Trang Đầu | Mục Lục | Bài 2 >> | Hướng Dẫn

Bài 1

CON ĐƯỜNG PHƯỚC HẠNH

THI-THIÊN 1

(BÀI GIẢNG NHÂN DỊP TẾT 2005)

 

Kính thưa quý vị: Người Việt Nam mình có nhiều phong tục đón tết. Một trong những phong tục đó, hiện nay có lẽ không còn nhiều người theo nữa, là khi xuất hành đầu năm thì phải chọn hướng đi cho đúng.

Báo Người Việt viết như thế này, “Chiếu theo lời dẫn của các báo Xuân Việt ngữ, như Xuân Người Việt, thì mồng Một tết Ất Dậu năm 2005 là ngày Hoàng đạo, ngày tốt nhất trong 3 ngày tết. Hướng xuất hành, nhằm tài thần và quý thần, là hướng đông bắc, trong giờ Mão tức là từ 5h đến 7h sáng, giờ Ngọ là 11h đến 12h trưa, và giờ Thân là từ 15h tới 17h chiều.”

Chúng ta biết đó là mê tín dị đoan. Dầu vậy hôm nay tôi cũng muốn dựa vào phong tục này, nhưng thay đổi một ít: Thay vì chỉ quý vị đi hướng nào - hướng bắc, hướng nam, hướng đông, hay hướng tây - tôi sẽ chỉ quý vị con đường quý vị theo để được nhiều ơn phước. Con đường tôi chỉ cho quý vị đi đó không phải chỉ để đi trong đầu năm mà thôi, nhưng trong mỗi giờ, mỗi ngày, suốt cuộc đời chúng ta.

Theo lời Chúa, chúng ta không cần theo hướng bắc, nam, đông, hay tây nhưng có hai con đường chúng ta phải chọn, đó là con đường đi lên và con đường đi xuống. Châm Ngôn 14:12 nói, “có một con đường coi dường như chính đáng với loài người nhưng đến cuối cùng nó trở thành nẻo sự chết.” Có con đường trông thật sáng sủa, đẹp đẽ, nhiều người đi, nhưng đến cuối cùng nó chỉ đi đến chỗ bế tắc mà thôi.

Hôm nay chúng ta sẽ học Thi Thiên 1 và sẽ thấy một con đường mà Chúa muốn chúng ta đi, tức là con đường đưa chúng ta đến chỗ đầy ơn phước của Chúa thay vì đến nẻo chết.

1. Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhơn, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;

2. Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Ðức Giê-hô-va, Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.

3. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì tiết, Lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.

4. Kẻ ác chẳng như vậy đâu; Nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi.

5. Bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày đoán xét, Tội nhơn cũng không được vào hội người công bình.

6. Vì Ðức Giê-hô-va biết đường người công bình, Song đường kẻ ác rồi bị diệt vong.

Có một đặc tính mà chúng ta thấy ở nhiều Thi Thiên là sự đối chiếu lẫn nhau. Thi Thiên 1 có ba câu đối. Và đây là ba câu đối đầu xuân cho chúng ta hôm nay.

Phước cho người nào chẳng theo mưu kế kẻ dữ, chẳng đứng trong đường của tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng,

lấy làm vui vẻ luật pháp của Đức Giê-hô-va và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.

người ấy sẽ như cấy trồng gần dòng nước sanh bông cái theo thời tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo, mọi sự người làm đều sẽ thịnh vượng

kẻ ác chẳng như vậy đâu, nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi, bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày phán xét, tội nhân cũng không được vào hội của người công bình

vì Đức Giê-hô-va biết đường của người công bình

Song đường kẻ ác rồi bị diệt vong

Quý vị có khiếu văn chương, nhân dịp năm mới này, tôi xin quý vị đặt ba câu đối này lại theo tinh thần câu đối tết. Nếu quý vị làm được, xin cho tôi biết, tôi cám ơn quý vị.

Câu đầu tiên bắt đầu bằng chữ phước. Tiếng Anh có ba chữ, thứ nhất là happy, thứ hai là joy và thứ ba là blessed tức là được phước. Happy là sự vui vẻ có được khi điều kiện thuận tiện. Happy đến từ bên ngoài; ngoại cảnh giúp cho mình được happy. Có sinh nhật thì tôi được happy birthday, được lên chức thì tôi happy…. Khác với happy, joy là những gì phát xuất từ bên trong tâm hồn mình. Nó sâu đậm hơn happy vì nó không tùy thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Mình có thể có joy mặc dầu đang đối diện với sóng gió bên ngoài. Nếu happy là mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời - có lúc chiếu, có lúc không - thì joy là mặt trời luôn luôn chiếu sáng. Nếu happy là nụ hôn đầu tiên của đôi tình nhân mới yêu nhau, thì joy là kỷ niệm cặp vợ chồng đã lấy nhau 50 năm trường. Nó đậm đà hơn, dai dẳng hơn. Happy đến khi một người nhận được món quà trong mùa Giáng Sinh, nhưng joy đến khi người đó biết rõ ý nghĩa của mùa Giáng Sinh. Happy đến từ bên ngoài, nhưng joy đến giống như người Việt Nam mình nói: “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc.”

Trong Chúa chúng ta có một chữ khác cao hơn chữ joy và chữ happy, đó là chữ phước (blessed). Khi nói đến phước, chúng ta nói đến cái gì ở từ trên xuống, chứ không phải từ ngoài vào (giống như happy), hay từ trong lòng mình ra (giống như joy). Chúng ta chỉ có phước khi được một Đấng nào đó cao hơn mình ban cho mình phước. Có phước thì tự nhiên chúng ta có joy, nhưng có joy không hẳn là có phước.

I. Con đường tiêu cực

Thi Thiên 1 nói có hai con đường: một con đường đi xuống đưa đến sự chết, một con đường đi lên đưa đến phước lành. Câu thứ nhất nói đến con đường đi xuống và người muốn được phước phải tránh con đường này. Nói một cách tiêu cực, muốn có phước, chúng ta “chẳng đi theo mưu kế của kẻ dữ.”

Kẻ dữ là ai? Có phải là kẻ trộm cướp, giết người? Vâng đúng như vậy, nhưng Kinh Thánh không chỉ giới hạn trong ý nghĩa hạn hẹp đó. Đối với Kinh Thánh, người nào sống mà không có Chúa là kẻ dữ trước mặt Chúa, dù họ sống một đời sống rất đạo đức, hay rất thành công trên đời này.

Chữ mưu kế của kẻ dữ ở đây cũng không chỉ giới hạn trong những tư tưởng lường gạt nhỏ nhặt, nhưng nói đến một nhân sinh quan, một triết lý sống mà trong đó người ta đặt mình lên trên Đức Chúa Trời. Đi theo mưu kế của kẻ dữ tức là đồng ý với nhân sinh quan đó.

“Nhưng tôi đâu để chuyện đó xảy ra!” Thưa quý vị, chúng ta phải cẩn thận, vì chuyện đó luôn tiếp diễn trong cuộc sống. Thế giới hầu như bao vây quanh chúng ta. Mở ti-vi coi, rất có thể chúng ta đã để thế giới bên ngoài ảnh hưởng chúng ta. Nghe một bài hát, rất có thể chúng ta đã để triết lý sống của người không có Chúa ảnh hưởng chúng ta.

Chúng ta phải biết thêm là Chúa không muốn chúng ta vì thế mà sống biệt lập, về nhà quê ở ẩn, tách rời khỏi xã hội nầy. Chúa Giê-xu nhập thế, sống giữa con người phạm tội. Điều quan trọng là khi sống với những người tội lỗi, chúng ta không để quan điểm, nhân sinh quan của họ ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Thi Thiên này nói đến những bước đi xuống lần lần. Bước đầu tiên là đi theo mưu kế của kẻ dữ, và bước kế tiếp là “đứng trong con đường của tội nhân.” Tội nhân là những người thật sự sống đời sống tội lỗi. Đây là những người không những không có Chúa trong suy nghĩ, nhưng cũng phản ảnh thái độ đó trong hành động, và cách cư xử của họ. Chúng ta đứng trong con đường của tội nhân khi chúng ta đồng hóa với họ, hành động như họ.

Lần nữa chúng ta nói mình đâu có đứng trong đường của tội nhân! Thật ra, không phải giết người cướp của mới gọi là đứng trong đường tội nhân. Nếu một người nhìn chúng ta mà không thấy chúng ta khác những người xung quanh, thì có thể chúng ta đã đứng trong đường của tội nhân rồi. Nếu tôi đi làm năm này qua năm nhưng không ai biết tôi là tín đồ hết, thì có thể tôi đã đang đứng trong con đường của tội nhân rồi.

Cuối cùng, “không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.” Bắt đầu từ coi thường Chúa trong tâm trí, chúng ta lần lần hành động giống như tội nhân, và bước kế tiếp là nhạo báng Chúa qua môi miệng chúng ta, nói lên những điều phạm thượng. Có thể chúng ta không dám chửi bới Thượng Đế, nhưng chúng ta từ chối Chúa, không còn can đảm nhận mình là tín đồ của Chúa nữa.

Con đường đi theo mưu kế của kẻ dữ, đứng trong đường của tội nhân, ngồi chỗ kẻ nhạo báng không phải là con đường mà Chúa muốn. Con đường nầy chỉ đưa đến sự chết mà thôi.

II. Con đường tích cực

Câu thứ hai bắt đầu bằng chữ song, nghĩa là “nhưng,” nói đến một con đường khác, con đường đi lên. Chúa muốn chúng ta không phải chỉ đợi đến tết mới xuất hành theo con đường này, nhưng phải liên tục liên tục bước đi trên con đường này mỗi ngày.

Đây là con đường trong đó chúng ta “lấy làm vui vẻ về luật pháp của Ðức Giê-hô-va.” Tôi chưa biết có ai đọc luật thuế ở nước này mà lấy làm vui vẻ, nhưng Kinh Thánh nói là chúng ta phải lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải hiểu chữ luật pháp rộng hơn, không chỉ giới hạn vào trong các sách như Lê-vi ký. Vui vẻ trong luật pháp của Đức Giê-hô-va không phải chỉ là đi học thần học, nghiên cứu từng chữ một trong Kinh Thánh như người Pha-ra-si, nhưng phải tin nhận đây là sự khải thị Thượng Đế cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta hiểu luật và biết mục đích của nó. Chúa ra luật đó để chúng ta thấy mình tội lỗi, không làm được điều Chúa muốn chúng ta làm, và do đó phải bám víu nương cậy Ngài. Vui vẻ về luật pháp của Chúa là có sự ham mê tận trong tâm của mình, muốn biết Chúa, muốn gần Chúa càng ngày càng nhiều hơn, và có sự ao ước muốn càng ngày càng giống Chúa hơn.

Bước quan trọng nhất để chúng ta có thể lấy làm vui vẻ về luật pháp của Chúa là tin Chúa. Nếu không tin Chúa, đọc Kinh Thánh chúng ta thấy khô khan, khó hiểu. Nếu không tin Chúa, chúng ta có thể lấy làm vui vẻ về những luật pháp trong Kinh Thánh, nhưng không thể lấy làm vui vẻ được về sự khải thị của Chúa trong đó. Có người ngay sau khi tin Chúa, đọc Kinh Thánh thấy Kinh Thánh khác hẳn. Đức Thánh Linh mở lòng họ ra cho họ thấy những điều mới lạ. Phải có Đức Thánh Linh trong lòng chúng ta mới thấy lời Kinh Thánh ngọt ngào làm sao.

Không phải chỉ lấy làm vui vẻ, chúng ta phải “suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.” Chúng ta không phải chỉ học Kinh Thánh như mình đi học trong trường, vì như thế cũng giống như người Pha-ra-si mà thôi. Tôn giáo Á Đông có sự suy tư (meditation) như thiền. Người ngồi thiền tìm cách tập cho đầu óc của mình trống không, có thể ngồi lặng yên nhiều tiếng đồng hồ mà không suy nghĩ gì hết. Người tín đồ chúng ta không suy tư như vậy, nhưng suy gẫm lời Chúa, đọc Kinh Thánh và suy nghĩ về nó mỗi ngày mỗi giờ trong đời sống của mình. Họ giống như một con bò lưu trữ cỏ trong bao tử, đến lúc nghỉ ngơi, đưa cỏ lên miệng để nhai lại.

Suy gẫm lời Chúa cũng đòi hỏi chúng ta thể hiện những điều chúng ta học được. Sự suy gẫm đó có ảnh hưởng đến cách chúng ta hành động mỗi ngày. Luôn luôn trong mọi cách đối xử, trong mọi lối làm ăn, chúng ta tập hỏi, “Lạy Chúa Giê-xu, trong trường hợp này Chúa muốn con làm gì?” Suy gẫm lời Chúa, chúng ta tập nhìn tất cả mọi chuyện xảy ra quanh qua lăng kính Kinh Thánh. Đọc lời Chúa ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn người khác. Chúng ta không còn nhìn người khác xem họ có tiền, có học vị hay không, …, nhưng chỉ xem họ có tin Chúa hay không, đã được cứu rỗi chưa.

Chúng ta phải phân biệt giữa những hành động tôn giáo và sự suy gẫm lời Chúa. Có người đến Hội Thánh, làm giáo sư, làm mục sư truyền giáo, làm tất cả mọi nghi lễ tôn giáo, nhưng không thật suy suy gẫm lời Chúa và nhờ thế thể hiện được những điều Chúa dạy trong Kinh Thánh. Người tin Chúa làm việc trong Hội Thánh, nhưng không ngừng ở đó. Người tin Chúa luôn luôn suy gẫm và thi hành lời Chúa.

III. Kết quả

Đó là con đường đi lên, con đường có Thượng Đế, có sự suy gẫm lời Chúa và vui vẻ áp dụng lời Chúa. Đó là con đường để chúng ta được phước.

Thật ra, nếu chỉ đi tìm phước, chúng ta sẽ không thấy phước. Tuy nhiên, như Kinh Thánh nói ở đây, nếu chúng ta lấy làm vui vẻ về luật pháp của Chúa, suy gẫm về luật pháp ấy thì chúng ta tự nhiên sẽ thấy phước.

Có con chó nhỏ muốn đi tìm phước. Nó đến gặp một con chó già Gu-ru và nói:

- “Bạch thầy, con biết cái đuôi của con là nguồn phước. Nhưng mà sao mỗi lần con chạy theo cái đuôi của con thì nó cứ trốn con. Con đuổi theo nó hoài, nhưng cứ thấy mình chạy vòng vòng, chẳng đi đến đâu!”

Con chó Gu-ru trả lời :

- “Ta biết hạnh phúc nằm trong cái đuôi, nhưng ta cứ bước tới, và khi ta bước tới thì cái đuôi sẽ chạy theo ta.”

Nếu chúng ta đi tìm phước, hay tìm những mẹo vặt như là hướng xuất hành đầu năm... để được phước, chúng ta sẽ không bao giờ thấy phước. Nhưng nếu chúng ta đi tìm Chúa, suy gẫm lời Ngài, thì tự nhiên chúng ta có phước, và cái phước này đến từ trên xuống, chứ không phải từ bên ngoài như là happy, hay từ bên trong như joy.

Kinh thánh diễn tả người được phước “như cây trồng gần dòng nước.” Để ý là cây được trồng gần dòng nước chứ không phải nó tự động đến gần dòng nước. Nếu chúng ta đi theo con đường của Chúa, tìm Chúa, lấy làm vui vẻ của lời Ngài, thì Ngài sẽ trồng chúng ta gần dòng nước và chúng ta sẽ có được nguồn phước, và tự nhiên cũng sẽ có được joy. Dòng nước của Chúa là dòng nước sống, tuôn tràn mãi mãi không bao giờ ngừng. Dầu phía trên có hạn hán bao nhiêu, có khô cằn bao nhiêu, cây vẫn có nước nuôi dưỡng nó và “lá nó cũng chẳng tàn héo.” Dầu bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống chúng ta như thất nghiệp, bệnh hoạn, dầu hoàn cảnh đau đớn bao nhiêu, thì chúng ta vẫn thấy mình có phước.

Chẳng những cây không khô héo mà còn “sanh bông trái theo thì tiết” nữa. Nếu cây ra lá xanh tươi mà không ra quả thì cũng vô ích. Chúa muốn đời chúng ta có mục đích nào đó, và có bao nhiêu người ở trên thế gian này chỉ mong thấy đời mình có ý nghĩa. Thành công bao nhiêu mặc kệ, nhưng thiếu mục đích từ Chúa, họ chỉ thấy mình suốt đời đầu tắt mặt tối phục vụ, làm giàu cho công ty mà thôi. Người trong Chúa có mục đích cho đời, đó là kết quả cho Chúa, và nhờ đó thấy đời mình có ý nghĩa. Chúng ta có thể hiểu sự kết quả này chẳng hạn như khi chúng ta đem được người mới về với Chúa, để họ cũng có nguồn phước, có được sự cứu rỗi giống như chúng ta. Chúng ta cũng có thể hiểu sự kết quả khi làm việc trong Hội Thánh, khi dùng những ơn tứ Chúa ban để nâng đỡ những người khác trong bước đường theo Chúa. Chúng ta cũng có thể hiểu sự kết quả là những trái của Đức Thánh Linh trong Ga-la-ti 5:22.

Câu 3 kết luận, “Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.” Thịnh vượng đây không phải là có nhiều tiền bạc. Kinh Thánh không bao giờ hứa hẹn cho chúng ta giàu có. Trong ân điển của Ngài, có thể Ngài ban cho chúng ta sự giàu có, và mỗi người chúng ta ở nước Mỹ này đã quá giàu có rồi. Nhưng Kinh Thánh muốn nói đến sự thịnh vượng thuộc linh của chúng ta. Người biết sống theo luật Chúa giàu có hơn ai hết, giàu đến nỗi có thể mua được những điều mà tiền bạc không mua được, chẳng hạn như ý nghĩa đời sống này.

Ở một làng nọ có một ông tín đồ nghèo lắm, nghèo tả tơi, tên là ông Ba. Một hôm ông đang ngồi ăn một bữa ăn nghèo nàn. Trước khi ăn, ông cúi đầu cám ơn Chúa. Nhìn lên, ông thấy ông Hai, là một người giàu nhất trong làng, đứng trước mặt. Nhìn thức ăn của ông Ba, ông Hai khinh bỉ, “Ôi! thức ăn này tôi cho chó tôi ăn thôi, cầu nguyện cái gì.” Ông Ba không trả lời. Sau khi nói chuyện một lát, ông Ba mới bật miệng nói, “À, hôm qua tôi nằm mơ thấy thiên sứ báo cho tôi một tin là tối hôm nay người giàu nhất trong làng này sẽ chết.” Ông Hai giật mình toát mồ hôi. Ông vội vã về nhà mời một bác sĩ đại tài đến: “Bác sĩ ơi, tối nay bác sĩ đến ở với tôi nha, để theo dõi sức khoẻ và chăm sóc tim mạch của tôi. Nếu tôi bị bạo bịnh, bác sĩ phải đem tất cả thuốc men, dụng cụ nào tốt nhất mà chữa cho tôi, vì ông Ba dọa là tối nay tôi chết đó.” Ông bác sĩ này đồng ý làm theo. Tối đó, một giờ sáng, hai giờ sáng, năm giờ sáng, bảy giờ sáng ông Hai không chết.Bỗng có người bước vào báo tin là ông Ba đã chết. Thật ra người nghèo nhất lại là người giàu nhất trước mặt Chúa trong làng đó. Ông giàu vì ông có đầy ơn phước của Chúa, và ơn phước này không đo lường được bằng tiền bạc. Ơn phước này đến với ông mặc dầu ông không tìm nó, nhưng ông tìm Chúa, lấy làm vui vẻ về luật pháp của Chúa, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.

Đầu năm tôi muốn chúc quý vị được thịnh vượng về tiền bạc nữa. Những đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là tôi muốn chúc mỗi chúng ta được thịnh vượng nhiều hơn về vấn đề thuộc linh. Mỗi người chúng ta càng ngày càng thấy là đời sống mình có ý nghĩa, càng thấy đời sống mình phản chiếu được hình ảnh của Chúa, càng thấy được bình an, càng thấy có một nguồn ơn phước tuôn tràn trong tâm hồn của mình mà người ngoài không bao giờ hiểu được. Thi Thiên 1 đã chỉ cho chúng ta cách được thịnh vượng thuộc linh, tức là chúng ta không đi tìm phước, nhưng tìm Chúa, tìm kiếm lời của Ngài, và sống cho Ngài.

Mục sư Đỗ Lê Minh