Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Bài 4 >> | Hướng Dẫn

Bài 3

Những Khúc Quanh Nghiệt Ngã

 

   Cháu đầu được một tuổi thì cháu thứ hai lại ra đời.  Vợ tôi nằm ở một nhà hộ sinh Phường.  Từ sáng cho đến chiều vẫn chưa sinh được.  Cơn đau cứ kéo dài.  Tôi cảm thấy nhà tôi không còn đủ sức chịu đựng thêm nữa.  Sau khi cầu nguyện xong, tôi quyết định đưa nhà tôi lên bệnh viện Đa Khoa.  Đây là bệnh viện lớn nhất của thành phố Đà Nẵng.  Sau đó để nhà tôi ở lại cùng bà ngoại, còn tôi hối hả chạy về nấu cơm mang lên cho vợ.  Vừa bước đến hành lang, thì mẹ vợ của tôi reo mừng:

 

    - Sinh rồi, con trai.

 

  Sung sướng quá, tôi chạy vào bên trong cũng là lúc người ý tá bế đứa nhỏ đi dọc theo hành lang lên lầu.  Tôi vội vã bám theo phía sau.  Nhìn thằng bé kháu khỉnh, mũi cao, trán rộng, hai tai to lớn, đôi môi trái tim, lòng tôi rộn ràng một niềm vui khó tả!

 

  Thế rồi, cô ý tá lặng lẽ bỏ thằng nhỏ vào chiếc lồng kính để thở ô-xy.  Tôi hồi hộp và lo sợ.  Một cảm giác mênh mang nào đó xâm chiếm tâm hồn.  Một ý nghĩ rùng rợn chợt đến.  Tôi nhắm mắt lại cố xua đi những điều đen tối ra khỏi đầu óc mình.  Tôi vội quì xuống bên hành lang lâm râm cầu nguyện.

 

  Khoảng một giờ đồng hồ sau, người y tá bồng thằng nhỏ ra ngoài trao cho tôi, lắc đầu không nói gì.  Tôi đưa tay đón lấy cháu, ôm sát vào lòng.  Chút hơi ấm sau cùng còn lại thoi thóp trên đôi môi.  Lặng lẽ, tôi bước xuống cầu thang, đôi chân tê cóng, lạnh lẽo.  Một nỗi xót xa vô tận trào lên nghẹn cứng ở cổ và tôi đã khóc.  Một nỗi đau đớn nhói buốt mà lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được thế nào là tình phụ tử.  Trong giờ phút cô đơn ấy, tôi cảm thấy Chúa ở đâu xa lắm.  Dường như Ngài không ở bên tôi, và trong tôi có chút dỗi hờn.  Lúc đó, đức tin tôi bị lung lay và không hiểu tại sao Chúa lại để tôi trong hoàn cảnh nghiệt ngã này?

 

 Sau này, khi trưởng thành trong Chúa, tôi mới hiểu ra rằng, người tín đồ Cơ-đốc không phải là không chịu những thử thách khổ đau, nhưng trong mọi hoàn cảnh phải biết cảm ơn Ngài.  Chúa  ban cho rồi cất đi, cái quyền đó thuộc về Ngài.  Chúa luôn cho con cái của Ngài những bài học để thử rèn, tôi luyện trong đức tin của mình.

 

“Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta.  Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”

                                                          (Ê-sai 55:8, 9)

 

      Buổi chiều hôm sau, mấy anh em chúng tôi đi chôn cháu ở Gò-Cà bằng hai chiếc xe hon-da.  Tôi đặt chiếc quan tài xuống đất, lòng đau như cắt.  Nắng chiều nghĩa địa gay gắt.  Trong giờ phút tận cùng của đau thương và cô đơn ấy, tôi ngước mắt lên trời và thưa rằng: Chúa ôi! Sao Ngài đành để con trong nỗi thống khổ này?

   Trời hôm ấy buồn bã lắm!  Những đám mây đen sà xuống trên đỉnh núi.  Chung quanh là mồ mả với những sắc màu nham nhở. Nơi đây là chốn yên nghỉ cuối cùng của một đời người.  Nơi đây, kết thúc mọi nỗi buồn lo của những ngày sống tạm trên đất.  Tôi không dám nhìn vào mắt Vỹ, đứa em trai duy nhất của mình vì tôi biết rằng nó cũng đang khóc như tôi.   Còn Khanh, người em họ của tôi nhìn lên bầu trời vì lo sợ cơn mưa, nói bâng quơ để giấu đi giọt nước mắt.  Trực, người em vợ cúi xuống không nói gì vì trong lòng nó cũng có nỗi đau chung.

   Trong hoàn cảnh này, chúng tôi vẫn có cớ ngợi khen Đức Chúa Trời; vì Ngài đã cho vợ tôi còn sống.  Nếu tôi không được Chúa thúc giục đưa nhà tôi đến bệnh viện Đa Khoa kịp thời, chắc hai mẹ con cũng đã qua đời cùng lúc vì kiệt sức.

          Kinh nghiệm này như là bài học đau thương; làm tim tôi nhói lên mỗi lần nhớ đến vì mặc cảm nghèo khổ và dại khờ.  Thuở đó, vợ chồng chúng tôi qúa nghèo khó nên không dám đến bệnh viện Tê-rê-sa, một bệnh viện tư phải trả nhiều tiền như đứa con đầu. Ngoài ra, còn một mặc cảm đáng thương khác, là vì “mắc cở” sinh hai năm hai đứa!

      Mỗi ngày một bận, tôi phải giả vờ lên bệnh viện thăm con vì chưa thể nói sự thật cho nhà tôi biết là con mình đã qua đời.  Đêm tối, trời cứ mưa rả rích bên ngoài, quần xăn tới gối, tôi lò mò trong bếp để nấu cơm.  Tôi  khe khẽ lấy những than lửa hồng bỏ vào cái nồi đất để dành cho vợ nằm đỡ rét.

 

         Muà đông năm ấy thật là kinh khủng, nhưng chúng tôi không thể nào có đủ tiền để mua một bao than.  Mỗi lần xúc gạo, tôi phải thật khẽ tay vì sợ rằng tiếng lon chạm vào đáy thùng, vợ tôi sẽ lo buồn vì biết rằng nhà mình hết gạo.  Những quyển sách trên kệ đã thưa dần vì đã mang ra chợ trời cân ký; để đổi lấy vài con cá chiên cho vợ ăn thêm trong lúc sinh đẻ.

         Còn tôi, mắm rau mỗi ngày sơ sài qua bữa.  Mỗi sáng, tôi áo ước có được một nửa chén cơm nguội của ngày hôm trước để bớt đi sự cồn cào khi đạp xe đến trường giảng dạy.  Mới tin Chúa, tôi e ngại không dám bày tỏ hoàn cảnh của mình với ai để cầu thay.  Vì vậy, tôi cố giấu nỗi đau trong lòng và cố sống bình thường để không làm khổ vợ mình.

 

 

          Mẹ tôi đã từng căn dặn rằng phải giữ gìn cẩn thận người đàn bà sau khi sinh đẻ, vì nếu không cẩn thận, người vợ có thể qua đời vì chứng sản hậu.   Vả lại, tôi cũng chẳng muốn ai biết mình khổ sở làm gì!  Đêm đến, tôi lẻn ra ngoài đạp xe thồ kiếm thêm chút tiền cỏn con để mua thêm thức ăn cho vợ.

 

Bao nhiêu nỗi mệt nhọc và ê chề của cuộc sống, tôi đành chấp nhận tất cả và tin tưởng ở một ngày mai.  Lòng tôi luôn trông đợi từ trên cao; chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ nhìn xuống và Ngài sẽ rủ lòng thương.

 

 “Sự chơn thật nứt mộng từ dưới đất; sự công bình từ trên trời ngó xuống.”

                      (Thi Thiên 85: 11)