Ma-thi-ơ 9:1-8, Mác 2:1-12 và Lu-ca 5:17-28
Kính thưa Quý vị: Trong những tuần vừa qua, chúng ta đã đi theo Chúa Giê-xu qua bên kia bờ hồ Ga-li-lê, để chứng kiến việc Ngài dẹp tan sóng gió chỉ bằng một tiếng quở trách, và ra lệnh cho nguyên một “Quân đội” của ma quỷ nhập vào một đàn heo. Sau đó, chúng ta nghe người dân trong vùng Ga-đa-ra yêu cầu Chúa rời khỏi xứ mình. Hôm nay, chúng ta sẽ theo Chúa Giê-xu về lại thành Ca-bê-na-um, và tại đó chứng kiến việc Ngài chữa bịnh cho một người bị bại, cũng như tự nhận mình có quyền làm một điều mà chỉ có Ðức Chúa Trời mới có thể làm. Câu chuyện này được kể lại trong ba sách Tin lành Ma-thi-ơ 9:1-8, Mác 2:1-12 và Lu-ca 5:17-28. Tôi xin phân tích câu chuyện dựa theo sách Mác:
2:1Khỏi một vài ngày, Ðức Chúa Giê-xu trở vào thành Ca-bê-na-um, và chúng nghe nói Ngài ở trong nhà.
2:2Họ họp lại tại đó đông lắm, đến nỗi trước cửa cũng không còn chỗ trống; Ngài giảng đạo cho họ nghe.
2:3Bấy giờ có mấy kẻ đem tới cho Ngài một người đau bại, có bốn người khiêng.
2:4Nhưng, vì đông người, không lại gần Ngài được, nên dở mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại nằm xuống.
2:5Ðức Chúa Giê-xu thấy đức tin họ, bèn phán cùng kẻ bại rằng: Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha.
2:6Vả, có mấy thầy thông giáo ngồi đó, nghĩ thầm rằng:
2:7Sao người nầy nói như vậy? Người nói phạm thượng đó! Ngoài một mình Ðức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?
2:8Ðức Chúa Giê-xu trong trí đã hiểu họ tự nghĩ như vậy, tức thì phán rằng: Sao các ngươi bàn luận trong lòng thể ấy?
2:9Nay bảo kẻ bại rằng: Tội ngươi đã được tha; hay là bảo người rằng: Hãy đứng dậy vác giường mà đi; hai điều ấy điều nào dễ hơn?
2:10Vả, để cho các ngươi biết Con người ở thế gian có quyền tha tội, thì Ngài phán cùng kẻ bại rằng:
2:11Ta biểu ngươi, hãy đứng dậy, vác giường đi về nhà.
2:12Kẻ bại đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy đều lấy làm lạ, ngợi khen Ðức Chúa Trời, mà rằng: Chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy.
Mác bắt đầu câu chuyện bằng câu, “1Khỏi một vài ngày, Ðức Chúa Giê-xu trở vào thành Ca-bê-na-um.” Có bốn thành phố đóng những vai trò quan trọng trong đời sống của Chúa Giê-xu. Một là Bết-lê-hem, nơi Ngài sanh ra. Hai là Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài chịu chết. Hai thành phố khác là Na-xa-rét và Ca-bê-na-um. Na-xa-rét là nơi Ngài lớn lên. Lu-ca 4 cho biết rằng, sau khi Ngài chịu báp-têm và bị thử thách, dân thành phố Na-xa-rét đã từ chối Ngài. Vì thế, thành Ca-bê-na-um, không cách thành Na-xa-rét bao xa, trở thành nơi Ngài coi như “thành phố nhà,” và thường lui tới để hành đạo. Trong câu chuyện này, chúng ta thấy có 4 hạng người như sau:
I. Người bại
Thứ nhất, có “3một người đau bại.” Thật ra người này chỉ là một trong nhiều người cần Chúa Giê-xu lúc đó. Ngày hôm nay, nếu nhìn quanh, chúng ta cũng sẽ thấy có biết bao nhiêu người cần Ngài. Như người bại này, có người cần Ngài chữa bịnh trên thể xác; nhưng quan trọng hơn, có vô số người đang cần Ngài chữa bịnh thuộc linh của họ. Có một lúc, để chuẩn bị cho một chương trình truyền giảng, mục sư Billy Graham hỏi những nhà lãnh đạo tinh thần ở một vùng nọ danh sách những người trong vùng cần được tổ chức của ông cầu nguyện trước. Những nhà lãnh đạo này gởi cho ông cuốn điện thoại niên giám của vùng!
II. Ðám đông
Hạng người thứ hai trong câu chuyện là đám đông. Mác viết, “2Họ họp lại tại đó đông lắm, đến nỗi trước cửa cũng không còn chỗ trống.” Xin chúng ta để ý là Mác không nói là Chúa Giê-xu làm phép lạ cho họ xem, nhưng “2giảng đạo cho họ nghe.” Mục đích chính của cuộc đời hành đạo của Chúa Giê-xu không phải là để làm những điều ngoạn mục nhằm thỏa mãn thị hiếu của người đương thời, nhưng để cứu nhiều người, và điều quan trọng nhất để họ được cứu là họ phải nghe và hiểu Tin Lành.
Mặc dầu Mác ghi nhận rằng “6có mấy thầy thông giáo ngồi đó,” chúng ta có thể nói rằng phần nhiều những người đến nghe Chúa Giê-xu không muốn cản trở việc hành đạo của Ngài. Nhưng dầu vậy, khi họ đến chỉ để ngồi nghe, và không làm gì khác, họ đã cản trở rồi. Trong trường hợp này, họ cản trở việc người bại đến với Chúa, như Mác ghi, người bại “4vì đông người, không lại gần Ngài được.”
Tôi thấy điều này đang xảy ra trong Hội thánh ngày hôm nay. Có rất nhiều người không muốn tin Chúa Giê-xu vì những người ở trong, hơn là ở ngoài, Hội thánh. Có người cho rằng tín đồ toàn là những người đạo đức giả. Ðiều này có thể đúng, nhưng đúng hơn là chúng ta không chịu nhường chỗ cho người ngoài bước vào. Trong những chương trình truyền giảng, có nhiều người tín đồ không những không đóng góp gì, lại thích dành những hàng ghế tốt nhất, và không để ý đến những người được mời đến nhà thờ lần đầu tiên. Ngày thường cũng vậy, nhiều người chúng ta đến Hội thánh chỉ cho mình. Chương trình thờ phượng phải làm mình thích, và các hoạt động trong Hội thánh phải có lợi cho mình. Xin mỗi người tín đồ chúng ta nhớ rằng, nếu không tích cực đóng góp vào công việc Chúa trong Hội thánh, chúng ta có thể trở thành một gánh nặng cho những tín đồ khác, và là chướng ngại vật đối với những người muốn tìm đến Chúa Giê-xu.
III. Bốn người bạn
May thay, trong câu chuyện chúng ta học hôm nay, có vài người đã làm những điều đúng, và được Chúa Giê-xu khen. Ðó là bốn người bạn của người bị bại. Mác ghi, “3-4Bấy giờ có mấy kẻ đem tới cho Ngài một người đau bại, có bốn người khiêng. Nhưng, vì đông người, không lại gần Ngài được, nên dở mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại nằm xuống.” Những người bạn này chứng tỏ được những đức tính như sau:
1. Yêu người
Xin chúng ta hãy tưởng tượng cảnh sau đây: Bốn người này đến thăm bạn mình bị bại. Sau một thời gian tán dóc, họ chào bạn và nói, “Thôi, chúng tôi đi nghe ông Giê-xu giảng. Chúng tôi nghe đồn rằng ông này có tài đuổi quỷ và chữa bịnh. Bịnh bại như anh ông chỉ cần nói một tiếng là hết ngay. Anh nằm đó đi. Chúng tôi về sẽ kể thêm cho anh nghe hôm nay ông làm gì.” Không biết người bại sẽ cảm thấy như thế nào khi nghe những lời nói như vậy?
Nhưng may thay, điều này đã không xảy ra. Bốn người này biết quan tâm đến người bạn bị bại của mình. Có lẽ họ rất muốn được yên phận ngồi nghe Chúa Giê-xu giảng đạo, nhưng họ biết đặt sức khỏe của bạn lên trên sự thoải mái của mình. Họ không hỏi Chúa làm được gì cho họ, nhưng cho bạn mình. Ngồi chú tâm nghe Chúa Giê-xu giảng đạo là một điều rất đáng làm, nhưng chỉ nghe mà không để ý đến người khác là một điều sai lầm.
Người bại không thể tự mình tìm đến bác sĩ. Cũng vậy, người đã chết về phương diện thuộc linh không thể nào tự mình đi tìm thuốc chữa. Họ cần sự giúp đỡ của những người đi trước, tức là những người tín đồ như chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng bắt chước bốn người này “khiêng” họ đến Chúa Giê-xu hay không? Tích cực tham gia vào những hoạt động trong Hội thánh là điều tốt, nhưng chúng ta có quá quan tâm vào chúng mà quên đi sứ mạng truyền giáo Chúa giao cho chúng ta không? Sự tăng trưởng thuộc linh không thể chỉ có trên đầu, trong kiến thức Kinh thánh, nhưng cũng phải được thể hiện trong việc giao tế với người khác, và đem họ về với Chúa, cũng như nâng đỡ họ trong niềm tin.
Cũng vậy, nhiều việc làm trong Hội thánh đòi hỏi sự hy sinh. Việc dâng hiến tiền bạc của chúng ta trong Hội thánh sẽ không có giá trị nếu chúng ta chỉ dâng những gì mình có thừa, không cần. Việc đi thờ phượng ngày Chúa Nhật sẽ không làm đẹp lòng Chúa nếu chúng ta đi vì có một lợi ích nào khác.
Họ sẵn sàng làm điều này vì họ không coi mình quan trọng hơn người bạn bị bại. Trong xã hội lúc đó (và ngay cả ngày hôm nay) người bại bị coi như gánh nặng của xã hội. Nhưng những người này không có cái nhìn đó. Cũng vậy, nhiều khi chúng ta để những ý tưởng kỳ thị cản trở mình đem Tin Lành đến người khác. Ðôi khi đây là những người chúng ta không muốn đến gần, như người “vô gia cư, vô nghề nghiệp.’ Ðây cũng có thể là những người chúng ta sợ, vì có tiền án do những việc họ đã làm trong quá khứ. Nhưng xin chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-xu không tránh những người này. Người mạnh khỏe không cần bác sĩ, chỉ những người bịnh cần.
2. Không bỏ cuộc
Khiêng bạn đến nơi Chúa đang giảng đạo, bốn người này bị đám đông ở trong, và ngoài nhà, cản trở đường đi. Ðiều này nằm ngoài dự tính của họ. Họ phải làm gì bây giờ? Thối lui? Thưa không, Mác ghi, “4Nhưng, vì đông người, không lại gần Ngài được, nên dở mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại nằm xuống.” Ðây quả là một hành động táo bạo và khác thường. Chúng ta có thể nói rằng những nhà trong vùng lúc đó là “nhà ngói” hơn là “nhà lá.” Mặc dầu nóc nhà làm bằng một lớp lá khô, phía trên lớp lá đó là một lớp đất sét dầy. Dở mái nhà vì thế không phải là một điều dễ làm, nhưng họ vẫn làm.
Một hành động như thế không khỏi bị đám đông để ý và phản đối. Có lẽ người phản đối nhiều nhất là chủ nhà. Rồi có những người đứng bên ngoài phản đối vì bụi, và những người ngồi bên trong vì tiếng ồn từ trên mái nhà. Nhưng họ vẫn tiếp tục đào. Họ có một ý chí, quyết tâm thực thi chương trình, trong một tinh thần đồng đội đến cao độ.
Những người này không để điều gì cản trở sứ mạng đem người đến với Chúa của mình. Nếu bạn mình không đi được, họ khiêng bạn. Nếu đám đông không giúp, họ đi quanh đám đông. Nếu mái nhà cản đường, họ lột mái nhà. Họ tìm cách khắc phục chướng ngại vật, hơn là để chướng ngại vật khắc phục họ.
Cũng như bốn người này xem việc bạn mình được chữa lành quan trọng hơn tất cả bao nhiêu khó khăn, mất mát mình phải chịu khi khiêng bạn đến Chúa Giê-xu, chúng ta chỉ cố gắng làm một điều gì nếu cho rằng kết quả của hành động có giá trị hơn sự cố gắng. Buồn thay, chúng ta đang sống trong một xã hội trong đó mọi giá trị bị đảo lộn. Có người ví sánh xã hội chúng ta như một cửa tiệm bán quần áo mà đêm hôm trước có người lén vào và đổi giá cả của mọi món hàng. Quần áo sang trọng thành rẻ tiền, và quần áo rách rưới thành mắc tiền. Chúng ta vì thế phải luôn luôn tập có một nhân sinh quan như của Chúa, và biết điều gì thật sự có giá trị đời đời, điều gì không. Chúng ta chỉ cố gắng đem người khác đến với Chúa nếu ý thức được rằng linh hồn của người đó quan trọng hơn tất cả bao nhiêu khó khăn mình phải chịu. Có bao lần chúng ta đã để những chướng ngại vật cản trở việc chúng ta đi ra rao giảng Tin Lành? Có bao giờ chúng ta sợ bị mất mặt, hay người khác phản đối nên không dám mở miệng. Có bao giờ chúng ta cho việc người khác nghĩ gì về mình quan trọng hơn việc họ biết gì về Chúa Giê-xu?
3. Có đức tin
Mác ghi rằng, sau khi người bại được dòng xuống trước mặt Ngài, “5Ðức Chúa Giê-xu thấy đức tin họ.” Vâng, Chúa thấy đức tin của họ, chứ không phải đức tin của người bại. Bốn người này biết quan tâm đến bạn mình, đồng tâm nhất trí tìm mọi cách vượt qua bao cản trở khó khăn để đến với Chúa Giê-xu, vì họ có một miền tin vào Ngài. Họ làm được vì họ biết nhìn Chúa Giê-xu như cội rễ và cuối cùng của đức tin. Có thể họ đã nghe Chúa Giê-xu nói về Ngài, cũng như đã nghe những lời làm chứng của người khác về Ngài, và họ tin những lời chứng đó.
Rất có thể họ không biết nhiều về những điều thuộc linh, và họ không quan tâm đến sự hư mất của linh hồn bạn. Họ chỉ biết rằng ông bị bại, và rằng Chúa Giê-xu có quyền năng trên bệnh tật, và có khả năng chữa trị bịnh cho ông. Ðây cũng là cách mà nhiều người ngày hôm nay biết Chúa. Thông thường chúng ta đến với Chúa không phải vì những thắc mắc thuộc linh, nhưng vì những nhu cầu vật chất, và thông thường Chúa cho chúng ta biết thêm về Ngài qua những khó khăn này.
Thông thường, chúng ta hầu việc Chúa không có kết quả không phải là vì thiếu phương tiện, nhưng vì thiếu đức tin. Trước khi làm việc gì, đôi khi chúng ta đã quyết định rằng việc này sẽ không thành công. Thay vì tự hỏi, “Chúng ta có khả năng làm điều này hay không?” chúng ta phải hỏi, “Ðây có phải là ý Chúa hay không?” Nếu là ý Chúa, Ngài sẽ cung cấp. Xin chúng ta học từ Phao-lồ khi ông viết trong thơ Phi-líp 4:13, “Tôi làm được mọi sự nhờ Ðấng ban thêm sức cho tôi.”
Bốn người này có vẻ như là những người tầm thường. Ðây là một bài học nhắc nhở chúng ta rằng, với một niềm tin vững chãi vào Chúa Giê-xu, người tầm thường có thể làm được những việc phi thường. Chúa Giê-xu cũng đã sử dụng những người ít học, như những người đánh cá, để làm đảo lộn thế giới.
IV. Các thầy thông giáo
Ðến trước mặt Chúa, người bị bại chỉ mong được Chúa chữa lành bịnh, nhưng không ngờ Ngài lại nói, “5Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha.” Trong lúc đi tìm giải pháp cho vấn đề xác thịt, ông nghe Chúa nói về vấn đề thuộc linh. Chúng ta phải biết rằng những người tàn tật lúc đó thường mang nặng những mặc cảm tội lỗi, vì người ta cho rằng sự tàn tật phải là hậu quả của một tội lỗi nào đó trong quá khứ (Giăng 9:2). Vì thế khi Chúa Giê-xu đối diện với người bại này, Ngài không muốn giải quyết chỉ sự tàn tật của ông, nhưng luôn cả mặc cảm tội lỗi trong ông. Có thể Ngài nói đến một tội lỗi đặc biệt nào đó mà người bại đã phạm, chỉ có Ngài và ông biết. Có thể Ngài nói đến mọi tội lỗi trong quá khứ của ông. Gọi ông là “Con,” Ngài cho ông biết rằng giờ đây ông là một thành phần trong đại gia đình Ðức Chúa Trời, và mọi tội lỗi của ông đã - chứ không phải “có thể” hay “sẽ” - được tha.
Mác cho chúng ta biết thêm rằng, “6có mấy thầy thông giáo ngồi đó.” Chữ “ngồi” nói lên thật nhiều. Trong lúc bốn người bạn bận rộn tìm cách dở mái nhà và dòng người bại xuống, việc họ ngồi yên khiến chúng ta phải tự hỏi họ đến nghe Chúa Giê-xu giảng đạo để làm gì. Ðể tìm kiếm chân lý, hay để tìm cách gài bẫy Ngài? Ðể học từ một Ðấng Mê-si, hay chỉ để tìm thêm dữ kiện nhằm buộc tội Ngài? Mác cho chúng ta biết rõ hơn mục đích của họ, khi viết rằng những thầy thông giáo đó “nghĩ thầm rằng: 7Sao người nầy nói như vậy? Người nói phạm thượng đó! Ngoài một mình Ðức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?” Nghe cùng một câu nói, nhưng người thật sự muốn biết thêm về Chúa Giê-xu có phản ứng khác, còn người chống lại Ngài phản ứng khác. Vâng, các thầy đã nghĩ đúng: Chỉ có Ðức Chúa Trời mới có thể tha thứ tội lỗi của con người, vì tội lớn nhất mà một người có thể phạm là tội họ phạm đối với Ngài. Các thầy cũng nghĩ đúng rằng người tự nhận có quyền tha thứ tội lỗi là phạm thượng, và đáng bị rủa sả, và trừng phạt bằng cái chết. Vấn đề là họ chỉ biết một nửa, và vội vàng kết án, hơn là chịu tìm hiểu thêm, để thấy rằng Chúa Giê-xu không phải là một người thường, nhưng chính là Ðức Chúa Trời.
Mác kể tiếp, “8-9Ðức Chúa Giê-xu trong trí đã hiểu họ tự nghĩ như vậy, tức thì phán rằng: Sao các ngươi bàn luận trong lòng thể ấy? Nay bảo kẻ bại rằng: Tội ngươi đã được tha; hay là bảo người rằng: Hãy đứng dậy vác giường mà đi; hai điều ấy điều nào dễ hơn?” Ðây là bài học mà chúng ta cần học ngày hôm nay: Vấn đề quan trọng nhất, và vì thế cần phải được giải quyết trước nhất, là tội lỗi. Bịnh tật chỉ có ảnh hưởng trên chúng ta trong đời sống này, trong lúc tội lỗi có ảnh hưởng đến đời đời. Người được khoa học chữa một căn bệnh ngày hôm nay cũng sẽ chết vì một căn bịnh khác trong tương lai; ngược lại, người được Chúa Giê-xu tha tội sẽ sống đời đời trong tương lai. Hơn nữa, giải quyết vấn đề tội lỗi khó hơn chữa bịnh nhiều. Ngày nay, khoa học có thể chữa bịnh cho chúng ta, nhưng hoàn toàn không có khả năng tha tội chúng ta. Ðể mọi người tin rằng Chúa Giê-xu có khả năng tha tội cho mọi người (một điều không thấy được), Chúa Giê-xu muốn chứng tỏ rằng ít nhất Ngài có quyền trên bệnh tật (một điều thấy được). Ðiều quan trọng là biết điều gì là quan trọng. Chúa Giê-xu luôn chú tâm đến những điều còn lại đời đời, và đó là mục đích của Ngài khi xuống thế gian. Xin chúng ta khuyến khích lẫn nhau để có cái nhìn thuộc linh như Ngài.
Tiếp theo những câu chuyện chứng tỏ Chúa Giê-xu có quyền trên bệnh tật (Ma-thi-ơ 8:1-17), trên thiên nhiên (Ma-thi-ơ 8:23-27), và trên ma quỷ, (Ma-thi-ơ 8:28-34). Ma-thi-ơ kể lại câu chuyện này để chứng tỏ rằng Chúa Giê-xu cũng có quyền tha tội, như Ðức Chúa Trời. Nhưng câu chuyện này cũng cho chúng ta thấy sự tương phản giữa bốn người bạn của người bại và những thầy thông giáo. Trong lúc các thầy luôn nghi ngờ, bốn người bạn tin vào quyền năng của Chúa Giê-xu. Trong lúc các thầy chỉ nghỉ đến mình, bốn người này yêu bạn mình, và tìm cách làm mọi điều tốt cho bạn. Trong lúc các thầy ngồi đó tìm cách bắt bẻ Chúa, bốn người này tìm cách vượt qua bao khó khăn để đem bạn mình đến Chúa. Câu hỏi chúng ta cần phải trả lời cho chính mình hôm nay là, “Trong Hội thánh, chúng ta là những người đem bạn mình đến với Chúa, hay là đám đông và các thầy thông giáo, vô tình hay cố ý cản người khác, không cho họ đến với Ngài?”
Mục Sư Ðỗ Lê Minh