Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 7 | Bài 9 >> | Hướng Dẫn

Bài 8

CON ĐỨC CHÚA TRỜI

I GIĂNG 2:28-3:3

 

Thưa quý vị, hồi nãy chúng ta hát bài “Behold What Manner of Love,” dựa theo thơ Giăng thứ nhất, đoạn 3 câu 1. Tôi nghĩ câu này hay, không thua gì Giăng đoạn 3 câu 16. Hy vọng rằng sau bài giảng này, chúng ta sẽ thuộc câu này. Hôm nay, chúng ta học thơ Giăng thứ nhất, từ đoạn 2 câu 28 đến đoạn 3 câu 3:

2:28 Vậy bây giờ, hỡi các con cái bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến.

29 Ví bằng các con biết Ngài là công bình, thì hãy biết rằng người nào làm theo sự công bình, ấy là kẻ bởi Ngài mà sanh ra.

3:1 Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài.

2 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.

3. Ai có sự trông cậy do trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch.

1. Hiện tại: Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời.

Sau khi bàn đến sự thông công của chúng ta với Đức Chúa Trời, Giăng nói rằng, không những chúng ta chỉ có sự thông công với Đức Chúa Trời, chúng ta còn là con cái Đức Chúa Trời. Ở trên đời, khi muốn nhận một người nào làm con, mình phải làm gì? Mình làm giấy tờ, sổ sách, đem nó về nhà nuôi, gọi nó bằng con, và nó gọi mình bằng cha, bằng mẹ. Nhưng khi Đức Chúa Trời nhận chúng ta làm con, Ngài không chỉ làm chừng đó thôi. Ngài khiến chúng ta được tái sanh, hay được sanh lại. Chúa Giê-xu nói với ông Ni-cô-đem trong sách Tin Lành Giăng đoạn 3, câu 3, “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.”

Thế thì muốn được “tái sanh” chúng ta phải làm gì? Trước hết, chúng ta phải biết đặt niềm tin nơi Ngài. Phải có lúc nào đó, chúng ta quỳ xuống, cầu nguyện, nói với Chúa, “Lạy Chúa, con tin Ngài. Con biết mình tội lỗi. Con xin lỗi Chúa. Con xin ăn năn, hối cải tội lỗi của con, và muốn dâng hiến đời con cho Chúa.” Trong giây phút đó, chúng ta được tái sinh, và như Giăng nói trong câu 2, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời.” Nhiều người nghĩ người tín đồ là người ăn hiền ở lành, hay là người thường đi nhà thờ, dâng hiến, làm việc, dạy dỗ trong hội thánh. Nhưng đó không phải định nghĩa của người tín đồ. Người tín đồ là người được tái sanh, và nhờ đó trở thành con cái Đức Chúa Trời.

Xin quý vị nhớ là, khi đã thành con cái Đức Chúa Trời, chúng ta luôn luôn là con cái Đức Chúa Trời. Trong giây phút chúng ta tin Chúa, chúng ta trở thành con cái Đức Chúa Trời, và trong hiện tại, chúng ta vẫn là con cái Đức Chúa Trời. Không phải là vì sau khi tin Chúa, tôi làm một vài điều không được đẹp lòng Ngài, mà Ngài bỏ tôi, từ tôi, đẩy tôi ra khỏi gia đình của Ngài. Chúng ta sẽ luôn là con cái của Đức Chúa Trời, cho đến ngày cuối cùng. Xin chúng ta nhớ câu chuyện của người con hoang đàng trong Lu-ca đoạn 15. Mặc dầu người con nay đòi cha mình chia gia tài cho, để xài phung phí với phường đĩ điếm, nó vẫn là người con. Cũng vậy, mình không phải đợi đến lúc mình chết đi, hay đến lúc Chúa trở lại để trở thành con cái Chúa “nhiều hơn.” Không, khi trở thành một người con, mình là con, không nhiều hơn, cũng không ít hơn, trong ngày cuối cùng.

2. Quá Khứ: Đức Chúa Cha đã tỏ sự yêu thương dường nào

Chúng ta trở thành con cái Đức Chúa Trời vì trong quá khứ, Đức Chúa Cha “đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào.” Chúng ta ai cũng có tội, không những có tội với người khác, nhưng quan trọng hơn hết, có tội với Thượng Đế: chúng ta sống một đời sống coi thường Ngài, đặt Ngài bên ngoài đời sống của mình. Mặc dầu Thượng Đế thánh khiết, oai nghiêm, và mặc dầu con người tội lỗi, đáng phải chết mất vì tội lỗi của mình, Chúa đã không diệt chúng ta, nhưng đã cho chúng ta trở thành con cái của Ngài.

Chúa đã phải trả một giá rất đắt để làm cho chúng ta thành con cái của Ngài. Ngài đã sai con một của Ngài là Chúa Giê-xu từ nơi thiên thượng cao sang xuống trần gian. Chúa Giê-xu đã từ bỏ tất cả, để trở thành con người, sinh ra trong một máng cỏ nghèo nàn. Ngài sống 30 năm làm con một người thợ mộc, và cuối cùng chịu chết đau đớn trên thập tự giá.

Giăng khuyên chúng ta “1 Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào.” Hãy suy nghĩ, cân nhắc về điều này. Tôi không muốn hỏi quý vị có thấy vui hay không. Không, xin quý vị đừng nghĩ đến tình cảm của mình ở đây, nhưng xin quý vị hãy dùng đầu óc của mình để suy nghĩ về những điều Chúa đã làm cho chúng ta. Thứ nhất, trong lúc chúng ta tội lỗi, Chúa đã không để chúng ta bị chết. Thứ hai, Chúa đã trả một giá quá đắt để rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Thứ ba, sau khi làm chúng ta sạch tội, thay vì đẩy chúng ta qua một nơi nào đó, rồi sai thiên sứ đến trị vì, Ngài cho chúng ta thành con cái của Ngài. Hãy suy gẫm về về tình yêu thương Chúa đã dành cho chúng ta, về việc Ngài đã đem chúng ta từ địa vị của một người tội lỗi xấu xa, đến địa vị của con cái Đức Chúa Trời.

3. Tương Lai: Chúng ta sẽ được vinh hiển

Thế thì tương lai của chúng ta như thế nào? Hai ngàn năm trước, Chúa Giê-xu xuống thế gian trong thân xác con người. Đó là sự kiện lịch sử. Và mỗi người tín đồ chúng ta cũng biết là Chúa sẽ trở lại lần thứ hai. Khi học sách Phi-e-rơ, tôi nói hội thánh của chúng ta phải là “Hội Thánh Vọng Phu,” mong chờ ngày Chúa trở lại, như người vợ ngày xưa mong chồng đi chinh chiến trở về. Giăng nói ở đây, “Còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.”

“Chúng ta sẽ giống như Ngài” có nghĩa gì ? Có hai phương diện ở đây. Phương diện thứ nhất là về thể xác. Bây giờ, chúng ta đang bị giam hãm trong thể xác hay hư nát, bịnh hoạn này. Nhưng ngày Chúa trở lại, chúng ta sẽ giống như Ngài, và thể xác của chúng ta sẽ không còn bị hư nát nữa. Mặc dầu chúng ta sẽ chết, nhưng khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ sống lại trong một thể xác vinh quang. Nhưng không chỉ nói đến vấn đề thể xác, Giăng còn nói đến cá tính của chúng ta nữa. Kinh thánh gọi người tín đồ là thánh đồ, và hôm nay chúng ta biết Chúa gọi chúng ta là con của Ngài. Nghe điều này, nhiều người không tin Chúa bực lắm. “Mấy anh mà là con của Đức Chúa Trời! Mấy anh không ra gì hết, nhiều khi còn sân si như tôi nữa.” Vâng, nhưng kinh thánh gọi chúng ta là thánh, và chúng ta phải biết mình là thánh, là con của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn. Chỉ khi Chúa Giê-xu trở lại, chúng ta mới “sẽ giống như Ngài,” sẽ thật sự mang bản tánh của Đức Chúa Trời.

Có một câu chuyện về nhà điêu khắc đại tài tên Michealangelo. Khi người ta mang đến cho ông một tảng đá cẩm thạch rất lớn, ông nhìn và cứ tấm tắc khen đẹp. Thấy nó chỉ là một tảng đá, mấy người giúp việc cho ông hỏi, và ông trả lời, “À, tôi quên là mấy anh chỉ thấy đây là một tảng đá. Nhưng tôi đã thấy Đa-vít ở trong đó. Tôi sẽ đẽo cục đá này, và ngày nào đó các anh sẽ thấy đây là tượng của Đa-vít.” Cũng vậy, mặc dầu bây giờ chúng ta có nhiều điều xấu xa, nhưng khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ giống như Đức Chúa Trời, và sẽ mang bổn tánh của Ngài.

4. Hiện tại: Hãy nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch.

Trước khi chấm dứt, xin chúng ta trở lại hiện tại. Lời Chúa không chỉ đưa chúng ta đến một mơ mộng xa xôi, nhưng luôn trở về hiện tại, để dạy chúng ta những điều thực thế trong đời sống hằng ngày. Việc Chúa Giê-xu trở lại sẽ xảy ra, và người tín đồ phải mong chờ điều đó. Trước kia tôi nói là, khi đã tin Chúa rồi, dầu mình phạm tội, mình vẫn là con của Chúa, và ngày Chúa trở lại chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài. Nhưng Giăng nói thêm, khi đã là con cái Đức Chúa Trời, đã có một tương lai xán lạn rồi, chúng ta không thể nào để mình phạm tội. Câu thứ 3, “Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch.” Chúng ta phải luôn luôn ráng sống cuộc sống đẹp lòng Chúa trong hiện tại. Trong sách Cô-rinh-tô thứ nhì, đoạn 3, câu 18, Phao-lồ viết, “Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh.” Câu “thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài” có vẻ không rõ nghĩa. Bản NIV dịch là “We are being transformed into his likeness...,” có nghĩa là chúng ta sẽ được biến hóa, thay đổi, thánh hóa để trở nên giống Ngài.

Trong đời sống, nhiều khi chúng ta gặp những khó khăn, thách thức. Chúng ta phải biết là, những khó khăn này Chúa cho xảy ra để rèn luyện, nung đúc mình thành người tốt hơn. Nhưng thường chúng ta nghĩ là Chúa muốn rèn luyện mình, để mình thành tốt hơn chỉ trong đời sống này mà thôi. Nếu sau này, khi gặp những khó khăn, thử thách lớn hơn, mình có thể đứng vững, vì đã gặp những khó khăn thử thách nhẹ hơn trước kia. Nhưng, như Phao-lồ cũng nói trong sách Cô-rinh-tô thứ nhì, đoạn 4, câu 17, “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên.” Chúa không chỉ rèn luyện chúng ta để sống trên đời này, nhưng để chúng ta trở nên giống Ngài trong ngày cuối cùng.

Bây giờ, xin chúng ta nhìn lại đời sống của mình, và hỏi, “Tôi có cảm thấy đời sống của mình càng ngày càng giống Chúa hay không?”

Mục Sư Đỗ Lê Minh