Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 16 | Hướng Dẫn

Bài 17

CON ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ ĐẾN

I GIĂNG 5:18-21

 

Thưa quý vị, chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng sinh. Trong khi người ngoài nhìn Giáng sinh như một dịp vui chơi, người tín đồ chúng ta phải nhìn Giáng sinh như một dịp để nhớ rằng, hơn hai ngàn năm trước, Chúa Giê-xu đã xuống thế gian để chết thế cho chúng ta. Hôm nay, học I Giăng 5:18-21, chúng ta sẽ học được một vài điều liên quan đến Giáng sinh.

18 Chúng ta biết rằng ai sanh bởi Ðức Chúa Trời, thì hẳn chẳng phạm tội; nhưng ai sanh bởi Ðức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, Ma quỉ chẳng làm hại người được.

19 Chúng ta biết mình thuộc về Ðức Chúa Trời, còn cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ.

20 Nhưng chúng ta biết Con Ðức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Ðấng chân thật, và chúng ta ở trong Ðấng chân thật, là ở trong Ðức Chúa Giê-xu Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Ðức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời.

21 Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!

Trước khi học về ý nghĩa của Giáng sinh qua đoạn này, tôi xin nhắc lại rằng câu 18 có ý nói người nào sanh bởi Ðức Chúa Trời thì không tiếp tục phạm tội, chứ không phải là không phạm tội. Phần sau của câu này cũng có thể hiểu theo hai nghĩa khác nhau. Chữ “ai” có thể nói đến người tín đồ chúng ta, nhưng cũng có thể nói đến Chúa Giê-xu. Nếu hiểu theo nghĩa sau, chúng ta có thể dịch là “nhưng Ðấng sanh bởi Ðức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, Ma quỉ chẳng làm hại Người được.” Bản NASB dịch, “He who was born of God keeps him, and the evil one does not touch him.”

A. Con Ðức Chúa Trời đã đến

Câu 20 nói đến sự Giáng sinh, “Nhưng chúng ta biết Con Ðức Chúa Trời đã đến...” Chúng ta biết hơn hai ngàn năm trước, có một Ðấng hạ sanh, mang tên là Giê-xu, và chúng ta tin Ðấng ấy là Thượng Ðế - Thượng Ðế trở thành người. Bắt đầu bức thơ này, Giăng nói đến “Ðiều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ.” Ðây là sự thật, một sự kiện lịch sử mà không ai chối cãi được.

Bây giờ chúng ta hỏi: Con Ðức Chúa Trời đến thế gian để làm gì? Câu 20 trả lời, “Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta.” Trí khôn đây không phải là sự thông minh. Ngài không đến ban cho chúng ta kiến thức về khoa học, để chúng ta có cuộc sống tốt lành hơn trên thế gian. Không, Giăng muốn nói đây trí khôn về thuộc linh. Bây giờ chúng ta không còn tấm màn che mắt nữa, và có thể thấy rõ ràng hơn những điều thuộc linh. Bây giờ chúng ta không còn bị sương mù trước mắt, nhưng có một nhân sinh quan mới, nhờ đó chúng ta có cái nhìn khác về cuộc đời chúng ta, về nghề nghiệp, về gia đình, về Hội thánh.... Trí khôn này không chỉ nằm trong đầu, nhưng trong trái tim của chúng ta nữa.

Trở ngược lại câu 19, Chúa Giê-xu ban chúng ta trí khôn để “chúng ta biết là cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ.” Chúng ta đã học chữ “thế gian” trong sách I Giăng nhiều lần. Ðây không nói đến người khác, hay trái đất, vũ trụ này, nhưng nói đến những ý thức hệ, những suy nghĩ chống lại Ðức Chúa Trời. Giăng cho biết cả thế gian phục dưới quyền của Ma quỷ. Ðây cũng là định nghĩa của thế gian: những điều thuộc dưới quyền của Ma quỷ. Trong nguyên bản, chữ “phục” cho chúng ta liên tưởng đến một con mèo nằm trong lòng của người chủ, được chủ vuốt ve. Thế gian cảm thấy êm ấm, an phận trong lòng Ma quỷ.

Có hai điều tôi xin bàn thêm ở đây. Thứ nhất, quý vị nhớ là trong bài học trước, Giăng nói Chúa Giê-xu đã thắng thế gian rồi, nhưng bây giờ Giăng lại nói thế gian còn thuộc về Ma quỷ. Có phải Giăng tự mâu thuẫn hay không? Vâng, khi Chúa Giê-xu chết trên cây thập tự giá và sống lại, Ngài đã chiến thắng thế gian. Nhưng dầu vậy, thế gian vẫn còn thuộc về Ma quỷ. Chúng ta biết, chỉ trong vài tuần, nước Mỹ sẽ thắng bọn Taliban tại Afghanistan. Nhưng ngay tổng thống Bush cũng nói rõ ràng là điều này không có nghĩa là những cuộc khủng bố sẽ chấm dứt. Chúa Giê-xu đã thắng Ma quỷ, nhưng hiện nay nó vẫn còn lộng hành, cho đến ngày cuối cùng, khi Ngài quăng nó vào lò lửa.

Thứ hai, khi nói với người chưa tin Chúa rằng Chúa Giê-xu xuống đây để chết thế cho tội lỗi của con người, để làm “sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người,” rằng Thượng Ðế tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, người ta thích lắm. Nhưng nói rằng họ đang nằm dưới quyền lực của Ma quỷ, không ai thích nghe. Nhưng đây là sự thật, và sự thật mất lòng. Phải nhờ Con Ðức Chúa Trời đến, ban trí khôn cho chúng ta, chúng ta mới thấy sự thật đó. Và chỉ khi nào chúng ta biết được sự thật này, chúng ta mới thật sự đi tìm sự cứu rỗi.

Câu 20, “Nhưng chúng ta biết Con Ðức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Ðấng chân thật.” Một đằng chúng ta biết mình đang nằm dưới quyền của Ma quỷ, đằng khác chúng ta biết là có một Ðấng chân thật, tức là Chúa Giê-xu Christ. Ðây không nói đến một Ðấng nói thật, nhưng một Chúa thật sự. Trên đời có rất nhiều người tự xưng là Thượng Ðế, là giáo chủ, nhưng Chúa Giê-xu xuống trần để cho chúng ta biết là chính Ngài là Thượng Ðế.

Khi một người thật sự kiếm Ngài, Ngài sẽ cho người đó biết Ngài. Làm chứng với người chưa tin Chúa, tôi thường yêu cầu họ cầu nguyện đại khái như sau: “Chúa ơi, con thành tâm tìm Chúa. Nếu Chúa thật sự là Giê-xu thì xin Ngài cho con biết; nếu Chúa thật sự là Mô-ha-mét thì xin Ngài cho con biết; nếu Chúa thật sự là Phật Thích Ca thì xin Ngài cho con biết.” Tôi tin chắc một điều là, nếu thật lòng, người đó sẽ thấy Chúa Giê-xu là Ðấng chân thật, và chỉ có Ngài mà thôi. Chỉ khi một người ý thức được là mình đang ở giữa một cuộc chiến thuộc linh, trong đó Chúa Giê-xu chân thật đã chiến thắng, nhưng Ma quỷ vẫn còn quyền năng trên con người, họ mới bắt đầu đi trên con đường đến sự cứu rỗi.

Sau khi có được sự hiểu biết về Ma quỷ và Chúa Giê-xu, tự nhiên chúng ta muốn rời khỏi thế giới của Ma quỷ, mà bước qua thế giới của Thượng Ðế chân thật. Trong sách I Giăng này, Giăng nói rất rõ về hai thế giới đó, một bên là bóng tối, một bên là sự sáng. Bước qua thế giới của Thượng Ðế không phải là ghi danh trong sổ bộ để trở thành thành viên của một Hội thánh, nhưng bắt đầu có một sự liên hệ với Thượng Ðế. Giăng dạy là chúng ta giờ đây là bạn, là con của Ngài, và có sự dạn dĩ đến với Ngài trong khi cầu nguyện.

Nhưng chưa hết, chỉ khi chúng ta có Ðấng chân thật đó, chúng ta mới có sự sống đời đời. Ngày xưa nước Tây-ban-nha có một quốc hiệu là Ne Plus Ultra, có nghĩa là “Không có gì bên ngoài.” Nhưng sau khi Columbus khám phá ra Tân-thế-giới trở về, quốc hiệu này không còn chữ Ne phía trước nữa, công nhận rằng có nhiều điều khác bên ngoài nước. Cũng vậy, không có Chúa, chúng ta nghĩ đời sống của mình chỉ giới hạn từ lúc mình sanh ra cho đến khi mình chết. Không ai chết đi, rồi trở lại nói chúng ta biết đằng sau cái chết có gì. Nhưng cám ơn Chúa Giê-xu, Ngài sẵn sàng xuống đây để cho chúng ta biết là có một sự sống đời đời sau đời sống tạm bợ này. Chỉ qua Chúa mà chúng ta biết được sự sống đời đời đó.

Sự sống đời đời là gì? Nhiều khi mình nghĩ, nếu lên thiên đàng chỉ để gảy đàn, hát ca ngợi Chúa suốt ngày thì chắc mỏi miệng mỏi tay lắm. Có gì vui đâu? Nhưng không, Giăng nói “20 Ấy chính Ngài ... là sự sống đời đời.” Sự sống đời đời là Ðức Chúa Giê-xu Christ. Biết Ngài là biết sự sống đời đời; có Ngài là có sự sống đời đời. Nếu biết Chúa Giê-xu, chúng ta không phải tự ép xác trên đời này để chờ sự sống đời đời về sau; chúng ta cũng có thể thụ hưởng được một phần nào sự sống đời đời đó ngay trên thế gian này. Có Ngài, hôm nay chúng ta có sự sống dư dật, tràn đầy. Có Ngài, hôm nay chúng ta có được sự bình an mà người ngoài không biết được.

B. Hãy giữ mình về hình tượng!

Thế thì bổn phận chúng ta là như thế nào? Giăng kết luận lá thơ của ông bằng một câu ngắn gọn, “21 Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!” Thế nào gọi là “thờ hình tượng? Có phải đây nói đến việc thờ cúng những tượng làm bằng gỗ đá trên bàn thờ? Thưa không. Khi nãy, tôi nói đến hai thế giới, một của Ma quỷ và một của Thượng Ðế. Chúng ta phải luôn nhớ mình đang sống trong một cuộc chiến giữa hai thế lực thuộc linh. Chúa Giê-xu nói trong Ma-thi-ơ 12:30 “Ai không ở với ta thì nghịch cùng ta.” Ðối với chúng ta, là những người đã rời bỏ thế giới của Ma quỷ, để đi qua với Chúa, thờ hình tượng tức là mong muốn trở lại những điều mình đã từ bỏ trước kia. Thánh Augustine nói rằng thờ hình tượng là thờ những vật chúng ta dùng, và dùng những Ðấng mà chúng ta thờ. Chúng ta thờ hình tượng khi dùng Thượng Ðế như một cái phao để kêu cầu khi nguy khốn, nhưng lại khao khát đi tìm, và tôn thờ những điều được tạo nên để phục vụ mình như tiền bạc, nhà cửa, việc làm, xe cộ.... Chúng là những điều tốt, nhưng không phải là cứu cánh của đời sống chúng ta. Thờ thần tượng là đẩy Chúa qua một bên, và thế những điều đó vào.

Trong văn chương Việt Nam có một câu chuyện về Trạng Quỳnh mà tôi xin đọc ở đây: Nhà vua có một con mèo quý lắm, xích bằng xích vàng và cho ăn những đồ mỹ vị. Quỳnh vào chầu, trông thấy, bắt trộm về, cất xích vàng đi mà buộc xích sắt, nhốt một chỗ, đến bữa thì để hai bát cơm, một bát thịt cá, một bát rau nấu đầu tôm. Mèo ta quen ăn miếng ngon chạy đến bát cơm thịt cá chực ăn. Quỳnh cầm sẵn roi, hễ ăn thì đánh. Mèo đói quá, phải ăn bát rau nấu đầu tôm. Như thế, được hơn nửa tháng, dạy đã vào khuôn, mới thả ra.

Vua mất mèo, tiếc quá, cho người đi tìm, thấy nhà Quỳnh có một con giống hệt, bắt Quỳnh đem mèo vào chầu. Vua xem mèo, hỏi:

- Sao nó giống mèo của trẫm thế? Hay khanh thấy mèo của trẫm đẹp bắt đem về, nói cho thật!

- Tâu bệ hạ, bệ hạ nghi cho hạ thần bắt trộm, thật là oan, xin bệ hạ đem ra thử thì biết.

- Thử thế nào? Nói cho trẫm nghe.

- Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ phú quý thì mèo ăn thị ăn cá, còn hạ thần nghèo túng thì mèo ăn cơm với đầu tôm, rau luộc. Bây giờ để hai bát cơm ấy, xem nó ăn bát nào thì biết ngay.

Vua sai đem ra thử. Con mèo chạy thẳng đến bát cơm rau, ăn sạch. Quỳnh nói:

- Xin bệ hạ lượng cho, người ta phú quý thì ăn cao lương mỹ vị, bần tiện thì cơm hầm rau dưa. Mèo cũng vậy, phải theo chủ.

Rồi lạy tạ đem mèo về.

Quý vị có nghĩ chúng ta có giống con mèo đó không? Trước kia Chúa tạo dựng tổ tiên chúng ta là A-đam và Ê-va, cho họ sự giao thông với Ngài, ăn uống cao lương mỹ vị. Rồi Sa-tan ăn trộm chúng ta, mang về nhà bắt ăn canh thừa cơm cặn. Vì quá đói, chúng ta phải ăn. Rồi Chúa chuộc chúng ta về, cho chúng ta ăn lại bao món ăn ngon. Nhưng giống con mèo xưa, chúng ta trở ngược tìm những món ăn dư thừa cặn bã mà ăn.

Việt Nam trước kia có câu “Ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản.” Thờ thần tượng là như vậy. Chúng ta muốn cả hai bên: Một đằng chúng ta muốn được sự cứu rỗi, sự bình an, sự trả lời cầu nguyện của Chúa; đằng khác, chúng ta cũng muốn có cái nhà thật tốt, có cái xe thật sang.... Chúng ta theo hai bên, chạy qua bên này, rồi chạy qua bên kia. Giăng khuyên chúng ta đừng mong chờ, tìm kiếm, những gì thuộc thế gian nữa.

Chúng ta phải cẩn thận vì mình có thể thờ thần thượng ngay trong Hội Thánh. Chúng ta thờ thần tượng bằng cách để ý quá nhiều đến những thói quen, thông lệ trong Hội Thánh mà lãng quên việc thờ phượng Chúa. Có nhiều điều mà Kinh thánh không buồn nói đến, nhưng lại thành những điều tối quan trọng trong Hội thánh. Có nơi cãi nhau ỏm tỏi về việc có nên dùng nhạc cụ trong giờ thờ phượng hay không. Trong vài Hội thánh, mục sư giảng gì cũng được, nhưng phải mặc áo vét, đeo cà-vạt! Giáng sinh đến, nhiều khi chúng ta thờ thần tượng mà không biết. Chúng ta cho việc trang hoàng nhà cửa, giăng đèn sáng choang, viết thiệp Giáng sinh là điều mình phải làm, không làm không được.

Giáng sinh này, xin chúng ta suy nghĩ ý nghĩa của sự Giáng sinh của Chúa Giê-xu. Ngài xuống trần để cho chúng ta sự hiểu biết, biết rằng thế gian thuộc về Ma quỷ và Ngài là Ðức Chúa Trời chân thật. Nhờ thế, chúng ta mới được ở trong Ngài và có được sự sống đời đời. Sự sống đời đời đó chúng ta không những có sau khi chết đi, nhưng cũng có trên đời này, trong một đời sống dư dật, tràn đầy tình yêu thương của Chúa. Bổn phận của chúng ta là phải coi chừng mình không thờ hình tượng trong việc thần tượng hóa những điều tạm bợ trên thế gian. Xin chúng ta nhớ bài học ngày hôm nay khi chuẩn bị đón chào Giáng sinh.

Mục Sư Ðỗ Lê Minh