thượng Đế và ma quỷ; chúng ta đang ở trong cùng một đội binh, dưới quyền của cùng một vị tướng lãnh là Chúa Giê-xu. Kẻ thù của chúng ta không phải là những nhóm khác trong hội thánh, nhưng là ma quỷ đang hoành hành chung quanh, và lôi kéo con người về với nó. Nếu người ta đến hội thánh này, và thấy mình chia năm xẻ bảy, mình nói gì thì nói, không ai tin mình hết. Nếu người ta thấy chúng ta có tình yêu thương trong hội thánh, họ sẽ đặt câu hỏi, sẽ tìm tòi và tin Chúa. Nếu chúng ta thấy những linh hồn đang bị hư mất bên ngoài cần sự cứu rỗi, chúng ta sẽ không còn thấy những lỗi lầm nhỏ nhặt của nhau trong hội thánh để gây bè phái, chia rẽ nữa. Nhìn từ trên cao, chúng ta sẽ khóc cho người khác, và không còn giận những người anh em mình. Bước ra ngoài rồi, mình mới thấy mình rất mong muốn được những tín hữu trong hội thánh cầu nguyện, ủng hộ, và khuyến khích mình. Càng cảm nhận được mình ở trong cuộc chiến thuộc linh chừng nào, thì mình càng cần sự hỗ trợ của người khác trong hội thánh chừng đó, và sẽ không còn chia rẽ nữa.

Phao-lồ còn nói trong câu 13, “... hay là anh em đã nhơn danh Phao-lồ mà chịu phép báp-têm sao? Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì ngoài Cơ-rít-bu và Gai-út, tôi chưa từng làm phép báp-têm cho ai trong anh em, hầu cho chẳng ai nói rằng anh em đã nhơn danh tôi mà chịu phép báp-têm. Tôi cũng đã làm phép báp-têm cho người nhà Sê-pha-na; ngoài nhà đó, tôi chẳng biết mình đã làm phép báp-têm cho ai nữa.” Phao-lồ biết rõ ràng điều gì quan trọng nhất, mà Thiên Chúa muốn ông làm. Không phải ông nói trong câu này rằng lễ báp-têm không có ý nghĩa, nhưng ông muốn so sánh tầm quan trọng của việc rao giảng tin lành và việc làm báp-têm.

4. Nghĩ đến vinh quang về Chúa

Bây giờ chúng ta nhìn lên sự vinh quang của Chúa. Đoạn 3 câu 6, “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên.” Lấy cây bông giả tôi đem đi trồng, rồi mỗi ngày quý vị tưới nước lên nó. Tôi có trồng hay bao nhiêu, có bỏ bao nhiêu phân bón, quý vị có tưới bao nhiêu đi nữa, thì cây bông giả đó vẫn trơ trơ, không lớn được, vì không có sự sống trong đó. Cũng vậy, chỉ có Chúa mới ban sự sống trong hội thánh. Ăn một bữa ăn ngon ngoài tiệm, mình khen ai? Khen ông dọn bàn, “Bữa nay anh dọn bàn hay quá, làm cho thức ăn thật ngon”? Không, chúng ta khen nhà bếp. Phao-lồ nói ở đây, “Tôi chỉ là người đầy tớ dọn bàn cho anh em thôi. Anh em ăn thức ăn ngon là tại vì Thượng Đế đã nấu sẵn, nên xin anh em đừng ca tụng tôi hay A-bô-lô.” Vinh quang trong tất cả những thành quả trong hội thánh thuộc về Đức Chúa Trời.

5. Nghĩ đến phần thưởng từ Chúa

Cuối cùng, chúng ta nhìn về tương lai và thấy phần thưởng dành cho chúng ta. Đoạn 3 câu 8, “Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm.” Có người mục sư lôi kéo được nhiều tín đồ đến; hội thánh của ông tăng trưởng đến 500 người, một ngàn người, hai ngàn người... Có người mục sư hơi chậm một tí, chỉ chăm sóc được một số nhỏ, nhưng ông bỏ hết lòng ông trong đó; và cả đời ông tận tụy lo cho từng người một. Phao-lồ không nói là ai nấy đều nhận phần thưởng tùy theo kết quả mình gặt hái được: Người gây dựng được hội thánh lớn thì được phần thưởng lớn, còn người gây dựng được hội thánh nhỏ thì được phần thưởng nhỏ. Nhưng Phao-lồ nói, “tùy theo việc làm,” tức là tùy theo công khó mình bỏ vào trong đó. Có thể người mục sư lo hội thánh 30 người bỏ công khó chăm sóc những người này còn hơn những người mục sư lo cho hai ngàn người, có dưới tay bao nhiêu người phụ tá. Chúa công bình lắm. Ngài biết, và Ngài phát phần thưởng cho chúng ta không tùy thuộc vào việc chúng ta có bè phái lớn, hay được người đời công nhận là thành công, nhưng tùy theo tấm lòng của chúng ta. Chúa sẽ xem chúng ta có đồng một tâm tình như Đấng Christ hay không.

Tóm tắt lại, Phao-lồ nói, “Anh em ơi, hàn gắn lại đi, vá cái lưới rách lại đi, vì anh em là thân thể của Đấng Christ.” Chúng ta liên đới với nhau, không ai hơn ai; người thành công phải lo cho người thất bại. Anh em phải nhìn về quá khứ để thấy rằng mỗi người chúng ta, dầu thành công bao nhiêu, cũng chỉ là tội nhân cần được sự cứu rỗi của Chúa, và không có khả năng gì hơn, ngoài điều mà Chúa ban cho để thi hành chức vụ. Anh em hãy nhìn thấy những người xung quanh bị hư mất, và biết rằng mình đang là đồng đội trong cuộc chiến thuộc linh, để không còn tranh cạnh nữa. Thành quả anh em gặt hái được cũng phải nhờ Chúa mới có. Nếu không có Chúa giúp đỡ, những việc làm của anh em chỉ là vô ích. Thành ra, xin đừng hãnh diện về việc mình làm. Trong ngày cuối cùng, việc Chúa thưởng phạt anh em không tùy thuộc vào sự thành công trên đời này của anh em, hay tùy bè phái của anh em có đông hay không, nhưng tùy theo anh em có tâm tình của Đấng Christ khi hầu việc Ngài hay không.

Mục Sư Đỗ Lê Minh