Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 6 | Hướng Dẫn

Bài 7

ÐÁM CƯỚI TẠI CA-NA

GIĂNG 2:1-11

 

Kính thưa quý vị, hôm nay chúng ta sẽ học một phép lạ đầu tiên Chúa Giê-xu làm trong đời hành đạo của Ngài, được ghi lại trong sách Tin-lành Giăng đoạn 2. Cho phép tôi đọc câu chuyện này trước:

 

1. Cách ba ngày sau, có đám cưới tại thành Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, và mẹ Ðức Chúa Giê-xu có tại đó.

2. Ðức Chúa Giê-xu cũng được mời đến dự đám với môn đồ Ngài.

3. Vừa khi thiếu rượu, mẹ Ðức Chúa Giê-xu nói với Ngài rằng: Người ta không có rượu nữa.

4. Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Hỡi đờn bà kia, ta với ngươi có sự gì chăng? Giờ ta chưa đến.

5. Mẹ Ngài nói với những kẻ hầu bàn rằng: Người biểu chi, hãy vâng theo cả.

6. Vả, tại đó có sáu cái ché đá, định dùng về sự rửa sạch cho người Giu-đa, mỗi cái chứa hai ba lường nước.

7. Ðức Chúa Giê-xu biểu họ rằng: Hãy đổ nước đầy những ché nầy; thì họ đổ đầy tới miệng.

8. Ngài bèn phán rằng: Bây giờ nước múc đi, đem cho kẻ coi tiệc. Họ bèn đem cho.

9. Lúc kẻ coi tiệc nếm nước đã biến thành rượu (vả, người không biết rượu nầy đến bởi đâu, còn những kẻ hầu bàn có múc nước thì biết rõ), bèn gọi chàng rể,

10. mà nói rằng: Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ.

11. Ấy là tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mà Ðức Chúa Giê-xu làm phép lạ thứ nhất, và tỏ bày sự vinh hiển của mình như vậy; môn đồ bèn tin Ngài.

 

Cho tôi trình bày với quý vị một số chi tiết trước. Bối cảnh câu chuyện này là một đám cưới tại thành Ca-na trong xứ Ga-li-lê. Giống các đám cưới ở Việt-nam hơn là bên Mỹ, đám cưới ở thế kỷ thứ nhất tại vùng Ga-li-lê có thể kéo dài cả tuần lễ, trong đó người ta ăn uống say sưa. Trong đám cưới đó có Chúa Giê-xu cùng một số sứ đồ của Ngài, ít nhất có các ông Anh-rê, Giăng, Si-môn Phi-e-rơ, Phi-líp và Na-tha-na-ên. Mẹ của Chúa cũng có mặt ở đó. Nhiều người đoán rằng bà có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức, vì bà biết rượu sắp hết, cũng như có thể sai biểu đầy tớ.

Rượu là một điều tối cần ở trong các đám cưới thời đó. Việt-nam mình cũng có câu, “Vô tửu bất thành lễ.” Phép lạ đầu tiên Chúa Giê-xu làm là biến nước thành rượu cho khách uống. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có lý do để tha hồ uống rượu. Người Tin-lành tránh uống rượu không phải vì Kinh-thánh cấm đoán. Thật ra, không những không cấm, có chỗ trong Kinh-thánh lại còn khuyến khích chúng ta uống một tí nếu có lợi cho sức khỏe (1 Tim 5:23). Nhưng chúng ta không uống rượu, vì trong rất nhiều trường hợp, điều này không có lợi chi hết, mà còn làm vấp phạm người khác. Phao-Lồ dạy trong I Cô-rinh-tô 6:12, “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi.” Rượu chính nó không có gì sai trật. Chúng ta không nên phê phán hay lên án một người uống một ly rượu nhẹ trong bữa ăn. Ðiều sai lầm là sự luông tuồng quá đáng, hay sự thiếu tế nhị làm người khác vấp phạm.

Như Giăng nói trong câu 11, đây là phép lạ đầu tiên mà Chúa Giê-xu làm. Nhưng đây không có nghĩa là bà Ma-ri không biết gì về Ngài trước đó. Bà biết rất nhiều, nhiều hơn tất cả mọi người khác. Lu-ca kể rằng, khi bà còn mang thai Chúa trong bụng, thiên sứ đã đến nói với bà: 1:30-33Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Ðức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Ðấng Rất Cao; và Chúa, là Ðức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Ða-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng.” Trong đêm lạnh lẽo lịch sử ấy, ngồi bên máng cỏ, lắng nghe các người chăn chiên thuật lại lời thiên sứ nói với họ về con bà, Ma-ri “ghi nhớ mọi lời ấy và suy nghĩ trong lòng” (Lu-ca 2:19). Chắc bà cũng đã chứng kiến, hay ít nhất cũng đã nghe, những điều xảy ra khi Chúa Giê-xu chịu phép báp-têm. Bà phải biết rằng Chúa Giê-xu có quyền làm phép lạ, mặc dù chưa thấy Ngài làm. Vì thế, 3vừa khi thiếu rượu, mẹ Ðức Chúa Giê-xu nói với Ngài rằng: Người ta không có rượu nữa.”

Sau khi mẹ Chúa nói với Ngài như thế, Ngài trả lời, “Hỡi đờn bà kia,...” Có nhiều người cảm thấy ngạc nhiên về lối xưng hô này: Có vẻ như Ngài quá xấc xược, gọi mẹ mình là “đàn bà kia.” Nhưng chúng ta không thể xét xử những điều xảy ra ở thế kỷ thứ nhất theo phong tục, tập quán của thế kỷ 21. Ðây chỉ là cách một người gọi mẹ mình lúc đó, không hàm ý coi thường hay khinh miệt. Giăng ghi lại trong 19:26 rằng, trên thập tự giá, “Ðức Chúa Giê-xu thấy mẹ mình, và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi!” Ðây là một lời nhắn nhủ chứa đầy tình yêu thương trìu mến trong giây phút cuối cùng, chứ không phải một lời hỗn láo.

Sau đó, Chúa Giê-xu nói thêm, 4Ta với ngươi có sự gì chăng?” (Chữ “ngươi” là do người dịch. Chúng ta cũng có thể dịch là “Con với mẹ,” hay “Tôi với bà.”) Trong bao nhiêu năm trước đó, Chúa sống dưới sự điều khiển, dạy dỗ của cha mẹ. Nhưng giờ đây là lúc Ngài bước ra khỏi sự bảo hộ đó. Nói câu này, Chúa không có ý la rầy mẹ mình, nhưng có lẽ muốn cho bà biết rằng, kể từ giây phút này, Ngài không còn là con trai của bà nữa. (Nhân tiện tôi cũng xin nói là nhiều người nghĩ rằng lúc này Giô-sép không còn sống nữa.) Ðây là lúc Chúa Giê-xu bắt đầu một bước đường mới, trong đó Ngài không còn cha mẹ trên thế gian, nhưng chỉ có Cha-trên-trời, và Ngài chỉ vâng lời Cha-trên-trời đó, chứ không còn vâng lời người mẹ thể xác. Ðây là lúc Ngài muốn nói với mẹ Ngài biết rằng Ngài phải làm điều Thượng Ðế đã gởi Ngài xuống thế gian để làm. Bà Ma-ri cho Ngài biết người ta không có rượu nữa chỉ vì muốn giúp để có một đám cưới vui vẻ. Tầm nhìn của bà chỉ có chừng đó, ngắn hạn và vật chất. Nhưng giờ đây Chúa Giê-xu bắt đầu một thiên chức thuộc linh vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng đến bao nhiêu người trên thế giới. Bà Ma-ri chỉ thấy rượu đã hết, nhưng Chúa Giê-xu thấy con người đang sống trong sự tối tăm và bắt đầu sứ mạng giải phóng họ. Ngài bắt đầu nhìn đến con đường đưa đến cái chết trên thập tự giá, theo chương trình của Ðức Chúa Cha.

Ngài nói thêm, “Giờ ta chưa đến.” Bây giờ chúng ta biết khi nào giờ của Chúa đã đến. Giăng 17:1 ghi lại rằng, trước khi chịu chết trên thập tự giá, Ðức Chúa Giê-xu “ngước mắt lên trời mà rằng: Thưa Cha, giờ đã đến, xin làm vinh hiển Con, hầu cho Con cũng làm vinh hiển Cha.” Giờ của Ngài là lúc Ngài hoàn thành sứ mạng. Ở Ca-na, giờ ấy chưa đến.

Nói như vậy rồi, Chúa Giê-xu vẫn làm phép lạ. Phía trước mỗi nhà người Do-thái đều có những chén đá để họ rửa tay, rửa chân trước khi bước vào nhà. Họ làm việc này vì lý do tôn giáo hơn là vệ sinh. Theo Cựu Ước, thầy tế lễ phải rửa tay, rửa chân, rửa mình thật kỹ trước khi bước vào đền thờ. Ðây là một hình thức Cựu Ước dạy người Do-thái rằng họ phải được sạch tội trước khi có thể đến gần ngôi Ðức Chúa Trời (Thi-thiên 26:6, 73:13). Nhưng lần lần người ta quên ý nghĩa này, và chỉ nhìn việc rửa tay, rửa chân như một nghi thức tôn giáo phải làm. Sau khi Chúa bảo người đầy tớ đổ nước đầy những chén đá, nước biến thành rượu ngon cho khách. Giăng kết luận câu chuyện như thế này, 11Ấy là tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mà Ðức Chúa Giê-xu làm phép lạ thứ nhất, và tỏ bày sự vinh hiển của mình như vậy; môn đồ bèn tin Ngài.”

 

Bây giờ xin chúng ta xem thử mình có thể học hỏi được điều gì từ câu chuyện này, để áp dụng vào đời sống của chúng ta hay không. Trước hết, chúng ta thấy Chúa Giê-xu được mời đến dự tiệc cưới cùng các môn đồ. Thưa quý vị, là những người đã đến hội thánh, có thể chúng ta một lúc nào đó đã tin nhận Chúa, đã mời Ngài vào lòng như chàng rể lúc đó mời Chúa đến dự tiệc cưới của mình. Nhưng sau khi Chúa đã đến, vì bận lo chuyện này chuyện kia, chúng ta quên Ngài, coi thường Ngài, để Ngài đứng một bên, và sống một đời sống bình thường của một người chưa biết Chúa.

Trước nhà chúng ta có những chén đá để làm thủ tục tôn giáo. Mặc dầu đã mời Chúa vào đời sống mình, nhiều người chúng ta vẫn tiếp tục làm những nghi thức tôn giáo đó. Mỗi Chúa nhật chúng ta miễn cưỡng đi nhà thờ, ráng ngồi “xem lễ” cho xong. Trả nợ cho Thượng Ðế như vậy rồi, chúng ta về đọc phớt qua Kinh-thánh, hay không thèm đọc. Chúng ta cũng không đến với Chúa nữa; hay xem việc cầu nguyện chỉ là một nghi thức phải làm. Chúng ta đọc bài cầu nguyện chung chỉ như đọc một công thức, bùa chú.

Có một “niềm tin” hời hợt như vậy, không sớm thì muộn trong đời sống chúng ta sẽ xảy ra một chuyện, đó là “hết rượu.” Rượu ở đây tượng trưng cho sự vui mừng, thỏa lòng trong đời sống. Lần lần mình thấy đời sống mình không còn sự ngọt ngào, nóng sốt nữa, và càng ngày mình càng thiếu sự vui vẻ, bình an trong tâm hồn. Càng ngày mình càng thấy những nghi lễ tôn giáo càng rỗng tuếch, nhưng vẫn phải miễn cưỡng làm.

Nếu người tin chúa biết mình “hết rượu,” thì phải làm gì? Thưa chúng ta không đến với bà Ma-ri. Như đã ghi nhận trước đây, rất có thể bà là người có trách nhiệm tổ chức đám cưới và biết đám cưới hết rượu, chứ không phải bà được chàng rể tìm đến xin cầu cứu. Nếu chàng rể “cầu nguyện” đến bà, bà sẽ trả lời cho ông, chứ không 5nói với những kẻ hầu bàn rằng: Người biểu chi, hãy vâng theo cả.” Hơn nữa, xin chúng ta nhớ câu trả lời của Chúa với bà, “Hỡi đờn bà kia, ta với ngươi có sự gì chăng?” Như bà Ma-ri, điều chúng ta cần làm là đến với Chúa Giê-xu, và nói chuyện với Ngài. Chúng ta phải nhìn thẳng vào lòng mình và thú thật cùng Chúa, “Chúa ơi, đời con bây giờ hết rượu rồi, không còn sự vui mừng, bình an nữa.”

Sau khi nói với Chúa Giê-xu, 5mẹ Ngài nói với những kẻ hầu bàn rằng: Người biểu chi, hãy vâng theo cả.” Ðây là bài học lớn cho chúng ta: Vì chúng ta muốn tự làm chủ đời sống mình, đẩy Ngài vào một góc kẹt trong đời sống, nên mới thấy đời sống mình lạt lẽo, rỗng tuếch. Giờ đây, chúng ta phải trở lại với Chúa, nghe lời dạy dỗ của Ngài, và quan trọng hơn hết, làm theo những lời dạy đó. Ngày nay, dầu Ngài không còn hiện hữu trong xác thịt nữa, Ngài vẫn cho chúng ta biết ý Ngài trong Kinh-thánh. Nghiên cứu lời Chúa, chúng ta sẽ thấy đây là nguyên một kho tàng đầy dẫy bao nhiêu bí quyết để chúng ta có một đời sống chiến thắng.

Mấy tuần trước, tôi có dịp giảng một bài trong ngày Từ Mẫu theo I Phi-e-rơ 3:7, “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em.” Trong ngày Từ Phụ, tôi giảng cho các bà theo I Phi-e-rơ 3:1-6, “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Ðạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn ở của chị em là tinh sạch và cung kính. Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòa loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Ðức Chúa Trời.” Trước đó, trong dịp ăn mừng hai năm thành lập hội thánh, tôi giảng theo sách Hê-bơ-rơ 10:25, “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” Nếu Chúa bảo chúng ta tha thứ người khác, nhưng nếu mình cứ giữ sự thù hận trong lòng, thì chúng ta sẽ không thể nào tìm được sự bình an. Xin chúng ta cứ làm theo những điều Kinh-thánh dạy, rồi sẽ thấy đời mình thay đổi.

Chúa Giê-xu bảo những kẻ hầu bàn rằng, 7Hãy đổ nước đầy những ché nầy; thì họ đổ đầy tới miệng.” Có lẽ đây là trách nhiệm của các ông, nên các ông sẵn sàng làm theo. Nhưng Ngài lại bảo, 8Bây giờ nước múc đi, đem cho kẻ coi tiệc.” Ðây là một điều thật khó làm: Vì nước vừa mới được múc dưới giếng lên, và đổ vào trong những ché đá, cặn và cát bị khuấy động làm nước trông thật dơ bẩn. Hơn nữa, đây là nước để rửa tay chân, vậy mà Chúa bảo họ đem cho khách uống! Xin nhớ rằng những người này chưa bao giờ thấy Ngài làm phép lạ, và cũng không phải là bà Ma-ri để biết quyền năng của Ngài. Mặc dầu có lẽ trong lòng họ nghĩ là vô lý, nhưng họ vẫn làm. Họ vâng lời vì họ tin rằng Chúa Giê-xu có một quyền năng nào đó. Cũng vậy, có những bí quyết trong Kinh-thánh có vẻ như là vô lý đối với thế kỷ 21, chẳng hạn như vợ phải vâng phục chồng... Bây giờ mọi người bình đẳng rồi, điều vợ vâng phục chồng là đã quá lỗi thời. Nhưng kết quả nằm trong sự tin cậy vào lời của Ðức Chúa Trời. Khách quan nhận xét, chúng ta thấy gia đình nào trong đó người vợ thật sự vâng phục chồng là gia đình có hạnh phúc, và những người vợ nào biết tự nguyện vâng phục chồng là người có được sự bình an, thỏa mãn. Những lời dạy dỗ trong Kinh-thánh có lợi ích cho con người qua hằng bao nhiêu thế kỷ. Ðiều quan trọng là chúng ta phải có thái độ tin cậy, vâng lời.

Trở lại với những kẻ hầu bàn, khiêng nước đổ đầy bao nhiêu cái ché đá không phải là việc làm nhẹ nhàng, nhưng kết quả là điều vượt ngoài sự hiểu biết và dự đoán của họ. Cũng vậy, hạnh phúc và sự bình an không tự nhiên đến với chúng ta, chúng đòi hỏi sự cố gắng hết mình. Yêu thương người khác, vâng phục chồng, quý trọng vợ không phải là những điều dễ làm.

Chúa bảo những kẻ hầu bàn đổ đầy nước vào ché. Nhưng thế nào gọi là đầy? “Quá nửa rồi Chúa ơi!” Nhưng như chúng ta thấy, càng vâng phục chừng nào, càng tuân lệnh chừng nào, càng đổ nước vào bình chừng nào, càng có nhiều rượu ngon chừng đó. Hết lòng tuân phục Chúa, không làm lấy lệ, nửa vời, chúng ta sẽ thấy đời mình được tràn đầy vui thỏa.

Chúa chỉ bảo những kẻ hầu bàn lấy nước, không cần nước thật sạch. Chúa không bảo họ làm những gì vượt ngoài khả năng của họ. Chúa cũng không đòi hỏi chúng ta làm điều gì vượt ngoài khả năng của chúng ta. Chúa không đòi hỏi tôi phải giảng giống như Billy Graham. Nhưng khi tôi hết sức mình tìm tòi, nghiên cứu, cầu nguyện để có một bài giảng mà khả năng tôi cho phép, Chúa dùng bài giảng đó. Chúng ta không hát bằng những ca sĩ bên ngoài, nhưng nếu chúng ta ca ngợi Chúa với cả tấm lòng, Chúa sẽ nghe và dùng lời ca tiếng hát của chúng ta. Ðiều quan trọng tôi xin nhắc lại là chúng ta không vâng lời Chúa nửa vời.

9-10Lúc kẻ coi tiệc nếm nước đã biến thành rượu (vả, người không biết rượu nầy đến bởi đâu, còn những kẻ hầu bàn có múc nước thì biết rõ), bèn gọi chàng rể, mà nói rằng: Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ.” Nếu chúng ta để Ngài làm chủ đời sống của chúng ta, biết tin cậy và vâng lời Ngài, Ngài không chỉ hứa ban cho chúng ta sự sống qua ngày, nhưng như Ngài nói trong Giăng 10:10, “Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật.”

Nếu có ai ngồi đây, nhưng chưa bao giờ nghe về Chúa Giê-xu, hay tin Ngài. Thưa quý vị, tôi xin nói với quý vị điều này: Ðời sống của quý vị là một bữa tiệc thiếu Chúa, và không sớm thì muộn sẽ hết rượu. Chỉ có một cách quý vị có thể bắt đầu lại bữa tiệc của đời mình, đó là mời Chúa Giê-xu vào lòng, và tiếp tục vâng lời Ngài. Xin đừng chỉ mời Chúa Giê-xu dự đám cưới mình, nhưng không cho phép Ngài làm chủ gia đình mình.

Ðối với những người đã tin Chúa, nhưng thấy mình xa Chúa lần lần, không còn sự bình an, vui thỏa, đây là lúc quý vị tái dâng đời mình cho Chúa, và hứa với Ngài, “Ðời con bây giờ như đã hết rượu, hết sự ngọt ngào. Con xin trở lại với Chúa. Chúa bảo con làm gì, con sẽ hết lòng làm, vì con biết đây là bí quyết để con có một đời sống chiến thắng.”

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh