Trang Đầu | Mục Lục | Bài 2 >> | Hướng Dẫn

Bài 1

Hạnh Phúc Đơn Sơ (Phần 1)

Tú Liên mở cửa vào nhà, cô thấy mẹ ngồi bên chiếc ghế tròn giữa nhà và đang đùa giỡn với bé Trung là con của Thùy Dung, người em gái Tú Liên.

Tú Liên chào mẹ:

-Thưa mẹ con mới về.

Bà Sáu quay lại:

-Sao hôm nay về sớm vậy? Đi thay đồ rồi nghĩ ngơi đi con.

Tú Liên khẽ "Dạ", cô vừa đi vào phòng vừa nghĩ ,"Mẹ là như vậy, xưa nay lúc nào cũng luôn quan tâm chăm sóc con cái". Từ ngày gia đình Thùy Dung về ở chung, không khí trong nhà vui hẳn lên. Khi xưa, đi vào đi ra chỉ có hai mẹ con ở trong ngôi nhà năm phòng trống vắng yên tĩnh, nay thì những tiếng cười đùa của mấy đứa bé con của Dung và Tuấn làm bầu không khí trong nhà ấm hẳn lên. Bé Tina đã lên 8, Teresa thì 4 và bé Trung thì chỉ vừa lên 2. Đám trẻ khi thấy ngoại thì cứ níu kéo đùa giởn, hỏi đủ thứ. Trông thấy những nụ cười rạng rỡ của mẹ, Tú Liên thầm tạ ơn Chúa đã ban cho gia đình cô niềm vui đoàn viên. Cô cảm thấy rất hạnh phúc, Chúa đã cho cô được sống chung với người mẹ hiền từng chăm sóc bảo bọc cô trong suốt hững năm tháng đem tối của cuộc đời. Lật cuốn album, Tú Liên trông thấy lại những tấm hình cũ, dòng hồi ức đưa cô trở về kỷ niệm của ngày thơ ấu....

Biến cố năm 1975 đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của miền Nam Việt Nam và cuộc sống của những người dân còn ở lại quê nhà. Mọi người ai cũng sống trong tâm trạng hoang mang lo lắng và nghi ngờ. Những tệ nạn xã hội, trộn cắp, cướp dựt xảy ra ngày càng nhiều hơn vì công việc làm không có và mọi thứ đều thiếu thốn. Gia đình của Tú Liên cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Những ngôi mà trước kia mẹ cô cho sinh viên miền Trung vào học ở Sài Gòn thuê để kiếm tiền thì trong những năm này đã phải bán lần đi để nuôi sống gia đình (Như vậy cũng còn rất may mắn vì chỉ một thời gian ngắn sau đó thì nhà nước đánh tư sản, tịch thu tài sản nhà cửa của những ngưỡi đứng tên hai căn nhàtrở lên). Những ngày tháng khó khăn kéo dài tưởng như vô tận. Ngày lại ngày vẫn cứ khoai lang độn cơm, canh "đại dương" và khô quẹt. Mẹ đổi nghề từ thợ may gia công sang bán tạp hoá mà cũng chẳng khá hơn. Đến nổi đồ đạc trong căn nhà cuối cùng để gia đình tạm nương thân cũng lần lượt rũ nhau ra đi. Ba của Tú Liên lúc đó ở trong trại giam vì tội vượt biên nên mọi sự trong nhà mẹ phải lo lắng hết. Tú Liên và em gái là Thùy Dung lúc đó còn rất nhỏ nên không hiểu được nỗi lo âu của mẹ mà cứ tối ngày đòi ăn, đòi đồ chơi, đòi quần áo mới khi Tết đến. Tội nghiệp mẹ, mỗi lần Tết đến là mẹ phải thức đêm và phải mất đi mấy cái áo dài đẹp vì dùng nó cắt ra may cho Tú Liên và Thùy Dung những bộ quần áo mới. Hai chị em nào đâu biết sự hy sinh của mẹ, mặt cứ hớn ha hớn hở khi mặc những bộ đồ mới đó đi chơi, mà có đi đâu khác hơn làvòng vòng trong xóm để khoe đồ mới mẹ may cho.

Ngôi nhà của gia đình ngày càng rộng hơn vì không còn tủ lạnh, bộ salon, tủ buffet, bộ bàn ăn...Bấy giờ ra vào, ngoài cái giường thì chỉ còn có cái tủ đựng quần áo và bàn máy may của mẹ. Vì còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện, Tú Liên không mấy quan tâm khi thấy người ta lần lượt khuân đi những bàn, ghế, giường, tủ...trong nhà. Cô bé lúc đó chỉ thấy nhà rộng rãi hơn, có chỗ để cô đùa giỡn và nhất là cảm thấy thích thú khi mẹ biểu lau nhà sạch rồi nằm ngũ dưới sàn gạch bông mát lạnh .