Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 18 | Chương 20 >> | Hướng Dẫn
Gióp
Vấn đề khổ nạn
Suy gẫm về các đường lối của Ðức Chúa Trời
bằng thi ca và triết lý
Các sách thi ca
Gióp đứng đầu loại sách Cựu Ước gọi là "Thi
ca," -- những sách theo sau là Thi- thiên, Châm Ngôn, Truyền đạo và Nhã
Ca. Những sách nầy cũng gọi là sách "Khôn ngoan." Phần nhiều đoạn
luận về sự khôn ngoan viết bằng thi ca. Vậy, nói chung, gọi những sách nầy là
sách "Thi ca" hoặc sách "Khôn ngoan" đều được cả.
Hầu hết bộ sách nầy thuộc về hoàng kim thời đại của
lịch sử Hê-bơ-rơ, tức là kỷ nguyên của Ða-vít và Sa-lô-môn; ấy cũng như các
sách tiên tri liên quan đến sự suy vong của dân tộc Hê-bơ-rơ. Sự sắp loại nầy
chỉ đúng một phần nào; vì phần đông người ta cho rằng sách Gióp thuộc về một
niên hiệu sớm hơn còn một số Thi Thiên thì lại sau nhiều. Nhưng phần lớn các
Thi Thiên được kể là của Ða-vít; còn ba sách Châm Ngôn, Truyền đạo, và Nhã Ca,
nói chung, được kể là của Sa-lô-môn. Vậy, vì trong Kinh Thánh của chúng ta, 5
sách nầy đứng chung một bộ, nên ta đặt chúng vào thời kỳ Ða-vít và Sa-lô-môn
một cách tổng quát, chớ không tuyệt đối, tưởng cũng không phải là trái lẽ.
"Thi-ca" Hê-bơ-rơ không có vận cước (pied) hoặc vần như thi ca Anh, Việt
v.v... Trái lại nó gồm những câu đối nhau, hoặc âm tiết (rythme) của tư tưởng. Cùng một tư tưởng được lặp lại bằng lời khác
nhau, -- lời thứ hai mâu thuẫn với lời thứ nhứt, hoặc đưa lời thứ nhứt lên
tuyệt điểm, làm thành những đoạn ca đồng nghĩa hoặc đối ngẫu. "Tình cảm
của một hàng chữ vang dội trong hàng chữ kế tiếp." Thường khi các đoạn ca
lại gấp đôi, gấp ba, hoặc gấp bốn, làm thành những câu 2 hàng, 4 hàng, 6 hàng
hoặc 8 hàng."
Giá trị văn chương của sách Gióp
Victor Hugo nói: "Có lẽ sách Gióp đứng hàng đầu tuyệt
phẩm của trí óc loài người."
Thomas Carlyle nói: "Không kể đến những lý thuyết về sách
nầy, tôi cho nó là một trong những tác phẩm vĩ đại nhứt từng được viết ra. Ðây
là bản văn thứ nhứt và cũ nhứt của bài toán vô tận, -- tức là số phận của loài
người và các đường lối của Ðức Chúa Trời đối với họ trên mặt đất. Tôi tưởng
không một tác phẩm nào có giá trị văn chương bằng sách Gióp."
Phillip Schaff nói: "Sách nầy vươn lên như một kim tự tháp
trong lịch sử văn chương, không có tiền bối và cũng không có địch thủ."
Sân khấu của sách nầy
Người ta cho rằng "xứ Út-xơ" (1:1) ở dọc
theo biên giới giữa xứ Pa-lét-tin và xứ Ả-rập, chạy dài từ Ê-đôm ở phía Bắc và
phía Ðông tới sông Ơ-phơ-rát, bọc quanh con đường thương đội giữa Ba-by-lôn và
Ai-cập. Phần đặc biệt của xứ Út-xơ mà truyền thoại gọi là "quê hương của
Gióp" chính là Hauran, một miền
ở phía Ðông biển Ga-li-lê, nổi danh vì đất đai phì nhiêu và thóc lúa sung túc,
xưa kia dân ở đông đúc, nhưng nay rải rác có di tích của 300 thị trấn. Trong
miền nầy có một chỗ gọi là Deir Eyoub,
và dân tại đây nói chính là chỗ Gióp đã sanh trưởng.
Con
người Gióp
Dựa theo truyền thoại thượng cổ, trong một lời phụ
chú, bản Séptante nói rằng Gióp chính
là "Giô-báp," vua thứ hai của Ê-đôm (Sáng thế ký 36:33). Các tên và
chỗ ghi trong sách nầy (xem dưới đoạn 2) dường như "đặt sách vào"
giữa đám hậu tự của Ê-sau. Nếu điểm nầy là đúng và nếu Hauran là quê hương của Gióp, thì chứng tỏ rằng các vua đầu tiên
của Ê-đôm có thể từng hồi từng lúc di cư từ các ghình đá Ê-đôm tới những đồng
bằng Hauran phì nhiêu hơn ở phía Bắc.
Dầu sao, sách nầy cũng có không khí của thời thái cổ và "được đặt
vào" giữa những bộ lạc thượng cổ, là dòng dõi Áp-ra-ham, ở dọc theo biên
giới phía Bắc xứ Ả-rập; còn về thời gian, thì gần đồng thời với lúc dân
Y-sơ-ra-ên kiều ngụ tại Ai-cập.
Tác giả của sách
Truyền thoại cổ của dân Do-thái cho rằng Môi-se đã
chép sách nầy. Ðang khi ở đồng vắng Ma-đi-an (Xuất Ê-díp-tô ký 2:15 -- xem bản
đồ số 32), giáp giới xứ Ê-đôm, thì ông dễ được con cháu của Gióp thuật lại cho
nghe truyện tích Gióp; hoặc lúc đó chính Gióp còn sống và có lẽ đã tự thuật
truyện mình cho Môi-se, lại trao cho ông một bản sao ký truyện của gia đình
mình. Vì Gióp là dòng dõi của Áp-ra-ham, nên tự nhiên Môi-se có thể nhận thấy
Gióp thuộc trong phạm vi sự khải thị của Ðức Chúa Trời. Các nhà phê bình kim
thời tự khoe học thức uyên thâm, đoán rằng sách Gióp được chép lâu lắm về sau
nầy; nhưng đó chỉ là phỏng đoán. Chúng tôi tin rằng quan điểm của truyền thoại
có thể đúng hơn.
Tánh chất của sách nầy
Ta có thể gọi sách nầy là một thi ca của lịch sử,
nghĩa là một thi ca căn cứ vào một biến cố thật đã xảy ra. Nó dường như là một
cuộc tranh luận công khai về ý nghĩa sự khổ nạn của Gióp. Dầu các bạn của Gióp
tự nhận là đến để "an ủi" ông (2:11), nhưng chúng tôi tự hỏi phải
chăng đó là một thứ hội nghị công cộng, tại đây những người có tên tuổi nhứt
một thời đã tỏ bày tư tưởng của mình? Sự khổ nạn của Gióp kéo dài suốt mấy
tháng (7:3). Không cần phải nghĩ rằng các bài diễn thuyết đã được ứng khẩu.
Cuộc tranh luận chắc đã kéo dài lâu ngày, gồm nhiều phiên họp, và mỗi diễn giả
được phép dùng một khoảng thì giờ để sửa soạn bài đáp.
Ðề mục của sách nầy
Sách nầy là một bản tranh luận triết lý, dùng lời
lẽ đầy thi tứ mà nói về vấn đề khổ nạn của loài người. Từ lúc khởi đầu lịch sử,
người ta đã băn khoăn, bối rối về những nỗi bất bình đẳng và bất công khủng
khiếp của đời sống: Tại sao Ðức Chúa Trời nhơn ái lại có thể dựng nên một thế
giới như thế nầy, trong đó có biết bao khổ nạn, và biết bao khổ nạn lại giáng
trên những kẻ ít đáng chịu nhứt? Ngày nay chúng ta vẫn chẳng hiểu vấn đề nầy
hơn họ đã hiểu đương thời Gióp. Chúng ta ra đời mà không liên quan chi hết tới
việc đem mình đến cõi đời nầy. Ta mở mắt, nhìn chung quanh, và chính ta là một
dấu hỏi lớn: "Mọi sự nầy để làm gì?" Ta càng lớn lên, càng thấy những
nỗi bất bình đẳng và bất công trên thế giới, thì dấu hỏi càng lớn hơn:
"Tại sao Ðức Chúa Trời nhơn ái lại có thể dựng nên một thế giới như thế
nầy?" Nhưng dầu ta có lẽ không hiểu vấn đề hơn họ đã hiểu đương thời Gióp,
ta cũng có lý lẽ nhiều hơn để dung hòa với nó. Vì trong thời gian đó, chính Ðức
Chúa Trời đã giáng xuống đời nầy và chia sẻ sự khổ nạn của chúng ta. Ấy chẳng
phải dường như Ngài đã tạo nên một thế giới có khổ nạn, rồi đứng xa mà phán
rằng: "Hãy để mặc nó chịu khổ nạn!" Truyện tích Ðức Chúa Jêsus, vừa
là Người Công bình công bình nhứt thế giới, vừa là Người chịu đau khổ nhứt thế
giới, là chứng cớ tỏ ra Ðức Chúa Trời chịu khổ nạn chung với loài người thọ tạo
của Ngài. Vậy, chúng ta chẳng khó gì mà tin rằng cả sự khổ nạn nhằm vào một mục
đích tốt đẹp, mặc dầu hiện nay ta không hiểu rõ. Rồi Ðức Chúa Jêsus cũng đã
sống lại từ trong kẻ chết, cho ta chắc chắn được vào cõi đời tương lai, tại đó
mọi sự bí mật sẽ được giải quyết và mọi sự bất bình đẳng sẽ được san phẳng.
Ðoạn 1 -- Sự khổ nạn thình lình của Gióp
Sách mở đầu kể truyện của Gióp, là một vị tộc trưởng,
một ông hoàng trong sa mạc, hoặc là một vua theo như họ gọi đương thời ấy. Ông
rất giàu có, ảnh hưởng lớn, nổi danh vì thanh liêm, tin kính và lòng từ thiện.
Ông là một người tốt, gặp phải những nghịch cảnh khủng khiếp xảy đến thình lình
và dồn dập đến nỗi khắp nơi ai cũng biết. Ông thành ra đầu đề của cuộc đàm
thoại và suy lý thường ngày, làm cho mọi người kinh ngạc.
Dân Sê-ba cướp bò của ông; sét đánh chết chiên của
ông; người Canh-đê đánh lạc đà của ông đi mất; một cơn gió lốc làm chết các con
trai ông; quỉ Sa-tan giáng cho ông một bịnh tật gớm ghiếc. Mọi tai họa đó tiếp
tục nhau rất mau lẹ. Dân Sê-ba ở phía Nam xứ Ả-rập, và là con cháu của Sem
(Sáng thế ký 10:28). Người Canh-đê ở phương Ðông, là quê hương của Áp-ra-ham.
Ðoạn 2 -- Bàn tay của Sa-tan ở trong đó
Ðây chúng ta thoáng thấy cõi
thần linh, tại đó những mầu nhiệm của đời sống đều được biết rõ. Sa-tan là
thiên thần hay cáo tội, gợi ý với Ðức Chúa Trời rằng Gióp chỉ ăn ở nhơn đức vì
tư lợi; ấy nghĩa là Gióp phụng sự Ðức Chúa Trời chỉ vì nhờ đó, ông được lợi lộc
vật chất. Ðức Chúa Trời bèn cho phép Sa-tan thử xem lời cáo tội của nó có đúng
chăng?
Người ta thường cho rằng Gióp
bị bịnh phung dưới một hình thức kinh khiếp, lại thêm biến chứng sùi da (éléphantiasis), là một chứng dơ dáy và
nhức nhối ở Ðông-phương.
Ba người bạn.--
Ê-li-pha, người Thê-man, là dòng dõi của Ê-sau (Sáng thế ký 36:11), tức là một
người Ê-đôm. Binh-đát, người Su-a, là dòng dõi của Áp-ra-ham và Kê-tu-ra (Sáng
thế ký 25:2). Sô-pha, người Na-a-ma, không rõ gốc tích và quê quán ở đâu. Cả ba
là những ông hoàng du mục ở sa mạc, những tiểu vương đương thời ấy. Ê-li-hu,
người Bu-xi, là dòng dõi Na-cô, anh của Áp-ra-ham (Sáng thế ký 22:21).
Ðoạn 3 -- Lời than thở của Gióp
Ông mong ước mình không hề sanh ra, và cầu nguyện
cho chết đi. Ông mô tả cõi chết thật là kỳ diệu, vì ông coi nó cách giải thoát
khỏi những khổ nạn của đời nầy. Về sau, Ðức Chúa Trời quở trách ông không biết
chi về sự chết (38:17). Theo lời dạy của Ðấng Christ, thì kẻ gian ác bị khổ nạn
không thôi (câu 17; Ma-thi-ơ 25:41).
Trong những cuộc đàm thoại tiếp theo, Gióp nói 9
lần, Ê-li-pha 3, Binh-đát 3, Sô-pha 2, Ê-li-hu 1, và Ðức Chúa Trời 1.
Nói chung, mấy ông nầy biện luận điềm tĩnh, song
đôi khi cũng rất hăng hái.
Không phải dễ mà tìm thấy đề tài của cuộc biện luận
luôn luôn. Trong một vài đoạn, chúng ta phải tự hỏi họ có biết đúng mình biện
luận vì mục đích gì không? Phải chăng họ chỉ muốn biết ai hùng biện tài tình
hơn cả? Quả thật, nhiều đoạn biện luận của họ chỉ tuyệt mỹ mà thôi. Họ dường
như hiệp ý về nhiều điểm. Ta có thể lần thấy những điểm tranh luận chánh yếu
của họ như sau đây:
Ba bạn của Gióp dường như nghĩ rằng mọi khổ nạn
giáng trên loài người cốt để hình phạt tội lỗi của họ; rằng nếu chúng ta chịu
khổ nạn nhiều, thì đó là bằng cớ tỏ ra ta là đại tội nhơn; còn nếu tội lỗi ta
giấu kín, thì sự khổ nạn chứng tỏ ta là kẻ giả hình.
Ý tưởng của chàng thanh niên Ê-li-hu dường như là
sự khổ nạn giáng trên loài người chẳng những để hình phạt tội lỗi, song, hơn
nữa, còn để giữ cho họ khỏi phạm tội. Sự khổ nạn có tánh cách sửa trị hơn là
hình phạt.
Bài diễn thuyết của Ðức Chúa Trời từ trong gió lốc,
ở cuối sách, dường như tỏ ra theo quan điểm của Ngài, thì Ngài nghĩ rằng loài
người không thể trông mong hiểu biết mọi sự mầu nhiệm của Ðức Chúa Trời trong
công cuộc sáng tạo và cai trị vũ trụ của Ngài; ấy vì trí óc họ hữu hạn, và họ
sống trong một thế giới mà hằng ngày họ thấy những điều mình không hiểu nổi,
lại nữa, họ ở dưới những quyền lực tự mình không sao chống lại được.
Nói chung, bài học trọng đại của sách nầy dường như
là: Vì Gióp kiên nhẫn chịu lấy khổ nạn, nên rốt lại, ông được thấy Ðức Chúa
Trời và được Ngài ban thưởng trọng hậu.
Ðoạn 4, 5 -- Ê-li-pha đáp lại
"Nào bao giờ có kẻ vô tội bị hư mất?"
(4:7). Sự hiện thấy của ông về Ðức Chúa Trời trong ban đêm thật là tuyệt vời
(4:12-19). Ông khuyên Gióp hãy quay về với Ðức Chúa Trời (5:8), và bàn rằng nếu
Gióp ăn năn, thì sự khổ nạn của ông sẽ tiêu tan (5:17-27).
Ðoạn 6, 7 -- Bài diễn thuyết thứ hai của
Gióp
Gióp thất vọng về các bạn hữu của mình. Ông ước ao
được cảm thương, chớ không muốn bị quở trách sâu cay (6:14-30). Ông dường như
kinh ngạc. Ông thừa biết mình chẳng phải là một người gian ác. Tuy nhiên,
"thịt ông bị bao phủ giòi tửa" (7:5), và ông đau đớn ê chề. Thật ông
không hiểu nổi. Dầu cho ông có phạm tôi đi nữa, chắc cũng không quá tàn khốc
đến nỗi đáng chịu hình phạt kinh khiếp như vậy. Ông cầu nguyện cho mình chết đi
(6:9).
Ðoạn 8 -- Bài diễn thuyết thứ nhứt của
Binh-đát
Ông cho lời nói của Gióp là "gió bão"
(câu 2). Ông nhấn mạnh rằng Ðức Chúa Trời là công bình trong cách Ngài đối xử
với loài người; rằng sự khổ nạn của Gióp là chứng cớ tỏ ra ông gian ác; rằng
nếu Gióp chịu quay về với Ðức Chúa Trời, thì mọi sự lại sẽ tốt lành.
Ðoạn 9, 10 -- Bài diễn thuyết thứ ba của
Gióp
Ông nhấn mạnh rằng mình "chẳng phải gian
ác" (10:7), và Ðức Chúa Trời giáng sự hình phạt trên người công bình cũng
như trên người gian ác (9:22); ông cũng than thở đắng cay về cách Ðức Chúa Trời
đối xứ với mình, và ông mong ước mình chẳng hề sanh ra (10:18-22).
Ðoạn 11 -- Bài diễn thuyết thứ nhứt của
Sô-pha
Ông theo đường lối của Ê-li-pha, Binh-đát và tàn
nhẫn bảo Gióp rằng sự hình phạt Gióp còn nhẹ hơn là Gióp đáng phải chịu (câu
6). Ông cho là Gióp khoe khoang sự công bình riêng của mình (câu 2-4), và nhấn
mạnh rằng nếu Gióp chịu từ bỏ tội ác của mình, thì sự khổ nạn của Gióp sẽ qua
hết, sẽ được quên đi, và an ninh, thạnh vượng, hạnh phước sẽ trở lại (câu
13-19).
Ðoạn 12, 13, 14 -- Bài diễn thuyết thứ
tư của Gióp
Ông đổi ra nói châm chọc vì cớ những lời gay gắt
của họ (12:2); ông bảo họ hãy làm thinh, để mặc ông (13:13). Ông nhấn mạnh rằng
kẻ gian ác được thạnh vượng, còn người công bình chịu đau khổ. Trong tình trạng
hoàn toàn thất vọng, Gióp dường như nghi ngờ cả đời sau (14:7, 14). Nhưng về
sau ông có lòng tin chắc tuyệt diệu về điểm nầy (xem thêm ở đoạn 19).
Ðoạn 15 -- Bài diễn thuyết thứ hai của
Ê-li-pha
Sự châm chọc của Ê-li-pha hóa ra cay đắng. Ông giả
định rằng Gióp gian ác, và cho Gióp là tự phụ. Cuộc tranh luận càng lâu càng
hăng hái. Họ đổi ra nóng nảy và giận dữ. "Mắt" Gióp "ngó chớp
lách" (câu 12). "Ông nổi giận, bèn xẻ rạch mình" (18:4). Ông
"vỗ tay mình" (34:37). Họ "lắc đầu về " ông (16:4).
Ðoạn 16, 17 -- Bài diễn thuyết thứ 5 của
Gióp
"Nếu linh hồn các ngươi thế cho linh hồn ta,
tất ta cũng sẽ... lắc đầu về các ngươi" (16:4). Gióp cứ tiếp tục than thở.
"Mắt ông sưng đỏ lên vì cớ khóc" (16:16). "Bạn hữu ông nhạo báng
ông" (16:20). Ông "trở nên tục ngữ của dân," và "chúng khạc
nhổ nơi mặt" ông (17:6).
Ðoạn 18 -- Bài diễn thuyết thứ hai của
Binh-đát
Trong lúc nổi giận, ông la Gióp rằng: "Ông nổi
giận, bèn xẻ rạch mình" (câu 4). Giả định rằng Gióp gian ác, ông bèn mô tả
số phận kinh khiếp của kẻ gian ác, toan làm cho Gióp hoảng sợ.
Ðoạn 19 -- Bài diễn thuyết thứ sáu của
Gióp
"Các bạn thân thiết đều gớm ghét" ông
(câu 19). "Các tớ gái ông đãi ông như một khách lạ" (câu 15), và
"hơi thở ông làm gớm ghiếc cho vợ ông" (câu 17). "Những đứa trẻ
cũng khinh bỉ" ông (câu 18); "xương cốt ông sát vào da và thịt
ông" (câu 20). Bị tan vỡ tứ phía, ông bèn kêu xin bạn hữu "thương
xót" mình (câu 21). Ðoạn, thình lình, từ vực sâu tuyệt vọng, chẳng khác gì
ánh mặt trời chiếu qua kẽ mây, Gióp phát ra một lời tuyệt diệu của đức tin, xưa
nay chưa từng có: "Tôi Biết Rằng Ðấng Cứu Chuộc Tôi Vẫn Sống, đến
lúc cuối cùng, Ngài sẽ đứng trên đất. Sau khi da tôi, tức xác thịt nầy, đã bị
tan nát, bấy giờ ngoài xác thịt, Tôi Sẽ Xem Thấy ÐỨức Chúa Trời"
(câu 25-27).
Ðoạn 20 -- Bài diễn thuyết thứ hai của
Sô-pha
Tiếp theo điệu thứ hai của Binh-đát và giả định
rằng Gióp gian ác, ông cố gắng mô tả địa vị thê thảm dành cho những kẻ ác.
Ðoạn 21 -- Bài diễn thuyết thứ bảy của
Gióp
Gióp đồng ý rằng đến cuối cùng, kẻ gian ác sẽ bị
đau khổ, nhưng ông nhấn mạnh rằng chúng thường được thạnh vượng.
Ðoạn 22 -- Bài diễn thuyết thứ ba của
Ê-li-pha
Ông đả kích sự gian ác của Gióp càng lâu càng kịch
liệt hơn, và nhứt là ông đặc biệt nêu lên cách Gióp đối đãi người nghèo tàn
nhẫn.
Ðoạn 23, 24 -- Bài diễn thuyết thứ tám
của Gióp
Ông binh vực sự công bình của mình. "Lời của
miệng Ngài" (23:12). -- mấy chữ nầy tỏ ra rằng đương thời Gióp, đã có
những tác phẩm được nhìn nhận là Lời của Ðức Chúa Trời.
Ðoạn 25 -- Bài diễn thuyết thứ ba của
Binh-đát
"Làm sao loài người được công bình trước mặt
Ðức Chúa Trời?" (câu 4). Ông diễn thuyết rất ngắn, rồi thôi hẳn.
Ðoạn 26-31 -- Bài diễn thuyết chót của
Gióp
Ông càng thêm tự tin mà binh vực sự vô tội của
mình. "Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả quyết rằng tôi trọn
vẹn" (27:5). Ông đối chiếu sự thạnh vượng, hạnh phước, danh vọng, tôn
trọng, hảo tâm, từ ái và hữu ích quá khứ của mình (đoạn 29) với sự đau khổ kịch
liệt hiện tại của mình (đoạn 30). Ông nói mình "trở nên lời ca hát của họ,
làm đề cho chuyện trò của họ" (30:9). Họ "nhổ khạc nơi mặt" ông
(30:10). Ông trở thành anh em của "chó rừng" (30:29). "Da ông
thành đen" (30:30). Rồi ông cương quyết chối rằng mình không hề ức hiếp kẻ
nghèo, hoặc tham lam, hoặc vô luân thường, hoặc che giấu tội mình (đoạn 31).
Sự thờ lạy hình tượng.--
Trong sách Gióp, chỉ có một chỗ ngụ ý nói đến sự thờ lạy hình tượng (31:26-28).
Ðây dường như nói đến sự thờ lạy mặt trời. Ðó là một bằng cớ tỏ ra sách Gióp
được chép từ thời thượng cổ, -- đương thời ấy, người ta còn giữ theo truyền
thuyết độc thần nguyên thủy, tỉ như Áp-ra-ham, Mên-chi-xê-đéc, Ba-la-am.
Ðoạn 32-37 -- Bài diễn thuyết của
Ê-li-hu
Gióp đã làm cho ba bạn hữu ngậm miệng. Ê-li-hu tức
giận họ, vì họ câm, không trả lời Gióp được. Ông tức giận Gióp, vì Gióp tự cho
là công bình, tự xưng mình là công bình, chớ không xưng Ðức Chúa Trời là công
bình. Bây giờ tới phiên Ê-li-hu nói với họ một, hai điều. Ông có tự phụ chăng?
Cả trái đất hãy yên lặng, Ê-li-hu sắp cất tiếng nói. Phần lớn bài diễn thuyết
của ông cốt bảo họ rằng ông sẽ nói những diều kỳ diệu. Song, cũng như những
người khác, sự khôn ngoan của ông chỉ cốt tại dùng những lời làm tối, chớ không
làm rõ điều ông muốn nói. Ðiểm tranh luận chính của ông dường như là Ðức Chúa
Trời dùng sự khổ nạn để sửa trị chớ không phải để hình phạt.
Ðoạn 38-41 -- Bài diễn thuyết của Ðức
Chúa Trời
Ngài phán từ trong cơn gió lốc. Ngài luận rằng đối
với Ðức Chúa Trời, thì loài người ngu dốt, bất lực, yếu đuối và hết sức nhỏ bé.
Ngài hỏi hết câu nầy đến câu khác, làm cho Gióp kinh khiếp mà làm thinh, và
khiến ông quỳ mọp xuống. Ðây là những đoạn vĩ đại, tuyệt vời.
Ðoạn 42 -- Gióp ăn năn và được phục hưng
Gióp kêu lên rằng: "Tôi lấy làm gớm ghê tôi,
và ăn năn trong tro bụi" (câu 6). Ðức Chúa Trời xác nhận ý tưởng mà Gióp
bày tỏ, chớ không xác nhận ý tưởng của những người kia (câu 7). Gióp không phải
là người gian ác như họ đã giải luận, nhưng là một người thật tin kính; khi được
đưa đến đối mặt với Ðức Chúa Trời, thì ông "gớm ghê" sự công bình
riêng của mình và mọp xuống trong bụi đất.