Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 85 | Chương 87 >> | Hướng Dẫn
Sử Ký Hội Thánh 7
Danh Sách Các Giáo Hoàng Và Chế Ðộ Giáo Hoàng 2
Phân chia đế quốc La-mã
Libère (352-366). Damase I (366-384).
Siricius (385-398) đòi quản trị toàn thể Hội Thánh, nhưng
chẳng may cho ông, đương thời ông, đế quốc phân chia thành hai đế quốc Ðông,
Tây riêng biệt (395), khiến cho Giám mục thành La-mã càng khó được Giáo hội
Ðông phương nhìn nhận quyền hành của mình.
Quyển sách "Thành Ðức Chúa Trời" do Augustin trứ tác
Anastase (398-402).
Innocent I (402-417) tự xưng là "Kẻ cai trị Hội Thánh
của Ðức Chúa Trời," và đòi quyền giải quyết các vấn đề tranh chấp quan
trọng trong Hội Thánh.
Zosime (417-418). Boniface (418-422). Célestin I (422-432). Sixte
(432-440). Lúc nầy Tây đế quốc tan rã mau lẹ giữa cuộc di cư như bão tố của
những dân dã man. Trong cảnh hoạn nạn, lo âu của thời đại ấy, Augustin đã viết quyển sách phi thường,
nhan đề là "Thành Ðức Chúa Trời,"
trong đó ông thấy trước Ðế quốc Ðấng Christ gồm cả thế giới. Quyển sách nầy có
ảnh hưởng lớn lao, tạo nên dư luận ủng hộ một hệ thống Giáo hội toàn thế giới ở
dưới quyền một vị Thủ lãnh. Sự trạng nầy khuyến khích sự đòi hỏi của Giám mục
thành La-mã.
Hoàng đế nhìn nhận yêu sách của Giáo hoàng
Léon I (440-461) được một vài sử gia gọi là Giáo hoàng
đầu tiên. Những hoạn nạn của đế quốc là cơ hội tốt cho Giáo hoàng. Ðông đế quốc
bị xâu xé bởi những cuộc tranh chấp; Tây đế quốc ở dưới quyền những hoàng đế
nhu nhược, đã tan vỡ trước các dân dã man. Giáo hoàng là người hùng mạnh duy
nhất trong giờ phút đó. Năm 452, Léon
đã thuyết phục được Attila tha không
hủy diệt thành La-mã. Sau đó, năm 455, ông lại khuyên được Genséric, người Vandale,
thương xót thành ấy. Do đó, danh tiếng ông lên rất cao. Léon tự nhận rằng Ðức Chúa Trời đã chỉ định mình làm Tổng chủ giáo
của hết thảy Giám mục, và hoàng đế Valentinien
III đã nhìn nhận sự tự nhận đó của ông (năm 445). Ông tự tôn là Chúa của cả
Giáo hội, và binh vực quyền độc hữu của Giáo hoàng trên khắp thế giới; ông nói
rằng chống lại quyền hành của ông tức là đi đường chắc chắn xuống địa ngục, và
tuyên bố kẻ theo tà giáo sẽ bị tử hình. Mặc dầu có chiếu chỉ của hoàng đế, Giáo
hội nghị Chalcédoine (năm 451), tức
là Giáo hội nghị toàn thế giới lần thứ tư, gồm các Giám mục từ khắp bốn phương
họp lại, đã trao cho vị Giáo trưởng thành Constantinople
Những Ðặc Quyền Ngang Với vị Giáo trưởng thành La-mã.
Ðế quốc La-mã suy vong
Hilaire (461-468).
Simplice (468-483) là Giáo hoàng La-mã khi Tây đế quốc sụp đổ, năm 476. Do đó, các
Giáo hoàng không còn bị chánh quyền cản trở nữa. Lúc nầy, Tây đế quốc đã phân
tán thành nhiều nước nhỏ mới nổi lên, và những nước nầy đã hiến cho các Giáo
hoàng cơ hội ký kết liên minh có lợi; vậy Giáo hoàng lần lần trở thành nhân vật
có quyền hành nhứt ở Tây phương.
Felix III (483-492). Gélase
(492-496). Anastase II
(496-498). Symmaque
(498-514). Hormisdas
(514-523). Jean I
(523-525). Félix IV
(526-530). Boniface II
(530-532). Jean II
(532-535). Agapet I (535-536). Silvérius (536-540).
Vigile (540-554). Pélage I
(555-560). Jean III
(569-573). Bénédict
I (574-578). Pélage II (578-590).
Người thật làm Giáo hoàng đầu tiên
GRÉGOIRE I (590-604) được mọi người kể là Giáo hoàng đầu tiên. Ông
xuất hiện nhằm lúc có sự hỗn độn chánh trị và dân chúng rất mực lầm than ở khắp
cả Âu Châu. Sau khi đế quốc La-mã sụp đổ (476), thì xứ Ý-đại-lợi trở thành một
nước của dân Goths; về sau nó trở thành một tỉnh ở dưới quyền cai trị của hoàng
đế Ðông phương; lúc nầy nó đang bị dân Lombards
cướp phá. Ảnh hưởng của Grégoire trên
vua nầy, vua kia, đã có hiệu lực làm cho địa vị ông vững vàng. Ông tự nắm trọn
quyền kiểm soát Giáo hội ở Ý-đại-lợi, Tây-ban-nha, xứ Gaule và Anh-cát-lợi
(việc Anh-cát-lợi trở lại đạo Ðấng Christ là biến cố trọng đại đương thời Grégoire). Ông hoạt động không hề mệt
nhọc để tẩy sạch Giáo hội; bãi chức những Giám mục biếng nhác hoặc không xứng
đáng, và rất hăng hái chống lại sự bán đồ thánh (simonie). Ông có ảnh hưởng rất lớn tại Ðông phương, mặc dầu ông
không đòi quyền kiểm soát Giáo hội Ðông phương. Vị Giáo trưởng thành Constantinople tự xưng là "Giám mục
toàn cầu." Ðiều đó làm cho Grégoire
tức giận; ông phủ nhận tước hiệu ấy, cho là "danh từ xấu xa, ngạo
mạn," và không chịu để người ta áp dụng nó cho chính mình ông. Tuy nhiên,
về thực tế, ông thi hành mọi quyền lực gồm trong chức vị ấy. Trong đời tư, ông
là một người tốt, một trong những Giáo hoàng trong sạch nhứt và tốt nhứt. Ông
cố gắng không hề mệt nhọc để thi hành công lý cho kẻ bị hà hiếp, và có sự từ
thiện không bờ bến đối với kẻ nghèo. Nếu hết thảy Giáo hoàng giống như ông, thì
thế giới chắc phải đánh giá chế độ Giáo hoàng khác hẳn!
Sabinanus (604-606). Boniface
III (607). Boniface IV (608-614). Deusdedit (615- 618). Boniface V (619-625). Honorius I
(625-638). Séverin (640). Jean IV
(640-642). Théodore I (642-649). Martin I (649-653). Eugène I (654-657). Vitalien
(657-672). Adéodatus (672-676). Donus I (676-678). Agathon (678-682).
Léon II (682-683) lên án Honorius I là "Kẻ
theo tà giáo." Kỳ lạ thật! Một Giáo hoàng "vô ngộ" gọi một Giáo
hoàng "vô ngộ" khác là "Kẻ theo tà giáo." Nhưng có lẽ lúc
đó các Giáo hoàng chưa trở thành "vô ngộ," vì mãi tới Giáo hội nghị Vatican, năm 1870, họ mới được nhìn nhận
là vô ngộ.
Bénédict II (684-685). Jean
V (685-686). Cono (686-687). Théodore (687). Sergius I (687-701). Jean VI (701-705). Jean VII
(705-707). Sisinnius
(708). Constantin
(708-715). Grégoire
II (715-731). Grégoire III (731-741).
Giáo hoàng trở thành một vua trần gian
Zachrie (741-752) đã nhúng tay làm cho Pépin
(cha của Charlemagne) nên vua của dân
Francs (một dân tộc Nhật-nhĩ-mãn
chiếm cứ miền Tây nước Ðức và miền Bắc nước Pháp).
Etienne II (752-757). Theo lời yêu cầu của ông, Pépin
dẫn một đạo quân tới xứ Ý- đại-lợi, chiến thắng dân Lombards, và hiến đất đai của chúng (gồm phần lớn xứ nầy) cho Giáo
hoàng. Ðó là khởi điểm của các "Lãnh Thổ Giáo Hoàng" hoặc
"Quyền Cai Trị Trần Thế" của các Giáo hoàng. Quyền hành chánh
tại La-mã và trung bộ Ý-đại-lợi nằm trong tay các Giáo hoàng, do Zachrie và Etienne thiết lập, được Pépin
thừa nhận năm 754, và về sau (774) được Charlemagne
xác nhận. Trung bộ Ý-đại-lợi xưa kia là trung tâm đế quốc La-mã, rồi là một
nước của dân Goths, rồi là một tỉnh
của Ðông đế quốc, và lúc nầy trở thành Nước Của Giáo Hoàng, ở dưới quyền
cai trị của Ðầu Giáo hội. Nó tồn tại 1100 năm, mãi tới năm 1870.
Paul I (757-767). Etienne
III (768-772). Adrien I (772-795).