Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 8 | Bài 10 >> | Hướng Dẫn

Bài 9

Chúa Đáp Lời Trong Lúc Gian Truân

 

      Tôi trở lại Chonju vào một ngày tháng hai, lạnh cóng.  Tuyết rơi ngập sân trường.  Tôi khom mình xuống lầm lủi bước đi trong rét mướt. Khó khăn lắm, tôi mới lên được các bậc tam cấp cao nghều và trơn trợt để vào trình diện giáo sư khoa trưởng trong văn phòng riêng của ông.  Gặp lại tôi, ông chỉ gật đầu cho có lệ. Còn bà Carol Chu ngước mắt nhìn tôi “phán” một câu lạnh lùng:

-    Cậu có mang theo năm nghìn đô- la đó không?

-    Dạ không, thưa giáo sư.  Tôi chỉ có ba trăm đô-la

-   Vậy thì hãy về lại Việt Nam đi! Nhà trường không trả tiền cho cậu lần thứ hai nữa. 

-  Thưa giáo sư! Tôi về nhà dưỡng bệnh, chứ đâu có làm gì để có được số tiền như vậy.

-  Cậu không chấp hành yêu cầu của trường, chúng tôi không biết đến cậu nữa!

Biết nói gì hơn, tôi lặng lẽ bước ra khỏi phòng của ông bà.  Trái tim tôi co thắt và quá đỗi ngạc nhiên trước thái độ thay đổi kỳ quặc và lời nói lạnh lùng của những giáo sư mình.  Tôi lững chững bước xuống những tam cấp đầy tuyết giá và ngửa mặt lên trời để kêu xin cùng Chúa:        “Chúa ôi! Xin hãy thương xót con! Con khốn cùng và thiếu thốn.”

Tôi vừa đi xuống phòng trọ vừa khóc.  Bỗng tôi nghe một giọng nói quen thuộc của giáo sư Yu-Té-Yu, người Hàn.  Ông là người vẫn thường đến thăm viếng tôi trong những ngày ở bệnh viện, cũng như lúc về phòng trọ.

- Teacher Té phải không, em qua lại đây khi nào? Ông nói tiếng Anh rất giỏi và vội vàng chạy đến nắm tay tôi. Ông lo lắng hỏi:

- Sao em khóc?

- Thưa giáo sư… chắc em phải trờ về lại Việt Nam. Giáo sư Chu bảo như vậy.

- Tại sao bà ấy lại ra lệnh như thế chứ? Ông có vẻ không vui.

- Vì em không có năm nghìn đô la để đóng cho bệnh viện trong lần mổ thứ nhì sắp tới.

Giáo sư Yu-Té-Yu ôm tôi vào lòng thật chặt.  Từ nơi ông, toát ra hơi ấm của tình người và tình yêu trong Chúa:

- Ồ! Có gì đâu, Chúa của chúng ta giàu có lắm, em biết không? Đừng lo lắng làm gì! Đi với tôi lên Chapel chúng ta cùng nhau cầu nguyện.  Tay tôi trong tay ông cùng qùy gối để trình dâng nan đề lên cho Đức Chúa Trời.

  Trên đồi cao nhìn xuống thung lũng, những cây cối trơ trụi phủ trắng trong những bông hoa tuyết.  Không khí vắng lặng đến rợn người.  Bên ngoài, rét mướt tràn cứ vào những khe cửa.  Tiếng cầu nguyện thiết tha của hai thầy trò dường như xua tan đi cái giá buốt.  Tình yêu và niềm tin quyết của hai mái đầu cùng với sự khát khao Chúa làm cho chúng tôi mạnh mẽ như chàng Đa-vít dũng cảm thuở xưa trước người khổng lồ Gô-li-át.

    “Đa-vít đáp cùng người Phi-li-tin rằng: Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhơn danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo binh Y-sơ-ra-ên, mà người đã sỉ nhục…Khắp thế gian sẽ biết rằng Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời; và quân lính này sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến trận, và Ngài sẽ phó các ngươi vào tay chúng ta.”

                                                        (I Samu-ên 17: 45)

 Vâng, đức tin và sự nhờ cậy Chúa khiến hai thầy trò chúng tôi cảm thấy mạnh mẽ lạ thường.  Chúng tôi nhận diện được kẻ thù là ma quỷ của thế giới tối tăm, nên phải lấy lời của Đức Chúa Trời và sự quỳ gối mà cự địch lại chúng nó.

 Sau khi cầu nguyện, tâm hồn tôi thanh thóat và cảm nhận được rằng bảo hiểm y tế đã được Đức Chúa Trời trả xong. Bước xuống cầu thang, tôi nhìn lên trên tường, một bức chân dung tuyệt đẹp của một hoạ sĩ nào đó, vẽ Chúa Jê-sus với đôi mắt buồn xa xăm cùng những giọt máu đào nhỏ xuống. Lòng tôi rung động và biết ơn Ngài.

 

 Những ngày trở lại trường, tôi phải tự túc lo mọi thứ vì các tiêu chuẩn trợ cấp đã bị cắt hết. Bây giờ tôi mới hiểu ra một điều thật chua xót.  Ông bà giáo sư khoa trưởng thật sự muốn xua đuổi tôi đi ra khỏi trường để không phải mang lấy gánh nặng. Thảo nào, từ ngày tôi vào bệnh viện cho đến khi xuất viện, giáo sư khoa trưởng chỉ ghé thăm một lần duy nhất.  Còn bà Chu, giáo sư cố vấn của tôi vẫn biệt tăm chưa một lần nào ghé thăm, cũng không bao giờ gọi một cú điện thoại! Tôi có buồn nhưng không hề oán trách bởi vì tôi tin chắc đây là chương trình của Đức Chúa Trời.  Ngài để cho những hoàn cảnh nghiệt ngã ấy xảy ra hầu giúp tôi chiêm ngưỡng được tình yêu vĩ đại và sự quan phòng kỳ diệu của Ngài. Quả thật như vậy, từ trên cao Đức Chúa Trời nhìn thấy tất cả. Ngài rủ lòng thương xót đứa con tội nghiệp của Ngài đang sống trong cô đơn và cùng khốn, không biết ngày mai sẽ như thế nào! Đức Chúa Trời lại có một chương trình tiếp trợ đặc biệt khác.  Ngài sai các tôi trai tớ gái của Ngài từ Hội Thánh Jê-bôn, An-ti-ốt đến thăm viếng và chia sẻ thực phẩm cho tôi. Những giáo sư người Hàn và sinh viên của trường Hanil đến thăm tôi mỗi ngày trước và sau giờ học. Có anh em đã cởi chiếc áo lạnh đang mặc choàng lên vai tôi cho đỡ cóng. Người khác chia đôi phần ăn của họ cho tôi một nửa.  Đức Chúa Trời dùng một nữ giáo sư đứng tuổi của một trường trong vùng lân cận đến thăm viếng thường xuyên và tận tình giúp đỡ.  Tình yêu của Chúa bao la, bát ngát, mênh mông như đại dương.

   “Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va thay!

   “Vì Ngài đã nghe tiếng cầu khẩn của tôi

   “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và cái khiên của tôi;

   “Lòng tôi đã nhờ cậy Ngài, và tôi được cứu- tiếp;

   “Vì vậy lòng tôi mừng rỡ

    “Tôi sẽ lấy bài ca mà ngợi khen Ngài.

                                       (Thi Thiên 28:6, 7)

 

  Buổi sáng hôm ấy là ngày cuối cùng tôi phải rời khỏi Viện Thàn Học, vì dường như có một sự xô đuổi im lặng.  Tôi bưng tô mì tôm trong tay nhưng không thể nào nuốt nổi. Nước mắt đã hoà tan trong đó.  Chỉ còn vài chục phút nữa là tôi phải ra bến xe buýt để đến phi trường In-chi-on.  Mắt tôi không rời chiếc điện thoại để bàn và trong lòng thiết tha mong đợi sự trả lời từ nơi Chúa.  Từ sâu thẳm trong lòng, tôi nhận được tín hiệu rằng Ngài sẽ đáp lời kịp lúc.  Một lần nữa, tôi nhìn xung quanh khung cảnh của phòng trọ, nhưng tâm trí vẫn cứ bám riết Chúa trong sự chờ đợi khát khao.  Tôi tin chắc rằng sẽ có cú điện thoại từ văn phòng thông báo lệnh của Đức Chúa Trời, Đấng đang vận hành trên mọi sự và Ngài sẽ bênh vực cho tôi.  Không hề sai, chuông điện thoại đổ vang, tôi nhắc lên và nghe giọng cô Park-Man- Duck:

Teacher The! Chuẩn bị lên bệnh viện để giải phẫu nghen! Họ vừa thông báo cho tôi biết. Chúc mừng anh!

Tôi nhảy lên, và ném tô mì vào giỏ rác.  Đức Chúa Trời của tôi tuyệt diệu quá!  Ngài đã bênh vực duyên cớ tôi.  Ngài đã và đang  nắm cánh tay tôi dắt đi từng bước.  Tôi còn phải sợ ai nữa chứ? Từng tế bào trong da thịt trào lên sức sống mới và cảm thấy mạnh mẽ lạ thường.  Tôi có cảm giác như mình đã được chữa lành ngay lúc đó vì có Đấng quyền năng tiếp sức.

Mấy phút sau, một người bạn lái xe đưa tôi vào bệnh viện. Lòng tôi ấm áp không sợ hãi nữa, mặc dầu tuyết vẫn cứ rơi đều. Nhiệt độ âm xuống thấp dưới mười lăm. 

Sau này, tôi được biết chính Đức Chúa Trời dùng giáo sư Yu-Té-Yu và Hội Thánh nơi ông sinh hoạt, gửi năm nghìn đô la cho bệnh viện Jê-sus, để tôi được giải phẫu lần này.  Tạ ơn Chúa! Con lớn tiếng ngợi khen Ngài!

 

Đức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi:

“Tôi sẽ sợ ai?

“Đức Giê-hô-va là đồn lũy của mạng sống tôi:

“Tôi sẽ hãi hùng ai?”

                              (Thi Thiên 27: 1)

Ngươi sẽ bước đi trên sư tử và rắn hổ- mang;

“Còn sư tử tơ và con rắn, ngươi sẽ giày đạp dưới chơn.

“Bởi vì người trìu mến ta, nên ta giải cứu người;

“Ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh ta.

“Người sẽ kêu cầu ta, ta sẽ đáp lời người;

“Trong sự gian truân ta sẽ ở cùng người;

“Giải cứu người và tôn vinh người.”

                            (Thi Thiên 91: 13, 14, 15)

 

       Tôi nhớ đến lời phán hứa của Đức Chúa Trời cùng Giô-suê khi chinh phục xứ Ca-na-an khiến lòng tôi thêm mạnh mẽ:

 

  “Ta há không có phán dặn ngươi sao?  Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi.”

                                (Giô-suê 1: 9)

 

Từ Seoul, cô Kim Mỹ một con cái Chúa biết được tin này; cô đi xe buýt hơn năm tiếng đồng hồ để đến bệnh viện. Cùng với mục sư Thomas, người bạn Ấn Độ của tôi, họ thức suốt đêm bên giường bệnh để chăm sóc. Cô Kim Mỹ và tôi quen biết nhau tại một đám cưới ở Chonju.  Chúng tôi dễ thân mến nhau vì đồng cảnh ngộ, là những sinh viên du học và là con cùng một Cha trên trời.

Tôi tỉnh lại sau khi thuốc gây mê không còn tác dụng nữa. Một đám người vây quanh: Giáo sư người Đức Ingo Holzapfel, Mục sư Choi, Mục sư Yoong Jae Deok, Jun-li-u người bạn đến từ Myamar, chị Xơ-xoong-Nghe và một số con cái Chúa nơi tôi nhóm lại.  Đầu nặng như đá, mắt nhức nhối dưới miếng băng vải mùng.  Không khí bệnh viện khó thở.  Tôi gật đầu cảm ơn mọi người, rồi tiếp tục úp mặt xuống nệm theo lời dặn bác sĩ. Bên tai tôi, những lời cầu nguyện thì thào cùng với những tiếng hát thật khẽ ngợi ca Chúa:

 

Dù không biết ngày mai sẽ thế nào

Tôi chỉ sống nếp sống mỗi ngày

Tôi không mơ nơi sang giàu huy hoàng

Chân trời tím đổi thay nào hay

Lòng không lo ngày sau sẽ thế nào

Tôi chỉ nghe tiếng Chúa nhủ khuyên

Ta đang đi với con trong cuộc đời

Vì Ta biết trước con mọi điều

Tương lai tôi còn có bao lo buồn

Nhưng tâm hồn vẫn luôn bình an

Vì tôi biết Chúa nắm tương lai mình

Và tôi biết người đi trước tôi.

 

Âm thanh dìu dặt, nhẹ nhàng đưa tôi vào một thế giới khác, dường như không phải là trần gian.  Có lẽ đó là thiêng đàng vinh hiển, mà nơi đó không bệnh tật, hoạn nạn hay buồn đau…