Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 14 | Bài 16 >> | Hướng Dẫn

Bài 15

BIẾT MÌNH ÐƯỢC CỨU

I GIĂNG 5:6-13

 

Kính thưa quý vị, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy nghi ngờ. Ðặc biệt hiện nay có một chủ thuyết mới được gọi là post-modernism, trong đó người ta không tin gì hết. Quan niệm này cũng xâm nhập vào trong Hội thánh Chúa, khiến nhiều người tín đồ nghi ngờ, không biết chắc mình có được cứu hay không, sau khi chết đi mình có được lên thiên đàng hay không.

Một nhà hài hước nổi tiếng tên là Jay Leno có kể một câu chuyện về người mẹ của ông. Là di dân, bà phải thi vào quốc tịch Mỹ. Bà bị rớt vì trả lời sai một số câu hỏi, kể cả câu “Hiến pháp là gì?” Vì không biết câu trả lời, bà đánh dấu đại vào câu “Hiến pháp là một con tàu.” Bố của Jay Leno kiện ra tòa, với lý lẽ rằng có một chiến hạm mang tên “Hiến pháp.” Ông quan tòa chịu thua và cho bà vào quốc tịch. Nhưng trong 50 năm sau đó, bà luôn luôn cảm thấy như mình không thật sự là công dân Mỹ. Khi Jay Leno đưa bà đi ngoại quốc, bà cứ hỏi là người ta có cho bà trở về Mỹ hay không.

Nhiều người tín đồ chúng ta cũng vậy: Ðã tin Chúa, nhưng không biết chắc mình có được sự sống đời đời hay không. Thật ra, dầu có chắc hay không, chúng ta vẫn có sự sống đời đời. Sự không biết chắc đó chỉ làm người tín đồ thiếu bình an, không biết điều gì sẽ xảy cho mình sau cái chết. Ðây cũng giống như trạng thái của một hành khách trong phi trường. Nếu thấy tên mình trên danh sách thì yên tâm chờ lúc lên máy bay; Nếu không thì cứ lo lắng, chờ người ta gọi tên khi có ghế trống.

Giăng không để chúng ta có sự hoang mang đó. Chúng ta sẽ học I Giăng 5:6-13, trong đó Giăng muốn nói rõ ràng là chúng ta sẽ lên thiên đàng.

6 Ấy chính Ðức Chúa Giê-xu Christ đã lấy nước và huyết mà đến, chẳng những lấy nước mà thôi, bèn là lấy nước và huyết;

7 ấy là Ðức Thánh Linh đã làm chứng, vì Ðức Thánh Linh tức là lẽ thật.

8 Vì có ba làm chứng: Ðức Thánh Linh, nước và huyết; ba ấy hiệp một.

9 Ví bằng chúng ta nhận chứng của loài người, thì chứng của Ðức Thánh Linh trọng hơn; vả, chứng của Ðức Chúa Trời ấy là chứng mà Ngài làm về Con Ngài.

10 Ai tin đến Con Ðức Chúa Trời, thì có chứng ấy trong mình; còn ai không tin Ðức Chúa Trời, thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến chứng Ðức Chúa Trời đã làm về Con Ngài.

11 Chứng ấy tức là Ðức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài.

12 Ai có Ðức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Ðức Chúa Trời thì không có sự sống.

13 Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Ðức Chúa Trời.

Trong Giăng 3:16, Giăng viết cho người chưa tin Chúa, “Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.” Nhưng trong I Giăng, Giăng viết cho người đã tin Chúa, và câu 13 khẳng định với “kẻ nào tin đến danh con Ðức Chúa Trời” là, “Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời.” Hê-bơ-rơ 11:1 cũng viết, “Ðức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.”

Sự hy vọng trong Chúa khác với sự hy vọng ngoài đời. Ngoài đời, điều người ta hy vọng có thể không xảy ra. Tôi hy vọng trúng số, nhưng rất có thể tôi không trúng. Nhưng trong Chúa, điều chúng ta hy vọng là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Sự sống đời đời của chúng ta là một trong những điều đó. Xin đừng ai tin Chúa mà còn nghi ngờ điều này. Niềm tin vững chắc này giống như cái neo, neo con thuyền linh hồn mình lại, không để cho đời đưa đẩy ngả nghiêng. Nó cũng giống như chiếc áo giáp khi ra trận, để bảo vệ mình khỏi những tên lửa đạo lạc bắn vào. Chỉ có khi biết chắc mình có sự sống đời đời, mình mới có một đời sống bình an, không lo âu, mới biết thật sự cám ơn Chúa về ân điển này. Chỉ khi biết chắc về sự cứu rỗi, mình mới có thể đi ra ngoài nói với mọi người về Chúa Cứu Thế. Nếu người ta hỏi mình có biết chắc mình sẽ về thiên đàng hay không, mà mình không chắc, thì những lời làm chứng của mình thành vô ích. Chỉ khi biết chắc về sự cứu rỗi, mình mới kiên nhẫn trong sự cầu nguyện, biết rằng Chúa luôn có chương trình tốt đẹp cho mình. Phải có sự vững chắc đó, mình mới có một đời sống chiến thắng trong Chúa.

Giăng đưa ra một vài bằng chứng trong lịch sử và trong lòng chúng ta để chúng ta thấy rõ điều đó: Thứ nhất, nước; thứ hai, huyết và thứ ba, Ðức Thánh Linh. Câu 6-7, “Ấy chính Ðức Chúa Giê-xu Christ đã lấy nước và huyết mà đến, chẳng những lấy nước mà thôi, bèn là lấy nước và huyết; ấy là Ðức Thánh Linh đã làm chứng.” “Nước” nói đến điều gì? Có lẽ đây nói đến sự báp-têm của Chúa Giê-xu. Câu chuyện này được chép trong sách Ma-thi-ơ 3:13-17 “Khi ấy, Ðức Chúa Giê-xu từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-têm. Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-têm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài. Vừa khi chịu phép báp-têm rồi, Ðức Chúa Giê-xu ra khỏi nước, bỗng chúc các tầng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Ðức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng.”

Suốt đời, Chúa Giê-xu luôn luôn làm những điều mà Ðức Chúa Cha muốn Ngài làm. Khi Ngài thách thức những người chống lại Ngài đưa ra bằng chứng rằng Ngài có tội, không ai có thể tìm được điều gì. Lễ báp-têm của Chúa bằng nước là bằng cớ đầu tiên để chúng ta tin chắc là chúng ta sẽ được sự cứu rỗi. Mặc dầu không cần làm điều này, nhưng Chúa Giê-xu sẵn sàng chịu phép “rửa tội,” để nói lên sự thật rằng Ngài hoàn toàn vô tội.

Nhưng nói đến “nước” không không đủ. Nếu nước nói đến đời sống hoàn toàn vô tội của Chúa, thì có thể nó chỉ cho chúng ta mặc cảm tội lỗi thôi. Ngay cả khi đối diện với một người tốt hơn mà chúng ta còn có mặc cảm, huống chi đối diện với Chúa như vậy. Giăng còn nói thêm một bằng chứng trong lịch sử khác là “huyết,” tức là dòng máu của Ðức Chúa Giê-xu đã đổ trên cây thập tự giá. Ðiều này xảy ra rõ ràng trước mắt bao nhiêu người, và Giăng nói hãy nhìn bằng chứng này để biết chắc mình được cứu rỗi. Vì chính trên cây thập tự giá, Ngài đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có thể đối diện với Ðức Chúa Trời trong ngày cuối cùng, thú nhận là mình đã phạm quá nhiều tội, nhưng thành vô tội nhờ dòng huyết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá.

Nước và huyết đi đôi với nhau. Nếu Chúa Giê-xu có tội, Ngài phải đổ huyết cho chính mình. Nhưng vì Ngài hoàn toàn vô tội, tượng trưng trong việc Ngài nhận phép báp-têm bằng nước, dòng huyết của Ngài trên thập tự giá có thể rửa sạch tội lỗi của chúng ta, đem chúng ta về thiên đàng.

Ngoài nước và huyết, là hai dữ kiện lịch sử bên ngoài chúng ta, còn có một bằng chứng khác, đó là Ðức Thánh Linh. Giăng nói thêm là “Ðức Thánh Linh đã làm chứng, vì Ðức Thánh Linh tức là lẽ thật.” Ðức Thánh Linh làm chứng cho chính tôi rằng nước và huyết không phải chỉ là những điều xảy ra trong lịch sử hơn hai ngàn năm trước, nhưng có áp dụng trong chính đời sống của tôi. Ðức Thánh Linh thuyết phục tôi là Ðức Chúa Trời yêu thương chính cá nhân tôi, Mục Sư Ðỗ Lê Minh, đến nỗi đã chết thế cho tôi. Ðức Thánh Linh còn làm cho tôi tin Chúa. Sau đó, Ngài ngự trong lòng tôi, khuyên bảo, và khuyến khích tôi một cách rõ ràng: “Con ơi, bây giờ hãy vững tin là con có sự sống đời đời.”

Nước và huyết là hai điều trong lịch sử, ở bên ngoài chúng ta, nhắm đến đầu óc chúng ta. Nhìn lịch sử, chúng ta thấy những sự kiện này. Nhưng chúng chỉ có ảnh hưởng trên đầu. Phải nhờ Ðức Thánh Linh, chúng mới có ảnh hưởng đến trái tim của chúng ta. Nhưng chỉ có Ðức Thánh Linh không không đủ. Chúng ta không tin Chúa vì mình “cảm nhận” sự cứu rỗi nhờ Ðức Thánh Linh, nhưng chúng ta cũng phải biết dùng đầu óc của mình nữa. Niềm tin của chúng ta phải được dựa trên một căn bản luận lý vững vàng. Chúng ta phải vừa tin trên đầu, vừa tin trong trái tim, phải được thuyết phục bởi nước và huyết, cũng như bởi Ðức Thánh Linh.

Ở ngoài đời, mặc dầu chúng ta nghi ngờ nhiều điều, chúng ta cũng dễ tin nhiều điều lắm. Tôi thấy người Việt Nam hay tin người mách thuốc. Nếu tôi than phiền vì có một căn bệnh nào đó, thế nào cũng có người mách cho tôi một liều thuốc. Và có rất nhiều người sẵn sàng tin những phương thuốc đó, mặc dù người mách thuốc không tự nhận mình có bằng cấp, hay kiến thức gì về y học hết.

Có câu chuyện của Tăng Sâm, học trò của Khổng Tử, một người rất thánh thiện, như thế này: Có một người trùng tên với Tăng Sâm giết người. Một người hớt hải chạy đến nói với mẹ của Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người.” Bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một người khác đến nói, “Tăng Sâm giết người.” Bà cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi. Lại có người đến bảo, “Tăng Sâm giết người.” Bà sợ cuống, quăng thoi, trèo ra tường mà chạy trốn.

Có người bàn như thế này: “Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã có cùng một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dễ khiến người ta nghi nghi hoặc hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đỉa hoá ra con rươi, trông con chó thành con cừu. Ðến như giữa chợ, làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là! Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có được thế mới cao.”

Nhưng lời bàn ở đây không khuyên là chúng ta đừng bao giờ tin ai hết. Tác giả kết luận, “Một chân lý có chứng minh rõ ràng, mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.” Mặc dầu không phải ai nói gì mình cũng tin, chúng ta phải tin nhiều điều mà mình không thể chứng kiến tận mắt. Nếu không, chúng ta không tin không biết gì hết, vì điều chúng ta có thể chứng kiến tận mắt rất ít. Ðiều quan trọng là chúng ta phải nghiên cứu tề chỉnh vấn đề, đặc biệt là phải xem người nói có thẩm quyền, có đáng tin hay không. Tôi tin Hít-le tàn sát người Do-thái, mặc dầu không thấy tận mắt, vì có nhiều người đáng tin làm chứng về thảm cảnh đó. Tôi tin có Quang Trung, có Vua Nguyễn, mặc dầu các vị này sống trước tôi hàng trăm năm, vì tôi tin lời những người có kiến thức về lịch sử Việt Nam. Tôi tin ngày mai trời mưa, vì có những người có phương tiện theo dõi thời tiết cho tôi biết như vậy.

Về sự cứu rỗi của chúng ta, Giăng đưa ra ba bằng chứng: Nước và huyết là hai điều trong lịch sử, và Ðức Thánh Linh trong lòng chúng ta. Cả ba hợp lại cho chúng ta biết là, nếu tin vào Chúa Giê-xu, chúng ta chắc chắn sẽ được sự sống đời đời. Những điều trong lịch sử trên có đáng tin không? Thưa, không một sử gia chân chính nào, dầu tin Chúa hay không, phủ nhận rằng Chúa Giê-xu đã có lần sống trên thế gian, nhận phép báp-têm từ Giăng và chịu chết trên cây thập giá. Những bằng chứng ấy có lý hay không? Thưa, là một khoa học gia, tôi có viết một cuốn sách mang tựa đề “Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin,” với mục đích chứng tỏ rằng sự cứu rỗi bằng dòng huyết của Chúa Giê-xu là một điều dựa trên một căn bản luận lý rất vững vàng. Nhưng ngoài nước và huyết, còn có Ðức Thánh Linh. Như Giăng viết trong câu 9, “Ví bằng chúng ta nhận chứng của loài người, thì chứng của Ðức Thánh Linh trọng hơn.” Chúng ta đang nói về một điều thiêng liêng, vượt ngoài khả năng hiểu biết của con người, và không một người thường nào có thẩm quyền để làm chứng về điều này, kể cả những giáo chủ của các tôn giáo lớn. Chỉ có Ðức Thánh Linh, là một trong Ba Ngôi Ðức Chúa Trời, có thể làm chứng về những điều trên thiên đàng mà thôi, và chỉ có Ðức Thánh Linh là đáng tin mà thôi. Giăng nói thêm trong câu 10 “Ai không tin Ðức Chúa Trời, thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến chứng Ðức Chúa Trời đã làm về Con Ngài.”

Cho tôi nhắc lại chứng của Ðức Chúa Trời về Con Ngài là gì. “11 Chứng ấy tức là Ðức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài.” Thưa quý vị, bất kể ai, dầu là người Do thái hay người Hy lạp, là người Việt nam hay công dân Mỹ, là người da trắng hay da đen, đều có thể được sự cứu rỗi. Làm sao chúng ta có được điều đó? Có phải do chúng ta ăn hiền ở lành? Thưa không, Giăng viết “12 Ai có Ðức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Ðức Chúa Trời thì không có sự sống.”

Thế thì làm sao tôi biết tôi có Con của Ðức Chúa Trời trong lòng, để biết chắc rằng tôi sẽ được sự cứu rỗi. Chúng ta đã học sách I Giăng mấy tháng nay, và thấy có một số điều mà chúng ta có thể dựa vào đó đễ biết mình có Con Ðức Chúa Trời trong lòng hay không. Tôi xin nhắc ở đây những điều mà Giăng thường nhắc đi nhắc lại. Thứ nhất là chúng ta không tiếp tục phạm tội. Nếu lỡ phạm tội, chúng ta phải đến với Chúa xưng tội mình ra. Ngài sẽ tha tội cho chúng ta. Thứ hai, chúng ta vâng theo các điều răn của Ngài, đặc biệt là phải yêu thương lẫn nhau. Cuối cùng chúng ta phải coi chừng những giáo sư giả, phải biết rõ đạo Chúa để họ khỏi dắt mình đi theo con đường lầm lạc. Thưa quý vị, nếu có sự ham muốn làm được bốn điều đó, chúng ta biết là mình có Chúa Giê-xu trong lòng. Và khi có Chúa trong lòng, chắc chắn chúng ta sẽ có sự sống đời đời.

Mục Sư Ðỗ Lê Minh