Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 17 | Chương 19 >> | Hướng Dẫn
E-xơ-ra - Nê-hê-mi - Ê-xơ-tê
Từ chốn lưu đày trở về cố hương
Thành Giê-ru-sa-lem được xây cất lại
Ba sách nầy hợp thành phần chót của lịch sử Cựu
Ước. Nó tường thuật truyện tích dân Do-thái từ Ba-by-lôn trở về, sự xây lại Ðền
thờ và thành Giê-ru-sa-lem, và sự khôi phục cuộc sanh hoạt quốc gia của người
Do-thái trên chính đất nước của họ. Ba sách nầy gồm một khoảng chừng 100 năm
(536-432 T.C.).
Ba tiên tri cuối cùng, là A-ghê, Xa-cha-ri và
Ma-la-chi, đã sống và hoạt động trong thời kỳ phục hưng nầy của người Do-thái.
Có hai thời kỳ đặc biệt:
536-516 T.C..-- Trong 20 năm nầy, dưới quyền điều khiển của quan trấn thủ Xô-rô-
ba-bên và thầy thầy tế lễ cả Giê-hô-sua, Ðền thờ, là trung tâm cuộc sanh hoạt
quốc gia của người Do-thái, đã được xây cất lại (E-xơ-ra, đoạn 3 đến 6). A-ghê
và Xa-cha-ri thuộc về thời kỳ nầy.
457-432 T.C..-- Trong 25 năm nầy, dưới quyền quan trấn thủ Nê-hê-mi và thầy tế lễ E-xơ-ra,
vách thành đã được xây cất lại, và Giê-ru-sa-lem lại là một thành kiên cố. Ma-la-chi thuộc về
thời kỳ nầy.
E-xơ-ra tường thuật cả hai
thời kỳ
Nê-hê-mi tường thuật thời kỳ
thứ hai.
Ê-xơ-tê xen vào giữa hai thời
kỳ
Có ba lần hồi hương:
536 T.C.. Xô-rô-ba-bên cùng
với 42.360 người Do-thái, 7337 tôi tớ, 200 ca công, 736 con ngựa, 245 con la,
435 con lạc đà, 6720 con lừa và 5400 khí dụng bằng vàng, bằng bạc đã bị cướp
mất ở Giê-ru-sa-lem.
457 T.C.. E-xơ-ra với 1754
người nam, 100 ta-lâng vàng, 750 ta-lâng bạc, kể cả lễ vật của vua. Không nói
có đờn bà, con trẻ cùng đi hay chăng. Hành trình hết 4 tháng.
444 T.C.. Nê-hê-mi, với tư
cách trấn thủ và có một đội quân hậu vệ, đã trở về xây lại thành Giê-ru-sa-lem,
có vách lũy kiên cố, các khoản kinh phí do chánh phủ chịu.
Niên hiệu của cuộc phục hưng
536 T.C.. 49.897 người từ
Ba-by-lôn trở về Giê-ru-sa-lem
536 T.C.. Tháng 7, họ lập bàn
thờ và dâng tế lễ.
535 T.C.. Công việc xây Ðền
thờ bắt đầu và bị ngưng trệ.
520 T.C.. A-ghê và Xa-cha-ri
lại khởi công.
516 T.C.. Hoàn thành Ðền thờ.
458 T.C.. Ê-xơ-tê được làm
hoàng hậu Ba-tư.
457 T.C.. E-xơ-ra từ Ba-by-lôn
về Giê-ru-sa-lem.
444 T.C.. Nê-hê-mi xây lại
vách thành.
432 T.C.. Nê-hê-mi lại từ
Ba-by-lôn trở về.
Nước
Y-sơ-ra-ên đã bị A-SI-RI bắt làm phu tù (721 T.C.).
Nước
Giu-đa đã bị Ba-By-Lôn bắt làm phu tù (606 T.C.).
Sự hồi
hương từ chốn phu tù đã do Ba-Tư cho chép (536 T.C.).
Ðế quốc Ba-tư
Chánh sách của các vua A-si-ri
và Ba-by-lôn là lưu đày những dân tộc bị chinh phục, nghĩa là đem họ đi xa xứ
sở và làm cho tan lạc ở những nước khác; còn chánh sách của vua Ba-tư lại trái
hẳn, tức là đem những dân tộc ấy trở về xứ sở của họ. Các vua Ba-tư có nhơn đạo
hơn các vua A-si-ri và Ba-by-lôn.
Một trong những hành động đầu
tiên của Si-ru, vị vua Ba-tư thứ nhứt, "một hoàng đế cao thượng và công
bình lạ lùng," là cho phép người Do-thái trở về xứ sở.
Ba-tư là một vùng cao nguyên
rộng lớn, có núi non, ở phía Ðông của mạn dưới thung lũng Ơ-phơ-rát và
Ti-gơ-rơ. Ðế quốc Ba-tư rộng lớn hơn các đế quốc trước, phía Ðông giáp biên giới
Ấn-độ, và phía Tây giáp biên giới Hy-lạp. Thủ đô là Persepolis và Su-rơ
(Ê-xơ-tê 1:2). Thỉnh thoảng các vua Ba-tư cũng ở tại Ba-by-lôn. Với tư cách đế
quốc bá chủ thế giới, Ba-tư đã tồn tại được 200 năm (536-331 T.C.). Các vua
Ba-tư là:
Si-ru (538-529 T.C.). Chiến thắng
Ba-by-lôn (536 T.C.). Ðưa Ba-tư lên địa vị đế quốc bá chủ thế giới. Cho phép
dân Do-thái trở về quê hương, để được ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai.
Cambyses (529-522 T.C.). Người ta tưởng rằng ông là "[1]t-ta-xét-xe"
có chép ở E-xơ-ra 4:7, 11, 23 đã ra lịnh ngưng việc xây cất Ðền thờ.
Ða-ri-út I (Hystaspes)
(521-485 T.C.). Cho phép hoàn thành Ðền thờ (E-xơ-ra 6). Trứ tác bi văn "Behistun" có danh tiếng.
Xẹt-xe (A-suê-ru) (485-465 T.C.). Nổi tiếng vì đã giao chiến với người Hy-lạp. Ê-xơ-tê
là hoàng hậu của ông. Mạc-đô-chê là thủ
tướng của ông.
[1]t-ta-xét-xe I (Longimanus) (465-425 T.C.). Rất khoan
hồng đối với dân Do-thái. Cho phép Nê-hê-mi, quan tửu chánh của mình, xây lại
thành Giê-ru-sa-lem.
Xẹt-xe II (424); Ða-ri-út II (Nothius) (423-405); [1]t-ta-xét-xe II (Mnemon)
(405-358); [1]t-ta-xét-xe III (Ochus)
(358-338); Arses (338-335).
Ða-ri-út III (Codomanus) (335-331). Ông bị Alexandre đại đế đánh bại năm 331 T.C.,
tại trận Arbela nổi danh trong lịch
sử, gần vị trí thành Ni-ni-ve. Ðó là lúc Ba-tư sụp đổ và Hy-lạp dấy lên. Ðế
quốc chuyển từ Á-châu qua Âu-châu.
Bản đồ số 42 -- Ðế quốc Ba-tư
=======================================
E-xơ-ra
Từ Chốn Lưu Ðày Trở Về Xứ Sở
Xây Lại Ðền Thờ
Hành trình của E-xơ-ra về Giê-ru-sa-lem
Người ta cho rằng chính
E-xơ-ra là tác giả sách nầy
Ðoạn 1 -- Chiếu chỉ của Si-ru
Hai câu chót của sách II Sử ký
giống in hai câu đầu của sách E-xơ-ra, có lẽ vì nguyên thủy sách Sử ký và sách
E-xơ-ra là một. Chiếu chỉ cho phép dân Do-thái trở về Giê-ru-sa-lem đã được ban
bố ít lâu sau khi Ða-ni-ên đọc chữ mà bàn tay viết trên tường, có ý tuyên bố
rằng Ba-by-lôn sẽ mất về tay Ba-tư; biến cố nầy đã xảy ra ngay đêm đó (Ða-ni-ên
5:25-31). Có lẽ Ða-ni-ên chỉ cho Si-ru xem những lời tiên tri đã được ứng
nghiệm như vậy (Giê-rê-mi 25:11-12; 29:10), luôn với những lời tiên tri của
Ê-sai, từ 200 năm trước, đã gọi đích danh Si-ru và quả quyết rằng dưới đời trị
vì của ông, người Do-thái sẽ trở về và xây lại thành Giê-ru-sa-lem (Ê-sai
44:26-28; 45:1, 13). Si-ru hết sức tôn trọng Ðức Chúa Trời của dân Do-thái, nào
có lạ gì (câu 3). "Sết-ba-xa" (câu 8) chắc là tên của Xô-rô-ba-bên
theo tiếng Ba-by-lôn (3:2).
Ðoạn 2 -- Lập sổ những người hồi hương
42.360 người, không kể các tôi
tớ (câu 64, 65). Tổng cộng các con số tách riêng kém tổng số nầy chừng 11.000. Có
người cho rằng số thặng dư nầy gồm những kẻ lưu đày thuộc về các chi phái khác
ngoài chi phái Giu-đa. Hai chi phái Ép-ra-im và Ma-na-se được ghi chép ở I Sử
ký 9:3, còn "Y-sơ-ra-ên" thì được nhắc đến ở E-xơ-ra 10:25. Danh từ
"cả dân Y-sơ-ra-ên" dùng để chỉ về những kẻ hồi hương (2:70; 6:17;
8:35). Họ đã dâng 12 con bò đực và 12 con dê đực vì "cả dân
Y-sơ-ra-ên" (6:17). Ấy dường như những phu tù Giu-đa trên đường về cố
hương, đi ngược thung lũng Ơ-phơ-rát, qua miền định cư của những phu tù thuộc
nước Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc, và đã thâu nhận một số người muốn cùng hồi hương
với mình. Ðiểm nầy giúp ta hiểu biết tại sao đương thời Tân Ước, người Do-thái
vẫn được gọi là "Mười hai chi phái" (Lu-ca 22:30; Công vụ các sứ đồ
26:7; Gia-cơ 1:1).
Ðoạn 3 -- Ðặt nền móng Ðền thờ
Nhằm tháng 7, năm thứ
nhứt của cuộc hồi hương, họ lập bàn thờ và giữ lễ Lều tạm, vui mừng cảm tạ Ðức
Chúa Trời. Tháng 2 năm sau, khi nền móng Ðền thờ đã đặt xong, họ làm cho các
từng trời rung chuyển vì tiếng hò reo ngợi khen Chúa. Song những người già cả
đã thấy Ðền thờ thứ nhứt, thì lớn tiếng khóc lóc, vì so sánh với Ðền thờ kia,
Ðền thờ nầy chẳng ra chi hết. "Giê-sua" (1:1) mà A-ghê 1:1 chép là
"Giê-hô-sua," là con trai của thầy tế lễ Giô-sa-đác đã bị đem qua
Ba-by-lôn (I Sử ký 6:15 dịch là "Giê-hô-xa-đác"). "Xô-ra-ba-bên"
làm quan trấn thủ (A-ghê 1:1). Ông là cháu nội của Giê-hô-gia-kin, là vua đã bị
đưa qua Ba-by-lôn (I Sử ký 3:17-19). Nếu còn nước, thì ông đã được làm vua. Với
sự trang nhã tột bậc, Si-ru đã cử ông làm quan trấn thủ xứ Giu-đa.
======================================
Nê-hê-mi
Xây Lại Vách Thành Giê-ru-sa-lem
Theo truyền thoại lâu đời của
người Do-thái, thì E-xơ-ra là tác giả của các sách I Sử ký, II Sử ký, E-xơ-ra
và Nê-hê-mi, vì 4 sách nầy nguyên thủy là một cuốn. Tuy nhiên, có một số người
tưởng rằng chính Nê-hê-mi đã viết sách Nê-hê-mi.
E-xơ-ra là chắc nội của thầy
tế lễ Hinh-kia, người 160 năm trước, đã điều khiển cuộc cải cách của vua
Giô-si-a (E-xơ-ra 1:1; II Các vua 22:8). Ông xứng đáng là chắc của một ông cố
nội trứ danh. Ông từ Ba-by-lôn trở về Giê-ru-sa-lem năm 457 T.C., tức là 80 năm
sau khi đoàn người Do-thái thứ nhứt hồi hương, và 13 năm trước khi Nê-hê-mi tới
nơi. Ông vừa là thầy tế lễ, vừa là văn sĩ (Tân Ước dịch là "thầy thông
giáo) (E-xơ-ra 7:11), trong giai đoạn chuyển tiếp từ các tiên tri qua các văn
sĩ. Người ta nói rằng ông đã giúp việc cấu tạo Kinh điển Cựu Ước.
Nê-hê-mi về tới Giê-ru-sa-lem
năm 444 T.C.; và E-xơ-ra đã ở đó 13 năm rồi. Nhưng E-xơ-ra là thầy tế lễ, dạy
đạo cho nhơn dân. Còn Nê-hê-mi về với tư cách quan trấn thủ, được vua Ba-tư cho
phép xây lại vách lũy và khôi phục Giê-ru-sa-lem làm một thành kiên cố. Người
Do-thái đã hồi hương gần 100 năm rồi, nhưng họ ít tiến xa hơn sự xây lại Ðền
thờ, -- một Ðền thờ rất tầm thường; ấy vì mỗi khi họ khởi công xây vách thành,
thì những người lân cận hùng mạnh hơn hoặc phô trương thanh thế ngăn cản họ,
hoặc dùng mưu khiến triều đình Ba-tư ra lịnh ngừng công việc lại.
Ðoạn 1, 2 -- Hành trình của Nê-hê-mi về Giê-ru-sa-lem
Nhiều khúc của sách nầy dùng
ngôi thứ nhứt, vì là trực tiếp trưng dẫn các bản phúc trình chánh thức của
Nê-hê-mi.
Nê-hê-mi là một người cầu
nguyện, ái quốc, hoạt động, can đảm và bền đỗ. Bao giờ ông cũng được thúc giục
cầu nguyện trước hết (1:4; 2:4; 4:4, 9; 6:9, 14). Ông để 4 tháng cầu nguyện
trước khi thỉnh cầu vua (1:1; 2:1).
Nê-hê-mi là quan tửu chánh của
[1]t-ta-xét-xe (1:11; 2:1), tức
là giữ một chức vụ tin cẩn và quan trọng. [1]t-ta-xét-xe
là vua Ba-tư (465-425 T.C.), con trai của Xẹt-xe, và như vậy, ông là con ghẻ
của hoàng hậu Ê-xơ-tê, người Do-thái. Ê-xơ-tê được làm hoàng hậu Ba-tư chừng 60
năm sau khi người Do-thái trở về Giê-ru-sa-lem. Sự trạng nầy chắc đã làm cho
người Do-thái được uy tín lớn tại triều đình Ba-tư. Chắc lúc E-xơ-ra và
Nê-hê-mi về Giê-ru-sa-lem, thì Ê-xơ-tê còn sống và rất có thế lực trong hoàng
cung. Chúng tôi đoán rằng chính là nhờ Ê-xơ-tê mà ạt-ta-xét-xe có lòng nhơn từ
đối với người Do-thái và lo cho thành Giê-ru-sa-lem được xây lại.
Ðoạn 3 -- Sửa chữa các cổng thành
Bí Chú Khảo Cổ:
Ngày nay ta có thể thấy rõ di tích của "cái
thang từ thành Ða-vít trở xuống" (câu 15), "nơi đối ngang góc
thành" (câu 25), và "tháp ló ra" (câu 26).
Ðoạn 4, 5, 6 -- Xây vách thành
Những kẻ thù lâu đời của dân Do-thái, là người
Mô-áp, Am-môn, Ách-đốt, Ả-rập, hiện đang chiếm xứ; lại thêm những người
Sa-ma-ri mới đưa tới nữa. Một cách xảo quyệt và sâu cay, bọn nầy đã phản đối
việc xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem. Chúng huy động quân đội và tiến đánh
Giê-ru-sa-lem. Nhưng Nê-hê-mi đặt đức tin nơi Ðức Chúa Trời, khéo léo cấp khí
giới cho các chiến sĩ của mình và bố trí họ, rồi cứ tiến hành công việc suốt
ngày đêm; vậy, mặc dầu có mọi trở lực, vách thành đã hoàn tất trong 52 ngày.
Rốt lại, 142 năm, sau khi bị hủy phá (586 T.C.), Giê-ru-sa-lem lại là một thành
kiên cố.
Ðoạn 7, 8 -- Ðọc quyển sách Luật pháp
trước công chúng
Xây vách thành Giê-ru-sa-lem xong, Nê-hê-mi và
E-xơ-ra bèn triệu tập dân chúng để tổ chức cuộc sanh hoạt quốc gia. Ðoạn 7 gần
giống như đoạn 2 sách E-xơ-ra, vì nó kê danh sách những người đã cùng
Xô-rô-ba-bên trở về Giê-ru-sa-lem gần 100 năm trước. Có một vài vấn đề gia hệ
cần phải để ý đến.
Rồi suốt 7 ngày, ngày nào cũng từ sáng sớm tới
trưa, E-xơ-ra và những kẻ giúp việc ông "giở sách ra trước mặt cả dân
sự... Họ đọc rõ ràng trong sách luật pháp của Ðức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó
ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc" (8:5, 8). Sự đọc và giải nghĩa Sách
của Ðức Chúa Trời trước công chúng đó đã làm cho nhơn dân ăn năn tha thiết như
sóng dậy, và có một cuộc phục hưng cả thể, cùng long trọng kết ước vâng giữ Luật
pháp, như ta nhận thấy ở các đoạn 9, 10.
Chính sự tìm thấy quyển sách Luật pháp, đã đem lại
cuộc cải cách lớn lao dưới đời trị vì của Giô-si-a (II Các vua 22). Chính nhờ Martin Luther tìm thấy Kinh Thánh (thời
ấy người ta cấm lưu hành) mà có cuộc Cải chánh Tin Lành, đem lại tự do tín
ngưỡng cho thế giới ngày nay. Vì lấy sắc lịnh của loài người thay thế Lời Ðức
Chúa Trời, nên một Giáo hội kia đã bị cằn cỗi. Nhược điểm của Hội Thánh Tin
Lành ngày nay là xao lãng Kinh Thánh mà ta tự nhận là vâng theo. Nhu cầu trọng
đại của tòa giảng (Mục-sư, Truyền đạo) ngày nay là giải nghĩa Kinh Thánh một
cách giản dị. Hầu hết những lời giảng dạy khác chẳng đáng cho ta nghe.
Ðoạn 9, 10, 11, 12 -- Giao ước; Lễ khánh
thành vách lũy
Với lòng ăn năn thống thiết và sốt sắng tột bậc, họ
"lập giao ước chắc chắn,... ghi chép nó,... đóng ấn cho,... mà thề hứa đi
theo luật pháp của Ðức Chúa Trời" (9:38; 10:29). Vách lũy đã hoàn thành và
khánh thành rồi, một phần mười dân chúng bèn được đưa vào ở Giê-ru-sa-lem, và
họ lo tổ chức hành chánh cùng sự thờ phượng trong Ðền thờ.
Ðoạn 13 -- Chung kết sự nghiệp của
Nê-hê-mi
Ông sửa lại những khuyết điểm và thuế phần mười,
ngày Sa-bát và sự cưới gả lẫn lộn với người dân ngoại. Nê-hê-mi làm quan trấn
thủ xứ Giu-đa rất ít là 12 năm (5:11). Sử gia Josèphe nói rằng ông sống rất lâu
và làm quan trấn thủ xứ Giu-đa cho tới lúc qua đời. Sách II Macchabées chép rằng: "Nê-hê-mi sáng lập một thư viện, thâu
thập những sách vở về các vua và các tiên tri, những sách của Ða-vít và những
thư tín của các vua đã bị rải rác vì chiến tranh."
===================================
Ê-xơ-tê
Dân Do-thái được giải cứu khỏi bị tuyệt
diệt
Dân Do-thái từ Ba-by-lôn trở về Giê-ru-sa-lem năm
536 T.C..
Ðền thờ được xây lại năm 536-516 T.C..
Ê-xơ-tê, một thiếu nữ Do-thái, được phong làm hoàng
hậu Ba-tư năm 478 T.C..
Ê-xơ-tê cứu dân Do-thái khỏi bị tàn sát năm 473
T.C.
E-xơ-ra từ Ba-by-lôn trở về Giê-ru-sa-lem năm 457
T.C.
Nê-hê-mi xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem năm 444
T.C..
Vậy, Ê-xơ-tê xuất hiện chừng 40 năm sau khi Ðền thờ
được xây lại và chừng 30 năm trước khi vách thành Giê-ru-sa-lem được xây lại.
Về niên đại, thì dầu sách Ê-xơ-tê được chép sau
sách Nê-hê-mi, nhưng các biến cố trong sách Ê-xơ-tê lại xảy ra trước các biến
cố trong sách Nê-hê-mi chừng 30 năm. Dường như Ê-xơ-tê đã giúp cho Nê-hê-mi thi
hành công tác được. Vì bà lấy được vua, nên dân Do-thái chắc đã được nhiều uy
tín. Nếu không có Ê-xơ-tê, thì ta không thể đoán đã có gì xảy đến cho dân tộc
Do-thái. Nếu chẳng có bà, thì thành Giê-ru-sa-lem chẳng bao giờ được xây lại,
và lịch sử mọi thời đại tương lai chắc là khác hẳn.
Sách Ê-xơ-tê luận về một biến cố lịch sử rất quan
trọng, chớ không phải chỉ là truyện tích nêu lên một điểm đạo đức. Biến cố ấy
là dân tộc Hê-bơ-rơ được cứu khỏi bị tuyệt diệt trong những ngày theo sau cuộc
lưu đày tại Ba-by-lôn. Nếu dân tộc Hê-bơ-rơ hoàn toàn bị trừ diệt 500 năm trước
khi sanh ra Ðấng Christ trong thế gian nầy, thì có lẽ các kế hoạch của Ðức Chúa
Trời và số phận của loài người đã đổi khác: Không có dân tộc Hê-bơ-rơ, thì
không có Ðấng Mê-si; không có Ðấng Mê-si, thì loài người vẫn bị hư mất. Dầu
trang thiếu nữ Do-thái kiều diễm xưa kia có lẽ không biết, nhưng nàng thật đã
đóng vai quan trọng mở đường cho Ðấng Cứu thế ngự đến.
Ðoạn 1 -- Hoàng hậu Vả-thi bị phế
"A-suê-ru" là một tên khác của Xẹt-xe, đã
trị vì đế quốc Ba-tư từ 485 đến 465 T.C.. Ông là một trong những hoàng đế danh
tiếng lừng lẫy nhứt thời xưa. Nhờ các bi văn Ba-tư, ta được biết rằng vua đã mở
đại yến chép trong đoạn nầy để dự bị cuộc viễn chinh đánh Hy-lạp lừng danh trong
lịch sử,-- trong cuộc viễn chinh nầy, ông đã đánh hai trận Thermopyles và Salamine
(480 T.C.). Dường như ông truất phế hoàng hậu Vả-thi năm 482 T.C., trước khi ra
đi, và đã cưới Ê-xơ-tê năm 478 T.C., sau cuộc viễn chinh đánh Hy-lạp và bị thua
lớn (1:3; 2:16).
Bí Chú Khảo Cổ: Cung điện Su-sơ (câu 2)
Su-sơ, cách Ba-by-lôn 200 dặm về phía Ðông, thủ đô
xứ Ê-lam, là nơi ở mùa đông của các vua Ba-tư. Năm 1852, ông Loftus đã tìm thấy vị trí của Su-sơ, vì
đã kiếm được một bi văn của vua ạt-ta-xét-xe II (405-358 T.C.) có ghi rằng:
"Tổ tiên ta, là Ða-ri-út, đã xây cất cung điện nầy từ ngày xưa; đến đời
trị vì của ông nội ta (ạt-ta-xét-xe I), thì cung điện nầy vị thiêu hủy. Chính
ta đã xây cất nó lại."
Vậy, cung điện nầy là nơi ở của Ða-ri-út, là vua đã
cho phép xây lại Ðền thờ; của Xẹt-xe, là chồng của Ê-xơ-tê, và của ạt-ta-xét-xe
I, là vua đã cho phép Nê-hê-mi xây lại thành Giê-ru-sa-lem.
Năm 1884-1886, một người Pháp, tên là Dieulafoy, tiếp tục đào bới, và trong
đống di tích, ông đã chỉ đúng "cửa vua" (4:2); "nội viện"
(5:1); "ngoài viện" (6:4); "ngự viện" (7:7); thậm chí ông
cũng tìm được "phu rơ" (3:7), là vật họ dùng để bắt thăm.
Ðoạn 2 -- Ê-xơ-tê được làm hoàng hậu
13 năm sau, A-suê-ru băng hà. Chắc Ê-xơ-tê còn sống
lâu lắm trong đời trị vì của con ghẻ mình, là ạt-ta-xét-xe, và với tư cách thái
hậu, bà chắc là người có thế lực lớn đương thời E-xơ-ra và Nê-hê-mi.
Ðoạn 3, 4, 5, 6, 7 -- Chiếu chỉ do
Ha-man nhơn danh A-suê-ru mà ban hành
Ðể giết người Do-thái ở khắp các tỉnh (3:12, 13).
Việc nầy xảy ra năm thứ 12 đời trị vì của vua A-suê-ru, và sau khi Ê-xơ-tê làm
hoàng hậu được 5 năm.
Khi Ê-xơ-tê bước vào để vì dân mình mà kêu xin vua,
thì sự ân cần của ông (5:3) tỏ ra rằng dầu bà đã làm vợ ông 5 năm rồi, ông vẫn
còn quí mến bà.
Kết cuộc là Ha-man đã bị treo trên trụ hình, và địa
vị của hắn được ban cho Mạc-đô-chê, là anh họ của Ê-xơ-tê.
Sách Ê-xơ-tê chẳng ghi danh hiệu Ðức Chúa Trời, có
lẽ vì sách nầy đã sao lại các ký văn Ba-tư. Tuy nhiên, không có chỗ nào sự săn
sóc và sắp đặt của Ðức Chúa Trời được thấy rõ ràng hơn.
Ðoạn 8, 9 -- Sự giải cứu; lễ Phu-rim
Vì chiếu chỉ của vua Ba-tư không thể thay đổi (8:8;
Ða-ni-ên 6:15), nên chiếu chỉ tàn sát dân Do-thái không thể đổi khác. Nhưng
Ê-xơ-tê đã thuyết phục vua ký một chiếu chỉ khác cho phép dân Do-thái chống cự
và giết mọi kẻ tấn công họ; và họ thật đã giết 75000 người. Vậy, Ê-xơ-tê cứu
chủng tộc Do-thái khỏi bị tuyệt diệt.
Ê-xơ-tê chẳng những xinh đẹp, nhưng còn khôn ngoan.
Chúng ta kính mộ bà chẳng những vì bà yêu nước và can đảm, nhưng cũng vì bà
khéo léo và sáng suốt, biết cách khiến được chồng mình; chúng tôi tưởng đó
không phải là một hành động ti tiện trong đời sống phụ nữ.
Ðó là căn nguyên của lễ Phu-rim mà ngày nay người
Do-thái còn giữ.
Ðoạn 10 -- Sự cao trọng của Mạc-đô-chê
Mạc-đô-chê được địa vị cao trọng trong triều đình,
chỉ kém một mình vua mà thôi. Càng ngày ông càng cao trọng; danh tiếng ông vang
lừng khắp các tỉnh (9:4; 10:3). Việc nầy xảy ra dưới đời trị vì của Xẹt-xe, vị
hoàng đế oai hùng của đế quốc Ba-tư: Thủ tướng của ông là một người Do-thái, và
chính vợ sủng ái của ông cũng là người Do-thái. Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê là bộ óc
và trái tim của cung vua! Sự kiện nầy mở đường cho công nghiệp của E-xơ-ra và
Nê-hê-mi. Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê ở Ba-tư cũng như Giô-sép ở Ai-cập và Ða-ni-ên ở
Ba-by-lôn vậy.