Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 9 | Hướng Dẫn

Bài 10

KHÁ NGỢI KHEN NGÀI

THI-THIÊN 103:1-5

(BÀI GIẢNG NHÂN LỄ TẠ ƠN 2004)

 

Kính thưa quý vị, trong mùa tạ ơn này, tôi xin chia xẻ với quý vị Thi Thiên 103, từ câu 1 tới câu 5:

1. Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va!

Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!

2. Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài.

3. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bịnh tật ngươi,

4. cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, lấy sự nhơn từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi.

5. Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon, Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng-hoàng.

Điều chúng ta cần làm trong ngày Tạ Ơn, nếu không làm trong những ngày thường, là tạ ơn Thượng Đế. Và cách nào để chúng ta tạ ơn Thượng Đế? Thi Thiên này khuyên chúng ta hãy ngợi khen, tôn vinh Ngài. Câu thứ nhất, “Khá ngợi khen Đức Giê-hô-va;” câu thứ hai, “Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va.” Chúng ta không ngợi khen một “Ông Trời” một cách mông lung, nhưng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Nói đến danh đó, chúng ta thấy được những mỹ đức của Ngài trong đó, đó là sự thánh khiết, yêu thương.

Trái nghĩa với sự ngợi danh Chúa là lấy danh Chúa làm chơi. Điều đáng buồn là nhiều người Việt Nam, ngay cả nhiều người tín đồ, thường dùng chữ “Trời ơi!” như một chữ đệm trong câu nói của mình. Đó là lấy danh Chúa làm chơi. Nếu có thói quen này, xin quý vị ráng tập bỏ đi.

Có thể chúng ta không dùng danh Chúa làm chơi, nhưng chúng ta hững hờ với danh Chúa. Chúng ta nhận được bao nhiêu ân phước Chúa ban trong đời sống, nhưng không để ý gì đến Ngài. Chúng ta nghĩ chúng là cái kết quả của việc mình làm, hơn là ơn phước đến từ nơi Chúa. Tác giả Thi Thiên nói, “Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!”

Hôm nay tôi xin chia xẻ với quý vị một vài nguyên tắc, một vài phương cách để chúng ta ngợi khen Chúa. Làm thế nào chúng ta ngợi khen Thượng Đế một cách đẹp lòng Ngài?

1. Cảm tạ cách riêng tư

Nguyên tắc đầu tiên là chúng ta phải ngợi khen Chúa một cách riêng tư. Trong Thi Thiên này tác giả (có lẽ là Đa-vít) không nói chuyện với người khác, nhưng với chính mình. Ông nói, “1. Hỡi linh hồn ta...” Ông nói chuyện với linh hồn mình, khuyến khích linh hồn mình ngợi khen Chúa. Chính tôi đây, tôi phải ngợi khen Chúa từ trong đáy lòng. Đây là điều riêng tư mình làm, có thể không ai biết hết.

Mình biết rõ khi nào linh hồn mình thực sự thờ phượng Chúa. Khi nói chuyện với linh hồn mình, mình không nói láo được, không đóng kịch được. Đôi khi vào nhà thờ, mình thấy người ta ca hát ngợi khen Chúa, thì mình cũng hát theo, nhưng thật ra trong lòng không có sự ngợi khen Chúa. Chúng ta ngợi khen Chúa giữa tập thể, giữa Hội Thánh, cùng với gia đình, đó là những điều tốt. Nhưng điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải ngợi khen Chúa trong chính linh hồn mình.

2. Cảm tạ hết lòng

Thứ nhất là chúng ta cảm tạ một cách riêng tư, và thứ hai chúng ta cảm tạ hết lòng, với tất cả con người của mình. Tác giả nói ở đây, “Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!” (câu 1b). Chúng ta không sống một đời sống có ngăn chia: Lúc này chúng ta thờ phượng, ngợi khen Chúa; lúc khác chúng ta không để ý gì đến Ngài. Khi gần với một số người nào đó chúng ta ngợi khen Chúa; gần người khác chúng ta không. Thưa không, tác giả nói là tôi ngợi khen Chúa với tất cả mọi điều trong tôi. Tôi ngợi khen Chúa bằng cả thân thể này, dâng cả thân thể này làm của lễ đẹp lòng Chúa. Tôi ngợi khen Chúa bằng cái miệng của tôi, bằng lời nói của tôi, với những câu nói “có hậu,” chứa đầy tình yêu thương và sự chân thật, làm đẹp lòng Chúa và người nghe. Tôi ngợi khen Chúa bằng đôi mắt của tôi, không nhìn những điều dơ bẩn, nhưng hướng thượng chiêm ngưỡng Thượng Đế. Tôi ngợi khen Chúa bằng lương tâm của mình, chỉ làm điều gì lương tâm mình không trách móc. Tôi ngợi khen Chúa bằng quyết định của mình, chọn lựa mọi điều dựa theo lời Chúa dạy. Tôi ngợi khen Chúa bằng cả tình cảm của mình, chỉ ham muốn những điều mà Chúa muốn, ghét những gì Kinh Thánh dạy mình phải ghét. Tôi ngợi khen Chúa bằng trí tưởng tượng của mình. Trong đêm khuya, những gì tôi mơ tưởng có làm đẹp lòng Chúa hay không? Tôi ngợi khen Chúa cũng bằng hy vọng của mình nữa. Mình hy vọng điều gì? Có phải được trúng số, được tiền bạc cao sang, hay mình hy vọng vào một ngày về lại trên thiên đàng với Thượng Đế.

3. Cảm tạ cách cụ thể

Thứ ba là mình cảm tạ Chúa một cách cụ thể. Mình không thể nào chỉ nói một cách bâng quơ là “Cám ơn Chúa! Cám ơn Chúa! Ha-lê-lu-gia! Ha-lê-lu-gia!” mà không biết mình cám ơn Chúa về điều gì. Khi cám ơn Chúa, mình phải nhớ lại những điều Chúa đã làm cho mình một cách cụ thể rõ ràng, như Thi Thiên này nói, “2b. Chớ quên các ân huệ của Ngài.”

Điều đáng buồn là con người chúng ta chỉ nhớ những điều mình làm cho người khác, hơn là điều mà Thượng Đế làm cho mình. Cũng như sau khi Chúa Giê-xu chữa lành cho 10 người cùi, chỉ có một người trở lại cám ơn Ngài, chín người kia quên mất ơn huệ mà Ngài đã ban cho họ. Bởi vậy Chúa mới cho chúng ta tiệc thánh để nhắc nhở chúng ta về dòng huyết Ngài đã đổ ra cho chúng ta. Có thể quý vị không muốn nói ra trước Hội Thánh, nhưng mỗi người chúng ta phải có một điều gì Chúa ban để ca ngợi, để cám ơn Thượng Đế từ trong tâm hồn mình.

Quý vị chắc biết nguồn gốc của lễ Tạ Ơn ở nước Mỹ này. Trước kia có những người từ bên nước Anh di dân qua đây để tìm tự do tôn giáo. Mặc dầu trong những năm đầu tiên, đời sống họ rất khó khăn, họ vẫn có dịp ngồi lại tạ ơn Thượng Đế. Trong dịp tạ ơn đầu tiên, họ nghèo đói đến nỗi trên dĩa của mỗi người chỉ vỏn vẹn có năm hột bắp. Nhưng họ dùng năm hột bắp này để đếm các ơn Chúa ban. Nhìn hột bắp thứ nhất, họ nhớ đến một ơn phước Chúa ban, và họ kể ơn phước đó ra; nhìn hột bắp thứ hai, họ kể một ơn phước khác.... Họ kể ra ít nhất năm ơn phước mà Chúa ban cho họ. Hôm nay chúng ta cũng bắt chước phong tục đó. Nhưng tôi xin chia xẻ với quý vị không phải năm, mà là sáu hột bắp. Đây là sáu hột bắp mà Đa-vít gởi tặng chúng ta trong Thi Thiên này, để nhân dịp lễ Tạ Ơn này, chúng ta có thể nhìn từng hột bắp một, và cám ơn Chúa về điều Ngài ban cho chúng ta. Mỗi người tín đồ chúng ta phải có ít nhất sáu điều này để cám ơn Chúa.

a. Ngài tha thứ

Nhìn hột bắp đầu tiên, chúng ta nhớ lời của Đa-vít, “3. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi.” Điều đầu tiên Đa-vít ca ngợi Chúa là Ngài đã tha thứ các tội ác của mình. Đa-vít trước kia phạm một tội rất là nặng, đó là tội tà dâm và giết người. Lúc viết Thi Thiên này, ông không hiểu được rõ ràng cách nào Chúa tha thứ tội ác của ông. Nhưng bây giờ chúng ta hiểu cách Chúa tha thứ tội ác của chúng ta: Chúa tha thứ bằng cách để Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá. Dòng huyết của Ngài đã rửa sạch tất cả các tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta không thể nào nói một cách bâng quơ là Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta. Chúng ta chỉ hiểu được sự tha thứ này khi nhìn lại con người của mình trước khi biết Chúa. Mặc dầu trước kia mình có thể ăn hiền ở lành, làm bao nhiêu điều thiện đi nữa, nhưng mình không có Chúa, sống đời sống như thể mình là ông chủ của đời mình, coi mình là cái rốn của vũ trụ. Bây giờ mình biết đó là những điều Thượng Đế ghét nhất. Nhưng Ngài đã tha thứ tất cả tội lỗi của mình, và mình cám ơn Ngài. Tất cả những tội lỗi mà chúng ta đã phạm trước kia, do cái tay này tạo ra, cái miệng này nói ra, cái óc này nghĩ ra, đã được Chúa tha thứ rồi. Nếu không biết là mình có tội, là Chúa đã tha thứ mọi tội lỗi của mình, chúng ta chưa phải là tín đồ, và vì thế không thể tạ ơn Đức Giê-hô-va được.

b. Ngài chữa bịnh

Hột bắp thứ hai mà Đa-vít tặng cho chúng ta ở đây là Ngài “chữa lành mọi bệnh tật ngươi” (câu 3b). Khi bị bệnh, tôi đi bác sĩ, và bác sĩ chữa bệnh cho tôi, chứ Đức Chúa Trời có làm gì đâu? Nhưng thưa không, chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời dùng thuốc thang, dùng bác sĩ, để chữa lành bệnh hoạn trên thế gian này.

Nhưng khi suy nghĩ về câu này, tôi cảm thấy nó hơi không đúng, vì mỗi người chúng ta vẫn còn bệnh tật trong thân thể. Tôi đã đứng trước bao nhiêu ngôi mộ của người đã chết vì căn bệnh hủy hoại thân thể họ. Thế mà Đa-vít lại nói là Ngài đã chữa lành mọi bệnh tật của chúng ta! Thật ra, bí quyết để chúng ta hiểu câu này là chữ ngươi. Chữ này nói đến ai? Thưa, Đa-vít đang nói chuyện với linh hồn của mình, và ông nói là Chúa đã chữa bệnh tật của linh hồn. Không chỉ cám ơn Chúa là Ngài tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta, Đa-vít còn cám ơn Ngài là Ngài đã chữa lành những bệnh tật trong linh hồn chúng ta nữa. Kinh Thánh dạy là, trước khi tin Chúa, chúng ta là những người đã chết, chết về vấn đề thuộc linh. Nhưng khi Chúa đến trong tâm hồn chúng ta, Đức Thánh linh ngự vào lòng chúng ta, linh hồn chúng ta sống dậy, có một sức sống mới, có một chiều sâu mới. Bây giờ linh hồn của mình thay đổi, bắt đầu nở bông trái Đức Thánh Linh. Và Đa-vít nói với linh hồn mình, “Linh hồn ơi, Thượng Đế không những đã tha thứ các tội lỗi trong của linh hồn, lại còn đã chữa lành những bệnh tật của linh hồn.”

Trở lại vấn đề bệnh hoạn trong thân thể. Đa-vít biết là Chúa không chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Sau khi phạm tội tà dâm và giết người, ông nài xin Chúa đừng giết người con trai của ông, nhưng Chúa vẫn để nó bị bệnh và chết. Phao-lồ cũng nài xin Chúa chữa lành bịnh trong thân thể của ông, nhưng Chúa không nhậm lời. Nhưng chúng ta phải biết là, nếu linh hồn của chúng ta được chữa lành bệnh, thì thể xác của chúng ta cũng sẽ lành bệnh. Ví dầu thân thể của mình có chết đi, mục rữa đi, nhưng một ngày nào đó mình sẽ sống lại trong một thân thể mới. Được biến hóa cho thích hợp với thiên đàng, thân thể đó sẽ không còn mỏi mệt, bệnh hoạn, hay đớn đau nữa.

c. Ngài cứu chuộc

Bây giờ là hột bắp thứ ba: “Ngài cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát” (câu 4). Chúng ta có thể hiểu theo nghĩa đen là, trước khi biết Chúa, đời sống chúng ta là đời sống của sự hư nát. Vâng, có thể chúng ta rất thành công, làm được rất nhiều tiền, nhưng đời sống của chúng ta không có ý nghĩa. Nhưng sau khi biết Chúa, đời sống chúng ta thành mới mẻ hoàn toàn, có ý nghĩa, có mục đích.

Nhưng có lẽ Đa-vít nói ở đây đến ý nghĩa thuộc linh. Chúa rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm linh hồn chúng ta được tươi mới lại, và Chúa cứu linh hồn chúng ta khỏi hỏa ngục đời đời. Ngài chuộc chúng ta bằng chính mạng sống của Ngài, bằng cái chết của Ngài trên thập tự giá, để chúng ta được thoát ra khỏi sự hư nát.

d. Ngài đội cho mão triều thiên

Câu 4b, “Ngài lấy sự nhơn từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi.” Không những Ngài đã tha tội cho chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi nơi hư nát, Ngài lại còn đội cho chúng ta một cái mão, gọi là sự nhân từ và thương xót. Cái mão tượng trương cho một cái gì vinh quang nhất. Một người đội mão để chứng tỏ địa vị của họ đối với người khác. Mỗi người chúng ta có cái mão mà Đức Chúa Trời đội cho. Và nếu người ngoài không thấy, chúng ta phải thấy mình có một địa vị khác. Địa vị khác đó là địa vị gì? Thưa, bây giờ mỗi người chúng ta là con cái của Chúa, là thái tử, là công chúa, và là anh em, bạn bè của Chúa.

Đây là mão của sự nhân từ và sự thương xót. Chúa bao phủ con người chúng ta bằng sự yêu thương, nhân từ và thương xót của Ngài. Khi chúng ta sống lại, cái mão nhân từ thương xót này sẽ trở thành cái mão vinh quang đời đời.

e. Ngài làm thỏa lòng

Bây giờ đến hột bắp thứ 5 mà Đa-vít đưa tặng chúng ta, để chúng ta cám ơn Chúa. Câu 5, “Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon.” Vâng, ở bên Mỹ này, Thượng Đế cho chúng ta bao nhiêu vật ngon. Nhưng ngay cả khi chúng ta sống ở một nơi thật nghèo nàn, câu này cũng vẫn áp dụng được. Vì câu này không nói là Ngài cho chúng ta các vật ngon, nhưng Ngài cho miệng chúng ta được thỏa các vật ngon. Cái bí quyết ở đây là sự thỏa lòng, chấp nhận những gì mình có, và lấy làm vui về điều đó. Có nhiều người có tất cả, nhưng vẫn không có sự thỏa lòng, vẫn ham muốn thêm các điều ngon hơn, tốt hơn. Nhưng sau khi thấy được điều Chúa đã làm cho linh hồn mình rồi, thì người tín đồ bắt đầu có sự thỏa dạ, lấy làm vui về điều Chúa đã ban cho mình. “Tri túc, tiện túc; đãi túc, hà thời túc,” đó là cái bí quyết người xưa dạy.

Có ông phi công nọ mỗi ngày cất cánh khỏi phi trường đều nhìn dòng sông bên cạnh một cách bùi ngùi. Khi người phụ lái của ông hỏi tại sao, ông trả lời, “Lúc còn nhỏ tôi thường câu cá bên bờ sông đó. Mỗi khi nhìn máy bay, tôi mơ một ngày nào đó mình sẽ làm phi công. Bây giờ làm phi công rồi, mỗi khi lái máy bay, tôi lại nhìn dòng sông đó, và mơ rằng mình đang ngồi đó câu cá.” Chúng ta nhiều khi chỉ mơ những điều mình không có, và không thấy thỏa lòng về điều mình đang có. Chúng ta cần phải biết là mỗi người chúng ta đã được Chúa yêu thương quá nhiều, yêu thương đến nỗi đã cho tâm hồn chúng ta bao nhiêu ơn phước, và chúng ta phải thấy thỏa lòng, cám ơn Chúa về những điều Ngài ban cho chúng ta.

f. Ngài làm trẻ lại

Một điều nữa mà Đa-vít nói, như hột bắp thứ sáu, là Ngài làm cho chúng ta trẻ lại: “Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng-hoàng.” Đúng ra, thay vì dịch là “chim phụng hoàng,” chúng ta phải dịch là “chim đại bàng.” Chim đại bàng là con chim có tầm vóc lớn, có sức mạnh, và tác giả nói Chúa cho mình trẻ lại giống như chim đại bàng. Đây là nhận xét của cá nhân tôi: Tôi thấy những người già biết Chúa khác hẳn với những người già không biết Chúa. Ít nhất đầu óc của họ minh mẫn hơn. Chúa ban cho những người biết Ngài một sức mạnh ngay cả trong tuổi già, vì họ có một cái gì vui vẻ, tích cực trong tâm hồn, hơn là chỉ ngồi đó than vãn, chờ chết. Có một ý nghĩa của đời sống, người già trong Chúa sống như một người trẻ. Xin lỗi, tôi xin đưa Bà Mục Sư Phải làm bằng chứng. Chúng ta phải hổ thẹn khi thấy bà cố gắng đi bộ một đoạn đường xa, để đến đây thờ phượng Chúa. Đây là điều mà người không biết Chúa không có được.

Có điều hay là con chim đại bàng có thể lột da như con rắn. Sau một thời gian, mỏ và móng của nó có nhiều chất calcium, thành cứng lại và thô kệch. Và nó cũng bị rụng lông nên không bay được như xưa. Có một lúc nào đó, chim từ trên cao bay xuống, kiếm một hốc đá, và trong hốc đá đó, nó mài cái mỏ và cào mấy cái móng của nó vô đá để cho hết chất calcium. Nó cũng nhổ hết lông của nó đi. Đó là thời gian rất nguy hiểm cho chim. Nhưng sau đó một thời gian, móng của nó mọc ra đẹp như xưa, lông nó mọc đầy trở lại, và nó lại cất cánh bay đi. Cũng vậy, có một lúc nào đó mỗi người chúng ta phải biết giam mình trong hốc đá của Chúa Giê-xu Christ, để Ngài lột hết tất cả những gì cũ trong chúng ta, và ban cho chúng ta một sức mới để bay cao như chim đại bàng.

Thưa quý vị, đó là sáu ơn phước Chúa ban, mà Đa-vít muốn chia xẻ với chúng ta, để mỗi người chúng ta thấy mình có quá nhiều ơn phước. Đó chưa kể những điều mình có trong đời sống của mình nữa. Trong năm qua Chúa đã ban cho tôi bao nhiêu ơn phước, đếm không hết. Và tôi biết chắc mỗi quý vị cũng đã được Chúa ban quá nhiều. Bây giờ tôi mời quý vị đứng lên để đếm các ơn Chúa ban trong đời sống của mình, cho linh hồn của mình, và cám ơn Chúa.

Mục sư Đỗ Lê Minh