Trang Đầu | Mục Lục | Bài 2 >> | Hướng Dẫn

Bài 1

Tại sao con người cô đơn?

 

      Thưa qúy vị và các bạn!

       Có một danh nhân đã từng nói: “Khi còn nhỏ đi từng đàn, lớn lên đi từng đôi, và đến tuổi già đi một mình.” Quả thật không sai phải không, thưa quí vị?

        Cuộc đời của một con người trên đất không ai không có những lúc rộn ràng tấp nập niềm vui: khi lập gia đình, bên bàn tiệc vui, nhất là được sống bên cạnh những người thân yêu của mình.  Tuy nhiên, đến lúc nào đó tiệc  cũng tàn, niềm vui cũng phải chấm dứt, mỗi người một ngã, hợp rồi tan, vui rồi buồn, hạnh phúc rồi khổ đau. 

        Trong phạm vi gia đình, có khi chúng ta đang sống giữa những người thân yêu ruột thịt, bà con, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng và con cái của mình, nhưng trong lòng chúng ta thật là cô đơn vì không có người để tâm sự, hay chia sẻ những nỗi niềm sâu kín.  

        Tại sao? Có rất nhiều lý do, và có lẽ lý do thông thường nhất là vì giữa những con người không có sự đồng cảm, không cùng chung đức tin, không thờ phượng Đức Chúa Trời mà thờ đủ thứ thần tượng.  Không thờ phượng Chúa, nên không có sự cảm thông hay tha thứ dễ dàng.  Giữa chúng ta là những bức tường vô hình của những hồ nghi, đố kỵ, giận hờn, ganh ghét, cay đắng, mặc cảm tự tôn lẫn tự ti; và cuộc chiến tranh lạnh cứ tìếp tục trong cái hố ngăn cách thật là đáng sợ!

          Đối với xã hội, sự cô đơn lại càng tăng lên gấp bội, nhưng được ngụy trang trong dưới những hình thức của những chốn ăn chơi, cờ bạc, rượu chè, quán bar, rạp hát… mà tất cả những niềm vui ấy chẳng qua chỉ là sự giải trí trong chốc lát.  Trở về với căn phòng của mình, sự quạnh quẽ, nỗi trống vắng lại càng ghê rợn hơn khi mình nhìn lại mình, giống như tâm trạng của Vũ Hoàng Chương, một nhà thơ tiến chiến đã từng thốt lên:

 

        Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mãi

       Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn

       Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới

       Đã dâng lên ngập quá nữa linh hồn

 

         Và rồi, họ chán ngán cuôc đời trần tục, than thân trách phận chối bỏ hiện thực, và mơ ước đi tìm kiếm hạnh phúc ở một thế giới khác:

 

          Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

          Một đôi người u uất nỗi chơ vơ

         Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị

         Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ…

 

    Và rồi thi nhân lại van vỉ, nài xin:

 

            Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh

            Một vì sao trơ trọi cuối trời xa

 

         Thưa quí vị và các bạn!

         Thật ra cho dù ở một thế giới nào đó, theo óc tưởng tượng của nhà thơ có thật chăng nữa thì sự cô đơn đối với con người lại càng kinh khủng hơn nhiều.  Ở thế giới này, trời nóng còn có máy lạnh, trời rét còn có máy sưởi, đi đâu có xe cộ, giải khát, thức ăn bán khắp mọi nơi… mà con người vẫn cô đơn cùng tận, huống chi sống ở nơi, “một tình cầu giá lạnh, một vì sao trơ trọi… mà ở tận cuối trời xa” kia thì làm sao thi nhân chịu nỗi?  Chỉ có chết thôi! Tuy nhiên, thưa quí vị và các bạn, đó chỉ là những mơ ước xa vời của người nghệ sĩ khi họ tuyệt vọng với cuộc sống thế gian, muốn thoát ly ra khỏi trần tục, thực tế chẳng bao giờ có!