Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Bài 4 >> | Hướng Dẫn

Bài 3

ĐẤNG CẦU THAY CÔNG BÌNH

I GIĂNG 1:8-2:2

 

Thưa quý vị, hôm nay chúng ta tiếp tục học thơ Giăng thứ nhất đoạn một. Giăng dạy là chúng ta không chỉ có sự liên hệ với Chúa mà thôi, nhưng phải có sự thông công với Ngài. Chúa là ánh sáng, và chúng ta phải đi trong ánh sáng đó. Chúa cho chúng ta tất cả mọi điều về sự sống và sự tin kính, để chúng ta có thể có sự trưởng thành trong Chúa, có được sự thông công với Ngài càng ngày càng đậm đà hơn, yêu mến Chúa mỗi ngày nhiều hơn. Giăng dạy là, muốn làm điều đó, trước hết chúng ta phải biết mình tội lỗi, và cần dòng huyết của Chúa. Mặc dầu là tín đồ, ở trong ánh sáng của Chúa, chúng ta vẫn có thể không đi trong ánh sáng đó. Chúng ta có thể phạm một trong ba điều sai lầm.

Điều sai lầm thứ nhất là chúng ta có thể “ngoảnh mặt làm ngơ,” hay nhắm mắt lại, không nhìn ánh sáng của Chúa. Có nhiều người tín đồ không còn muốn đến nhà thờ thờ phượng Chúa nữa, vì nhà thờ là nơi ánh sánh Chúa tỏa sáng, và họ không muốn thấy ánh sáng đó nữa. Có nhiều người tín đồ không muốn đọc kinh thánh nữa, vì Chúa tỏa sáng ánh sáng của Ngài trong đó, cho họ thấy rõ con người của mình, và vì điều này làm họ cảm thấy khó chịu, họ không muốn thấy ánh sáng đó nữa.

Điều sai lầm thứ hai là chúng ta nghĩ là bây giờ mình hoàn hảo rồi, nên không cần ánh sáng của Chúa nữa. Tôi đã tin Chúa rồi, và Chúa đã rửa sạch tội lỗi của tôi, nên bây giờ tôi muốn làm gì cũng được. Tôi có thể ăn cắp, ăn trộm, vì Chúa sẽ tha thứ cho tôi trong ngày cuối cùng. Đây là một điều sai lầm, mâu thuẫn. Chúng ta không thể nào đi trong ánh sáng của Chúa, mà không thấy được tội lỗi mình. Giăng nói trong câu thứ nhất đoạn 1, câu 8, như thế này: “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.”

I. Chối tội

Điều sai lầm thứ ba là, bị giam hãm trong thân thể này, chúng ta vẫn phạm tội. Biết mình có tội, nhưng chúng ta cứ tự bào chữa cho tội lỗi của mình. Chúng ta bào chữa tội lỗi bằng cách nào? Thứ nhất là chúng ta không gọi nó là tội, nhưng gọi bằng những danh từ khác. Chúng chỉ là những nhược điểm, thói xấu. Chúng chỉ là “tình ngay, lý gian.” Không dám đối diện với tội lỗi của chúng ta, chúng ta dán lên đó cái nhãn khác. Thưa quý vị, nếu quý vị lấy một lọ đựng thuốc độc, và dán trên đó một cái nhãn đề là nước hoa, thì nó vẫn là thuốc độc. Cách thứ hai để mình bào chữa tội lỗi là đổ thừa. Mình nghĩ là khi mình có thể nói hai chữ “tại vì” là xong chuyện. Tại sao tôi ăn cắp, giết người? Vì trong quá khứ khi tôi sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ tôi hà khắc với tôi. Tại sao bây giờ tôi sách nhiễu tình dục? Vì trong quá khứ khi tôi đã bị lạm dụng tình dục. Đó không phải là lỗi của tôi. Tại sao bây giờ tôi bị đồng tình luyến ái? Tại vì thân thể tôi như vậy. Chúa tạo cho tôi thân thể, mặc dầu ở ngoài có vẻ là đàn ông, nhưng thật ra tôi là đàn bà. Đó là lỗi của Chúa, chứ không phải của tôi. Tai sao tôi làm mục sư mà không thành công? Tại vì tín đồ nguội lạnh, ban chấp hành phá rối. Tại sao tôi bợp tai vợ tôi? Đó không phải là lỗi của tôi, nhưng của bả. Đi làm về mệt quá, mà bả còn cứ cằn nhằn, nói tới nói lui. Cách thứ ba để mình bào chữa tội lỗi là nói rằng ai cũng làm điều này hết.

Có rất nhiều gia đình bị tan nát vì người chồng hay người vợ không bao giờ thú nhận tội của mình. Nếu nói câu “Anh xin lỗi em,” thì xong chuyện, nhiều người chồng không bao giờ muốn nói câu đó. Ngay cả trong hội thánh cũng vậy, nhiều lục đục có thể được giải quyết một cách êm thấm nếu chúng ta sẵn sàng nhận lỗi của mình.

Chúng ta không chỉ nói đến tội lỗi giữa con người với nhau, nhưng khi chúng ta phạm tội lẫn nhau, chúng ta đã phạm tội cùng Chúa. Đối với Chúa, chúng ta không thể gọi tội lỗi bằng tên khác, hay bào chữa. Đối với Chúa, tội lỗi là tội lỗi. Giăng nói trong đoạn 1, câu 10, “Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta.”

Chuyện này đã xảy với con người đầu tiên, ghi lại trong Sáng Thế Ký, đoạn 3: Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, “9. Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu? A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình. Đức Chúa Trời phán hỏi: Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lõa lồ? Ngươi có ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn đó chăng? Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.” Quý vị thấy, không những A-đam đổ thừa người nữ đã cho ông ăn trái cây, ông còn nói thêm là chính Chúa đã để người nữ gần bên ông. Đây chính là lỗi của Chúa, chứ không phải của ông. Thành ra, nếu Chúa nói ông phạm tội, Ngài đã nói láo!

 II. Xưng tội

Thế thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải nhận tội mình, xin lỗi Chúa, nói với tất cả lòng chân thật rằng chúng ta đã làm điều không đẹp lòng Chúa. Nếu làm được điều đó, chúng ta có thể đọc tiếp lời hứa trong đoạn 2, câu 1, “Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là Đấng công bình.”

Tại sao mình cần Đức Chúa Giê-xu Christ cầu thay với Đức Chúa Cha? Trước hết, chúng ta phải hiểu Đức Chúa Trời là thánh khiết. Người ta thích nói đến một Đức Chúa Trời yêu thương, nhưng ít người chịu thấy Ngài thánh khiết. Thật ra, là con người, chúng ta không thể nào thấu hiểu được sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Chỉ cần hiểu được một phần nhỏ sự thánh khiết ấy, chúng ta phải thấy rằng Ngài không thể nào chấp nhận những hành động tội lỗi trong đời sống chúng ta, đối với nhau cũng như đối với Ngài. Nếu tôi là người thích nói láo, thích chèn ép người khác, coi chúng như những phương tiện làm giàu, và nếu bắt gặp con tôi nói láo, tôi sẽ khen thằng này giỏi, biết ganh đua với đời. Tôi khen nó, vì trình độ đạo đức của tôi thấp. Nhưng nếu trình độ đạo đức của tôi cao hơn, khi tôi thấy con tôi nói láo, tôi sẽ thấy đau buồn trong lòng, vì biết đó là tội lỗi. Chúa phải trừng phạt tội lỗi, vì Chúa là thánh khiết. Ngài không thể nào bỏ qua những tội lỗi của chúng ta, dầu nó có “nhẹ” đến bao nhiêu.

Vì Đức Chúa Trời quá thánh khiết, và chúng ta tội lỗi, chúng ta không thể nào đến trước mặt Ngài. Chúng ta vì thế cần Chúa Giê-xu, là “Đấng cầu thay” cho chúng ta. Ngày nay, chữ “Đấng cầu thay” này có thể được hiểu là chữ “luật sư.” Đây là người đại diện chúng ta đứng trước Đức Chúa Trời, để bày tỏ lòng ăn năn của chúng ta, để biện hộ, bào chữa cho chúng ta.

Xin chúng ta đừng nghĩ rằng, Chúa Giê-xu chỉ cần cầu thay cho chúng ta một lần khi Ngài chết trên thập tự giá hai ngàn năm trước; bây giờ Ngài không lo lắng gì cho chúng ta. Nhưng chúng ta phải biết là Ngài hiện giờ đang sống, đang ngồi bên cạnh Đức Chúa Cha, và vẫn luôn luôn cầu thay cho mỗi chúng ta. Có người nói là, Đức Thánh Linh cầu nguyện với chúng ta, nhưng Chúa Giê-xu cầu nguyện cho chúng ta. Nếu Đức Thánh Linh trong lòng giúp mình nói hết được những lời ăn năn thống hối, thì Chúa Giê-xu chuyển những lời ăn năn thống hối đó đến với Đức Chúa Cha.

Sở dĩ Chúa Giê-xu có thể đứng trước mặt Thượng Đế, cầu thay cho chúng ta, là vì Ngài là người công bình, hoàn toàn vô tội. Mọi tư tưởng và hành động của Ngài đều làm đẹp lòng Thượng Đế. Khi Ngài sống trên thế gian này hai ngàn năm trước, không ai có thể kiếm được tội nào trong đời sống của Ngài. Nếu có tội như chúng ta, Ngài cũng không thể đến trước mặt Thượng Đế như chúng ta.

Nếu tôi phải ra tòa trên thế gian, tôi cần có một người luật sư. Thường ông không muốn biết tôi có thật sự phạm tội hay không, vì đó không phải là trách nhiệm của ông. Trách nhiệm của ông là tìm mọi cớ để chứng minh rằng tôi vô tội. Nhưng khi chúng ta phải trình diện trước Đức Chúa Trời, người luật sư Giê-xu của chúng ta không làm những điều đó, vì Ngài là người công bình, không bóp méo sự thật. Trước mặt Đức Chúa Trời, Ngài nói, “Chúa ơi, con xin đại diện Đỗ Lê Minh. Con biết Đỗ Lê Minh có tội, và con không bào chữa cho điều đó.” Luật sư gì mà tệ quá như vậy!

Nếu ngừng ở đây thì người luật sư này tệ thật. Nhưng Chúa Giê-xu không ngừng ở đó. Giăng nói thêm là, “Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta.” Không những Ngài nói, “Thân chủ tôi là Đỗ Lê Minh thật sự đã phạm tội, và phải chịu chết. Tôi biết điều đó, và không bào chữa cho điều đó,” Ngài nói thêm, “Nhưng, thưa Quan Tòa, tôi đã trả tội đó cho Đỗ Lê Minh rồi. Đáng lẽ nó phải chết, nhưng tôi đã chết thế cho nó hai ngàn năm trước. Tôi có thể làm điều này vì tôi không có tội, và không phải chết cho tội lỗi của chính mình. Thành ra Đỗ Lê Minh không cần phải chết cho tội mình thêm một lần nữa.” Có người luật sư nào trên thế gian này xin quan tòa cho mình vô tù thế thân chủ? Chỉ có Chúa Giê-xu làm điều đó. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chịu chết thế cho chúng ta, và nhờ đó chúng ta không phải bị hình phạt nữa.

Xin quý vị để ý rằng Giăng nói Chúa Giê-xu đã hy sinh “làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta.” Giăng không nói là Ngài hy sinh cho những thói xấu, những nhược điểm, tình ngay lý gian của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta đến với Chúa, xưng tội lỗi của mình ra, và ăn năn hối cải, Chúa mới trả hình phạt cho chúng ta, để chúng ta thành hoàn toàn vô tội. Chỉ lúc đó chúng ta mới có được sự cứu rỗi, và sự bình an mà chỉ có người tín đồ mới biết. Xin mỗi người chúng ta nhìn lấy lòng của mình, và xin chúng ta hãy gọi tội lỗi là tội lỗi. Xin chúng ta hãy nói, “Chúa ơi, con đã phạm tội. Xin Ngài tha tội cho con.”

Mục Sư Đỗ Lê Minh