Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 65 | Chương 67 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Thơ Hê-bơ-rơ

 

 

Sứ điệp cuối cùng của Ðức Chúa Trời gởi cho giới Do-thái giáo

Christ là Ðấng thiết lập giao ước mới

Số phận vinh hiển của loài người

 

Thơ nầy gởi cho ai? Như thơ tín thứ nhứt của Giăng, thơ tín nầy không ghi tên những người nhận. Nội dung quyết chắc dành cho người Do-thái, vì nó luận về mối liên quan của Ðấng Christ với ban tế lễ Lê-vi và các tế lễ trong Ðền thờ. Thơ nầy luôn luôn trưng dẫn Cựu Ước để xác chứng những điều nó quả quyết. Theo truyền thoại thường được công nhận, thì thơ tín nầy gởi cho các người Do-thái tin theo Ðấng Christ và đang ở xứ Pa-lét-tin; tuy nhiên, có một số người tưởng rằng có lẽ thơ tín nầy gởi cho người Do-thái ở La-mã, hoặc A-léc-xăn-đơ-ri, hoặc nơi nào khác.

Tác giả. Trong bản Kinh Thánh tiếng Anh "King James," có ghi ở nhan đề rằng: "Thơ tín của Phao-lô." Bản "Revised Version" không đề tên tác giả, vì trong những bản thảo cổ nhứt tìm thấy từ khi có bản dịch "King James" đều không ghi tên tác giả. Ngay từ lúc đầu, Giáo hội Ðông phương nhìn nhận Phao-lô là tác giả của thơ Hê-bơ-rơ. Mãi đến thế kỷ thứ 4, Giáo hội Tây phương mới nhìn nhận nó là tác phẩm của Phao-lô. Eusèbe kể Phao-lô là tác giả. Tertullien gọi nó là "thơ tín của Ba-na-ba." Clément ở A-léc-xăn-đơ-ri cho rằng Phao-lô đã viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, rồi Lu-ca dịch ra tiếng Hy-lạp (văn Hy-lạp trong thơ tín nầy thật là tuyệt diệu). Origène nói rằng tư tưởng là của Phao-lô, và kể Phao-lô có lẽ đúng là tác giả, nhưng thêm rằng: "Chỉ Ðức Chúa Trời biết chắc ai đã trứ tác thơ tín nầy." Luther đoán là A-bô-lô, nhưng không có bằng cớ nào từ thời xưa để xác nhận ý kiến ấy. Ramsay cho Phi-líp là tác giả. HarnackRendel Harris cho Prisca là tác giả. Người khác lại cho là Lu-ca, hoặc Si-la, hoặc Clément ở kinh thành La-mã. Ferrar Fenton nghĩ rằng ngoài Phao-lô, không còn ai có thể viết thơ tín nầy, và ông viết nguyên văn bằng tiếng Hê-bơ-rơ, rồi một người giúp việc ông đã dịch ra tiếng Hy-lạp. Nói chung, ý kiến dựa vào truyền thoại được nhìn nhận trải qua các đời và hiện nay còn được rất nhiều người nhìn nhận, ấy là Phao-lô đã trứ tác thơ tín nầy.

Niên hiệu. Chắc chắn thơ tín nầy viết trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, là biến cố xảy ra năm 70 S.C..Nếu Phao-lô viết, thì dường như ông đã viết tại thành La-mã (61-63 S.C.). Câu "Các thánh đồ ở Y-ta-li gởi lời thăm anh em" (13:24) tự nhiên, tuy không hiển nhiên, có nghĩa là thơ nầy viết tại xứ Y-ta-li. Ti-mô-thê có ở với tác giả (13:23). Ông đã cùng Phao-lô đi lên thành Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 20:4), rồi từ đó ông cùng Phao-lô đi tới kinh thành La-mã (Cô-lô-se 1:1). Ông vừa mới được phóng thích, và Phao-lô toan định sai ông trở lại Ðông phương (Phi-líp 2:19, 24); chính Phao-lô cũng trông mong chẳng bao lâu sẽ tới đó. Dường như Phao-lô và Ti-mô-thê toan định trở lại Giê-ru-sa-lem (13:23); vả, suy luận theo đoạn 13:19, thì các thủ lãnh ở đó là thiết hữu của Phao-lô. Thơ tín nầy có lẽ viết vào cùng khoảng với thơ Phi-líp.

Lúc viết thơ Hê-bơ-rơ lại nhằm khoảng Gia-cơ, người cai quản Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, bị giết (62 S.C., -- xem ở dưới thơ Gia-cơ). Phao-lô và Gia-cơ là bạn chí thiết. Chừng 3 năm trước, Phao-lô đã ở Giê-ru-sa-lem. Người ta cho rằng khi nghe tin Gia-cơ bị giết, Phao-lô bèn viết thơ tín nầy cho các thủ lãnh của Hội Thánh xứ Giu-đê hiện đang không có Mục sư, để giúp họ làm cho bầy chiên vững vàng trong những ngày khủng khiếp sắp xảy đến. Nếu đúng vậy, thì thơ tín nầy gởi đi không có tên Phao-lô rất là hữu lý, vì ông chẳng được hoan nghinh lắm tại Giê-ru-sa-lem. Các thủ lãnh biết ai viết thơ nầy, nhưng khi đọc trong các chi hội mà không nói đến tên Phao- lô, thì thơ nầy càng có sức mạnh hơn. Những thơ tín Tân Ước đã viết ra để Ðọc Trong Các Chi Hội (đây là một điều mà các nhà Truyền đạo ngày nay dường như bỏ qua).

Mục đích. Chúng tôi cho rằng thơ nầy viết ra để dự bị những tín đồ gốc Do-thái cho sự sụp đổ thành Giê-ru-sa-lem gần tới. Ðã có chừng một thế hệ kể từ ngày Ðức Chúa Jêsus phán lời cảnh cáo bất thường nầy: "Dòng dõi (Nên dịch là "thế hệ") nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến" (Ma-thi-ơ 24:34). Sau khi tiếp nhận Ðức Chúa Jêsus làm Ðấng Mê-si, những tín đồ gốc Do-thái vẫn còn sốt sắng về các nghi lễ và tế lễ trong Ðền thờ; chúng tôi giả định họ nghĩ rằng dưới đời trị vì của Ðấng Mê-si, Thành yêu dấu của họ sẽ trở nên thủ đô thế giới, và Ðền thờ sẽ là trung tâm hành hương của muôn dân trên mặt đất. Trái lại, chính đời sống họ phải chịu lấy sự va chạm. Thành Thánh bị tiêu diệt và các nghi lễ trong Ðền thờ bị dứt tuyệt bởi một đòn chí tử của quân đội La-mã.

 Thơ tín nầy viết ra cốt để giải thích cho họ rằng các sinh tế mà họ sốt sắng tríu mến đó không còn ích lợi chi nữa; rằng sự giết bò tơ hoặc chiên con không bao giờ có thể cất bỏ tội lỗi; rằng Ðức Chúa Trời không hề định dùng các tế lễ ấy đời đời, song chỉ định dùng nó, trải qua nhiều đời, làm hình bóng về Tế lễ tương lai của Ðấng Christ; rằng bây giờ Ðấng Christ đã ngự đến, thì những tế lễ ấy đã đạt tới mục tiêu và qua đi.

Ðối chiếu của thơ Rô-ma. Thơ Rô-ma gởi cho thủ đô của thế giới dân ngoại; thơ Hê-bơ-rơ gởi cho dân tộc Do-thái. Ðức Chúa Trời đã sáng lập và trưởng dưỡng dân tộc Do-thái trải qua bao nhiêu thế kỷ vì mục đích ban phước cho muôn dân bởi một dân, và do một Vua Cao cả sẽ dấy lên từ một dân để cai trị muôn dân. Bây giờ Vua ấy đã ngự đến. Thơ Rô-ma giải luận mối liên quan của Vua với Nước Ngài gồm toàn thế giới, cũng giải luận căn bản trên đó Ngài có quyền được mọi người phục tòng. Thơ Hê-bơ-rơ luận về mối liên quan của Vua với dân tộc từ đó Ngài phát xuất.

Giá trị văn chương tuyệt diệu. Bất cứ tác giả là ai, thơ Hê-bơ-rơ nầy về mặt văn chương cũng đẹp đẽ như châu ngọc. Về lời lẽ, nó là sách Ê-sai của Tân Ước. Nó không trứ tác theo lối viết thơ tự nhiên như phần nhiều các thơ tín khác trong Tân Ước; nhưng nó là một bản khái luận có thứ tự và đúng phép luận lý, "có những câu cân đối, vang dội, rành mạch, vươn lên tới tuyệt điểm hùng biện, kỳ diệu."

* * *

Thơ Hê-bơ-rơ 2

Ðoạn 1 -- Ðấng CHRIST Là Ðức Chúa Trời Và Là Cứu Cánh

Ðức Chúa Jêsus (câu 1-4). Mấy câu mở đầu là một trong những khúc tuyệt diệu của Kinh Thánh. Về sự vĩ đại, nó đứng ngang hàng với những câu mở đầu sách Sáng-thế Ký và sách Tin Lành Giăng. Ðức Chúa Jêsus là Ðức Chúa Trời, có sự vinh hiển khôn tả xiết, cũng là Ðấng sáng tạo, bảo tồn và thừa kế vũ trụ. Ngài được tôn cao hơn mọi loài thọ tạo. Bởi một hành động đời đời của Ðức Chúa Trời. Một Lần Ðủ Cả, Ðức Chúa Jêsus đã tẩy sạch tội lỗi loài người và đem cho họ ơn cứu rỗi đời đời .

Ðức Chúa Jêsus so sánh với các thiên sứ (câu 4-14). Ðiểm chính của thơ tín nầy là Ðấng Christ làm ứng nghiệm chế độ Môi-se, chớ không quản lý chế độ ấy. Khi lập luận, tác giả so sánh Ðấng Christ với các thiên sứ đã được dùng làm môi giới ban bố luật pháp (Công vụ các sứ đồ 7:53); với Môi-se, là nhà lập pháp; với ban tế lễ Lê-vi đã được dùng làm môi giới thi hành luật pháp. Theo tác giả thơ Hê-bơ-rơ, thì linh hồn người ta và các thiên sứ không phải cùng một loại. Người ta là một loài thọ tạo cao trọng hơn thiên sứ, còn thiên sứ được hình dung là có quyền phép lớn hơn. Khi qua đời, chúng ta không trở thành thiên sứ đâu. Ngày nay và ở trên Thiên đàng, thiên sứ là các đấng "giúp việc" chúng ta (câu 14). Các thiên sứ thờ phượng Ðấng Christ cũng như chúng ta thờ lạy Ngài vậy.

 

Ðoạn 2 -- Ðấng CHRIST Hợp Nhất Với Loài Người

Loài người, chớ không phải thiên sứ, là Chúa của thế giới tương lai (câu 5-8). Câu 7 nói rằng loài người "ở dưới thiên sứ một chút," mặc dầu ở đoạn 1:14 gọi thiên sứ là "thần... giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi." Thơ II Phi-e-rơ 2:11 nói rằng "các thiên sứ là Ðấng có sức mạnh, quyền phép hơn." Câu 9 nói rằng "Ðức Chúa Jêsus... đã ở dưới các thiên sứ một chút." Bản "Revised Version" chú thích là: "Một ít lâu," thì ý tưởng rõ ràng hơn. Dầu so sánh với loài người, thiên sứ có bổn tánh thể nào đi nữa, khúc sách nầy cũng tỏ rõ loài người do Ðức Chúa Trời dựng nên và cứu chuộc, đến cuối cùng sẽ cao trọng là dường nào.

Ðấng Christ hợp nhất với loài người (câu 9-18). Ðể cứu chuộc loài người, Ðức Chúa Trời chẳng sai thiên sứ, nhưng chính Ngài đã ngự đến. Ngài ngự đến không phải bằng hình thiên sứ, song bằng hình người. Chính Ðức Chúa Trời đã trở nên Người để cứu chuộc loài người. Ngài nhận lấy bổn tánh loài người cùng với những sự cám dỗ và đau khổ mà họ phải chịu, cả sự chết nữa, ngõ hầu có thể khiến cho loài người dự phần bổn tánh Ngài và đồng trị với Ngài. Ðấng Christ và những kẻ Ngài cứu chuộc sẽ tể trị vũ trụ, mặc dầu bọn mật sứ của địa ngục dường như luôn luôn cố gắng điên cuồng để truất ngôi Ngài.

Sự đau đớn của Ðấng Christ (câu 10). Ngài "nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành." Dầu Ngài có tâm tánh và quyền phép trọn vẹn, nhưng Ngài phải chịu cám dỗ và chịu chết như loài người, thì mới được trọn lành trong chức vụ Ðấng Cứu chuộc. Mặc dầu là Con Ðức Chúa Trời, song khi đã làm Người, thì Ngài cũng phải chịu đau đớn để học tập vâng lời (5:8).

 

Ðoạn 3 -- Ðấng CHRIST So Sánh Với Môi-se

Môi-se là tôi tớ , Ðấng Christ là Con (câu 1-6). trong tình trạng thơ ấu thiêng liêng (5:11-13), nhiều tín đồ gốc Do-thái đã không hoàn toàn học biết mối liên quan của Ðấng Christ với Môi-se. Dường như họ còn nghĩ rằng Môi-se là nhà lập pháp, còn Ðấng Christ là Nhà Hành pháp để áp dụng luật pháp Môi-se cho mọi dân tộc khác. Môi-se đứng hàng đầu, và Ðấng Christ ở dưới Môi-se. Nhưng họ đã đảo ngược lại đó. Ðấng Christ cao trọng hơn Môi-se bội phần, cũng như người kế tự và chủ của một nhà cao trọng hơn các tôi tớ trong nhà vậy. "Nhà" của Ðức Chúa Trời (câu 6) tức là dân Ngài.

Trái bỏ (hoặc ngã lìa xa) Ðức Chúa Trời (câu 12). Lời cảnh cáo nầy là một trong những điểm chính của thơ Hê-bơ-rơ. Hiểm họa chắc gần xảy đến và trầm trọng. Tác giả nhắc nhở họ rằng những người được giải phóng khỏi Ai-cập bởi bàn tay Môi-se đều đã vì không tin mà ngã chết trong đồng vắng trước khi tới Ðất Hứa (câu 12, 19). Nếu họ ngã chết vì không vâng theo lời Ðức Chúa Trời phán bởi Môi-se, thì còn có hy vọng chi nữa cho những kẻ coi thường Lời Ðức Chúa Trời phán bởi Ðấng Christ? Tác giả nhắc lại lời cảnh cáo một cách nhiệt thành càng hơn ở đoạn 6:4-6, và ở đoạn 10:26-29 nữa. Chắc trí óc ông nghĩ đến thành Giê-ru-sa-lem gần sụp đổ, là tai họa khủng khiếp hơn hết trong lịch sử Do-thái, sẽ cám dỗ các tín đồ Do-thái bỏ mất lòng tin Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si .

 

Ðoạn 4 -- Sự Yên Nghỉ Thiên Thượng Của Tín Ðồ Ðấng CHRIST.

Xứ Ca-na-an , hình bóng của Thiên đàng (câu 1-11). Những kẻ vào Ðất Hứa dưới quyền chỉ huy của Giô-suê đã tìm thấy một nơi yên nghỉ trần gian, một xứ tự do và dư dật. Nhưng đó chỉ là hình bóng về Quê hương thiên thượng trong cõi đời đời của vũ trụ Ðức Chúa Trời.

Quyền phép của Lời Ðức Chúa Trời (câu 12-13). Hai câu nầy tham chiếu gương của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, có chép trong sách Dân số ký và sách Phục truyền luật lệ ký . Do Thánh Linh của Ðức Chúa Trời, truyện tích đơn sơ ấy có quyền phép thấu suốt nơi sâu thẳm hơn hết của tấm lòng và cớ tích chúng ta. Ước gì Hội Thánh chúng ta nhận thấy mình sẽ có quyền phép dường nào bởi hiến cho Lời Ðức Chúa Trời địa vị thích đáng trong các cuộc thờ phượng! Nhưng, than ôi! Than ôi!

"Chia hồn, linh" (câu 12). Theo một phương diện, thì "hồn" có nghĩa là thú tánh của chúng ta, tức là yếu tố ta có chung với động vật giới. Còn "linh" chỉ về bổn tánh thiêng liêng của chúng ta, tức là yếu tố liên kết ta với Ðức Chúa Trời. Nhưng hai chữ nầy thường được dùng gần như đồng nghĩa, và ý nghĩa dường như là Lời Ðức Chúa Trời có khả năng chia rẽ, xem xét mọi cớ tích, ước muốn, mưu định, ý muốn, và đánh giá thật của nó trong trường hợp chúng ta hầu như không biết chính cớ tích của mình.

Ðấng Christ là Thầy tế lễ Thượng phẩm của chúng ta (câu 14-16). Ðây bắt đầu đề mục chánh yếu của thơ Hê-bơ-rơ, tức là so sánh Ðấng Christ với ban tế lễ Lê-vi; sự so sánh nầy kéo dài tới đoạn 10, và là phần chính của thơ Hê-bơ-rơ.

* * *

Thơ Hê-bơ-rơ 3

Ðoạn 5 -- So Sánh Ðấng CHRIST Với Các Thầy Tế Lễ Lê-vi

Ðấng Christ, Thầy tế lễ Thượng phẩm của chúng ta (câu 1-10). Các thầy tế lễ thuộc về chi phái Lê-vi, còn Ðấng Christ thuộc về chi phái Giu-đa. Họ đông đúc, còn Ngài chỉ có một mình. Họ dâng thú vật làm tế lễ, còn Ngài dâng chính mình Ngài, họ chết, còn Ngài sống đời đời.

Chậm hiểu (Bản tiếng Anh dịch là: "Chậm nghe.") (câu 11-14). Từ đây đến đoạn 6:12 là một sứ điệp riêng cho những người đầu tiên nhận thơ tín nầy. Trước kia, họ nổi tiếng sốt sắng "trong khi hầu việc các thánh đồ" (6:10), nhưng bây giờ họ đã quên cả "những điều sơ học" của Tin Lành (câu 12).

 Nếu thơ tín nầy thật gởi cho Hội Thánh xứ Giu-đê, đúng như ý kiến dựa vào truyền thoại, thì rõ ràng lắm. Khúc sách nầy tỏ ra Hội Thánh Giê-ru-sa-lem sa sút phần thiêng liêng và lòng yêu thương anh em đã mô tả ở sách Công vụ các sứ đồ 4:32-35. Thơ Gia-cơ, viết trước thơ tín nầy ít lâu, cũng ngụ ý nói đến một Hội Thánh tham mến thế gian và ích kỷ. Theo thời gian trôi qua, hàng bao nhiêu ngàn người Do-thái đã tiếp nhận Chúa Jêsus làm Ðấng Mê-si (Công vụ các sứ đồ 21:20), nhưng vẫn còn dính theo ý niệm duy vật cũ về nước của Ðấng Mê-si, tức là một nước có tánh cách chánh trị, trong đó dân tộc Do-thái, ở dưới quyền Ðấng Mê-si của mình, sẽ cai trị thế giới. Như vậy, đức tin của họ nơi Ðấng Christ phần lớn có tánh chất một khẩu hiệu chánh trị. Sau khi Gia-cơ tuận đạo, ý niệm nầy dường như lan rộng trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, đến nỗi tác giả bảo họ rằng: Anh em như con trẻ, cần được dạy lại những điều sơ học của Tin Lành, chớ không làm giáo sư cho giới tín đồ Ðấng Christ theo như Mẫu Hội đáng phải làm.

 

Ðoạn 6 -- Cảnh Cáo Kẻ Bội Ðạo

Sự bội đạo tuyệt vọng (câu 4-8). Khúc sách nầy luận về sự sa ngã của tín đồ, là kẻ đã biết và từng trải sự vui vẻ do ơn tha tội, ảnh hưởng từ ái của Ðức Thánh Linh, các lời hứa êm dịu của Ðức Chúa Trời, và hy vọng hạnh phước được sự sống đời đời.

Sự "sa ngã" có thể là một phần hoặc hoàn toàn, vì người ta có thể ngã từ mái nhà xuống bao lơn nhô ra, hoặc xuống tới mặt đất. Nếu chỉ sa ngã một phần, thì có lẽ còn hy vọng; nếu sa ngã hoàn toàn, thì không thể nào cứu vãn được.

"Không phải là Ðức Chúa Trời không thể tha thứ, nhưng là tội nhân không thể ăn năn." Tội lỗi hành động như ma quỉ ám ảnh đến nỗi người thích phạm tội sẽ tới chỗ không ăn năn được nữa. Ðó là một "công lệ thiên nhiên ở trong cõi thiêng liêng;" và đó cũng có thể là một chiếu chỉ độc đoán của Ðức Chúa Trời đã nổi giận. Kinh Thánh nói đi nói lại về cơn giận và cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Lòng yêu thương càng lớn lao, thì sự giận dữ càng có thể hung hăng đối với những kẻ khinh thị lòng yêu thương ấy.

Tội lỗi nói đến ở đây cũng giống như "tội lỗi không thể tha thứ" mà Ðức Chúa Jêsus đã nhắc tới (Ma-thi-ơ 12:31-32; Mác 3:28-30); trong hai khúc sách nầy, Ðức Chúa Jêsus ngụ ý phán rằng tội lỗi không thể tha thứ tức là kể các phép lạ Ngài làm là của quỉ Sa-tan; còn ở Lu-ca 12:9-10, thì tội lỗi ấy liên quan với sự chối bỏ Ðức Chúa Jêsus. Một người ở ngoài Hội Thánh có thể phạm tội lỗi ấy. Nhưng tội lỗi nói ở đây là sự sa ngã của tín đồ. Yếu tố của tội lỗi chí tử nầy, hoặc do tín đồ phạm, hoặc do người ở ngoài Hội Thánh phạm, là cố quyết và dứt khoát chối bỏ Ðấng Christ. Ấy dường như một kẻ ở đáy giếng, được người ta giòng dây kéo lên, nhưng lại cắt đứt dây ở trên đầu mình, thì mất cái hy vọng duy nhất được thoát chết. Ðối với những người chối bỏ Ðấng Christ (10:26-31), thì sẽ không bao giờ có tế lễ nào khác chuộc tội loài người nữa. Họ sẽ phải chịu đau đớn vì chính tội lỗi mình.

 

Ðoạn 7 -- Mên-chi-xê-đéc

Ðấng Christ là Thầy Tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc (câu 1-10). Ấy nghĩa là Ðức Chúa Jêsus không phải Thầy Tế lễ theo ban Lê-vi, nhưng chức Thầy Tế lễ của Ngài giống như chức của Mên-chi-xê-đéc, một nhân vật thời thượng cổ, có trước ban thầy tế lễ Lê-vi chừng 600 năm. Ông là thầy tế lễ cao trọng hơn các thầy tế lễ ban Lê-vi, cao trọng hơn cả Áp-ra-ham, vì Áp-ra-ham ( và các thầy tế lễ Lê-vi lúc ấy chưa sanh ra) đã nộp thuế một phần mười cho ông. Truyện tích Mên-chi-xê-đéc có chép ở Sáng-thế Ký 14:17-20. Ông là "vua Sa-lem" (Giê-ru-sa-lem), và là "thầy tế lễ của Ðức Chúa Trời Chí Cao." Ông vừa làm vua, vừa làm thầy tế lễ. Trước thời Môi-se, các tế lễ do gia trưởng dâng lên Ðức Chúa Trời. Như vậy, thầy tế lễ của mỗi gia tộc là người cha, hoặc ông nội, hoặc cố nội, tức là người cao tuổi nhứt còn sống về phía cha. Khi gia tộc đông đúc thành một bộ lạc (chi phái), thì vị tộc trưởng trở thành vua của bộ lạc, và cũng làm thầy tế lễ luôn . Vua -- Thầy tế lễ hoặc Thầy tế lễ -- Vua.

Ðương thời Môi-se, khi các gia tộc của tuyển dân Ðức Chúa Trời tụ hợp thành một dân tộc, thì dân tộc nầy được tổ chức, có một chỗ biệt riêng để dâng tế lễ, một bộ nghi lễ được qui định, và một ban đặc biệt truyền tử lưu tôn, thuộc gia tộc Lê-vi, được đặt lên để hành chức thầy tế lễ. Về sau, một gia tộc được biệt riêng để cung cấp những người làm vua, tức là gia tộc Ða-vít. Vua cai trị nhân dân, còn thầy tế lễ dâng tế lễ với tư cách trung bảo giữa Ðức Chúa Trời và người ta. Một gia tộc sanh ra những người làm vua, còn một gia tộc khác sanh ra những người làm thầy tế lễ. Nhưng Ðấng Christ vừa làm Vua, vừa làm thầy tế lễ, y như Mên-chi-xê-đéc.

Mên-chi-xê-đéc là ai? Theo truyền thoại của người Hê-bơ-rơ, thì ông chính là Sem, còn sống đương thời Áp-ra-ham; và theo chỗ ta biết, thì ông là người cao tuổi nhứt còn sống lúc đó. Có người tưởng ông là một thiên sứ; có người lại tưởng là Ðức Chúa Trời hiện hình, hoặc là chính Ðấng Mê-si, xét rằng ông là "vua" của một thành, thì truyền thoại ông là Sem dường như có lý hơn cả.

Câu: "Người không cha, không mẹ, không gia phổ, không có ngày đầu mới sanh, cũng không có ngày rốt qua đời" nghĩa là gì? Không phải thật là như vậy, nhưng theo Kinh Thánh ghi chép, thì là như vậy. Các thầy tế lễ Lê-vi hành chức ấy vì cớ gia phổ của họ. Nhưng Mên-chi-xê-đéc được nhìn nhận là thầy tế lễ, mặc dù không biết căn nguyên và kết cuộc chức thầy tế lễ của ông. Theo chỗ ta biết, thì khi hành chức thầy tế lễ, ông không có cha, mẹ, ngày sanh ra và ngày qua đời. Kìa, ông đứng đó, một nhân vật bí mật, ẩn dật, một hình bóng trong quá khứ xa xôi về Thầy Tế lễ và Vua đời đời sẽ ngự đến!

* * *

Thơ Hê-bơ-rơ 4

Ban thầy tế lễ Lê-vi chỉ tạm thời (7:11-12). Ban ấy bất toàn, vì các tế lễ không đủ cất tội lỗi đi (10:4). Nó có tánh cách "xác thịt" (câu 16), nghĩa là họ làm thầy tế lễ chỉ vì thuộc về gia tộc Lê-vi, chớ không kể đến những tư cách thiêng liêng. Hơn nữa, đã có lời dự ngôn rằng giao ước theo đó các thầy tế lễ Lê-vi hành chức sẽ bị thay thế bằng một giao ước khác với một ban thầy tế lễ khác (8:7-13).

Ðây có một bài học cho Hội Thánh. Trong Tân Ước không có chỗ nào xưng người thừa hành đạo Ðấng Christ là "thầy tế lễ" (thầy cả); trái lại, hết thảy tín đồ Ðấng Christ được gọi là "thầy tế lễ" (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6). Người thừa hành đạo Ðấng Christ làm giáo sư và Mục sư. Còn các thầy tế lễ dâng sinh tế. Khi Ðấng Christ chịu chết, thì sinh tế không còn nữa. Người thừa hành đạo Ðấng Christ rao truyền Danh Ngài. Áp dụng phẩm chức thầy tế lễ (thầy cả) cho người thừa hành đạo Ðấng Christ tức là quay trở lại cái mà Ðấng Christ đã trừ bỏ.

Chức Thầy Tế lễ của Ðấng Christ còn đời đời (câu 13-28). Họ dâng tế lễ mỗi năm một lần. Còn Ðấng Christ chịu chết một lần đủ cả. Tế lễ của họ chẳng có ích gì. Tế lễ của Ngài cất bỏ tội lỗi cho đến đời đời. Ðấng Christ sống mãi trong quyền năng của một Sự Sống Vô tận. Ngài sẽ không bao giờ bị thay thế, vì Ngài có thể cứu rỗi tới cực điểm, và không còn cần ai nữa. Ngài là Ðấng Trung Bảo của một giao ước đời đời và một sự sống vô tận.

"Ðời đời" là một danh từ mà thơ tín nầy hay dùng: Sự cứu rỗi đời đời (5:9); sự phán xét đời đời (6:2); sực cứu chuộc đời đời (9:12); Ðức Thánh Linh đời đời (9:14); cơ nghiệp đời đời (9:15); giao ước đời đời (13:2). Cũng là một chữ mà sách Tin Lành Giăng hay dùng.

 

Ðoạn 8 -- Giao Ước Mới

Giao ước của Ðấng Christ là tốt hơn (câu 6-13). Nó thay thế giao ước cũ. nếu chúng ta hiểu thấu tư tưởng của tác giả, thì thấy người Do-thái có ý coi Ðấng Mê-si là một Nhà Hành pháp, một Vị Tổng tư lịnh để thi hành luật pháp của Môi-se trên cả thế giới. Nhưng Ðấng Christ ban bố chính luật pháp của Ngài, và thiết lập một chế độ riêng, hoàn toàn của Ngài, để thay thế chế độ Môi-se. Chế độ Môi-se vốn là bất toàn, yếu đuối, vô ích và bị bãi bỏ (7:11, 18). Nó đã làm xong nhiệm vụ, và bây giờ phải nhường chỗ cho một chế độ tốt hơn.

"Tốt hơn" cũng là một danh từ mà tác giả ưa dùng: Giao ước tốt hơn (câu 6); sự trông cậy tốt hơn (7:19); của cải tốt hơn (10:34); quê hương tốt hơn (11:16), tức là Thiên đàng, chớ không phải xứ Ca-na-an ; sự sống lại tốt hơn (11:35 -- họ sống lại để rồi lại chết, nhưng tín đồ sống lại thì không hề chết nữa); điều tốt hơn (11:40); huyết nói tốt hơn huyết của A-bên (12:24).

 

Ðoạn 9 -- Ðền Tạm Chỉ Rập Theo Những Sự Vật Thiên Thượng

Ðấng Christ và Ðền tạm thật (câu 11-28). Ðền tạm là một đền thánh của thế gian nầy; còn Ðền tạm thật chẳng do tay người làm ra, mà chính là Thiên đàng (câu 1, 11, 24). Thầy tế lễ thượng phẩm vào "mỗi năm một lần;" còn Ðấng Christ vào "một lần thì đủ hết" (câu 7, 12). Thầy tế lễ đạt được sự cứu chuộc hằng năm. Còn Ðấng Christ đạt được sự cứu chuộc "đời đời" (câu 11; 10:3). Thầy tế lễ thượng phẩm dâng huyết của thú vật, còn Ðấng Christ dâng chính Huyết Ngài (câu 12). Các tế lễ của thầy tế lễ thượng phẩm làm sạch xác thịt; còn tế lễ của Ðấng Christ tẩy sạch lương tâm (câu 13, 14).

"Giao ước" (câu 15-22). Ðây giải thích rằng giao ước mới có tánh chất một chúc thơ, một sự lưu truyền lại cho kẻ thừa kế, và chỉ có hiệu lực sau khi người làm chúc thơ qua đời. Do đó, chúng ta có tên của hai phần Kinh Thánh: Cựu Ước và Tân Ước (có thể dịch là: Chúc thơ cũ và Chúc thơ mới. Tiếng Hy-lạp dùng cùng một chữ cho "giao ước" và "chúc thơ." Giao ước mới là chúc thơ mà Ðấng Christ làm cho các kẻ thừa kế Ngài, và chúc thơ nầy chỉ có thể có hiệu lực sau khi Ngài đã chịu chết để đền chuộc tội lỗi họ. Sự xác nhận giao ước cũ bằng huyết (câu 19-20) làm hình bóng về giao ước mới. Sự dùng rất nhiều huyết trong các nghi lễ Cựu Ước làm hình bóng về sự cấp bách cần có một Tế lễ lớn lao để chuộc tội loài người (câu 22).

Một lần đủ cả (câu 26, 28). Ðấng Christ đã dâng chính mình Ngài "một lần thì đủ cả" (7:27). Ngài đã vào Nơi Thánh một lần đủ cả (9:12). Tín đồ đã được nên thánh một lần đủ cả bởi Tế lễ của Ðấng Christ (10:10). Tội lỗi bị cất bỏ một lần đủ cả vào lúc "cuối cùng các thời đại" (câu 26). "Ðã định cho loài người phải chết một lần" (9:27). Sau khi dâng mình làm Tế lễ "chỉ một lần," Ðấng Christ "sẽ hiện ra lần thứ hai" để tiếp đón những kẻ thừa kế Ngài (câu 28). Ðây là câu dùng danh từ "lần thứ hai" để chỉ về sự tái lâm của Chúa.

 

Ðoạn 10 -- Ðược Cứu Rỗi Ðời Ðời

Tội lỗi bị cất bỏ cho đến đời đời (câu 1-25). Tội lỗi sẽ không hề được nêu lên nghịch cùng chúng ta nữa. Không cần phải dâng tế lễ nào nữa. Sự chết của Ðấng Christ hoàn toàn đủ để thanh toán các tội trước và các tội lỗi mà chúng ta có lẽ phạm trong đời sống hằng ngày vì cớ yếu đuối. Bây giờ, Ðức Chúa Trời có thể tha thứ những kẻ để lòng tin cậy nơi Ðấng Christ, và Ngài còn sẽ tha thứ cho họ nữa. Xao lãng "sự nhóm lại" (câu 25) có liên quan với tội lỗi không thể tha thứ chép trong câu sau. "Ngày ấy hầu gần" (câu 25) nghĩa là ngày Chúa tái lâm, ngày trọng đại hơn hết, là lúc thời gian chìm trong cõi đời đời .

Sự chối bỏ Ðấng Christ (câu 26-31). Tội lỗi mô tả ở đây giống như tội lỗi chép ở đoạn 6:1-8. Ðoạn 6:1-8 luận về sự sa ngã của những kẻ đã làm tín đồ Ðấng Christ. Ở đây là sự dứt khoát chối bỏ Ðấng Christ hoặc bởi một tín đồ sa ngã, hoặc bởi người nào khác. Ðiểm nêu lên ở đây là chỉ có Một Tế Lễ chuộc tội. Sẽ không hề có tế lễ chuộc tội nào khác. Tế Lễ của Ðấng Christ hoàn toàn đủ để chuộc hết tội lỗi loài người. Tội lỗi đã được giải quyết Một Lần Ðủ Cả. Suốt mọi thời đại của cõi đời đời, Ðức Chúa Trời sẽ không bao giờ sai một vị nào khác chịu đau đớn vì tội lỗi loài người. Sẽ Không Bao Giờ có một núi Gô-gô-tha khác. Người nào không nhận lấy ơn Ðấng Christ đã làm cho mình trên Thập tự giá, thì cũng như quyết định vĩnh biệt Ðức Chúa Trời, đi theo đường riêng, và tự chịu đau đớn vì tội lỗi mình.

* * *

Thơ Hê-bơ-rơ 5

Ðoạn 11 -- Các Bậc Anh Hùng Ðức Tin

Ðoạn nầy thường được gọi là bản "Thánh ca Ðức tin," cũng như thơ I Cô-rinh-tô 13 là bản "Thánh ca Yêu thương," và Sáng-thế Ký 1 là bản "Thánh ca Sáng tạo."

Ðức tin của A-bên (câu 4) là hình bóng từ lúc nguyên thủy về tế lễ tương lai của Chiên Con Ðức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 4:1-15). Ðức tin của Hê-nóc (câu 5-6): Giữa cõi đời bội đạo, ông đồng đi với Ðức Chúa Trời, cũng như A-đam đã đồng đi với Ngài trong vườn Ê-đen trước khi sa ngã (Sáng-thế Ký 5:21-24). Ðức tin của Nô-ê (câu 7): Ông cứ đóng tàu trong lúc không ai nghĩ rằng có cần dùng chiếc tàu ấy (Sáng-thế Ký, đoạn 6 đến 9). Ðức tin của Áp-ra-ham (câu 8-10, 17-19): Dầu không biết đi đâu, ông cũng cứ lên đường tìm kiếm Thành của Ðức Chúa Trời; và ông sẵn lòng dâng con trai làm tế lễ vì tin cậy rằng Ðức Chúa Trời sẽ làm cho con mình sống lại (Sáng-thế Ký 12:1-7; Công vụ các sứ đồ 7:2-5; Sáng-thế Ký 22). Ðó cũng là một hình bóng thời thượng cổ về Tế lễ tương lai của Ðấng Christ. Ðức tin của Sa-ra (câu 11-12): Bà tin điều mà lúc đầu bà cười, cho là bất năng (Sáng-thế Ký 17:19; 18:11-14). Ðức tin của Y-sác (câu 20): Ông dự ngôn tương lai. Ðức tin của Gia-cốp (câu 21): Ông tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài. Ðức tin của Giô-sép (câu 22): Ông muốn được an táng tại quê hương tương lai của dân Ðức Chúa Trời. Ðức tin của Môi-se (câu 23-29): Ông thấy Ðấng không thấy được (câu 27; Xuất Ê-díp-tô Ký 2:2, 10, 11, 12:21, 50; 14:22-29). Ðức tin của Giô-suê (câu 30): Các vách thành Giê-ri-cô sụp đổ (Giô-suê 6:20). Ðức tin của Ra-háp (câu 31): Bà bằng lòng chung số phận với dân Y-sơ-ra-ên (Giô-suê 2:9; 6:23). Ðức tin của Ba-rác (câu 32): Ông bắt phục các nước (Các Quan Xét, đoạn 4). Ðức tin của Ghê-đê-ôn (câu 32): Ông trở nên hùng mạnh trong cuộc chiến tranh (Các Quan Xét 7:21). Ðức tin của Sam-sôn (câu 32): Ông vốn yếu đuối, nhưng được nên mạnh mẽ (Các Quan Xét 15:19; 16:28). Ðức tin của Giép-thê (câu 32): Ông đánh bại các đạo quân ngoại bang (Các Quan Xét, đoạn 11 và 12). Ðức tin của Ða-vít (câu 32): Ông được các lời hứa (II Sa-mu-ên  7:11). Ðức tin của các đấng tiên tri (câu 32): Ða-ni-ên bịt mồm sư tử (Ða-ni-ên 6:22); Giê-rê-mi bị tra khảo (Giê-rê-mi 20:2); Ê-li và Ê-li-sê làm cho kẻ chết sống lại (I Các Vua 17; II Các Vua 4); Xa-cha-ri bị ném đá (II Sử ký 24:21); Ê-sai bị cưa làm hai (theo truyền thoại). Mọi người đó chết trong đức tin rằng sau nầy còn có "một quê hương tốt hơn" (câu 16).

 

Ðoạn 12 -- Nước Không Hề Rúng Ðộng

Cuộc chạy đua của tín đồ Ðấng Christ (câu 1, 2). Ðây dùng cuộc chạy đua của người Hy-lạp làm thí dụ. Rất đông người, trong các thời đại xưa kia, đã vì Ðức Chúa Trời mà chạy đua toàn thắng, và hiện nay đang nín thở chăm chú theo dõi cuộc tranh đấu đầu tiên của Hội Thánh sơ sanh. Ðoàn người ấy vây quanh và khuyến khích những kẻ đang chạy đua hãy chăm chú vào mục đích và dùng hết sức lực để thắng cuộc.

Si-na-i và Si-ôn (câu 18-29). Những cảnh trạng khủng khiếp lúc thành lập giao ước cũ đã được nêu lên đối chiếu với những sự thông công thiêng thượng của Hội Thánh. Có một tình huynh đệ bao la trong đó các thánh đồ trên mặt đất, linh hồn của những người được cứu chuộc và muôn vàn thiên sứ thông cảm êm ái và mầu nhiệm với nhau chung quanh Ngôi Ðức Chúa Trời. Ðây là một Nước vững bền đời đời, trong khi các đế quốc khác sụp đổ.

 

Ðoạn 13 -- Ðức Chúa JÊSUS Ðời Ðời Vẫn Y Nguyên

Những lời khuyên bảo từ ái. Dầu thơ tín nầy có tánh chất lý luận, nhưng đến phần chót lại có những lời dịu dàng kêu gọi tín đồ hãy theo Ðấng Christ trên mọi bước đường đời. Câu: "Tiếp đãi thiên sứ mà không biết" (câu 2) chỉ về Áp-ra-ham (Sáng-thế Ký 18:3; 19:2). "Dưới đời nầy, chúng ta không có thành còn luôn mãi" (câu 14). Ðây có lẽ ngụ ý nói đến thành Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy phá. Lời chúc phước (câu 20-21) là một trong những khúc sách tuyệt diệu của Kinh Thánh.

Sứ điệp cuối cùng của Ðức Chúa Trời truyền cho người theo đạo Do-thái. Sách Ma- la-chi là sứ điệp sau chót của Ðức Chúa Trời truyền cho một dân tộc đã được thành lập để đưa Ðấng Mê-si vào trong thế gian thể nào, thì cũng một thể ấy, thơ Hê-bơ-rơ là sứ điệp sau chót của Tân Ước truyền cho dân tộc ấy sau khi Ðấng Mê-si đã ngự đến. Thơ nầy được viết ngay trước khi Do-thái giáo bị quét sạch vì cớ thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ, -- đó là "biến cố khủng khiếp hơn hết trong cả lịch sử."

Sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem. Năm 66 S.C., người Do-thái khởi chiến chống lại đế quốc La-mã. Titus kéo quân tới trước vách thành Giê-ru-sa-lem nhằm ngày Lễ Vượt qua (năm 70 S.C.). Họ đắp bờ bằng đất, đặt máy phá lũy, và bắt đầu vây thành. Ðạo quân La-mã gồm 30.000 người, còn đạo quân Do-thái gồm 24.000 người. Theo sử gia Tacite, thành Giê-ru-sa-lem có 600.000 du khách. Giữa vòng người Do-thái ở phía trong vách thành có nhiều phe đảng đánh nhau kịch liệt. Sau 5 tháng, các vách thành bị phá đổ và Ðền thờ bị thiêu hủy. Các cơ cấu phòng vệ cuối cùng bị tiêu hủy và thành phố bị hoang vu, trừ ra vách thành và ba ngọn tháp lớn do Hê-rốt xây cất ở góc Tây-bắc còn lại như một đài kỷ niệm sức mạnh hùng hậu của các thành lũy mà Titus đã phá hủy. Ðạo quân La-mã tiến tới thành Sê-sa-rê, bắt 95.000 phu tù, trong số ấy có Josèphe. Trên một triệu người bị giết. Ðó là lúc Do-thái giáo sụp đổ. Eusèbe nói rằng khi quân La-mã xuất hiện, thì các tín đồ Ðấng Christ nhờ một lời tiên tri cảnh cáo mà trốn qua Pella, thủ đô xứ Ma-xê-đoan.

Lịch sử thành Giê-ru-sa-lem sau khi bị hủy phá. Trải qua 50 năm sau, thành Giê-ru-sa-lem đã biến mất khỏi lịch sử. Năm 135 S.C., Barcocheba, một người tự nhận là Ðấng Mê-si, đã cầm đầu một cuộc khởi nghĩa, chiếm được thành Giê-ru-sa-lem, và toan xây cất lại Ðền thờ. Quân đội La-mã đã dẹp được cuộc khởi nghĩa; 580.000 người Do-thái bị giết, và xứ Giu-đê bị hoang vu. Người Do-thái bị cấm không được trở vào thành Giê-ru-sa-lem, nếu trái lịnh, sẽ bị xử tử. Quân La-mã xây cất một miễu thờ thần Jupiter trên chính vị trí của Ðền thờ, và biến Giê-ru-sa-lem thành một đô thị ngoại đạo. Năm 326 S.C., dưới đời trị vì của Hoàng đế Constantin, miễu thờ thần Át-tạt-tê bị hủy phá khỏi vị trí hiện nay là Mộ Thánh; người ta nói rằng khi đào ở phía dưới, thì thấy nơi Chúa đã bị đóng đinh vào Thập tự giá. Giê-ru-sa-lem trở thành một trung tâm trọng yếu của đạo Ðấng Christ. Người Do-thái được phép vào trong thành mỗi năm một lần. Năm 363 S.C., Hoàng đế Julien, biệt danh là "Kẻ bội đạo," cho phép người Do-thái xây cất lại Ðền thờ, nhưng họ không làm nổi. Ðến thế kỷ thứ 5, Giê-ru-sa-lem trở thành trụ sở của một giáo trưởng Do-thái. Năm 637 S.C., nó bị người Hồi giáo chiếm cứ, và cứ là một thành phố Hồi-giáo, trừ ra chừng 100 năm trong thời kỳ Thập tự quân. Mãi tới năm 1917, thành Giê-ru-sa-lem mới lại ở dưới quyền của Cơ-đốc-giáo.