Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 3 | Hướng Dẫn

Bài 4

CHIÊN CON CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI

GIĂNG 1:29

Kính thưa quý vị, chắc quý vị nhớ là Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu Christ là Ngôi-lời? Ở cùng Ðức Chúa Trời, Ngôi-lời xuống đây để cứu chúng ta, để Thượng Ðế hiểu chúng ta, để chúng ta hiểu Thượng Ðế và để ban ơn cho chúng ta. Bây giờ tôi xin bàn đến một danh xưng khác cũng trong chương thứ nhất của Tin-lành Giăng. Danh xưng này không do sứ đồ Giăng gọi, nhưng do Giăng Báp-tít. Cho tôi đọc câu chuyện Giăng Báp-tít gặp Chúa Giê-xu trước:

28. Những việc đó đã xảy ra tại thành Bê-tha-ni, bên kia sông Giô-đanh, là nơi Giăng làm phép báp-têm.

29. Qua ngày sau, Giăng thấy Ðức Chúa Giê-xu đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên Con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi.

30. Ấy về Ðấng đó mà ta đã nói: Có một người đến sau ta, trổi hơn ta, vì người vốn trước ta.

31. Về phần ta, ta vốn chẳng biết Ngài; nhưng ta đã đến làm phép báp-têm bằng nước, để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên.

32. Giăng lại còn làm chứng nầy nữa: Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu, đậu trên mình Ngài.

33. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Ðấng sai ta làm phép báp-têm bằng nước có phán cùng ta rằng: Ðấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Ðấng làm phép báp-têm bằng Ðức Thánh Linh.

34. Ta đã thấy nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Ðức Chúa Trời.

Hôm nay chúng ta chỉ phân tích một câu trong đoạn này mà thôi, đó là “29. Qua ngày sau, Giăng thấy Ðức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên Con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi.” Xin quý vị để ý trước nhất là Giăng dùng chữ “Chiên Con của Ðức Chúa Trời” để gọi Chúa Giê-xu ngay cả trước khi Ngài ra hành đạo. Mãi cho đến sau khi Ngài chịu chết trên thập tự giá, người ta mới biết rõ tại sao Giăng Báp-tít lại dùng danh xưng này khi nói đến Ngài. Phải có Ðức Thánh Linh làm việc, Giăng mới biết làm điều này. Trong lúc chúng ta, là người sống trong thời đại hôm nay, không hiểu rõ danh xưng này có nghĩa gì, người Do-thái lúc đó hiểu liền, mặc dầu họ không hiểu tại sao Chúa Giê-xu lại được gọi như thế. Cựu Ước cho họ rất nhiều hình ảnh của chiên con. Cho tôi trưng dẫn một vài hình ảnh ở đây, để chúng ta thấy sự mầu nhiệm trong lời Chúa.

 

1. Chiên trong Sáng Thế Ký

 

Hình ảnh thứ nhất là trong Sáng Thế Ký 22:1-14, kể lại việc Áp-ra-ham dâng hiến con mình là Y-sác. Mặc dầu Chúa hứa với ông là dòng dõi của ông sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới bể (Sáng Thế Ký 13:16, 15:5), mãi đến trên một trăm tuổi ông mới có được một người con, mà chúng ta thường gọi là “con cầu tự.” Một thời gian sau, Chúa phán cùng ông, “22.1: Hỡi Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. 2 Ðức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho.” Nghe lệnh này, lòng Áp-ra-ham tím lịm, vì Chúa bảo phải dâng hiến người con yêu thương độc nhất của mình. Nhưng Áp-ra-ham vâng lời: “3 Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem hai đầy tớ và con mình, là Y-sác, cùng đi; người cũng chặt củi để dùng về của lễ thiêu, rồi đi đến nơi mà Ðức Chúa Trời đã truyền dạy. 4 Qua đến ngày thứ ba, Áp-ra-ham nhướng mắt lên thấy nơi đó ở lối đằng xa, 5 thì nói cùng hai kẻ đầy tớ rằng: Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi. 6 Áp-ra-ham lấy củi về của lễ thiêu, chất trên Y-sác, con mình; rồi người cầm lửa và dao trong tay, và cả hai cha con đồng đi. 7 Y-sác bèn nói cùng Áp-ra-ham, cha mình rằng: Hỡi Cha! Người đáp: Con ơi! cha đây. Y-sác nói: Củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu? 8 Áp-ra-ham rằng: Con ơi! chính Ðức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu; rồi cả hai cha con cứ đồng đi. 9 Họ đến chốn Ðức Chúa Trời đã phán dạy; tại đó, Áp-ra-ham lập bàn thờ, chất củi lên, trói Y-sác con mình lại, để lên đống củi trên bàn thờ. 10 Áp-ra-ham bèn giơ tay ra cầm lấy dao đặng giết con mình.”

Là thanh niên, Y-sác có thể cưỡng lại, hay bỏ chạy. Nhưng không, ông sẵn sàng tuân lệnh cha và bước lên giàn thiêu. Khi Áp-ra-ham đưa tay sắp đâm Y-sác, “11 Thiên sứ của Ðức Giê-hô-va từ trên trời kêu xuống mà rằng: Hỡi Áp-ra-ham, Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. 12 Thiên sứ phán rằng: Ðừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Ðức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi. 13 Áp-ra-ham nhướng mắt lên, xem thấy sau lưng một con chiên đực, sừng mắc trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó dâng làm của lễ thiêu thay cho con mình. 14 Áp-ra-ham gọi chỗ đó là Giê-hô-va Di-rê. Bởi cớ ấy, ngày nay có tục ngữ rằng: Trên núi của Ðức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn.”

Ðây là câu chuyện của một con chiên được Chúa ban cho từ trời, để thế Y-sác làm của lễ dâng lên Ngài. Chúa Giê-xu là chiên theo nghĩa này: Thượng Ðế đã cung cấp Chúa Giê-xu cho chúng ta, để chúng ta khỏi phải chết, vì Ngài đã chết thế cho chúng ta.

 

2. Chiên trong Xuất Ê-díp-tô Ký

 

Bây giờ chúng ta nói đến hình ảnh thứ hai của chiên, liên quan đến buổi lễ Vượt-qua đầu tiên khoảng chừng 1500 năm trước Chúa Giê-xu. Có một lúc nào đó, người Do-thái di dân xuống vùng Ai-cập. Tại đó họ bị bách hại. Ðau khổ vô cùng, họ kêu cầu lên Thượng Ðế. Thấy vậy, Ngài bảo Môi-se đến gặp vua Ai-cập, cho vua thấy bao nhiêu tai họa khủng khiếp nếu ông không cho phép dân Do-thái rời Ai-cập. Nhưng vua vẫn cứng lòng. Cuối cùng Thượng Ðế cho tai họa thứ mười: Ngài sẽ giết tất cả những người con trai trưởng của mỗi gia đình ở Ai-cập, trừ những gia đình Do-thái. Ðể khỏi bi tai họa này, người Do-thái phải làm theo lời dạy được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký như sau:

12.1 Tại xứ Ê-díp-tô, Ðức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: 2 Tháng nầy định làm tháng đầu cho các ngươi, tức là tháng giêng trong quanh năm. 3 Hãy nói cho toàn hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Ðến ngày mồng mười tháng nầy, mỗi gia trưởng tùy theo nhà mình phải bắt một con chiên con. 4 Nếu nhà ít người quá ăn không hết một chiên con, hãy chung cùng người rất lân cận mình, tùy theo số người; và hãy tính cho mỗi chiên con tùy sức người ăn hết. 5 Các ngươi hãy bắt hoặc trong bầy chiên, hoặc trong bầy dê, chiên con đực hay là dê con đực, tuổi giáp niên, chẳng tì vít chi, 6 đoạn để dành cho đến ngày mười bốn tháng nầy; rồi cả hội chúng Y-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào lối chiều tối. 7 Họ sẽ lấy huyết đem bôi trên hai cây cột và mày cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó. 8 Ðêm ấy họ sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng. 9 Chớ ăn thịt nửa chín nửa sống hay là luộc trong nước, nhưng phải quay trên lửa cả và đầu, giò, với bộ lòng. 10 Các ngươi chớ để chi còn lại đến sáng mai; nếu còn lại, hãy thiêu đi. 11 Vậy, ăn thịt đó, phải như vầy: Dây lưng cột, chân mang giày, tay cầm gậy, ăn hối hả; ấy là lễ Vượt-qua của Ðức Giê-hô-va. 12 Ðêm đó ta sẽ đi qua xứ Ê-díp-tô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Ê-díp-tô, từ người ta cho đến súc vật; ta sẽ xét đoán các thần của xứ Ê-díp-tô; ta là Ðức Giê-hô-va. 13 Huyết bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ dùng làm dấu hiệu; khi ta hành hại xứ Ê-díp-tô, thấy huyết đó, thì sẽ vượt qua, chẳng có tai nạn hủy diệt các ngươi.”

Ðây là hình ảnh thứ hai của một chiên con bị giết đi, và huyết nó được bôi lên ngạch cửa để gia đình trong đó tránh khỏi tai họa thứ mười. Ðêm hôm đó, khi thiên sứ của Chúa đi ngang qua xứ Ê-díp-tô, người con trưởng trong nhà nào không có huyết chiên bôi trước cửa sẽ bị giết. Nhưng nhà nào có huyết không gặp tai họa gì, như thể dòng huyết đã bao phủ nó, để thiên sứ không thấy nên không vào. Sau khi Giăng Báp-tít nói câu này, Chúa Giê-xu đã chịu chết trên thập tự giá. Huyết Ngài đổ ra, như thể đã bao phủ tất cả mọi tội lỗi của chúng ta, nên chúng ta không còn gặp sự trừng phạt từ Thượng Ðế nữa.

Có vài chi tiết chúng ta phải để ý. Thứ nhất, Chúa đòi hỏi người Do-thái phải giết những con chiên “5. chẳng tì vít chi.” Ðó là hình ảnh của Chúa Giê-xu. Ngài sống một đời sống hoàn toàn vô tội. Dầu người ta tìm cách buộc tội Ngài, nhưng không ai kiếm được một tội lỗi nào. Phi-e-rơ viết, “1:18-19 Chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Ðấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít.” Thứ hai, trong câu 6, “ngày mười bốn tháng nầy” tức là tháng Nisan, cũng là ngày Chúa Giê-xu chịu chết, “vào lối chiều tối.” Thứ ba, người Do-thái phải “12:7 ăn thịt chiên con đó.” Ngày nay, vâng lời Chúa chúng ta dự tiệc thánh, như Phao-lồ ghi trong I Cô-rinh-tô 11:23-24: “Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Ðức Chúa Giê-xu, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta.”

 

3. Chiên trong Lê-vi Ký

 

Có hình ảnh khác về chiên trong các buổi lễ chuộc tội. Lê-vi Ký đoạn 4 chép như thế này, “27 Nếu một người nào trong dân chúng, vì lầm lỡ phạm một trong các điều răn của Ðức Giê-hô-va mà làm điều không nên làm, và vì cớ đó phải mắc tội; 28 khi nào người ta tỏ cho người đó biết tội mình đã phạm, thì người phải vì cớ tội mình dẫn đến một con dê cái không tì vít chi, dùng làm của lễ,... 32 Nếu của lễ chuộc tội người bằng chiên con, thì phải dâng một con cái chẳng tì vít chi, 33 nhận tay mình trên đầu con sinh tế chuộc tội, rồi giết nó tại nơi giết con sinh dùng làm của lễ thiêu. 34 Ðoạn, thầy tế lễ sẽ nhúng ngón tay mình trong huyết, bôi trên các sừng bàn thờ về của lễ thiêu, và đổ hết huyết dưới chân bàn thờ; 35 gỡ hết mỡ như cách gỡ mỡ của chiên con dùng làm của lễ thù ân, đem xông trên bàn thờ như các của lễ dùng lửa dâng cho Ðức Giê-hô-va. Ấy vậy, thầy tế lễ sẽ chuộc tội cho người đó, thì tội người sẽ được tha.”

Ðây cũng là hình ảnh của Chúa Giê-xu. Ngài là con chiên con đã chết để chúng ta được tha tội.

 

3. Chiên trong Ê-sai

 

Có một đoạn khác trong Kinh Thánh mà chúng ta cũng phải nhắc đến, đó là Ê-sai 53:7: “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.” Chúa Giê-xu vâng phục Thượng Ðế hoàn toàn, xuống thế gian, biết rằng sứ mạng của Ngài là chết trên thập tự giá. Ngài cầu nguyện, “Cha ơi! Nếu có thể được, cho xin chén này lìa khỏi con!” (Ma-thi-ơ 26:39) nhưng như con chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, Ngài vâng phục đến chết. Ngài có thể sai thiên sứ xuống dẹp tan đội lính La-mã hôm đó, nhưng Ngài nín câm trước mặt kẻ hớt lông.

 

4. Chiên Con của Ðức Chúa Trời

 

Khi Giăng Báp-tít đối diện với Chúa Giê-xu, ông nghĩ ngay đến chiên con trong Cựu Ước, và buột miệng, “29. Kìa, Chiên Con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi.” Nhưng Chúa Giê-xu không phải là chiên con bình thường. Ngài là “Chiên Con của Ðức Chúa Trời.” Khi nãy, trong giờ tiệc thánh, tôi có đọc sách Tin-lành Ma-thi-ơ nói về việc Chúa Giê-xu dự lễ Vượt-qua trước khi Ngài chịu chết, “26:26 Khi đang ăn, Ðức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. 27 Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; 28 vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội. 29 Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta.” Ngài nói đây là lễ Vượt-qua cuối cùng của Ngài, và của chúng ta. Trước kia, người Do-thái phải dâng một con chiên mỗi năm, nhưng sau khi Chiên Con của Ðức Chúa Trời được dâng lên trên thập tự giá, chúng ta không cần phải lặp đi, lặp lại nghi lễ ghi trong Lê-vi Ký và những con chiên bình thường không cần nữa. Tác giả Hê-bơ-rơ viết về những của lễ trong Cựu Ước như sau, “10:3 Trái lại, những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi. 4 Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được....” Ngược lại, ông nói về huyết của Chúa Giê-xu như sau, “10:14 Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời.” Chúng ta chỉ cần huyết của Ngài bôi lên linh hồn chúng ta một lần, vì một lần là đủ cả.

Là Chiên Con của Ðức Chúa Trời, chứ không phải là chiên bình thường, huyết của Ngài có thể cất mọi tội lỗi của thế gian, chứ không phải chỉ một số tội lỗi nào đó, hay chỉ cho một số người nào đó, như dân Do-thái. Là người Việt-nam, chúng ta vô vọng, nhưng nhờ dòng huyết của Chúa Giê-xu, chúng ta có sự hy vọng được cứu rỗi. Ngày xưa, Chúa hứa với Áp-ra-ham là dòng dõi của ông sẽ trở thành như cát dưới biển. Nhờ dòng huyết của Chiên Con Giê-xu, chúng ta hôm nay có thể thành con cháu của Áp-ra-ham.

 

5. Chúng ta và Chiên Con

 

Trong câu nói của Giăng, “29, Kìa, Chiên Con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi,” chúng ta cần để ý đến chữ “Kìa.” Trong nguyên bản Hy Lạp có nghĩa là “Hãy nhìn, hãy xem kỹ.” Các bản tiếng Anh dịch là “Look,” hay “Behold.” Nhưng nếu Ê-sai 53:2 nói là “Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được,” thì tại sao chúng ta phải nhìn Ngài? Ngày Chiên Con của Ðức Chúa Trời chết trên thập tự giá, có bao nhiêu người lính La-mã vừa nhìn lên Ngài, vừa lấy giáo đâm hông Ngài; có bao nhiêu người Do-thái vừa nhìn Ngài, vừa rủa sả Ngài. Không, nhìn con chiên của Ðức Chúa Trời là nhìn và tin rằng đó là Ðấng Cứu Rỗi, chịu đổ huyết để chúng ta khỏi chịu hình phạt đời đời.

Có một con chiên khác trong Cựu Ước mà tôi chưa nói đến, đó là con chiên của A-bên. A-đam và Ê-va có 2 người con, Ca-in và A-bên. Sáng Thế Ký đoạn 4 kể, “3 Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Ðức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy chiên cùng mỡ nó. Ðức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và chẳng nhận lễ vật của người.” Tác giả Hê-bơ-rơ viết, “11:4 Bởi đức tin A-bên dâng cho Ðức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Ðức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy.” Nếu vào các cửa tiệm ở Little SaiGon, chúng ta thấy họ thường dâng lên ông Trời của họ điều gì? Hoa quả. Ðó là lễ vật của Ca-in. Nếu trong phòng này có người nào chưa tin Chúa Giê-xu. Xin quý vị quên đi những lễ vật hoa quả không làm đẹp lòng Chúa của Ca-in, nhưng hãy nhận lấy huyết của Chiên Con. Ðó là lễ vật độc nhất có thể làm đẹp lòng Thượng Ðế, và cứu quý vị khỏi sự trừng phạt của Ngài.

Còn đối với chúng ta, là những người đã tin Chiên Con của Ðức Chúa Trời, thì có bài học gì hôm nay hay không? Nói đến lễ Vượt-qua đầu tiên, Xuất Ê-díp-tô Ký ghi rõ, “12:8 Ðêm ấy họ sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng.” Tại sao người Do-thái phải ăn thịt chiên với bánh không men? Bánh không men đối với chúng ta là gì? Chúng ta không cần phải đoán ở đây, vì Phao-Lồ giải thích rõ ràng trong I Cô-rinh-tô “5:7-8 Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Ðấng Christ là con sinh lễ vượt qua của chúng ta đã bị giết rồi. Vậy thì chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.” Là tín đồ, chúng ta không thể cho rằng, có dòng huyết của Chúa Giê-xu trên ngạch cửa của đời mình là mình muốn làm gì thì làm. Nhưng không, như người Do-thái trước kia, đời sống chúng ta phải được tẩy sạch những chất men tội lỗi. Bởi vậy, bánh trong Tiệc Thánh thường là bánh không men, và chúng ta phải xét lòng mình trước khi dự (I Cô-rinh-tô 11:28).

Thêm nữa, sau khi dự lễ Vượt-qua đầu tiên, người Do-thái làm gì? Xin chúng ta đọc lại Xuất Ê-díp-tô Ký, “12:11 Vậy, ăn thịt đó phải như vầy: Dây lưng cột, chân mang giày, tay cầm gậy, ăn hối hả; ấy là lễ Vượt-qua của Ðức Giê-hô-va.” Có nghĩa gì cho chúng ta, thưa quý vị? Cũng như những người Do-thái sanh ra trong xứ Ê-díp tô, chúng ta sanh ra trong bóng tối của Ma-quỷ. Vì thế, sau khi nhận được huyết chiên con, chúng ta phải dây cột lưng, chân mang giày, tay cầm gậy, ăn hối hả để bước ra khỏi nơi tăm tối, dưới quyền của nó. Chúng ta phải lên đường bước về nhà Chúa trên Thiên Ðàng. Thế gian này không còn là chỗ ở của chúng ta nữa. Ðây chỉ là nơi ở trọ tạm thời của chúng ta, và chúng ta chỉ là những khách qua đường. Xin đừng tiếc nuối những gì trên thế gian này. Nếu những người Do-thái còn tiếc nuối và mang theo cái giường, cái bàn, cái ghế, cái xe,... thì họ không bao giờ họ bước ra khỏi được xứ Ê-díp-tô của họ.

Ngày xưa người Do-thái phải ăn thịt chiên đó trong lễ Vượt-qua; bây giờ trong tiệc thánh của Chúa, chúng ta cầm bánh ăn thân thể của Ngài, và cầm chén uống dòng huyết của Ngài. Câu hỏi tôi xin để lại cho quý vị, và chính cá nhân tôi hôm nay, là chúng ta có ăn bánh, uống chén đó một cách xứng đáng hay không. Ăn uống thân thể của Chiên Con của Ðức Chúa Trời, đời sống chúng ta có như bánh không men, hay vẫn còn đầy dẫy bao tội ác, vẫn còn như bị đóng đinh, đóng chặt, đóng cột vào thế gian tăm tối này?

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh