Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 6 | Hướng Dẫn

Bài 7

KẺ PHẢN-CHRIST

1 GIĂNG 2:18-28

 

I. Kẻ phản-Christ

Thưa quý vị, chủ đề của phần đầu trong thơ Giăng thứ nhất là sự liên hệ của chúng ta với Chúa. Chúng ta đã bàn qua một số lý do cản trở sự liên hệ đó. Lý do thứ nhất là tội lỗi. Nếu phạm tội, chúng ta đánh mất sự giao thông mật thiết với Ngài. Thành ra, nếu phạm tội, xin chúng ta đừng chối, nhưng phải xưng tội cùng Chúa. Điều thứ hai cản trở sự thông công của chúng ta với Chúa là chúng ta không làm theo lời răn của Ngài. Một đằng, Chúa dạy chúng ta phải yêu thương lẫn nhau, đằng khác Chúa cũng dạy chúng ta đừng yêu thế gian. Bây giờ, chúng ta sẽ học thêm một sự ngăn cản khác, nằm bên ngoài chúng ta. Giăng dạy là chúng ta phải cẩn thận, vì ở giữa vòng chúng ta sẽ có những giáo sư giả, những người mà kinh thánh Việt Nam dịch là những “kẻ địch lại Đấng Christ,” bản dịch Công Giáo dịch là những “kẻ phản Ki-tô,” và tôi xin dịch là những “kẻ phản-Christ.” Xin chúng ta đọc đoạn 2, từ câu 18 đến câu 28:

18. Hỡi các con cái ta, giờ cuối cùng là đây rồi, các con đã nghe nói rằng kẻ địch lại Đấng Christ phải đến. Vừa lúc bây giờ, có nhiều kẻ địch lại Đấng Christ; bởi đó, chúng ta biết rằng ấy là giờ cuối cùng.

19. Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta; vì nếu chúng nó thuộc về chúng ta, thì đã ở cùng chúng ta; song điều đó đã xảy đến, hầu cho tỏ ra rằng mọi kẻ ấy chẳng thuộc về chúng ta vậy.

20. Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng thánh, thì đã biết mọi sự rồi.

21. Ta viết cho các con, chẳng phải vì các con không biết lẽ thật, nhưng vì các con biết lẽ thật, và hiểu rằng chẳng có sự dối trá nào bởi lẽ thật mà ra.

22. Ai là kẻ nói dối, há chẳng phải kẻ chối Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ sao? Ấy đó là kẻ địch lại Đấng Christ, tức là kẻ chối Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con!

23. Ai chối Con, thì cũng không có Cha: ai xưng Con, thì cũng có Cha nữa.

24. Còn như các con, điều mình đã nghe từ lúc ban đầu phải ở trong các con. Nếu điều các con đã nghe từ lúc ban đầu ở trong mình, thì các con cũng sẽ ở trong Con và trong Cha.

25. Lời hứa mà chính Ngài đã hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời.

26. Ta đã viết cho các con những điều nầy, chỉ về những kẻ lừa dối các con.

27. Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết; song vì sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật, không phải dối, thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận.

28. Vậy bây giờ, hỡi các con cái bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến.

Nguyên đoạn này nói rằng trong giờ cuối cùng sẽ có kẻ phản-Christ. Trước hết, chúng ta đặt câu hỏi, khi nào là “ngày cuối cùng” hay “giờ cuối cùng”? Trong thế kỷ thứ nhất, Giăng nói, “Giờ cuối cùng là đây rồi,” thành ra nhiều người nghĩ Giăng nói sai, vì đã bao nhiêu thế kỷ trải qua, mà Chúa chưa đến. Tôi đã có dịp giải thích chữ “ngày cuối cùng” trước kia rồi. Trong thời Cựu Ước, khi nói đến ngày cuối cùng, người ta chỉ thấy một ngày thôi, đó là ngày Đấng Mê-si xuống trần gian. Họ không biết là Đấng Mê-si đến trần gian hai lần: một lần hơn hai ngàn năm trước trong thể xác con người, và một lần khi Ngài trở lại thế gian lần thứ hai. Giữa hai lúc này được coi như thời kỳ cuối cùng, dầu ở thế kỷ thứ nhất hay thế kỷ thứ hai mươi, dầu lúc Giăng viết thơ này hay lúc chúng ta đang sống hôm nay.

Mặc dầu giờ cuối cùng có thể kéo dài dến bao nhiêu thế kỷ, Chúa cho chúng ta biết rằng, càng gần đến lúc Chúa trở lại, càng có nhiều điều lạ lùng xảy ra. Trong sách Tin Lành Mác đoạn 3 câu 7, Chúa nói, “Khi các ngươi nghe nói về giặc và nghe tiếng đồn về giặc, thì đừng bối rối: những sự ấy phải xảy đến; nhưng chưa là cuối cùng. Vì dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; cũng sẽ có động đất nhiều nơi, và đói kém. Đó chỉ là đầu sự khốn khổ mà thôi.” Đặc biệt trong câu 6, Chúa nói, “Có nhiều kẻ sẽ lấy danh ta mà đến, xưng rằng: Chính ta là Đấng Christ! Họ sẽ dỗ dành nhiều người.”

1. từ giữa chúng ta mà ra

Tôi xin giải thích thêm chữ “phản-Christ.” Nhiều người hiểu chữ này nói đến những người công khai chống nghịch lại Thượng Đế, như những người vô thần, những người cộng sản. Đây là điều dễ cho chúng ta, vì chúng ta biết họ là ai. Nhưng ý nghĩa thích hợp hơn của chữ này là “Christ giả,” hơn là “phản-Christ.” Không chống lại Đấng Christ, họ còn mạo nhận là Đấng Christ, để dạy những điều sai lầm về Chúa Giê-xu. Những người phản Christ này thường đến từ trong hội thánh, như Giăng nói trong câu 19, “Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta.” Trong Công Vụ các Sứ Đồ đoạn 20, câu 29, Phao-lồ khuyên nhủ những nhà lãnh đạo của hội thánh Ê-phê-sô “Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ.”

Thật vậy, những tôn giáo lớn chống nghịch lại Chúa ngày hôm nay, như Mormon hay Chứng Nhân Giê-hô-va, đều phát xuất từ trong hội thánh mà ra. Không những họ trà trộn trong vòng chúng ta, họ cũng trích những đoạn kinh thánh mà họ có thể bóp méo được, để “dạy dỗ” chúng ta. Bà Mary Baker Eddy là người sáng lập ra một tôn giáo tên là Christian Science. Trong những sách vở bà viết, bà dùng những danh từ trong kinh thánh, nhưng định nghĩa chúng một cách hoàn toàn khác hẳn với kinh thánh. Chẳng hạn như khi nói đến sự sống lại, bà chỉ muốn nói đến sự tồn tại của linh hồn sau cái chết. Khi nói đến sự cầu nguyện, bà không nói đến việc cầu nguyện đến Đức Chúa Trời, nhưng chỉ là việc ngồi lại với nhau, để nói cho nhau những điều tốt lành. Đặc biệt là chữ “hội thánh.” Có nhiều tổ chức hôm nay được mang danh là “hội thánh” nhưng làm những điều hoàn toàn khác hẳn với điều chúng ta làm. Nếu đối tượng của sự thờ phượng của chúng ta là Thượng Đế, có những hội thánh được lập ra chỉ để phục vụ con người, để con người tìm được sự bình an trong tâm hồn, hay có sự vui vẻ trong hội đoàn, hay đôi khi chỉ để khỏi trả thuế!

2. chối Chúa Giê-xu

Đặc biệt trong câu 22, Giăng viết, “Ai là kẻ nói dối, há chẳng phải kẻ chối Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ sao?” Một điểm đặc biệt của những người phản-Christ là họ chối Chúa Giê-xu là Đấng Christ. Suốt lịch sử của hội thánh có rất nhiều tà đạo, nhưng chung quy những tà đạo đó chỉ dạy một trong hai điều sai lầm về Chúa Giê-xu mà thôi. Thứ nhất, họ từ chối Chúa Giê-xu là con người. Họ coi Ngài như một thần linh huyền bí. Họ nghĩ điều gì thiêng liêng thì không thể ở trong trong thể xác. Thứ hai, họ từ chối Chúa Giê-xu là Thượng Đế. Mặc dầu quý trọng những lời dạy dỗ của Ngài, họ coi Ngài chỉ là một con người, nhiều lắm là một vĩ nhân đáng kính.

II. Phản ứng của chúng ta

Thế thì chúng ta phải làm gì đối với những kẻ phản-Christ? Giăng nói trong câu 20, “Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng thánh, thì đã biết mọi sự rồi.” Cho tôi giải thích từng chữ một. Thứ nhất là chữ “xức dầu.” Trong thời Cựu Ước, khi một người bắt đầu một chức vụ quan trọng nào, thì được người khác xức dầu. Sao-lơ và Đa-vít được xức dầu để làm vua; Sa-mu-ê được xức dầu để làm tiên tri.

Giăng nói là chúng ta “đã chịu xức dầu từ nơi Đấng Thánh” Đấng Thánh là ai? Đọc câu 27, có lẽ chúng ta sẽ thấy rõ hơn, “Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình.” (Bản NIV dịch, “As for you, the anointing you received from him remains in you.”) Chúa Giê-xu được báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Trước khi lên trời, Ngài hứa là ban Đức Thánh Linh cho mỗi chúng ta. Giăng nói ở đây là, khi biết đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu, chúng ta được Đức Thánh Linh xức dầu, tức là được báp-têm bằng Đức Thánh Linh, và Đức Thánh Linh luôn ở trong chúng ta.

(Có hai điểm mà tôi muốn chia xẻ ở đây về vấn đề báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Thứ nhất, có người chủ trương là, khi tin Chúa, chúng ta được báp-têm, nhưng không phải bằng Đức Thánh Linh. Chúng ta chỉ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh khi bắt đầu nói tiếng lạ. Nhưng ở đây, Giăng nói rõ là, khi tin Chúa, tất cả chúng ta đều được Đức Thánh Linh xức dầu. Xin quý vị đừng để có ai dạy là quý vị cần phải được thêm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh sau khi tin Chúa. Nói tiếng lạ chỉ là ơn tứ Chúa cho một số người trong hội thánh, chứ không phải là điều mà mọi tín đồ phải làm.

Nhận xét thứ hai liên quan đến mục đích của việc được Đức Thánh Linh xức dầu. Hồi nãy chúng ta nhận xét là, trong thời Cựu Ước, Đức Thánh Linh xức dầu để một người làm vua, hay nhà tiên tri, hay thầy tế lễ... Cũng vậy, hôm nay mỗi người tín đồ được Đức Thánh Linh xức dầu để trở thành thầy tế lễ cho Chúa. Xin đừng ai nghĩ rằng chỉ có mục sư là thầy tế lễ, còn mình chỉ là thường dân. Thưa không, mỗi người chúng ta là thầy tế lễ. Mỗi người chúng ta đều có thể trực tiếp đến trước mặt Chúa, để cầu nguyện với Ngài, mà không cần phải đi qua một linh mục hay mục sư.)

Trở lại đề tài kẻ phản-Christ, trong câu 20, Giăng viết “Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng thánh, thì đã biết mọi sự rồi.” Câu này có thể được hiểu theo một trong hai nghĩa. Một nghĩa như đã được dịch, “đã biết mọi sự rồi; “ nhưng nghĩa khác là “ai cũng đã biết điều này.” Bản NASB dịch theo nghĩa thứ hai “All of you know the truth,” nhưng trong phần chú thích dịch theo nghĩa thứ nhất, “You know all things.” Tôi nghĩ nghĩa thứ hai đúng hơn, vì rõ ràng, khi tin Chúa, chúng ta không biết tất cả mọi chuyện. Ít nhất, chúng ta không biết tất cả mọi chuyện xảy ra ở trên đời. Nhưng ngay cả những chuyện thuộc linh, mình cũng không biết hết, vì thế Phi-e-rơ phải dạy chúng ta tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết của Đức Chúa Trời.

Dầu sau đi nữa, giới hạn vào vấn đề đang nói đến ở đây, có lẽ Giăng muốn nói, “Các con đã biết Chúa Giê-xu vừa là con người, vừa là Thượng Đế. Nên các con chớ nên nghi ngờ.” Giăng nói thêm trong câu 23, “Ai chối Con, thì cũng không có Cha: ai xưng Con, thì cũng có Cha nữa. Còn như các con, điều mình đã nghe từ lúc ban đầu phải ở trong các con.” Khi chúng ta biết quỳ xuống cầu nguyện với Chúa, dâng hiến đời mình cho Ngài, Đức Thánh Linh ngự vào lòng chúng ta, xức dầu cho chúng ta, và cho chúng ta biết một điều quan trọng, căn bản đầu tiên; đó là Chúa Giê-xu vừa là Thượng Đế, vừa là con người. Trước kia, bị giới hạn bởi tội lỗi của A-đam và Ê-va, chúng ta không thể hiểu được điều này.

Giăng nói thêm trong câu 27, “Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết.” Dĩ nhiên, chúng ta phải lớn lên trong sự hiểu biết đạo của Chúa, nhưng chúng ta không cần ai dạy điều căn bản trên. Khi những kẻ phản-Christ muốn tấn công Chúa, họ không tấn công ở những điều cao siêu, nhưng nhắm vào những điều căn bản nó. Nếu đánh mất nền tảng căn bản đó, chúng ta sẽ mất tất cả.

Khi quyết định đi học lời Chúa, có một điều tôi thưa cùng Chúa, đó là tôi xin Chúa cho tôi chỉ biết giảng lời Chúa mà thôi. Mặc dầu tôi đã được huấn luyện để tìm ra những điều mới lạ trong khoa học, tôi không đi tìm điều gì mới mẻ trong đạo Chúa, ngoài những điều trong kinh thánh. Ngược lại, kẻ phản-Christ làm cách khác. Họ nói. “Anh chị em ơi, lại đây. Tôi sẽ dạy cho anh chị em điều mới lạ. Điều anh chị em học từ trong kinh thánh đã quá xưa, quá cũ rồi. Giờ đây Chúa cho tôi thấy một điều mới, thành ra tôi mới lập nên một tôn giáo mới, để dạy anh chị em những điều khác, không có trong kinh thánh.” Chúng ta phải cảnh giác, coi chừng.

Giăng nói tiếp trong câu 24, “Nếu điều các con đã nghe từ lúc ban đầu ở trong mình, thì các con cũng sẽ ở trong Con và trong Cha.” Nếu biết rõ ràng là Chúa Giê-xu vừa là Thượng Đế, vừa là con người, thì chúng ta sẽ ở trong Con và trong Cha. Ngược lại, nếu nghĩ Chúa Giê-xu chỉ là con người, chúng ta không thể nào biết được Thượng Đế. Nhiều lắm, chúng ta có thể thấy Ngài một cách mù mờ, xa vời, nhưng không thể thấy Ngài như một Đấng Yêu Thương, quan tâm đến từng sợi tóc trên đầu chúng ta, lo lắng cho chúng ta mỗi giờ. Chúa nói trong Tin Lành Giăng, đoạn 14, câu 9 rằng, “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha.”

Giăng nói thêm trong câu 25: “Lời hứa mà chính Ngài đã hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời.” Chúa Giê-xu cũng nói trong Tin Lành Giăng, đoạn 14, câu 6, “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được cùng Cha.” Nếu đánh mất miền tin rằng Chúa Giê-xu là Thượng Đế, chúng ta sẽ đánh mất điều quý báu nhất mà Ngài đã ban cho chúng ta; đó là sự sống đời đời. Nếu chỉ là con người, mà không là Thượng Đế, Chúa Giê-xu cũng có tội như chúng ta, và cái chết của Ngài trên thập tự giá chỉ có thể đủ để đền tội cho chính Ngài mà thôi. Nếu tôi nghĩ Chúa Giê-xu chỉ là một bậc thầy, đến đây để cho chúng ta một ví dụ sống trên đời, thì sự chết của Ngài chỉ là một mất mát cho tôi, chứ không thể giúp tôi được gì. Ngược lại, nếu chúng ta nghĩ Chúa Giê-xu chỉ là Thượng Đế, mà không là con người, thì Ngài cũng không làm được gì để cứu chúng ta, vì Ngài đã phán là con người phạm tội phải chết. Nếu không phải là con người, Chúa Giê-xu không thể đại diện cho chúng ta, để chết thế cho chúng ta.

Thưa quý vị, chúng ta cám ơn Chúa là, trong giây phút tin Chúa, mỗi người chúng ta đã nhận được phép báp-têm của Đức Thánh Linh, đã có Đức Thánh Linh trong lòng, và đã được Đức Thánh Linh dạy dỗ những điều căn bản cần thiết cho miềm tin. Điều chúng ta cần phải làm là nghe lời Đức Thánh Linh, thay vì đẩy Ngài vào một góc kẹt trong đời sống của chúng ta, và chạy theo những lời dạy của kẻ phản-Christ. Cám ơn Chúa là, ngày hôm này Ngài nhắc nhở chúng ta một điều căn bản, đó là Chúa Giê-xu vừa là Thượng Đế, và vừa là con người. Chúng ta phải luôn đề phòng những kẻ phản-Christ bắt nguồn từ trong hội thánh dạy những điều sai lầm, trái ngược với chân lý này.

Mục Sư Đỗ Lê Minh