Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Bài 4 >> | Hướng Dẫn

Bài 3

SỰ RỒ DẠI CỦA THẬP TỰ GIÁ

I CÔ-RINH-TÔ 1:17-25

 

Kính thưa quý vị, tuần trước chúng ta học về sự tranh cạnh trong hội thánh, và Phao-lồ có đưa ra một số phương pháp để chúng ta có thể từ bỏ sự tranh cạnh đó. Một trong những phương pháp đó là chúng ta hãy nhìn lên Thượng Đế, và tìm ý muốn của Ngài. Và ý muốn của Chúa là trước hết mỗi người chúng ta phải đi ra rao giảng tin lành. Đoạn 1 câu 17, “Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành;” Câu 23, “Chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự.” Nhưng Phao-lồ không ngừng ở đây. Tin lành của Chúa bao gồm nhiều hơn là Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự. Trong những đoạn về sau của sách Cô-rinh-tô thứ nhất này, ông nhấn mạnh rất nhiều đến sự sống lại của Chúa nữa. Nguyên con người của Chúa Giê-xu là tin lành mà Phao-lồ muốn rao giảng. Hôm nay tôi muốn chia xẻ với quý vị một điều mà Phao-lồ gọi là “sự rồ dại của thập tự giá.” Tôi sẽ bàn đến phản ứng của người ngoài khi họ nghe tin lành.

Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 1 từ câu 17 đến câu 25:

17. Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích.

18. Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời.

19. cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, Tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết.

20. Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không?

21. Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy.

22. Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan,

23. thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là dồ dại;

24. song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

25. Bởi vì sự dồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.

I. Tin lành rồ dại

Phao-lồ ở đây bàn về tin lành của Chúa, và ông nói có người xem tin lành đó là dại, có người gọi là khôn. Như vậy cái gì thật sự là khôn, cái gì thật sự là dại? Trên thế gian này không phải điều gì cũng rõ ràng là khôn hay dại. Có người cho điều này là khôn, nhưng cũng có người cho là dại. Dại hay khôn chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ, vì nhiều khi nhìn bên ngoài chúng ta thấy là dại, nhưng thật ra đó là điều khôn.

Tú Xương viết những lời như thế này:

“Thế sự đua nhau nói dại khôn.

Biết ai là dại, biết ai khôn.

Khôn nghề cờ bạc là khôn dại.

Dại chốn văn chương ấy dại khôn.

Mấy kẻ nên khôn đều có dại.

Làm người có dại mới nên khôn.

Cái khôn ai cũng khôn là thế.

Mới biết trần gian kẻ dại khôn.

Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có viết một bài thơ bàn về cái dại và cái khôn trong đời này:

“Một mai một cuốc một cần câu.

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ.

Người khôn người đến chỗ lao xao.

1. Tin lành đối với người hư mất là rồ dại

Hôm nay chúng ta nhìn xem thế gian nghĩ gì về tin lành. Câu 21, “Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy.”

a. Người hư mất khôn

Thứ nhất chúng ta nhận thấy người hư mất nghĩ họ là người khôn ngoan. Trong câu 22 Phao-lồ cũng nói là “người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan.” Không phải chỉ người Gờ-réc không. Câu 21, “... thế gian cậy sự khôn ngoan mình.” Trên thế gian nói chung, người ta trọng đầu óc, kiến thức của mình. Chúng ta biết bối cảnh của thơ Cô-rinh-tô thứ nhất này: Thành phố Cô-rinh-tô có rất nhiều người tôn trọng những điều triết lý, văn chương. Người ta rất trọng những người có khả năng ăn nói hùng hồn, lưu loát, có những lý lẽ rõ ràng minh bạch.

b. Nhưng người hư mất khôn dại

Nhưng Kinh thánh nói gì về sự khôn ngoan đó? Phao-lồ nói là, thiệt ra đó là sự khôn ngoan dại, chứ không phải sự khôn ngoan khôn. Câu 19, “Cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, Tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết. Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra rồ dại không?”

Chúng ta phải phân biệt giữa kiến thức và sự khôn ngoan. Vâng, sống ở thế kỷ thứ 21 này, chúng ta có quá nhiều kiến thức, đặc biệt là về khoa học và kỹ thuật. Và kinh thánh nói kiến thức của con người nói chung là kiến thức dại.

Có hai điều chúng ta phải đồng ý. Thứ nhất, kiến thức của con người không bao giờ đủ. Càng biết nhiều chừng nào, mình càng thấy mình dốt chừng đó. Dầu tiến bộ đến bao nhiêu đi nữa, khoa học chỉ có thể làm cho đời sống con người kéo dài thêm 5 năm, 10 năm, nhưng không thể nào làm con người không chết được. Khoa học phải đầu hàng trước sự chết. Quan trọng hơn hết, khoa học không cho chúng ta biết được Thượng Đế. Đáng lẽ phải thấy mình càng ngày không biết đủ để nhờ cậy Thượng Đế, con người, với sự khôn ngoan của mình, lại từ chối Thượng Đế, hay tìm cách tạo dựng một “Thượng Đế” theo cái nhìn của mình. Đáng lẽ khi thấy rõ từng tế bào tinh vi trong thân thể, con người phải thấy được quyền năng của Thượng Đế, nhưng nhiều người vẫn không thấy. Đáng lẽ bây giờ biết vũ trụ lớn ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, con người phải thấy là có một Đấng Sáng Tạo, nhưng nhiều người vẫn không thấy. Bằng kiến thức của mình, con người không thể nào tìm thấy Thượng Đế. Thượng Đế cao hơn con người, để con người tự mình có thể biết Ngài. Chỉ có một cách chúng ta biết Thượng Đế mà thôi, đó là Thượng Đế cho chúng ta biết Ngài. Sự khôn ngoan ngoài đời không giúp chúng ta trong hai khía cạnh quan trọng nhất trong đời sống, đó là cái chết và Thượng Đế.

Thứ hai, con người thường không biết dùng những kiến thức mình có. Sự khôn ngoan là biết dùng kiến thức của mình, và nếu có kiến thức mà không biết dùng là dại hơn là khôn. Nếu tôi có kiến thức về sinh lý học, nhưng dùng nó để chế bom sinh lý, đó là sự khôn ngoan dại. Nếu tôi có kiến thức nhiều về máy vi tính, nhưng dùng nó để viết những virus phá người khác, đó là sự khôn ngoan dại. Có nhiều người chủ trương là nếu mình có thể dạy dỗ con người càng nhiều kiến thức chừng nào, cho con người một nền học vấn càng cao chừng nào, thì xã hội càng ngày càng tốt đẹp chừng đó. Nhưng bây giờ họ bắt đầu biết là giáo dục không thay đổi con người được. Con người có thể học rất cao, nhưng vẫn sống trong sự tối tăm. Có rất nhiều tội ác tày trời xảy ra trong xứ văn mình này mà còn xấu xa nguy hiểm hơn là những tội ác người ta nghĩ đến trong những xã hội lạc hậu. Trước kia người ta phạm tội ở trong nhà lá, bây giờ người ta phạm tội trong cung điện. Kiến thức không thể thay đổi con người được, không thể biến đổi một người từ xấu xa trở nên tốt đẹp, từ buồn bã trở nên vui vẻ, từ sự bất an trong đời sống trở nên sự bình an.

c. Tin lành dại

Trong lúc kinh thánh nói sự khôn ngoan của con người là sự khôn dại, những người hãnh diện về sự khôn ngoan đó lại cho tin lành là dại. Câu 18, “Lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại.” Những người nghĩ là mình có kiến thức ở trên đời này nghe sứ điệp của Chúa thường nói, “Mấy anh ở trong xứ văn minh này mà còn mê tín dị đoan như vậy hay sao?” Sở dĩ họ nói như vậy vì tin lành đi ngược với tất cả những hệ thống luận lý của họ. Làm sao Thượng Đế lại trở thành con người? Làm sao có phép lạ xảy ra? Làm sao một trinh nữ sinh con được? Làm sao xức bùn lên mắt làm một người hết mù? Làm sao một người chết bao nhiêu ngày có thể sống lại?

Người hãnh diện về chính mình nói rằng mình chỉ cần ăn hiền ở lành là đủ. Nếu làm điều lành, mình cộng thêm điểm; nếu lỡ làm điều ác, mình trừ bớt điểm. Hy vọng số điểm cuối cùng sẽ giúp mình lên thiên đàng. Nhưng kinh thánh không đồng ý như vậy. Kinh thánh không để ý đến những điều thiện bên ngoài Thượng Đế, nhưng chỉ nhìn những điều ác, và cho con người biết là địa ngục tối tăm đang đón chờ họ. Con người, với hệ thống luận lý của họ, không chấp nhận được điều này, cho là tin lành dại.

Rồi con người, với kiến thức của mình, cho tin lành là dại vì nó quá giản dị, nó quá sơ sài, quá đơn sơ, giống như mê tín dị đoan. Họ nghĩ là nếu có một giải pháp để cứu con người, thì nó phải phức tạp hơn, nó phải đòi hỏi nhiều hơn niềm tin vào dòng huyết cứu rỗi của Chúa Giê-xu.

Trong sự khôn ngoan dại, khôn ngoan bế tắc của mình, con người nói tin lành dại.

d. Nhưng tin lành đối với người được cứu dại khôn

Ngược lại Phao-lồ nói, đối với những người tin Chúa, tin lành - bị người khác coi là dại - là cái dại khôn. Điều người khác cho là dại, đối với người tin Chúa đó là sự khôn ngoan, không phải sự khôn ngoan của con người, nhưng của Đức Chúa Trời. Câu 25, “Bởi vì sự dồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta.”

Trong sự khôn ngoan của Ngài, Đức Chúa Trời đã cứu con người trong một cách khôn ngoan hơn hết, quá khôn ngoan đến nỗi người nghĩ mình khôn lại cho là dại. Nhưng khi so với Đức Chúa Trời, thì con người có nghĩa gì? Sự ngu dại nhất của Đức Chúa Trời phải cao hơn, phải đáng trọng hơn sự khôn ngoan nhất của con người. Chúng ta phải theo ai đây? Theo sự khôn ngoan của người đời để thấy tin lành dại, hay theo sự dại nhất của Đức Chúa Trời để thấy tin lành khôn?

II. Tin lành yếu đuối

Phao-lồ giờ đây đưa ra một ví dụ rất cụ thể để chứng tỏ tin lành thiệt sự là khôn, chứ không phải dại: Ông nói đến sức mạnh của Đức Chúa Trời, và cách Đức Chúa Trời bày tỏ sức mạnh đó để cứu con người.

1. Tin lành đối với người hư mất là nhu nhược

Phao-lồ nói con người cho chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời là nhu nhược. Cụ thể hơn trong xã hội lúc đó, ông nói trong câu 22, “người Giu-đa đòi phép lạ,” câu 23, “Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự ... là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu.” Người Giu-đa tức là người Do Thái. Họ là những người có diễm phúc nhất trên thế gian này, đó là họ đã được Chúa tuyển chọn trong bao nhiêu ngàn năm trước. Chúa đã gìn giữ họ, đã đưa họ ra khỏi ách nô lệ trong xứ Ai-cập, đã hướng dẫn họ đi trên sa mạc, và làm bao nhiêu phép lạ cho họ thấy. Trong đời hành đạo của Chúa Giê-xu, Ngài cũng đã làm bao nhiêu phép lạ cho họ thấy. Nhưng tại sao cuối cùng người Do Thái vẫn treo Ngài trên thập tự giá? Vì những phép lạ Chúa Giê-xu làm không phải là những phép lạ mà họ tìm kiếm. Họ tìm phép lạ nhằm thỏa mãn những nhu cầu tức thời của họ. Họ muốn Chúa Giê-xu thành vua để dẹp tan quân đội La Mã, làm họ thành một cường quốc trên thế gian này. Ngày hôm nay cũng có nhiều người muốn tìm kiếm quyền năng của Thượng Đế qua phép lạ. Có người đến nhà thờ chỉ để thấy mục sư làm những cảnh ngoạn mục, để thỏa mãn thị hiếu của mình. Rồi khi không thấy những điều đó, họ cho là Đức Chúa Trời không có quyền năng, và họ bỏ đi.

Đến chừng Chúa bị chết trên thập tự giá, người Giu-đa không chấp nhận được, vì họ biết là trong Phúc Truyền Luật Lệ Ký đoạn 21 câu 23 nói rất rõ ràng là “kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả.” Họ không thấy đây là sức mạnh, nhưng chỉ là sự nhu nhược. “Đấng cứu rỗi gì mà chết trên thập tự giá như vậy!”

2. Tin lành đối với người được cứu là nhu thắng cương

Thật ra, Đức Chúa Trời không nhu nhược, nhưng tin lành của Đức Chúa Trời là điều văn chương Việt Nam mình gọi là “nhu thắng cương.” Một ví dụ của “nhu thắng cương” là nước: Nước yếu đuối mềm mỏng, nhưng “nước chảy đá mòn.” Trong chiến thuật “nhu thắng cương,” Chúa không làm phép lạ, không làm những điều ngoạn mục để người ta tin, nhưng Ngài đã đến thế gian như một em bé, sanh ra trong máng cỏ, thành một người thợ mộc, rồi chết một cách nhục nhã trên thập tự giá. Nhưng chính bằng sự nhu nhược đó, mà Đức Chúa Trời đã chiến thắng ma quỷ, và ma quỷ không còn quyền năng trên thế gian này nữa.

Thế thì phản ứng của chúng ta bây giờ như thế nào? Nếu quý vị chưa tin Chúa, điều Đức Chúa Trời đòi hỏi từ quý vị không phải là sự khôn ngoan, sự hiểu biết, bằng cấp để quý vị được cứu. Quý vị sẽ không tìm thấy sự cứu rỗi từ kiến thức, bằng cấp, nhưng từ dòng huyết yếu đuối của Đức Chúa Trời trên thập tự giá. Chúa chỉ cần đòi hỏi từ quý vị một điều thôi, một điều rất giản dị, ai làm cũng được. Đó là niềm tin vào Đức Chúa Giê-xu. Hành động này sẽ thay đổi đời sống quý vị, sẽ đem quý vị từ một chỗ bị hư mất đến sự cứu rỗi, sẽ đem quý vị từ một chỗ thiếu bình an đến một ý nghĩa cho đời.

Đối với chúng ta là những người đã tin Chúa, Phao-lồ nói trong câu 17, “Thật vậy Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép Báp-têm đâu, nhưng để rao giảng tin lành.” Ông nói thêm, “và chẳng dùng sự khôn khéo mà rao giảng.” Không muốn nói đến chuyện đứng trên bục giảng để giảng dạy trong ngày Chúa nhật, Phao-lồ nói đến mỗi người chúng ta dùng sự nhu mì, sự rồ dại của mình để chiến thắng ma quỷ. Quyền năng của Thượng Đế bây giờ bày tỏ trong lời nói thô thiển, trong hành động thật thà của chúng ta. Vâng, Đức Chúa Trời sẽ dùng những điều yếu đuối, đơn sơ đó để làm sức mạnh cho Ngài. Đức Chúa Trời đã dùng hai cái bánh và năm con cá để nuôi năm ngàn người; Đức Chúa Trời đã dùng 12 sứ đồ (phần đông là thất học) để thay đổi lịch sử. Và hôm nay Đức Chúa Trời sẽ dùng chúng ta (là những người dại dột trước mắt kẻ khác) để thi thố quyền năng của Ngài. Khi đi ra làm chứng với người khác, xin chúng ta đừng ráng ra vẻ mình tài khôn, biết nhiều, xin đừng dùng những lời văn hoa, thời thượng. Chúng ta chẳng dùng sự khôn khéo của người đời để giảng tin lành, nhưng giảng bằng hành động đơn giản của mình, bằng tình cảm chân thật của mình. Chúa sẽ dùng chúng ta trong thái độ đó.

Vào cuối thế kỷ thứ 19, có một văn hào tên Nguyễn Khuyến. Khi người Pháp đến cai trị Việt Nam, ông giả bộ ngây ngô để khỏi phục vụ họ. Ông cũng có nghe câu chuyện của một người đàn bà ở Nam Định tên bà mẹ Mốc. Vì chồng bà mất tích, bà giả điên giả dại, hủy hoại nhan sắc của mình, để người ta không chọc ghẹo. Thấy tình cảnh của bà giống của ông, Nguyễn Khuyến mới viết một bài thơ diễn tả mẹ Mốc như thế này:

“So danh giá ai bằng Mẹ Mốc,

Ngoài hình hài, gấm vóc cũng thêm ra,

Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa,

Làm thế để cho qua mắt tục.

Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc,

Tâm trung thường thủ tự kiên kim

Nhớ chồng xa muôn dặm khôn tìm,

Giữ son sắt cho tròn một tiết.

Sạch như nước, trắng như ngà, trong hư tuyết,

Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ;

Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ,

Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.

Khôn kia dễ bán dại nầy!”

Là người tín đồ, chúng ta có thể nói được câu “Khôn kia dễ bán dại nầy!” hay không? Hay là đến hội thánh chúng ta sống một cách, nhưng về nhà chúng ta lại đổi cái dại, cái yếu đuối của Chúa Giê-xu lấy sự khôn ngoan của người đời, và trở ngược lại nghi ngờ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời?

Mục sư Đỗ Lê Minh