Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 3 | Bài 5 >> | Hướng Dẫn

Bài 4

SỰ KHÔN NGOAN CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ

I CÔ-RINH-TÔ 1:26-31

 

Kính thưa quý vị, tuần trước tôi chia xẻ với quý vị đề tài mà tôi gọi là “Sự Rồ Dại của Thập Tự Giá.” Khôn hay dại rất là tương đối: Cái này nhìn có vẻ khôn, nhưng thật sự dại; cái kia nhìn có vẻ dại, nhưng thật sự khôn. Người ta cho thập tự giá của Đấng Christ là dại khờ, nhưng đó là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Người ta coi đó là một sự nhu nhược, nhưng thật ra đó là chiến lược “nhu thắng cương, nhược thắng cường” mà Đức Chúa Trời dùng để đánh bại Sa-tan. Bây giờ tôi xin hỏi quý vị một câu, quý vị nghĩ người tín đồ khôn hay dại?

Đoạn kinh thánh mà tôi muốn chia xẻ với quý vị nằm trong sách Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 1 từ câu 26 tới câu 31:

26. Hỡi Anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng.

27. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn. Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh;

28. Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có,

29. để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.

30. Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta;

31. hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.

I. Người tín đồ dại

Chúng ta khôn hay dại? Phao-lồ nói chúng ta không khôn. Câu 26, “Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng.” Đối với xã hội Cô-rinh-tô lúc đó, hầu hết những người trong hội thánh là những người nô lệ, những người bần cùng, sống dưới mức trung bình của người Cô-rinh-tô. Hội thánh chúng ta ở đây cũng không có nhiều người có bằng cấp cao, có quyền thế, giàu sang, danh vọng. Đa số trong hội thánh ở Việt Nam là người Thượng, mà người Kinh thường nhìn bằng nữa con mắt.

Để ý Phao-lồ nói “không có nhiều người.” Không có nhiều, nhưng có. Ngày xưa có một bà quý phái ở nước Anh tên là Lady Hamilton. Bà thường nói là bà được cứu là nhờ chữ “M,” vì Phao-lồ nói không có “many” người giàu sang được cứu, chứ không phải không có “any.” Tổng Thống Bush là một con cái Chúa, và ông là người có quyền thế.

II. Người tín đồ khôn

Đối với người đời, chúng ta dại theo tiêu chuẩn quyền thế, bằng cấp, tiền bạc. Nhưng tiêu chuẩn này thật ra không thành vấn đề. Nó chỉ làm chúng ta dại khi chúng ta để tiền bạc, danh vọng khiến chúng ta thành tự cao, tự thổi phồng mình lên, và không còn thấy Thượng Đế.

Dại hay khôn nhiều khi không được quyết định trong ngày hôm nay, nhưng trong tương lai. Khi đã đi qua những biến cố rồi, nhìn lại những việc mình làm, mình mới biết mình dại hay khôn. “Cá không ăn câu, nghĩ là cá dại; sách câu về nhà, nghĩ lại cá khôn.” Thế gian đưa trước mặt chúng ta cái bẫy về vật chất, danh vọng, tiền tài. Vào cái bẫy đó có vẻ khôn, nhưng lâu dài mới biết mình dại, vì những điều đó sẽ qua đi, nếu không qua đi trong đời sống chúng ta, thì sẽ qua đi ngày chúng ta chết mất. Tuần trước vừa có đám tang của Tổng Thống Reagan. Không những ông bỏ lại vinh quang, thành quả của ông ở trên thế gian này lúc ông qua đời, ông đã bỏ chúng từ 10 năm trước, khi ông bắt đầu mất trí nhớ.

Tiêu chuẩn của sự khôn ngoan là được sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc. Câu 30, “Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta.” Sự công bình đến khi chúng ta không phải đối diện với hình phạt của tội lỗi nữa. Mặc dầu chúng ta đầy tội lỗi, Chúa thấy chúng ta hoàn toàn vô tội. Mặc dầu người đời không biết, nhưng chúng ta biết chuyện này đã xảy ra. Ngày chúng ta tin Chúa, Chúa đã coi chúng ta hoàn toàn vô tội, và được sự công bình trước Ngài.

Trong hiện tại, sự khôn ngoan được thể hiện trong sự nên thánh. Chúng ta không còn nằm trong quyền năng của tội lỗi nữa, nhưng có một khả năng mới, để sống một đời sống càng ngày càng làm đẹp lòng Chúa hơn. Vâng, tôi không thánh thiện hơn người khác, nhưng nhờ tình yêu Chúa, càng ngày tôi càng tốt hơn, và đó là sự nên thánh của tôi.

Đặc biệt hơn hết, sự khôn ngoan sẽ được bày tỏ trong ngày cuối cùng. Chính lúc đó chúng ta mới biết được ai dại ai khôn. Đối diện với Chúa trong ngày cuối cùng, chúng ta sẽ có được một điều mà người không tin Chúa sẽ không bao giờ có, và lúc đó chúng ta sẽ thấy (và người đời cũng sẽ thấy) chúng ta mới thật sự là người khôn ngoan. Trong lúc họ phải đối diện với sự trừng phạt đời đời trong hỏa ngục tối tăm, những người mà trước kia họ cho là dại dột sẽ về thiên đàng với Thượng Đế, thụ hưởng sự liên hệ mật thiết với Ngài.

Xin đừng xét đoán khôn hay dại theo cái nhìn ngắn hạn, vật chất. Chúng ta chỉ biết ai khôn ai dại trong ngày cuối cùng, khi đối diện với Thượng Đế. Lúc đó, như Phao-lồ nói ở đây, chúng ta sẽ thấy mình khôn, khi nhận đuợc sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc.

III. Người tín đồ không khôn, không dại

Giờ đây, chắc chúng ta mở cờ trong bụng, nói mình khôn. Nhưng Phao-lồ lại nói chúng ta không khôn, cũng không dại, vì những điều mình có được ở trên, như sự công bình, sự nên thánh và sự cứu chuộc, không đến từ sự khôn ngoan của mình, nhưng từ Thượng Đế. Nói cách khác, mình không khôn hơn ai, vì sự khôn ngoan của mình không do mình tạo nên, nhưng do Chúa ban cho. Câu 27, “Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn anh em, cho anh em sự khôn ngoan;” câu 30, “Ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan.” Nói đúng ra, mình là người may mắn, hơn là người khôn ngoan.

Muốn có một quyết định khôn ngoan, chúng ta trước hết phải có kiến thức rõ ràng. Những người có cái nhìn sai lạc về vấn đề, những người đầu óc bị méo mó, những người điên điên khùng khùng không biết sự thật không thể nào có sự khôn ngoan được. Nhưng có kiến thức có giá trị, có kiến thức không có giá trị. Tôi có nhiều kiến thức về toán học, và tôi cũng biết về Chúa. Theo tôi, kiến thức toán học của tôi chỉ là cần câu giúp tôi kiếm ăn hàng ngày, nhưng nó không quan trọng. Điều quan trọng hơn hết là kiến thức của tôi về những điều thuộc linh. Kiến thức toán học của tôi chỉ cho tôi một cái nghề, nhưng sự hiểu biết của tôi về những điều thuộc linh cho tôi một nghệ thuật sống.

Ngày hôm nay khoa học đạt được rất nhiều thành quả, nhưng chỉ trong lãnh vực vật chất thôi. Chúng giới hạn vào những gì đo lường, sờ mó, suy luận được. Nhưng Phao-lồ nói là bên ngoài những điều vật chất đó, có những điều thuộc linh thiêng liêng.

Thế thì những kiến thức thuộc linh đó đến từ đâu? Phao-lồ nói chúng không đến từ chúng ta. Chúng ta không có đủ sự khôn ngoan để biết những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời. Mặc dầu biết rất nhiều về khoa học và kỹ thuật, nhưng con người không có khả năng biết về Thượng Đế, là Đấng sáng tạo con người. Trong cái nhìn vật chất giới hạn của mình, con người nhiều lắm chỉ có thể tìm cách sáng tạo Thượng Đế theo sự suy nghĩ của mình, nhưng không thể nào biết rõ Thượng Đế một cách trung thực được. Chẳng hạn như vì quen tính toán, nhiều người nghĩ là mình chỉ cần ăn hiền ở lành là được lên thiên đàng.

Chúng ta chỉ có được sự khôn ngoan đó khi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Trong đoạn 2 câu 9, Phao-lồ nói theo sách Ê-sai 64 câu 4, “Song le, như có chép rằng, Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.” Những điều ấy là những kiến thức thuộc linh, và “Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta.” (Câu 10) Chúng ta không thể nào hiểu được Thượng Đế, và chỉ có một cách chúng ta có thể hiểu, ấy là Ngài trước hết phải bày tỏ Ngài cho chúng ta.

Ngài bày tỏ bằng nhiều lần, nhiều cách. Ngài có thể bày tỏ bằng sự tinh vi trong thân thể con người, bằng sự tuần hoàn của vũ trụ. Nhưng con người, trong sự hiểu biết hạn hẹp của mình, thấy những điều đó, nhưng không thấy Thượng Đế. Và tại vì chúng ta không thấy, nên Thượng Đế đã giúp đỡ thêm bằng sự khải thị qua cuốn kinh thánh. Trong đoạn 2, Phao-lồ nói những người sứ đồ là những người nhận được những điều Đức Thánh Linh dạy dỗ, nên có thể viết cuốn kinh thánh. Chỉ có Đức Thánh Linh mới làm được điều đó, vì Đức Thánh Linh là Thượng Đế, nên biết được chương trình cứu rỗi của Thượng Đế, để có thể bày tỏ cho chúng ta. Đức Thánh Linh biết con người nữa, để có thể cho chúng ta biết mình. Đức Thánh Linh là Đấng đi giữa, nối nhịp cầu hai bên.

Khi nãy tôi nói, ngày cuối cùng chúng ta sẽ nghĩ mình khôn, khi thấy sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc. Nhưng sự công bình đến từ đâu? Có phải là nhờ mình khôn nên mới được sự công bình đó không? Thưa không. Sự công bình đến từ Đức Chúa Trời. Sự công bình là sự thoát khỏi hình phạt của tội lỗi, và chúng ta chỉ có sự công bình vì Đức Chúa Trời quyết định không trừng phạt chúng ta nữa.

Trước kia, có một vị mục sư rất nổi tiếng tên là H.A. Ironside. Ngày nọ ông về thăm một đồng quê, và thấy một con chiên nhỏ có hình thù lạ lùng lắm. Nó có đến tám chân. Ông chủ trại chiên giải thích: “Đôi khi có chiên mẹ sanh con, thì chết; và đôi khi cũng có chiên con sanh ra, thì chết.” Trong trường hợp đó, tôi nghĩ là mình có thể đem con chiên con có mẹ chết đến để con chiên mẹ có con chết chăm sóc, mặc dầu không phải là con của nó. Nhưng chuyện đó không xảy ra. Mỗi lần đem chiên con lạ đến, thì chiên mẹ đẩy ra, không thèm chăm sóc. Có người đề nghị tôi lột da chiên con đã chết, rồi đem phủ lên chiên con sống, trước khi đem nó đến chiên mẹ. Quả thật, con chiên mẹ chịu chăm sóc nó, vì da nó là da của con mình.” Đó là hình ảnh Đức Chúa Trời làm cho chúng ta: Đức Chúa Trời làm chúng ta khỏi chịu hình phạt của tội lỗi, vì dòng huyết của Chúa Giê-xu đã phủ trên chúng ta, và tự chúng ta không làm được điều đó.

Còn sự nên thánh thì sao? Mình nghĩ đây là bổn phận của mình. Tin Chúa, mình phải ráng sống đời sống đẹp lòng Chúa, thành ra ít nhất mình cũng phải có công lao gì trong đó. Nhưng thật ra, nên thánh không phải là sống đời sống thánh thiện, nhưng “được biệt riêng” ra. Chỉ khi ý thức là mình được biệt riêng ra, chúng ta mới có thể bắt đầu sống đời sống như thể là mình được biệt riêng ra. Không phải chúng ta tự biệt riêng mình ra, nhưng Thượng Đế biệt riêng chúng ta.

Sự cứu chuộc cũng hoàn toàn nằm ngoài khả năng của chúng ta. Chúng ta giống như một vật bị đem cầm ở tiệm cầm đồ. Ngày cuối cùng, Chúa Giê-xu đem dòng huyết của Ngài trả cho người chủ tiệm cầm đồ để chuộc chúng ta về.

III. Người tín đồ khôn thật

Thế thì chúng ta khôn hay dại? Người đời cho chúng ta dại, nhưng về sau chúng ta sẽ thấy mình khôn. Đôi khi mình tự thấy mình khôn, nhưng thật ra, mình cũng không khôn hơn ai. Mình chỉ là những người có vinh dự hơn bao nhiêu người khác, được Chúa chọn, biệt riêng ra. Làm chứng với người khác, nói khô miệng nhưng họ không tin, có khi nào quý vị nghĩ trong đầu, “Ông này ông dại quá”? Nghĩ như vậy mình hàm ý là mình khôn khi mình tin Chúa. Nhưng thật ra chúng ta không khôn hơn họ, và họ cũng không dại hơn chúng ta. Chúng ta chỉ may mắn hơn họ mà thôi. Biết đâu họ cũng được Chúa chọn trong tương lai. Thành ra người tín đồ khôn thật không khoe mình, không tự cho mình khôn, cho người khác dại. Người tín đồ chân thật phải nhớ là mình chỉ là người được chọn, “để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời,... hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.” (Câu 29, 31)

Chúng ta đã thấy một vài tiêu chuẩn khôn dại, và vật chất không phải là chân giá trị. So với những điều thuộc linh, vật chất không còn ý nghĩa. Cuối cùng chỉ có sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc là quan trọng mà thôi. Thành ra đến hội thánh xin đừng lên mặt nghĩ là mình cao trọng, giàu có, hay có quyền thế hơn người khác. Phao-lồ khuyên, “Chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.” Không những chẳng khoe mình trước mặt người khác, nhưng chúng ta cũng không khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời. Trước mặt Đức Chúa Trời, những điều vật chất là rơm rác. Những sự khoe mình về chúng chỉ làm cản trở chúng ta đến với Đức Chúa Trời mà thôi. Ngay cả những ơn tứ thuộc linh cũng không phải là những điều gì của mình, nhưng do Chúa ban cho, để đóng góp trong hội thánh. Thành ra tôi cũng không thể khoe mình về những điều đó.

Phao-lồ nói thêm, “Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.” Đây là điều tôi xin khuyến khích mọi người. Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm đóng góp vào trong công việc nhà Chúa. Và sự đóng góp quan trọng nhất không phải là trong hội thánh, nhưng là sự khoe mình trong Chúa với những người chưa biết Ngài. Xin chúng ta đi ra nói với những người chưa biết Chúa về tình yêu Chúa đã dành cho mình, về cái vinh dự mình được Chúa chọn, để cho mình sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu rỗi. Hãy nói tin lành với họ, không phải một cách buồn bã, yếu đuối, nhưng vì tin đó quá lớn, quá tốt đẹp cho đời sống mình, mình phải “khoe” với họ tin này. Không cần chờ mục sư bảo, mỗi người phải có trách nhiệm khoe Chúa Giê-xu Christ, khoe về những kinh nghiệm, những điều Chúa đã làm trong đời sống của mình.

Mục sư Đỗ Lê Minh