Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 9 | Bài 11 >> | Hướng Dẫn

Bài 10

ANH PHẢI SỐNG

1 GIĂNG 3:11-19

 

Thưa quý vị, như hôm trước tôi nói, nếu phải đặt tên hội thánh ở đây, tôi sẽ gọi là hội thánh Vọng Phu. Nhưng nếu không gọi tên đó, thì quý vị nghĩ chúng ta phải gọi tên gì khác? Có đức tính nào của hội thánh mà chúng ta muốn có? Hội thánh Cầu Nguyện? Tôi nghĩ hội thánh chúng ta cũng phải là hội thánh Yêu Thương. Đây là vấn đề mà Giăng cứ lặp đi lặp lại trong thơ Giăng thứ nhất. Chúng ta đã học về vấn đề này rồi, nhưng hôm nay sẽ học lại, theo thơ Giăng thứ nhất, đoạn 3 từ câu 11 đến câu 19:

11 Vả, lời rao truyền mà các con đã nghe từ lúc ban đầu, ấy là chúng ta phải yêu thương lẫn nhau.

12 Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình.

13 Hỡi anh em, nếu thế gian ghen ghét anh em, thì chớ lấy làm lạ.

14 Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết.

15 Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình.

16 Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy.

17 Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời không thể nào ở trong người ấy được!

18 Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.

19 Bởi đó, chúng ta biết mình thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài.

I. Chớ làm như Ca-in đã giết em mình

Dạy chúng ta hãy yêu thương lẫn nhau, Giăng bắt đầu nói đến điều mình không nên làm trước. Câu 12, “Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình.” Sáng Thế Ký đoạn 3 ghi lại câu chuyện A-đam và Ê-va phạm tội. Sau đó, qua Sáng Thế Ký đoạn 4, chúng ta thấy có một tội nữa của người con của A-đam và Ê-va:

1  A-đam ăn ở với Ê-va, là vợ mình; người thọ thai sanh Ca-in và nói rằng: Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người.

2  Ê-va lại sanh em Ca-in, là A-bên; A-bên làm nghề chăn chiên, còn Ca-in thì nghề làm ruộng.

3  Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va.

4  A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người;

5  nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người; cho nên Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt.

6  Đức Giê-hô-va phán hỏi Ca-in rằng: Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống?

7  Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó.

A-bên làm nghề chăn chiên, nên dâng lên Chúa súc vật làm của lễ. Ca-in làm nghề ruộng, nên dâng lên Chúa thổ sản làm của lễ. Chúa thích lễ vật của A-bên, nhưng không thích lễ vật của Ca-in. Chúng ta hỏi tại sao? Thưa, câu trả lời là, cũng như mỗi chúng ta có ý thích riêng, Chúa muốn thích gì thì Ngài thích. Hơn nữa, như Hê-bơ-rơ 11:4 viết, “Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình.“ Thành ra điều quan trọng ở đây là thái độ trong vấn đề dâng của lễ: Ca-in dâng của lễ bởi đức tin. Để ý Chúa nói với Ca-in trong câu 7, “Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao?“ Đây có ý nói Ca-in có một thái độ không tốt, làm Chúa không thích.

Biết Chúa không thích mình, Ca-in đâm ra ghen tức với em. Từ ghen tức, Ca-in đi đến việc giết người. Câu 8 ghi, “Vả, khi hai người đương ở ngoài đồng, thì Ca-in xông đến A-bên là em mình, và giết đi.“ Đây là câu chuyện giết người đầu tiên trong nhân loại, xảy ra ngay sau câu chuyện A-đam phạm tội.

II. Hãy làm như Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống mình

Nếu không bắt chước Ca-in, thì chúng ta bắt chước ai? Thưa, bắt chước Chúa. Chúng ta đọc tiếp tục câu 16 trong đoạn này, “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy.” Chúng ta biết rõ là, trong lúc chúng ta tội lỗi, đáng phải chết mất, Chúa đã hy sinh, chết thế cho chúng ta trên thập tự giá. Phao-lồ dạy trong thơ Phi-líp đoạn 2, câu 5, “Hãy có đồng tâm một tâm tình như đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ... Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.” Không xuống đây để làm một ông vua cai trị loài người, Ngài xuống đây như một em bé ở làng Bết-lê-hem, để làm một người thợ mộc. Còn hơn nữa, câu 8, “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết.” Không những như thế, “thậm chí chết trên cây thập tự.“ Đó là điều Chúa đã làm cho chúng ta, và đó là điều chúng ta phải làm theo.

1. Tình yêu là một quyết định

Bài học thứ nhất chúng ta học được từ Chúa là, tình yêu là một quyết định. Ở ngoài đời, tình yêu và ý thích đi đôi với nhau. Mình phải thích trước, rồi mới yêu sau. Nếu gặp người nào đó, tôi phải thích, trước khi yêu người đó. Và thích đến từ cái nhìn ích kỷ của mình. Phải có lợi gì cho mình, thì mình mới thích. Có một bà nọ viết thơ cho người chồng cũ của mình như thế này: “Anh ơi, em xin thành thật xin lỗi anh, em đã bỏ anh, đi theo người khác. Nhưng bây giờ em nhớ anh quá. Xin anh nhận em về sống lại với anh.“ Phía dưới, bà tái bút, “Xin chúc mừng anh vừa mới trúng số 5 triệu đô-la!” Người ta lập gia đình với nhau cũng vì thích trước khi yêu. Đến khi về già, răng bắt đầu rụng, tóc bắt đầu bạc, da bắt đầu nhăn, thì họ bắt đầu hết thích nhau, và vì thế hết yêu. Cũng vậy, người đời chỉ có thể yêu được người nào yêu mình, và không thể yêu người ghét mình.

Nhưng ngược lại, tình yêu của Chúa là một quyết định. Trước khi chúng ta sanh ra, Chúa đã quyết định chết cho chúng ta trên thập tự giá. Chúa quyết định như vậy bất kể là Chúa có thích chúng ta hay không. Thiệt ra, nhìn con người của mình, chúng ta không thể nào nói là mình xứng đáng được Chúa thích hay yêu. Có cái gì trong con người chúng ta đáng để Chúa thích không? Chúng ta có đẹp trai hay đẹp gái, thông mình, tốt lành đủ để Chúa thích không? Nhưng điều đó không thành vấn đề. Chúa vẫn yêu chúng ta.

Điều khác nhau giữa tình yêu của Chúa với tình yêu của con người là tình yêu của Chúa bắt nguồn từ trong Chúa, còn tình yêu của con người bắt nguồn từ bên ngoài chúng ta. Với tình yêu bắt nguồn từ bên trong Ngài, Chúa vẫn yêu, bất kể là chúng ta có làm Ngài thích chúng ta hay không.

Giăng dạy là chúng ta phải yêu như Chúa yêu, và tình yêu của Chúa không phải đến từ một ý thích, nhưng là một quyết định. Tôi phải quyết định yêu người khác, bất kể người đó là người thích tôi hay tôi thích, không thích tôi hay tôi không thích, bất kể người đó có hay không có điều gì xứng đáng để tôi thích.

2. Tình yêu là một hành động

Điều thứ hai chúng ta học được từ tình yêu của Chúa là, tình yêu là một hành động, hay tình yêu phải được thể hiện trong hành động. Chúng ta ai cũng biết Tin Lành Giăng đoạn 3 câu 16, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài...” Nhưng có mấy người để ý đến thơ Giăng thứ nhất đoạn 3 câu 16 ở đây: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy. Nếu ai có của cải đời này, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được. Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” Mặc dầu hai địa chỉ giống nhau chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên, nhưng sau khi đã học thuộc Giăng 3:16 nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta phải “lên lớp” và học Giăng thứ nhất 3:16, dạy chúng ta cũng nên có một hành động cụ thể để chứng tỏ tình yêu thương.

Bỏ sự sống của mình là điều khó, nhưng có thể xảy ra. Khi suy nghĩ về vấn đề này, tôi nhớ đến một câu chuyện rất nổi tiếng ở Việt Nam, của một văn hào tên là Khải Hưng, mang tựa đề “Anh Phải Sống.” Đây là câu chuyện của hai vợ chồng nghèo, phải bơi thuyền giữa cơn bão tố để lượm củi nuôi gia đình. Cho tôi đọc ở đây đoạn cuối cùng của câu chuyện “Anh phải sống.”

Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.

Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như trời long đất lở.

Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu.

Hai người cố bơi nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...

Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:

-- Trời ơi !

Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp...

Chồng hỏi vợ:

-- Mình liệu bơi được đến bờ không?

Vợ quả quyết:

-- Được !

-- Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng !

-- Được ! Mặc em !

Mưa vẫn to, sấp chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi :

-- Thế nào?

-- Được ! Mặc em !

Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh, nàng mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:

-- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi ! Tôi không xốc nổi được mình nữa.

Mấy phút sau, chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh ta rã rời. Vợ khẽ hỏi:

-- Có bơi được nữa không?

-- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.

-- Em buông ra cho mình vào nhé?

Chồng cười:

-- Không ! Cùng chết cả.

Một lát -- một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày -- chồng lại hỏi:

-- Lạc ơi? Liệu có cố bơi được nữa không?

-- Không?... Sao !

-- Không. Thôi đành chết cả đôi.

Bỗng Lạc rung khẽ nói:

-- Thằng Bò ! Cái Nhớn ! Cái Bé ! ... Không? ... Anh phải sống !

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để mình xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

Đèn điện sáng rực xuống bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.

Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng.

Câu chuyện này nói lên tình yêu thương bằng hành động. Phân tích câu chuyện này, mình cũng hiểu thôi. Đằng nào thì cũng chết - Thôi, mình đành bỏ tay ra, để chồng sống sót nuôi con. Nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta nhiều hơn. Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu thương, bất kể có lợi gì cho chúng ta hay không. Nếu phải chết cho con của người khác, không phải con của mình, chúng ta có làm được hay không? Và đó là điều Chúa kêu gọi chúng ta làm.

Nói như vậy rồi, nhưng là một mục sư, Giăng hiểu người tín đồ. Giăng biết là có thể ông đòi hỏi quá nhiều khi nói, “Chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy.” Thứ nhất là khó cho chúng ta làm được chuyện đó. Thứ hai là trong đời sống, không có mấy dịp để chúng ta phải hy sinh chính mình cho người khác. Thành ra, cụ thể hơn, Giăng nói tiếp trong câu 17, “Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời không thể nào ở trong người ấy được!” Chữ “của cải trên đời này” không có nghĩa là những vật dư thừa, nhưng là tất cả những gì mình có. Điều gì mình có, mình chia cho người khác. Chúng ta nhớ câu chuyện của một bà góa bỏ mấy đồng xu vào giỏ trong sách Mác đoạn 12. Chúa nói, “43 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào. Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình.” Thành ra, không phải là tôi mong bữa nào tôi trúng số, và sẽ cho người này người kia chút đỉnh những gì tôi có dư. Thưa, đó không phải là tình yêu thương. Tình yêu thương là một hành động chia xẻ những gì mình có, không chặt dạ. Tôi thấy chữ “chặt dạ” này rất hay, tượng hình sự buộc lòng mình chặt lại, không chia xẻ với người khác.

Tôi xin nhắc lại hai điều chúng ta học ngày hôm nay: Thứ nhất, tình yêu thương là một quyết định. Chúng ta quyết định yêu thương anh em mình, bất kể người đó có đáng yêu hay không. Thứ hai, tình yêu thương là một hành động, phải được thể hiện qua việc làm của mình. Bây giờ, có việc này tôi kính xin quý vị làm. Tôi xin giải thích từ trước. Quý vị thấy trên ghế mỗi người có một tờ giấy. Xin quý vị cầm tờ giấy này lên, và viết trong đó điều mình hứa sẽ làm cho một người nào khác. Chẳng hạn, “Tôi sẽ cầu nguyện cho người này ít nhất một tuần.” “Tôi sẽ mua một món quà cho người này.” “Tôi sẽ làm cho người này một cái bánh ngon.” Điều này phải đòi hỏi một sự hy sinh nào đó từ nơi mình, hoặc là mình mất một số tiền, hoặc một số thì giờ. Nếu cho quà, xin quý vị cho một món quà đáng giá, chứ không phải món quà mình tìm trong garage, hay mua ở tiệm 99-Cents. Khi viết vào tờ giấy này, quý vị chưa biết mình sẽ làm điều mình hứa cho ai, vì tình yêu trong Chúa không bắt nguồn từ việc mình có thích đối tượng hay không. Sau giờ nhóm, xin quý vị lên lấy một bì thơ ở trên đây, trong đó có tên và số điện thoại của một người tín đồ trong hội thánh. Bất kể quý vị có thích người đó hay không, xin quý vị làm điều mình đã hứa cho người đó. Giả thử quý vị nghĩ tôi mưu mẹo, đề tên Đỗ Lê Minh trong mỗi bì thư, để cuối cùng ai cũng tặng quà cho tôi, thì mặc dù không thích, vì bị tôi lừa gạt, xin quý vị vẫn cứ làm, vì tình yêu thương là một quyết định. Tôi không muốn biết quý vị đã hứa những gì. Tôi chỉ xin muốn quý vị làm điều đó mà thôi. Quý vị có thể âm thầm làm, hay nói với người được chọn điều mình sẽ làm cho họ.

Mục Sư Đỗ Lê Minh