Trang Đầu | Mục Lục | Bài 2 >> | Hướng Dẫn

Bài 1

NGÀI LÀ AI?

GIĂNG 1:1-13

 

Kính thưa quý vị, chúng ta đã học xong một phần của sách Công Vụ Các Sứ Ðồ, và hôm nay chúng ta bắt đầu học một cuốn sách khác, đó là Tin-lành Giăng. Khi đến với sách này, tôi tin chắc một điều là, dầu đã từng học Kinh thánh bao nhiêu năm, chúng ta vẫn khám phá được bao nhiêu điều mới lạ trong đạo Chúa. Có nhiều điều mà trước kia có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta đã quên. Học sách này, chúng ta sẽ nhớ lại.

 

Trước hết, xin chúng ta tìm hiểu Giăng viết sách này để làm gì. Giăng viết trong 20:31 “Nhưng các việc này đã chép, để cho các ngươi tin rằng Ðức Chúa Giê-xu Christ là con Ðức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ Danh Ngài mà được sống.”

Chúa Giê-xu là một người rất đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Sinh ra trên hai ngàn năm trước, Ngài chưa bao giờ đi học, nhưng những lời dạy dỗ của Ngài vẫn còn lưu truyền đến ngày hôm nay. Ngài chưa viết một cuốn sách, nhưng người ta viết sách về Ngài nhiều hơn về bất cứ một nhân vật nào khác trong lịch sử. Ngài chưa từng viết một nốt nhạc, nhưng những bài hát ca tụng Ngài luôn được ngân vang qua hằng bao thế kỷ.

Tại sao Ngài có một ảnh hưởng quan trọng như vậy trong lịch sử? Có nhiều người kính trọng Chúa Giê-xu như một vĩ nhân, nhưng vẫn xem Ngài như một con người. Nhưng hôm nay chúng ta thấy Giăng nói trong câu 20:31 rằng Ðức Chúa Giê-xu là Con Ðức Chúa Trời. Dầu vậy, khi bắt đầu nói về Ngài trong chương thứ nhất, Giăng không dùng danh xưng này, nhưng dùng một chữ khác có vẽ huyền bí hơn, đó là “Ngôi-lời.” Giăng viết về Ngôi-lời trong đoạn 1 như thế này:

“1 Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Ðức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Ðức Chúa Trời.

2 Ban đầu Ngài ở cùng Ðức Chúa Trời.

3 Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.

4 Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.

5 Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.

6 Có một người Ðức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng.

7 Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin.

8 Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng.

9 Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người.

10 Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài.

11 Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy.

12 Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài,

13 là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Ðức Chúa Trời vậy.”

 

Chữ “ban đầu” có nghĩa gì? Có phải là lúc Chúa Giê-xu được thụ thai hay không? Thưa không. Có phải là lúc Thượng Ðế chọn dân Do-thái làm tuyển dân của Ngài hay không? Thưa không. Có phải là lúc Thượng Ðế tạo dựng con người hay không? Không phải. Có phải là lúc Thượng Ðế tạo dựng vũ trụ này không? Cũng không phải. Dùng chữ này, Giăng muốn nói đến thời điểm trước tất cả mọi sự, trước cả sự sáng thế. Trước đó đã có Ngôi-lời rồi. Ðức Chúa Giê-xu không phải chỉ hiện hữu hai ngàn năm về trước, nhưng đã có đời đời trước khi sáng thế.

Giăng lại nói là, từ trước đời đời, Chúa Giê-xu có một sự thông công rất đậm đà, mật thiết với Ðức Chúa Trời, “1. Ngôi lời ở cùng Ðức Chúa Trời và Ngôi-lời là Ðức Chúa Trời. 2. Ban đầu Ngài ở cùng Ðức Chúa Trời.” Sự liên hệ giữa Chúa Giê-xu và Ðức Chúa Trời là một điều mầu nhiệm mà chúng ta không thể nào thấu hiểu. Một đằng Giăng nói Chúa Giê-xu ở cùng Ðức Chúa Trời, như thể có hai Ðấng khác nhau. Nhưng ngay sau đó, Giăng lại nói Chúa Giê-xu là Ðức Chúa Trời. Ðây là sự mầu nhiệm Ba Ngôi mà chúng ta chỉ có thể chấp nhận trong lòng, chứ không giải thích được. Trong sự mầu nhiệm tuyệt vời đó, Ðức Chúa Trời, Ðức Chúa Giê-xu và Ðức Thánh Linh thông công cùng nhau. Ðức Chúa Trời không bao giờ bị cô đơn, và Ngài không tạo dựng con người vì cần sự thông công với con người.

Rồi Giăng nói đến sự sáng tạo. “3. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi làm nên mà không bởi Ngài.” Sách Sáng Thế Ký nói rằng Ðức Chúa Trời sáng tạo vũ trụ bằng lời nói của Ngài. Ngài phán, “Phải có sự sáng, thì có ánh sáng.” Giờ đây Giăng nói, Chúa Giê-xu là lời nói đó. Bằng lời nói của Ðức Chúa Trời, tức là Chúa Giê-xu, mọi vật được sáng tạo. Ðồng ý một phần nào với ý tưởng này là một lý thuyết trong khoa học được gọi là “Big Bang,” trong đó các khoa học gia cho rằng vũ trụ có một lúc nào đó tự nhiên thành hình từ chân không.

Sau khi Thượng Ðế sáng tạo vũ trụ, có một biến cố rất quan trọng xảy ra, đó là khi sự sống bắt đầu. Có một lúc nào đó, sinh vật bắt đầu hiện hữu trên vũ trụ. Chúng ta đang sống, đang suy nghĩ, nói chuyện, thờ phượng,... đùng một cái chúng ta chết. Cũng một thân thể đó, cũng những hóa chất đó, nhưng có điều khác nhau rất lớn giữa hai trạng thái sống và chết. Ðiều đó là gì? Trong lúc các khoa học gia gãi đầu, gãi tai không trả lời được câu hỏi này, Giăng nói, “4. Trong Ngài có sự sống.” Sự sống chỉ có thể có qua Chúa Giê-xu mà thôi. Ngài là sự sống của thế gian. Nhưng Giăng không chỉ nói về sự sống thể xác. Khác với thú vật, con người có sự sống thuộc linh: Con người biết có Thượng Ðế, và luôn đi tìm Ngài. Giả sử thuyết tiến hóa đúng đi nữa, thì trong tiến trình tiến hóa, có một lúc nào đó con người nhận được đời sống thuộc linh, và trở thành khác với thú vật. Con người cũng chỉ có đời sống thuộc linh này qua Chúa Giê-xu mà thôi. Hơn nữa, Chúa Giê-xu không chỉ cho chúng ta đời sống vật chất, hay tâm linh, nhưng cũng ban cho chúng ta sự sống đời đời. Sau khi chết đi, một ngày nào đó chúng ta vĩnh viễn sẽ mặc một thân thể mới mà giờ đây mình không hiểu được.

Giăng nói tiếp “4. Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.” Vâng, Chúa có thể tạo dựng con người, cho con người sự sống, nhưng có thể sau đó để con người một mình quờ quạng trong bóng tối, đánh đập, giết chóc, giành giựt nhau. Nhưng không, Ngài còn ban sự sáng cho chúng ta. Ngài là sao Bắc Ðẩu để chúng ta nhắm đến trên cuộc hành trình thuộc linh. Lời Ngài là ngọn đèn cho chân tôi. Nhìn lại lịch sử, chúng ta phải công nhận rằng, những nước trong đó đa số dân chúng biết Chúa là những nước trong đó người ta giúp đỡ người khác nhiều nhất, và có ít tệ nạn xã hội nhất. Nhưng quan trọng hơn hết, phải có ánh sáng Chúa Giê-xu chúng ta mới có thể biết Thượng Ðế. Công Vụ 9:3 kể lại câu chuyện của Phao-lồ trên đường đến thành Ða-mách: “Thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người.” Nhờ ánh sáng đó mà ông biết Chúa. Cũng vậy, mỗi người tín đồ chúng ta phải có một lúc thấy ánh sáng của Chúa Giê-xu.

Rồi Giăng đau buồn nói thêm một điều khác: Mặc dầu “5. sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.... 10 Ngôi Lời ở thế gian, ... nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ðức Chúa Trời ban cho tuyển dân của Ngài là dân Do-thái cuốn Cựu Ước, để họ nhận biết Ngài, nhưng họ lại từ chối Ngài. “11 Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy.” Không những dân Do-thái, Giăng còn nói đến tất cả mọi người trên thế gian: Sống trong tăm tối, họ chẳng biết Ngài. Thật ra, vì A-đam và Ê-va phạm tội, Ðức Chúa Trời phải cắt đứt liên lạc với con người, tức là con cháu của họ. Vì thế, chúng ta ai cũng sanh ra trong nơi tối tăm, chẳng biết ánh sáng là gì. Nhiều người nghe như vậy bực mình lắm. Bây giờ tôi sống trong một xã hội văn minh nhất trong lịch sử, tại sao Giăng lại nói tôi tăm tối? Nhưng nhìn kỹ vào những xã hội văn minh nhất, như nước Mỹ này, chúng ta thấy có những tội ác “tày trời,” có một nền đạo đức suy đồi hơn nhiều chỗ khác. Ðiều đáng ngạc nhiên vô cùng là, mặc dầu giờ đây con người biết rất nhiều về từng tế bào trong thân thể, từng hành tinh trong vũ trụ, từng định luật vật lý trong thế gian, họ không thấy được bàn tay của Thượng Ðế, của Chúa Giê-xu trong đó. Ðáng lẽ càng biết thêm về sự nhiệm mầu của vũ trụ, của thân thể thì càng thấy Chúa, nhưng con người lại càng đẩy Chúa ra khỏi sự suy nghĩ của mình.

Tại sao ngay sau khi được giải phóng, người Iraq mừng rỡ hoan nghênh lính Mỹ, nhưng bây giờ lại oán trách? Vì suốt đời ở dưới quyền của Saddam Hussein, họ chỉ biết có chừng đó thôi. Bây giờ tự nhiên đối diện với một sự tự do mà trước kia họ không có, họ thấy choáng váng, mất tự nhiên. Sau khi chế độ cộng sản Nga sụp đổ, đối diện với sự tự do, nhiều người muốn trở lại chế độ cũ, vì ít nhất họ quen thuộc với nó. Cũng vậy, sinh ra trong tối tăm, gặp ánh sáng Chúa Giê-xu, chúng ta không chịu nổi, vì ánh sáng đó cho ta thấy quá rõ ràng những tư tưởng xấu xa, những suy nghĩ đồi trụy tận trong tâm khảm mình.

Vâng, nói chung con người như vậy. Nhưng Giăng ghi nhận rằng, giữa những người chối Chúa, có một số người trên thế gian nhận và tin danh Ngài. Hai động từ này phải đi đôi với nhau: nhận và tin. Tin không phải chỉ nói bằng miệng, nhưng là chấp nhận trong đời sống và hành động. Chấp nhận Ngài như một nhà lãnh đạo, chúng ta nghe lời chỉ huy của Ngài; chấp nhận Ngài như một Hoàng Ðế, chúng ta nghe sắc lệnh của Ngài; chấp nhận Ngài như một Ðấng Cứu Tinh, chúng ta nhận lấy sự cứu rỗi đó.

Khi nãy chúng ta nghe Giăng nói rằng toàn thế gian từ chối Chúa. Giờ đây Giăng lại nói khác một tí, là trong đó có một số người biết nhận và tin danh Ngài. Có phải đây là điều mâu thuẫn hay không? Vâng, để có thể nhận và tin danh Chúa, chúng ta phải có sự thay đổi hoàn toàn, tận sâu trong tâm hồn. Toàn thế gian không ai tự làm được điều này, nhưng có một số người được Thượng Ðế chọn và làm cho. Nhìn xuống thế gian, thấy mọi người sống trong tăm tối, Thượng Ðế chọn một số người để thay đổi họ, cho họ thấy ánh sáng. Kinh Thánh nói những người đó đã được “tái sanh,” hay “sanh lại.”

Giăng nói sự sanh lại này “chẳng phải sanh bởi khí huyết.” Chúng ta không phải là tín đồ vì sống trong một gia đình Tin-lành, vì sự sanh lại là không bởi gia phả. Dầu sanh ra trong một gia đình tin Chúa lâu đời, chính quý vị vẫn phải tin Chúa; dầu sống trong một gia đình chưa có ai tin Chúa, quý vị vẫn có thể tin Ngài. Sự sanh lại này cũng chẳng phải “bởi tình dục, hoặc bởi ý người” (Chữ “tình dục” ở đây nói đến ý muốn của mình,m như bản NASB dịch là “the will of the flesh.”) Dầu muốn, chúng ta cũng không có quyền làm cho mình được sanh lại. Chúng ta có thể đi nhà thờ chúa nhật này đến chúa nhật kia, dâng hiến bao nhiêu tiền bạc trong đó, nhưng đó là việc làm của mình, do ý muốn của mình, và chúng không làm mình được tái sanh. Cũng vậy, chúng ta không được tái sanh vì hành động của người khác. Có thể quý vị đã có lần được một mục sư đặt tay cầu nguyện, hay làm phép báp-têm. Nhưng những hành động đó chỉ là vô nghĩa, nếu Ðức Chúa Trời không thay đổi con người quý vị. Giăng nói rất là rõ ràng: Chỉ bởi Ðức Chúa Trời mà chúng ta được sanh lại mà thôi. Chúng ta không có sự chọn lựa được sanh ra hay không. Việc chúng ta được sanh ra trên thế gian này nằm ngoài tầm tay của mình, và việc được tái sanh cũng vậy. Chỉ do quyền của Ngài mà Ðức Chúa Trời chọn người này, người kia. Ðây là điều chúng ta phải nhớ. Nếu không, mình nghĩ là ít nhất mình cũng phải có công đức gì trong đó.

Nói như vậy rồi, chúng ta phải biết là một có một sự hòa hợp mầu nhiệm giữa ý chỉ của Chúa, và sự tự do của con người. Mình không hoàn toàn thụ động. Giăng nói, “1:12 Nhưng hễ ai đã nhận Ngài,...” Mặc dầu Chúa chọn mỗi người chúng ta, nhưng Ngài cũng cho chúng ta sự tự do để chọn Chúa. Ngày cuối cùng, khi đối diện với Thượng Ðế, chúng ta không thể đổ lỗi cho Ngài, vì Ngài không chọn mình.

Tóm tắt lại, bắt đầu cuộc hành trình vào sách Giăng, chúng ta cám ơn Chúa đã cho chúng ta biết Chúa Giê-xu là Ngôi-lời. Ngôi-lời hiện hữu trước khi sáng thế. Ngôi-lời sáng tạo ra vũ trụ, cho chúng ta sự sống, và cho chúng ta ánh sáng soi đường. Dầu thế gian không nhận biết Ngôi-lời vì tội lỗi mình, chúng ta cảm ơn Ðức Chúa Trời đã chọn một số người, kể cả chúng ta, để cho sự tái sanh đến một đời sống mới trong Ngôi-lời.