Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 6 | Bài 8 >> | Hướng Dẫn

Bài 7

Chúa Mở Đường

 

        Trên đường từ nhà thờ Quế Sơn trở về Đà Nẵng, lòng tôi buồn man mác không hiểu tại sao Chúa vẫn để chúng tôi còn nhiều lận đận về cơm áo?  Tôi vẫn phải những công việc mà tôi không ưa thích.   Tôi làm nghề chụp ảnh công viên với những tháng năm buồn tủi.   Rồi tham gia vào những chuyện làm ăn mua bán phiêu lưu.   Tôi rất ngại tiếp xúc những con người mánh mung gian trá.   

 

        http://t3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQjuPPSS2nZy6rbWioV0FajhzThuojXGm9XPp4U8CC79-TGW40x

 

         Khi xã hội nghèo đói, thì việc ưu tiên của con người là tìm kiếm cơm áo. Khi cái bao tử được đặt lên hàng đầu, thì những giá trị cao quý của đời sống tinh thần bị hạ bệ.  Nhiều người đã quên đi nhân nghĩa, sẵn sàng quay lưng lại với đạo lý làm người, chà đạp lên nhau để kiếm sống.  Trong bối cảnh khốn cùng của xã hội, một số người người không ngần ngại làm bất cứ điều gì miễn sao giành giật được sự sống còn, ai chết mặc ai! 

        Trước đói nghèo, túng thiếu thì nhân cách của con người được thể hiện rõ rệt.  Sự dối trá, lừa đảo, vong ân, bội nghĩa… dường như là chuyện quá quen thuộc với nhiều người; nhưng lại là nỗi ưu tư trăn trở đối với một số người còn chút lương tâm và liêm sỉ.

        Chính vì vậy, đức tin và nếp sống của Cơ đốc nhân cũng đứng trên bờ vực của th thách; trong cuộc đọ sức cam go giữa điều thiện và cái ác đan xen.

 

                   “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? Ta Đức Giê-hô-va, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.” (Giê-rê-mi 17: 9-10)

                            

 

         Khi đức tin lớn dần như đứa trẻ vừa nhận biết điều phải trái, tôi rất sợ những việc làm không vui lòng Chúa.  Cho nên tôi kêu cầu cùng Ngài mở đường cho tôi một công việc làm phù hợp với năng khiếu của mình; nhưng vui lòng Chúa.  Ngày tháng vẫn cứ trôi qua trong nỗi khắc khoải đợi chờ…

 

         Gia đình tôi đông người, tám nhân khẩu.  Cha mẹ già yếu, công việc làm ăn của tôi thất thường và lây lất.  Vợ tôi ngoài việc đi dạy ở trường, về nhà còn phải tất bật với cái quày buôn bán nước mắm.  Mỗi sáng lúc năm giờ, tôi và đứa con gái đầu năm tuổi, hai cha con đèo nhau trên xe đạp ra chợ Cồn mua các loại trái cây như cốc, ổi, mía, xoài về bán thêm cho trẻ con trong xóm.  Bé Hạnh đi với tôi cho có bạn và trông coi xe đạp.   Có lần nó thèm ăn chôm chôm mà tôi không đủ tiền nên dạy cho nó bài hát, “Muốn chôm chôm mà không có tiền, không có tiền thì không có chôm chôm.” Nó nhanh nhẹn hát theo và trả lời: “Thế thì ba mua cho con củ khoai cũng được.”  Tôi ngồi xuống ôm con gái vào lòng; xoa trên cái đầu bé bỏng của nó.  Những giọt nước mắt âm thầm chảy xuống.  Tình cảnh của chúng tôi bây giờ sống thật đơn sơ và nghèo khó.  Mỗi tháng chỉ mong có được đủ củi đun bếp và gạo đầy thùng thì đã yên lòng.

 

        Như bao nhiêu gia đình khác, chúng tôi cùng chung hoàn cảnh sau những đổi thay của đất nước.  Mỗi người quần quật làm việc ngày đêm mà vẫn không đủ sống.  Chính vì những khó khăn cực kỳ vây hãm, khiến cho con cái của Chúa lắm khi cũng hành động theo ý riêng của mình.  Không còn đợi chờ Chúa nữa, tôi quyết định “tự mở đường!” Aó quần đã bỏ vào chiếc xách tay, chuẩn bị về quê để tham gia vào giới buôn trầm.

        Đang ngồi ăn sáng, bỗng chiếc xe Hon-da đỗ xịch trước nhà.  Một người đàn ông chậm rãi bước vào.  Tôi nhận ra đó là một giáo sư ngoại ngữ, đến mời tôi hợp tác dạy tiếng Anh. Tôi nhận lời mà không cần suy nghĩ.  Chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã thương xót, không muốn tôi dính líu vào những chuyện làm ăn phiêu lưu và liều lĩnh!

 

       

 

                                       http://t3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTNWm4InTPWZ6KS6TNo7MhQuj_5Muymg2gaSCHjSqfAfnjF7K0p

        Lòng tôi hoan hỉ được trở về với cái nghề yêu thích.  Tôi say mê trong những giờ lên lớp.  Tháng ngày qua đi êm đẹp trong niềm vui rộn ràng của một nhà giáo. Tôi luôn cầu nguyện biết ơn Chúa trước những giờ lên bục.  Học viên tôi già trẻ, lớn bé nhiều hạng tuổi khác nhau, xuất thân đủ mọi thành phần.  Nhưng giữa họ và tôi không hề có khoản cách; bởi vì trong tôi được mặc lấy một thứ tình yêu mới mà người thế gian không thể có.

 

 

Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của kẻ khốn cùng

“Chẳng khinh dễ lời câu xin của họ.”  

               (Thi Thiên 102: 17)

 

http://t1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcSw8on3UbIv4Yf74dpMw_8Sh5rdcD05e1oGZCosChjW5IU-4yEtTrời hôm ấy buồn bã lắm!  Những đám mây đen sà xuống trên đỉnh núi.  Chung quanh là mồ mả với những sắc màu nham nhở. Nơi đây là chốn yên nghỉ cuối cùng của một đời người.  Nơi đây, kết thúc mọi nỗi buồn lo của những ngày sống tạm trên đất.  Tôi không dám nhìn vào mắt Vỹ, đứa em trai duy nhất của mình vì tôi biết rằng nó cũng đang khóc như tôi.   Còn Khanh, người em họ của tôi nhìn lên bầu trời vì lo sợ cơn mưa, nói bâng quơ để giấu đi giọt nước mắt.  Trực, người em vợ cúi xuống không nói gì vì trong lòng nó cũng có nỗi đau chung.

 

        Trong hoàn cảnh này, chúng tôi vẫn có cớ ngợi khen Đức Chúa Trời; vì Ngài đã cho vợ tôi còn sống.  Nếu tôi không được Chúa thúc giục đưa nhà tôi đến bệnh viện Đa Khoa kịp thời, chắc hai mẹ con cũng đã qua đời cùng lúc vì kiệt sức.

 

        Kinh nghiệm này như là bài học đau thương; làm tim tôi nhói lên mỗi lần nhớ đến vì mặc cảm nghèo khổ và dại khờ.  Thuở đó, vợ chồng chúng tôi qúa nghèo khó nên không dám đến bệnh viện  Tê-rê-sa, một bệnh viện tư phải trả nhiều tiền như đứa con đầu. Ngoài ra, còn một mặc cảm đáng thương khác, là vì “mắc cở” sinh hai năm hai đứa!

 

        Mỗi ngày một bận, tôi phải giả vờ lên bệnh viện thăm con vì chưa thể nói sự thật cho nhà tôi biết là con mình đã qua đời.  Đêm tối, trời cứ mưa rả rích bên ngoài, quần xăn tới gối, tôi lò mò trong bếp để nấu cơm.  Tôi  khe khẽ lấy những than lửa hồng bỏ vào cái nồi đất để dành cho vợ nằm đỡ rét.

 

          Muà đông năm ấy thật là kinh khủng, nhưng chúng tôi không thể nào có đủ tiền để mua một bao than.  Mỗi lần xúc gạo, tôi phải thật khẽ tay vì sợ rằng tiếng lon chạm vào đáy thùng, vợ tôi sẽ lo buồn vì biết rằng nhà mình hết gạo.  Những quyển sách trên kệ đã thưa dần vì đã mang ra chợ trời cân ký; để đổi lấy vài con cá chiên cho vợ ăn thêm trong lúc sinh đẻ.

 

          Còn tôi, mắm rau mỗi ngày sơ sài qua bữa.  Mỗi sáng, tôi áo ước có được một nửa chén cơm nguội của ngày hôm trước để bớt đi sự cồn cào khi đạp xe đến trường giảng dạy.  Mới tin Chúa, tôi e ngại không dám bày tỏ hoàn cảnh của mình với ai để cầu thay.  Vì vậy, tôi cố giấu nỗi đau trong lòng và cố sống bình thường để không làm khổ vợ mình. 

 

         Mẹ tôi đã từng căn dặn rằng phải giữ gìn cẩn thận người đàn bà sau khi sinh đẻ, vì nếu không cẩn thận, người vợ có thể qua đời vì chứng sản hậu.   Vả lại, tôi cũng chẳng muốn ai biết mình khổ sở làm gì!  Đêm đến, tôi lẻn ra ngoài đạp xe thồ kiếm thêm chút tiền cỏn con để mua thêm thức ăn cho vợ.

 

        Bao nhiêu nỗi mệt nhọc và ê chề của cuộc sống, tôi đành chấp nhận tất cả và tin tưởng ở một ngày mai.  Lòng tôi luôn trông đợi từ trên cao; chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ nhìn xuống và Ngài sẽ rủ lòng thương.

 

 “Sự chơn thật nứt mộng từ dưới đất; sự công bình từ trên trời ngó xuống.”

                                    (Thi Thiên 85: 11)