Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 4 | Bài 6 >> | Hướng Dẫn

Bài 5

TÌNH YÊU TRONG CHÚA

I GIĂNG 2:7-11

 

Trước khi tiếp tục học thơ Giăng thứ hai, xin chúng ta ôn lại, để xem những tuần trước chúng ta đã học điều gì. Trong đoạn đầu, trước hết Giăng nói là, nếu muốn đến với Chúa, chúng ta phải xưng tội của mình ra. Đó là tiêu cực. Tích cực hơn, Giăng dạy là, nếu muốn có sự thông công với Chúa, chúng ta phải làm theo điều Chúa đã làm. Hôm nay, chúng ta sẽ thấy là, trong tất cả mọi điều chúng ta phải làm đó, có một điều rất đặc biệt mà Giăng nhấn mạnh ở đây, đó là tình yêu thương lẫn nhau. Cho tôi đọc đoạn 2 từ câu 7 đến câu 11:

7 Hỡi kẻ rất yêu dấu, ấy chẳng phải là điều răn mới mà ta viết cho anh em, bèn là điều răn cũ anh em đã nhận lấy từ lúc ban đầu; điều răn cũ nầy tức là lời anh em đã nghe.

8 Song le, ta cũng viết cho anh em điều răn mới, là điều chân thật trong Chúa và trong anh em, vì sự tối tăm đã tan rồi, và sự sáng thật đã soi sáng.

9 Kẻ nào nói mình trong sự sáng, mà ghét anh em mình thì còn ở trong sự tối tăm.

10 Ai yêu mến anh em mình, thì ở trong sự sáng, nơi người đó chẳng có điều chi gây cho vấp phạm.

11 Nhưng ai ghét anh em mình, thì ở trong sự tối tăm, làm những việc tối tăm, và không biết mình đi đâu, vì bóng tối tăm đã làm mù mắt người.

I. Tình yêu thương

Có một người trong thời đại của Giăng, tên là Jerome, kể lại là khi Giăng về già, ông nằm dài, không đi được nữa. Có một lúc, người ta khiêng Giăng tới trước một đám đông các tín đồ. Ông chống tay dậy, và chỉ nói một câu, “Hỡi các con, hãy yêu thương lẫn nhau.” Lần sau người ta cũng khiêng ông đến giữa đám đông đó, ông cũng nói: “Hỡi các con, hãy yêu thương lẫn nhau.” Sau khi nghe ông nói nhiều lần như vậy, có người hỏi, “Thầy ơi, thầy chỉ giảng có chừng đó thôi sao? Sao thầy không dạy chúng tôi điều gì mới?” Giăng trả lời, “Đây là điều Chúa muốn các con làm. Nếu các con làm được điều này, là đủ rồi.”

Không những Giăng nhấn mạnh đến tình yêu thương, Chúa Giê-xu cũng nhấn mạnh nữa. Trong Ma-thi-ơ đoạn 22 câu 36, khi có người hỏi, “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” Đức Chúa Giê-xu đáp rằng, “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”

Hôm nay, xin chúng ta chỉ bàn đến việc yêu thương anh chị em trong Chúa thôi, không nói đến vấn đề yêu thương những người ngoài Ngài. Trước hết, xin chúng ta suy nghĩ xem chữ “yêu thương” có nghĩa là gì? Theo tôi, chữ “yêu thương” là chữ bị lạm dụng nhất trên đời. Lúc còn đi học, tôi có một anh bạn. Anh học nói câu “Anh yêu em” bằng bao nhiêu thứ tiếng. Gặp cô gái Nhật Bổn, anh nói câu này bằng tiếng Nhật; gặp cô Tàu, anh nói bằng tiếng Tàu... Tôi có thể nói, “Tôi yêu chiếc xe của tôi,” hay “tôi yêu cái nhà của tôi,” nhưng những câu đó có nghĩa gì?

Trong kinh thánh có 3 chữ yêu thương: eros, phileo, và agape. Giăng dùng chữ agape ở đây. Đây là loại tình yêu hy sinh, bất vị lợi, chứng tỏ bằng hành động của mình. Muốn biết mình có tình yêu thương anh chị em mình hay không, chúng ta trước hết phải nhìn đến sự suy nghĩ trong lòng. Khi nghĩ đến một người nào, lòng tôi có cay đắng, hay có những suy nghĩ xấu xa về người đó hay không? Sau đó, chúng ta phải nhìn đến cách mình nói chuyện về người đó, hay với người đó. Mình có oán trách, phê phán, nói xấu sau lưng họ hay không? Nói chuyện với người đó, mình có dùng những lời thanh nhã yêu thương, hay những lời nói cọc cằn? Như khi người con bị bệnh, người mẹ cũng cảm thấy đau đớn, chúng ta có thông cảm với người khác hay không? Chúng ta có hòa đồng với niềm vui, nỗi buồn của người khác hay không?

Tình yêu thương không chỉ nói bằng lời, bằng miệng, nhưng cũng phải được thể hiện bằng hành động. Tình yêu thương đòi hỏi sự hy sinh, mất mát từ chúng ta. Quan trọng hơn hết, tình yêu thương phải được thể hiện qua sự tha thứ. Làm việc chung trong hội thánh này, tôi bảo đảm với quý vị là chúng ta sẽ có xích mích với nhau. Không ai hoàn toàn hết, không ai có thể làm vừa lòng mọi người hết. Nếu chúng ta bất cần hội thánh, chỉ đến đây thờ phượng, rồi ra về, thì chúng ta sẽ không có sự đụng chạm. Nhưng nếu hăng hái làm việc cho Chúa, thế nào chúng ta cũng sẽ đụng chạm với nhau, và chúng ta phải biết tha thứ cho nhau. Người Á Châu mình thường nhìn con người, hơn là vấn đề. (Đây là một điều hay, nhưng cũng có thể là điều dở.) Trong khi bàn luận công việc nhà Chúa, bất cứ vấn đề nào được đưa ra cũng sẽ có người đồng ý, và có người không đồng ý. (Nếu không, thì đã không cần bàn.) Nhưng nhiều người chúng ta lại nghĩ rằng, ai không đồng ý với ý mình đưa ra là chống lại mình. Ngược lại, người Tây Phương có thể bàn cãi, bất đồng ý kiến với nhau về một vấn đề, những sau đó vẫn là bạn bè như trước. Là quản nhiệm hội thánh, tôi kiếm những người có suy nghĩ, có phản ứng đối với vấn đề, và tôi quý những người chia xẻ với tôi ý kiến của họ, mặc dầu biết là chúng khác với ý của tôi. Lúc nào đó, nếu tôi nhìn những người chống lại những đề nghị tôi đưa ra như là người chống lại cá nhân tôi, tôi đã không có sự yêu thương. Xin chúng ta hãy tha thứ lẫn nhau, vì đây là điều Chúa muốn chúng ta làm.

Thông thường, chúng ta có một trong ba thái độ đối với người khác. Có một số người chúng ta quý trọng, yêu thương, và sẵn sàng làm tất cả mọi điều cho họ; có một số người chúng ta ghét, hay không muốn có sự liên hệ nào vói họ; nhưng phần đông những người khác chúng ta trung dung, không ưa mà cũng không ghét. Nhưng kinh thánh không nói đến ba thái độ đó, mà chỉ nói đến hai: hoặc thương hoặc ghét. Nếu không thương là ghét. Sự ghét ở đây có thể chỉ là sự dửng dưng. Nếu có một người nào trong hội thánh của tôi, mà tôi không biết tên của họ, không biết họ làm gì, ở đâu, không biết tính tình của họ, đó là tôi ghét họ.

II. Điều răn mới

Nói đến lời dạy chúng ta phải yêu thương lẫn nhau, Giăng nói đây là một điều răn cũ, nhưng cũng là một điều răn mới. “7 ...ấy chẳng phải là điều răn mới mà ta viết cho anh em, bèn là điều răn cũ anh em đã nhận lấy từ lúc ban đầu; điều răn cũ nầy tức là lời anh em đã nghe. Song le, ta cũng viết cho anh em điều răn mới,...” Tại sao Giăng lại mâu thuẫn như vậy?

Trước hết, yêu thương loài người là điều răn cũ. Nó đã có từ lúc ban đầu. Khi nghĩ đến Cựu Ước, nhiều người nghĩ đến sự thiêng liêng, đến luật lệ. Nhưng bao nhiêu ngàn năm trước Giăng, Lê-Vi Ký 19:18 dạy, “Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình, nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình.”

Nhưng tại sao Giăng cũng nói đây là điều răn mới? Trong tiếng Hy Lạp, chữ “mới” ở đây không là mới theo thứ tự thời gian, nhưng là mới theo phẩm chất, như chúng ta nói, “Ông ta trở thành một con người mới!” Có hai sự đổi mới mới trong điều răn yêu thương khiến Giăng gọi nó là mới. Thứ nhất, bây giờ, chúng ta có Chúa Giê-xu, để cho chúng ta một ví dụ rõ ràng về tình yêu thương, đem đến cho lời răn này một “sinh khí mới,” mà trước kia nó không có. Giăng đoạn 13 có câu chuyện Chúa rửa chân các môn đồ như sau:

1. Trước ngày lễ Vượt Qua, Đức Chúa Giê-xu biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng.

3. Đức Chúa Giê-xu biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình sẽ về với Đức Chúa Trời,

4. nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình.

5. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chơn cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chơn cho.

12. Sau khi đã rửa chơn cho môn đồ, Ngài mặc áo lại; đoạn ngồi vào bàn mà phán rằng: các ngươi có hiểu điều ta đã làm cho các ngươi chăng?

13. Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; Các ngươi nói phải, vì ta thật vậy.

14. Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chơn cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chơn lẫn cho nhau.

15. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.

Ngay sau câu chuyện này, Chúa Giê-xu dạy trong câu 34, “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.” Điều răn này mới vì trước kia nó chưa được cụ thể hóa, ngay cả người ta không thể tưởng tượng được rằng nó có thể xảy ra. Nhưng bây giờ chúng ta thấy tình yêu đó đã được thể hiện một cách cụ thể trong việc Thượng Đế đã trở thành người, đã rửa chân cho các môn đồ, đã chết cho chúng ta trên thập tự giá. Rô-ma đoạn 5 câu 8 ghi, “Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.”

Chúa hỏi, “Con ơi, con có biết ta chết trên thập tự giá để làm gì không?” “Thưa, Chúa chết để cho con được cứu.” “Chưa đủ. Ta chết không chỉ để cho con được cứu, nhưng để con biết noi theo, biết yêu thương, hy sinh cho người khác.” Trên đời, người ta dạy chúng ta hãy làm cho người khác điều mà mình muốn người khác làm cho mình. Nhưng Chúa dạy chúng ta hãy làm cho người khác điều Chúa đã làm cho mình. Không những Chúa dạy chúng ta hãy yêu kẻ lân cận như yêu mình, nhưng Ngài cũng dạy hãy yêu kẻ lân cận như Chúa đã yêu mình.

Trong mấy tuần qua, chúng ta đã học về sự tối và sự sáng. Là người tin Chúa, chúng ta đã bước từ bóng tối qua ánh sáng, ở cùng Đức Chúa Trời, và có sự giao thông với Ngài. Lý do thứ hai khiến đây là một điều răn mới là vì chúng ta bây giờ là người mới, có sự giao thông với Đức Chúa Trời. Và con người mới đó cho phép chúng ta có thể yêu thương lẫn nhau.

Ngược lại, nếu thiếu tình yêu thương đó, chúng ta vẫn còn là người cũ. “9 Kẻ nào nói mình trong sự sáng, mà ghét anh em mình thì còn ở trong sự tối tăm. 11 Nhưng ai ghét anh em mình, thì ở trong sự tối tăm, làm những việc tối tăm, và không biết mình đi đâu, vì bóng tối tăm đã làm mù mắt người.” Nếu chúng ta không yêu thương được những người ngồi trong phòng này, thì xin đừng nói đến việc yêu thương những người trong những hội thánh khác. Nếu không yêu thương được những người tín đồ trong những hội thánh khác, xin đừng nói đến việc yêu thương những người không biết Chúa. Nếu không yêu thương những người không biết Chúa mà chúng ta thấy được, xin đừng nói đến việc yêu thương Chúa mà chúng ta không thấy được.

Mục Sư Đỗ Lê Minh