Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 11 | Bài 13 >> | Hướng Dẫn

Bài 12

TÍN ÐỒ PHẠM TỘI

I GIĂNG 3: 6-9

 

Kính thưa quý vị, nhìn kỹ đoạn Kinh Thánh đang học, chúng ta sẽ thấy có hai đoạn song song với nhau:

3:4 Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp. 3:5 Vả, các con biết Ðức Chúa đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi.

3:8 Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Ðức Chúa Trời đã hiện ra để huỷ phá công việc của ma quỉ.

3:6 Ai ở trong Ngài thì không phạm tội; con ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài.

3:9 Ai sanh bởi Ðức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Ðức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Ðức Chúa Trời.

3:7 Hỡi các con cái bé mọn, chớ để cho ai lừa dối mình: kẻ làm sự công bình là người công bình, như chính mình Chúa là công bình.

3:10 Bởi đó, người ta nhận biết con cái Ðức Chúa Trời và con cái ma quỉ: ai chẳng làm điều công bình là không thuộc về Ðức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy.

Tuần trước chúng ta học câu 4, 5, và 8 nói về công việc của Ma quỷ, và thấy Chúa Giê-xu đã đến để phá vỡ công việc của Ma quỷ đó. Tuần này chúng ta sẽ học hai câu 6 và 9. Hai câu này thật khó, vì rõ ràng Giăng nói “Ai ở trong Ngài thì không phạm tội” và “Ai sanh bởi Ðức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội.” Có phải như vậy hay không? Hôm nay chúng ta sẽ nhìn đến một số lời giải thích về câu nói này của Giăng.

Lời giải thích đầu tiên là: Ðúng rồi, người tín đồ không bao giờ phạm tội hết. Nhưng giải thích như vậy là phản lại với những điều Giăng nói trước kia. Vì trong đoạn 1 câu 8-10 Giăng nói, “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta.” Thật ra, không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói là người tín đồ không bao giờ phạm tội. Còn trong thân thể con người, chúng ta vẫn luôn phạm tội.

Lời giải thích thứ hai là Giăng nói người tín đồ không bao giờ phạm những trọng tội như giết người.... Những tội nho nhỏ như nói láo, thì mình có thể phạm. Lời giải thích này hoàn toàn không đúng, vì đối với Thượng Ðế, mọi tội, dù nặng hay nhẹ, cũng là tội hết. Thật ra, tội lớn nhất của chúng ta lại là một điều có vẻ nhỏ nhất, đó là tội kiêu hãnh. Nếu phải phân biệt giữa tội nặng và tội nhẹ, thì làm sao chúng ta phân biệt được? Khi chúng ta nói với người khác về tội lỗi, và họ trả lời rằng, vì họ không bao giờ phạm những trọng tội hết, không bao giờ phải hầu trước toà án, nên họ không có tội, thì làm sao chúng ta giải thích được là họ cần sự cứu rỗi? Hơn nữa, Ða-vít là tín đồ, nhưng phạm tội giết người.

Lời giải thích thứ ba là Giăng nói người tín đồ không bao giờ cố tình phạm tội, chỉ vô tình thôi. Nếu nói như vậy, thì khi nhìn đời sống của mình, là người tín đồ, chúng ta thấy có những lúc mình cố tình phạm tội. Nếu biết đây là điều sai lầm, nhưng vẫn cứ làm, có phải mình không phải là tín đồ hay không? Ðiều này đưa đến việc nghi ngờ về sự cứu rỗi, về niềm tin của mình. Thành ra lời giải thích này đi ngược lại với tất cả những kinh nghiệm sống của mình. Hơn nữa, Kinh Thánh không định nghĩa tội lỗi chỉ là tội cố tình. Dầu cố tình hay không, tội vẫn là tội. Thành ra lời giải thích này cũng không đúng.

Lời giải thích thú tư là Giăng nói, sau khi mình tin Chúa, Chúa không coi tất cả việc làm của mình là tội nữa. Lời giải thích này cũng không đúng, vì như Giăng nói trong đoạn 1 câu 8-10, “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta.” Tôi giảng mấy tuần trước là tội lỗi vẫn là tội lỗi, dầu mình có gọi nó bằng bất cứ danh từ nào.

Lời giải thích thứ năm có vẻ tốt hơn một tí. Ấy là, trước khi tin Chúa, chúng ta chỉ có con người cũ; sau khi tin Chúa, mình có con người mới. Giăng muốn nói là chỉ có con người cũ phạm tội; còn con người mới không bao giờ phạm tội. Nói như vậy xem ra có vẻ đúng, nhưng không đúng ở điểm là: Trước khi phạm tội, trong tôi có một cuộc chiến tranh, một sự tranh chấp giữa con người cũ và con người mới. Nhưng khi tôi phạm tội, toàn vẹn con người của tôi phạm tội, chứ không phải chỉ con người cũ trong tôi. Có một người phạm tội ăn cắp. Ra trước toà án, ông ta nói, “Thưa quan toà, tôi công nhận là tôi đã ăn cắp. Nhưng quan toà nghĩ coi, chỉ cái tay tôi ăn cắp, chứ toàn thân thể tôi không làm chuyện đó. Vì vậy, quan toà chỉ có thể phạt tay tôi thôi.” Ông quan toà mới nói. “Ðược, tôi biết là chỉ có tay của ông phạm tội. Thành ra bây giờ tôi chỉ phạt tay của ông thôi. Tay của ông sẽ bị giam trong tù 30 ngày, còn cả thân thể của ông muốn làm gì thì làm, tôi không cần biết.”

Thật ra, đây là một lời dạy sai lầm của các tà đạo. Họ cho là sau khi mình tin Chúa rồi, con người cũ mình muốn làm gì thì làm, muốn phạm tội gì cũng được. Lời dạy dỗ này cho phép người tín đồ tiếp tục phạm tội. Không, mình không thể nào phân chia con người của mình thành cũ và mới, và nói rằng chỉ con người cũ phạm tội.

Lời giải thích đúng là như thế này: Trong nguyên bản tiếng Hy lạp, chữ “phạm tội” ở thể hiện tại, có nghĩa là cứ tiếp tục dài dài. Câu 6 phải được dịch là: “Ai ở trong Ngài thì không thể tiếp tục phạm tội; còn ai tiếp tục phạm tội thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài.” Câu 9 phải được dịch là: “Ai sanh bởi Ðức Chúa Trời thì chẳng tiếp tục phạm tội, ... và người không thể tiếp tục phạm tội được, vì đã sanh bởi Ðức Chúa Trời.”

Giăng nói trong câu 9, người tin Chúa có “hột giống của Ðức Chúa Trời ở trong người.” Hột giống đó là Ðức Thánh Linh. Khi hột giống Ðức Thánh Linh ngự trong lòng chúng ta rồi, chúng ta không bao giờ bỏ được hột giống đó. Không bao giờ Ma quỷ có thể kéo hột giống Ðức Thánh Linh ra khỏi chúng ta. Ðể ý chữ “hột giống” ở đây. Lúc mới tin Chúa, nó chỉ là một hột nhỏ. Nhưng hột giống phải tăng trưởng dần dần. Nếu có hột giống trong người, chúng ta sẽ phải dần dần trở nên giống Chúa. Phao-Lồ nói trong Rô-ma 8:29, “Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng của con Ngài.” Càng giống Chúa càng nhiều, chúng ta càng không thể tiếp tục sống đời sống như xưa được.

Thế thì, khi chúng ta phạm tội, có gì xảy ra? Thứ nhất, là tín đồ, chúng ta không thể nào không thấy sự cáo trách trong lòng. Có hột giống của Ðức Chúa Trời là Ðức Thánh Linh trong lòng, khi phạm tội, chúng ta sẽ nghe tiếng nói của Ðức Thánh Linh nhỏ nhẹ trách móc chúng ta. Mỗi lần quỳ xuống cầu nguyện, chúng ta cảm thấy không được “ổn,” vì như có tiếng trách móc, “Con ơi, con làm một điều mà Ta không vừa lòng, và vì thế lời cầu nguyện của con không lên được đến Ðức Chúa Trời.” Mỗi đêm khi nằm ngủ, chúng ta nghe tiếng trách móc của Ðức Thánh Linh, “Con ơi, sao con cứ tiếp tục phạm tội?” Giăng nói, là tín đồ, chúng ta không thể nào tiếp tục phạm tội mà không có sự cáo trách đó. Trước khi tin Chúa, chúng ta có thể làm nhiều điều xấu như hút thuốc, nói láo..., nhưng không một mảy may suy nghĩ về chúng. Những khi tin Chúa rồi, làm những điều này, chúng ta luôn luôn thấy có cái gì nhắc nhở, cắn rứt trong lòng, khuyến khích chúng ta bỏ chúng đi.

Thứ hai, chúng ta không thể nào cứ tiếp tục phạm tội mà không bị mất sự bình an. Ðức Thánh Linh không những chỉ nhắc nhở chúng ta, nhưng cũng làm chúng ta cảm thấy mất bình an, đau buồn, bứt rứt, giằng co, như có gì đau đớn trong lòng. Sau khi phạm tội giết người, Ða-vít than trong Thi Thiên 32:2-4, “Phước thay cho người nào Ðức Giê-hô-va không kể là gian ác cho, và trong lòng không có sự giả dối! Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu tan, và tôi rên siết trọn ngày. Vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè.” Tiếp tục phạm tội, tâm hồn tôi khô cằn như giữa sa mạc mùa hè. Giăng có ý nói rằng, nếu chúng ta cứ tiếp tục phạm tội mà không thấy sự đau đớn, dày vò trong lòng, chúng ta chưa tin Chúa.

Nhưng sứ điệp của Chúa không ngừng ở đây. Chúng ta không thể ngưng ở chỗ phạm tội, rồi bị quở trách, bứt rứt, giằng co. Hôm trước chúng ta học rằng Chúa đến để phá tan công việc của Ma quỷ. Câu 5, “Vả, các con biết Ðức Chúa Giê-xu Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi.” Câu 8, “Con Ðức Chúa Trời đã hiện ra để huỷ phá công việc của Ma quỉ.” Chúng ta phải biết rằng, bây giờ là tín đồ, chúng ta không còn ở dưới quyền lực của Ma quỷ. Nếu trước khi tin Chúa, bỏ thói hư tật xấu khó đến chừng nào, thì giờ đây Chúa cho chúng ta quyền năng để có thể ăn năn tội lỗi và dứt bỏ tội lỗi đó. Nếu trước kia người con hoang đàng đi ra xài tiền cho phường đĩ điếm, thấy đó như là sự vui vẻ, thì giờ đây, sau khi bừng tỉnh, biết đây là điều không đúng, Chúa cho nó khả năng đứng lên mà nói, “Ðủ rồi, bây giờ tôi không muốn những điều này! Tôi muốn trở về cùng cha, và nói ‘Cha ơi, con đã phạm tội cũng cha.’”

Xin chúng ta đọc Rô-ma 6:12-14 “Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó.... Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển.” Ðó là điều vui mừng cho chúng ta. Phạm tội, chúng ta sẽ bị cắn rứt, cáo trách, mất bình an; nhưng chúng ta phải biết là chúng ta có thể vượt qua tội lỗi đó, và tìm lại được sự bình an của Chúa mà không ai tìm được.

Tôi xin mời chúng ta nhìn vào đời sống của mình, và tận trong lòng của mình, xem mình có những tội lỗi nào cứ đeo đuổi mình. Xin đừng phân biệt tội nặng, hay tội nhẹ. Xin đừng bỏ qua nhưng tội “nhỏ” như nói láo, ăn cắp.... Nếu còn có những tội đó, xin chúng ta nghe tiếng cáo trách của Ðức Thánh Linh trong lòng, và dùng quyền năng Ngài cho để thưa cùng Chúa, “Chúa ơi, con cám ơn Chúa đã cho con quyền năng để có thể vượt khỏi tội lỗi đó.”

Mục Sư Ðỗ Lê Minh