Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 8 | Hướng Dẫn

Bài 9

HỘI THÁNH VỌNG PHU

II PHI-E-RƠ 3:11-18

 

Thưa quý vị, tuần trước chúng ta học phần đầu của đoạn 3 trong sách Phi-e-rơ thứ nhì. Ôn lại, chúng ta thấy có nhiều kẻ nhạo báng về việc Chúa trở lại, và Phi-e-rơ trả lời bằng 3 cách. Thứ nhất, ông nói là họ đã quên rằng trước kia đã có lần Chúa trừng phạt thế gian bằng trận đại hồng thủy. Trong tương lai, Chúa cũng sẽ trở lại để hủy diệt thế gian, không phải chỉ bằng nước, nhưng bằng lửa, bằng lời của Ngài. Thứ hai, Phi-e-rơ nhắc là một ngàn năm trước mắt Chúa như một ngày, và một ngày như ngàn năm. Chúa không bị lệ thuộc trong thời gian một chiều như chúng ta. Thứ ba, Phi-e-rơ cho chúng ta biết là Chúa nhịn nhục chờ đợi để tất cả mọi người được cứu. Ông kết luận trong câu thứ 10, “Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.”

Bây giờ, không còn nhìn vấn đề một cách tiêu cực, Phi-e-rơ tiếp tục đoạn ba một cách tích cực hơn. Ông cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì để đón chờ ngày Chúa trở lại. Nếu tin là có ngày Chúa sẽ trở lại, chúng ta phải làm gì? Có phải chúng ta mặc áo trắng, leo kên nóc nhà, ngồi chờ hay không? Hay là chúng ta vô trong rừng ở ẩn, sống đời sống tách biệt khỏi xã hội? Xin chúng ta đọc nguyện đoạn này, từ câu 11 trở đi:

11. Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tôn kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào,

12. trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi!

13. Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở.

14. Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em trông đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được.

15. Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em, cũng như Phao-lồ, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thơ cho anh em vậy.

16. Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.

17. Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn thận, e anh em cũng bị sự mê hoặc của những người ác ấy dẫn dụ, mất sự vững vàng của mình chăng.

18. Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men.

Tích cực hơn, Phi-e-rơ nhấn mạnh một vài điều mà chúng ta phải làm trước khi Chúa trở lại. Đọc đoạn trên, chúng ta thấy có một chữ mà Phi-e-rơ nhắc đi nhắc lại đến 3 lần. Đó là “chờ đợi, trông mong.” Câu 12, “trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến;” câu 13, “chúng ta chờ đợi trời mới đất mới;” câu 14, “anh em trông đợi những sự đó.” Thành ra chúng ta không thể chỉ nói, “So what?” “Que sera, sera!” nhưng phải biết mong chờ Chúa trở lại.

Thật ra, nếu hiểu ý nghĩa của sự Chúa trở lại, nếu hiểu chương trình cứu chuộc của Chúa, chúng ta sẽ không làm gì khác hơn ngoài sự trông chờ đó. Vì chương trình cứu rỗi của Chúa bao gồm sự Chúa trở lại. Nếu không, nó thiếu sót rất nhiều. Nếu Chúa đến thế gian này chỉ để chết trên thập giá, và ngay cả nếu Ngài sống lại, mà Ngài không trở lại trần gian, thì chương trình cứu rỗi của Ngài không hoàn hảo. Bắt đầu từ Sáng Thế Ký, chương trình này đạt đến cao điểm của nó khi Chúa trở lại. Trong Sáng Thế Ký, Chúa đã tạo dựng trời đất, nhưng khi Chúa trở lại trong sách Khải Huyền, Ngài sẽ tạo dựng trời mới đất mới. Trong Sáng Thế Ký, Sa-tan lộng hành, lừa gạt con người, nhưng khi Chúa trở lại trong sách Khải Huyền, nó sẽ bị dày đạp, và quăng vào hố lửa sâu. Trong Sáng Thế Ký, con người phạm tội, bị đẩy ra khỏi vườn địa đàng; nhưng khi Chúa trở lại trong sách Khải Huyền, con người sẽ tìm được lại thiên đàng. Thiên đàng đã bị đánh mất trong Sáng Thế Ký; thiên đàng sẽ được tìm lại trong sách Khải Huyền.

Trong sách Công Vụ các Sứ Đồ, đoạn 3, khi Phi-e-rơ nới với một người què, “Hãy nhìn xem chúng ta.” Câu 5, “Vậy, người què nhìn chăm chăm hai người, tưởng sẽ được chút gì.” Chữ “trông chờ” ở đây là chữ “nhìn chăm chăm.” Thành ra, khi trông chờ Chúa như vậy, chúng ta nhìn chăm chăm đến Chúa. Chúng ta phải trông chờ Chúa trở lại như người đàn bà có thai mong chờ ngày sanh nở. Nếu một người đàn bà nào đang thai nghén, mà không trông chờ đến ngày mình sanh con, thì có cái gì không ổn trong đó. Cũng vậy, nếu chúng ta không trông chờ ngày Chúa trở lại, thì có gì không ổn trong sự tin kính của chúng ta. Chúng ta phải trông chờ Chúa trở lại giống như như em bé chờ mẹ đi chợ mua quà đem về, như người thanh niên trông chờ người yêu. Đề tài của bài giảng hôm nay của tôi là Hội Thánh Vọng Phu. Văn hóa Việt Nam có một câu chuyện của một người đàn bà có chồng đi chinh chiến xa, và đứng chờ chồng đến nỗi cuối cùng thành Hòn Vọng Phu. Nếu tôi được quyền đặt tên hội thánh nay, tôi sẽ không kêu là Hội Thánh Garden Grove, nhưng Hội Thánh Vọng Phu. Hội Thánh chờ người chồng trở về. Người chồng đó là Chúa Giê-xu, và chúng ta mong chờ Ngài trở lại.

Bây giờ Phi-e-rơ dạy chúng ta phải làm gì trong lúc mong chờ Chúa trở lại.

1. Nên thánh và tôn kính

Câu 11, “Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tôn kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến.” Trong đoạn 1, Phi-e-rơ nói, “3. Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính.” Giờ đây, Phi-e-rơ lặp lại là, khi trông chờ sự trở lại của Chúa, “anh em đáng nên thánh và tôn kính trong mọi sự.” Nên thánh và tôn kính là hai khía cạnh của đời sống chúng ta. Nên thánh thể hiện trong hành động mỗi ngày của mình; tôn kính là thái độ, tấm lòng của mình đối với Chúa. Nên thánh là việc làm của chúng ta trong đời sống này; tôn kính là động lực đưa đến những việc đó. Nên thánh nói tới đôi tay của chúng ta; tôn kính nói đến trái tim của chúng ta.

Bây giờ Phi-e-rơ nói rõ thêm thế nào là nên thánh và tôn kính. Câu 14, “Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em trông đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được.”

a. có sự bình an

Tôi muốn nói đến chữ “bình an” trước. Chữ bình an có thể hiểu theo 3 nghĩa. Thứ nhất là sự bình-an-với-Chúa. Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta chỉ có sự bình an với Chúa nếu biết đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu Christ. Chỉ khi tin nơi Ngài, chúng ta mới có được sự hòa thuận với Đức Chúa Trời trong ngày cuối cùng. Lúc ấy, Ngài không thấy tội lỗi của chúng ta nữa, vì dòng huyết của Chúa Giê-xu đã bao phủ chúng ta. Vì thế, mỗi người chúng ta phải biết đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu trước. Nếu không, chúng ta sẽ không có được sự bình an với Chúa, nên không thể trông chờ ngày Chúa trở lại. Nghĩa thứ hai là sự bình-an-của-Chúa. Sách Phi-líp đoạn 4 câu 7 viết, “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt qua moi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” Chúng ta chỉ có sự bình an của Chúa sau khi có sự bình an với Chúa. Nhưng có sự bình an với Chúa chưa chắc có sự bình an của Chúa. Chúng ta chỉ có sự bình an của Chúa nếu chúng ta sống một đời sống đẹp lòng Chúa, và làm những điều mà Chúa muốn chúng ta làm. Nếu có một tội lỗi nào đó mà chưa giải quyết, thì chúng ta chưa có sự bình an của Chúa. Chúng ta chỉ có sự bình an của Chúa, nếu biết là mình sẽ về lại với Chúa trong ngày cuối cùng. Nghĩa thứ ba là sự bình-an-với-nhau. Khi Phi-e-rơ khuyên chúng ta “phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an,” có lẽ ông nói đến sự bình an với nhau này. Khi Chúa trở lại, Ngài có thấy chúng ta có sự bình an với nhau không? Hội thánh chúng ta có sự hòa đồng hay không?

b. không dấu vít, chẳng chỗ trách được

Phi-e-rơ dạy chúng ta phải làm hết sức mình, trước là để có sự bình an, sau là để trở thành “không dấu vết, chẳng chỗ trách được.” Có hai khía cạnh ở đây: Không dấu vết là bản tánh thật sự của chúng ta, nhưng chẳng chỗ trách được là danh tiếng của chúng ta. Có 4 trường hợp có thể xảy ra: Có người vừa có dấu vết, vừa bị mang tiếng. (Hy vọng không ai trong chúng ta ở trong trường hợp này.) Có người có tội lỗi, nhưng sống đời sống đạo đức giả đến nỗi không ai biết tội lỗi của họ. (Hy vọng là mình không sống một đời sống hai mặt như vậy.) Có người không phạm một tội nào đó, nhưng bị mang tiếng. (Hy vọng là, nếu ở trong trường hợp, chúng ta có thể đánh tan tiếng xấu, để có thể thành một nhân chứng hữu hiệu.) Nhưng điều chúng ta phải làm là cố gắng hết sức để trở thành không dấu vết và không chỗ trách được. Mặc dầu không thể nào hoàn hảo được, chúng ta phải luôn luôn cố gắng. Chúng ta phải nhìn Chúa Giê-xu như một ngôi sao bắc đẩu, để cứ nhắm đến mỗi ngày, mỗi giờ trong đời sống chúng ta.

Câu hỏi giờ đây là, động lực nào khiến chúng ta có thể “làm hết sức mình?” Chúng ta không làm để được cứu, vì chúng ta đã được cứu rồi. Quý vị phải nhớ là câu nói này nằm trong bối cảnh của sự trở lại của Chúa. Chúng ta làm vì chúng ta mong chờ Chúa trở lại. Nói một cách tiêu cực, ngày Chúa trở lại, chúng ta sẽ nhận lãnh tất cả mọi điều vinh quang mà Chúa đã hứa cho chúng ta. So với sự vinh quang này, những điều vật chất mà chúng ta đang đeo đuổi ngày hôm nay sẽ trở nên vô nghĩa, không còn giá trị nữa. Nếu thấy như thế, tự nhiên chúng ta có thể sống đời sống đẹp lòng Chúa, tìm kiếm nước Đức Chúa Trời. Nói một cách tích cực hơn, nếu chúng ta nghĩ đến sự vinh quang đó, chúng ta không còn tâm trí, thì giờ để đeo đuổi những điều vật chất nữa.

2. Làm chứng

Phi-e-rơ đã nói trong câu 15, “Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em.” Chúng ta cũng không lạ lùng gì nữa với lý luận này của Phi-e-rơ. Trước đó, Phi-e-rơ đã nói trong câu 9, “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy làm nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Tuần trước, tôi đã bàn vấn đề này rồi. Nhưng hôm nay tôi xin đưa thêm một hình ảnh khác. Xin nhớ đến câu chuyện người con hoang đàng Chúa kể trong sách Lu-ca đoạn 15. Khi người con bỏ nhà ra đi, người cha làm gì? Hằng ngày ông đứng nhìn tận chân trời xa, để mong bóng dáng người con trở về. Phi-e-rơ nói ở đây là Chúa mòn mỏi mong chờ chúng ta trở về như người cha này.

Khi nãy tôi nói hội thánh chúng ta phải là Hội Thánh Vọng Phu, nhưng tôi phải nói tiếp theo là tôi mong hội thánh chúng ta không hóa đá, vì không làm gì cả. Biết Chúa sẽ trở lại, biết Chúa mong chờ mọi người được cứu, chúng ta không thể ngồi không, nhưng phải đi ra đem tin lành cho người khác, lôi kéo họ về với Chúa. Tôi khuyến khích mọi người làm chuyện này, vì một người không làm được. Mỗi người phải mời ít nhất một người đến Hội Thánh, và đó là lý do hội thánh chúng ta hiện hữu ở đây.

Trong sách Khải Huyền đoạn 10, câu 8, Giăng như thế này, “Tiếng mà tôi đã nghe đến từ trời, lại nói cùng tôi và bảo rằng: Hãy đi, lấy quyển sách nhỏ mở ra trong tay vì thiên sứ đương đứng trên biển và đất. Vậy, tôi đi tới vị thiên sứ và xin người cho tôi quyển sách nhỏ. Người phán: Người hãy lấy và nuốt đi, nó sẽ đắng trong bụng ngươi, nhưng trong miệng ngươi nó sẽ ngọt như mật.” Có nhiều diễn dịch về câu này, nhưng một cách diễn dịch là: Khi Giăng ăn cuốn sách này, thì miệng ông ngọt, vì ông thấy sự ngọt ngào khi đối diện với Chúa. Nhận được sự vinh hiển Chúa hứa cho là hương vị ngọt ngào trong miệng. Nhưng đồng thời với sự ngọt ngào trong miệng đó là sự đắng trong bụng. Đó là điều ông cảm nhận được khi nghĩ đến những người thân yêu chưa biết Chúa, và phải chịu sự trừng phạt đời đời. Chúng ta không thể chỉ thấy sự ngọt ngào trong miệng vì được cứu; chúng ta cũng phải có sự đắng trong bụng khi nhìn những người thân không được cứu. Phi-e-rơ nhắc đi nhắc lại rằng Chúa đang nhịn nhục chờ đợi những người khác tin Chúa, và chúng ta cũng phải nhắc đi nhắc lại điều này. Hội Thánh Vọng Phu không phải là hội thánh hóa đá, nhưng là hội thánh đi ra làm chứng.

3. Coi chừng giáo sư giả

Trước khi nói đến việc làm thứ ba, tôi xin đọc một bài thơ, do Mục Sư Văn Đài đọc cho tôi chép:

“Chắc chắn 25 tháng 8 ni,

Giê-xu Chúa đến rước ta đi.

Thiên Thần sẽ thấy đầy vui sướng.

Trần thế đừng mê chút tỷ ti,

Ngày đêm ta lắng nghe kèn chót,

Tỉnh thức đừng ai ngủ ngáy khì.”

Quý vị thấy trong bài thơ này có điểm gì sai không? Thưa, câu đầu trật lất. Tác giả bài thơ này nói rằng Chúa sẽ trở lại vào ngày 25 tháng 8 năm 1946! Có rất nhiều người vì thế bỏ nhà cửa, đến nhà thờ để chờ Chúa trở lại.

Phi-e-rơ đã bàn đến các giáo sư giả trong chương thứ hai. Bây giờ ông nói lại lần nữa rất rõ ràng: “15. Cũng như Phao lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thơ cho anh em vậy. Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình. Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn thận, e anh em cũng bị sự mê hoặc của những người ác ấy dẫn dụ, mất sự vững vàng của mình chăng.”

Thành ra mỗi người chúng ta phải biết rõ lời của Chúa, phải có căn bản vững vàng trong niềm tin, để không bị những giáo sư giả dẫn đi theo con đường lầm lạc.

Tóm tắt, không những chúng ta biết Chúa sẽ trở lại, nhưng chúng ta còn phải mòn mỏi trông chờ sự trở lại đó. Có ít nhất ba việc chúng ta có thể làm trong khi chờ đợi. Thứ nhất, chúng ta phải sống đời sống đẹp lòng Chúa, trong sự nên thánh và tôn kính, để không những mình không phạm tội, người khác cũng không thấy tội lỗi trong chúng ta. Thứ hai, chúng ta phải cố gắng đem tin lành đến người khác, vì chỉ như vậy Chúa mới trở lại sớm. Sở dĩ Chúa trì hoãn chưa trở lại, vì Ngài không muốn những người chưa tin Ngài bị chết mất. Thứ ba, chúng ta phải biết rõ niềm tin của mình, cố gắng học lời của Chúa, tạo cho mình một căn bản vững vàng trong niềm tin, để những giáo sư giả không len lỏi trong hội thánh, đưa dẫn chúng ta đi theo con đường lầm lạc. Còn thêm một điều thứ tư chúng ta sẽ học tuần tới.

Mục Sư Đỗ Lê Minh