Ma-thi-ơ 9:35-38
Kính thưa Quý vị: Chúng ta đã đi qua bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu, được chép trong sách Ma-thi-ơ từ đoạn 5 đến đoạn 7, và sau đó đã đi theo Ngài trong hai đoạn 8 và 9, để chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Bây giờ xin chúng ta nghe lời tóm tắt của Ma-thi-ơ về những việc Ngài làm trong giai đoạn đầu của cuộc đời hành đạo của Ngài, được chép trong Ma-thi-ơ 9:35-39. Trong đoạn này, chúng ta sẽ thấy được tâm tình của Chúa Giê-xu, cũng như học được một vài bài học rất quan trọng về trách nhiệm của chúng ta, là tín đồ của Ngài. Khi đọc đoạn này, xin quý vị để ý đến những động từ trong đó. Ðây là những hành động mà chúng ta cũng phải làm trong đời sống của mình.
9:35Ðức Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành nước Ðức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh.
9:36Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.
9:37Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít.
9:38Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.
1. Ði
Ðộng từ thứ nhất mà Ma-thi-ơ dùng để diễn tả các việc làm của Chúa Giê-xu là “đi.” Ông viết “35Ðức Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng.” Ngài đã không ngồi đó để chờ người ta đến với Ngài, nhưng đi đến mọi nơi mà Ngài có thể đi. Cũng vậy, trong Ðại Mạng Lịnh, Ngài dạy chúng ta “Hãy đi” (Ma-thi-ơ 28:19). Chúng ta không thể ngồi đó để chờ người khác tìm đến hỏi về Tin Lành.
Chúa đi để “dạy dỗ trong các nhà hội.” Dạy dỗ là để truyền đạt sự hiểu biết và sự khôn ngoan từ đầu óc này đến đầu óc khác. Ðang sống trong một giai đoạn mà có nhiều người cho rằng không có sự thật tuyệt đối, chúng ta phải có bổn phận nói cho những người chưa biết Chúa về sự thật chúng ta học được từ lời Ngài. Vấn đề là đôi khi chúng ta không chịu làm điều này trong tình yêu thương, nhưng chỉ muốn tìm cách phán đoán và chỉ trích người khác.
Dĩ nhiên người tín đồ cũng cần được dạy dỗ, để có thể sống đẹp lòng Chúa. Phao-lồ dạy trong sách Cô-lô-se 2:6-7: “Anh em đã nhận Ðức Chúa Giê-xu Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy; hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ.”
Không những chỉ dạy dỗ, Chúa Giê-xu cũng đi để “35giảng Tin Lành nước Ðức Chúa Trời.” Khi giảng Tin Lành, trước hết Chúa Giê-xu dạy dỗ cho mọi người biết rằng Ngài là Con Thượng Ðế đã xuống thế gian tại Bết-lê-hem, sẽ chết tại đồi Gô-gô-tha, và sau đó sẽ sai Ðức Thánh Linh xuống trong lễ Ngũ Tuần. Phao-lồ giải thích thêm trong I Cô-rinh-tô 15:1-4, “Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Ðấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh.”
Giảng trước hết là dạy dỗ, nhưng có tác động nhiều hơn dạy dỗ. Sự dạy dỗ chỉ làm thỏa mãn những nhu cầu trong đầu. Người dạy dỗ chỉ cần nhờ vào khả năng của mình. Kiến thức đến từ sự dạy dỗ chỉ đưa đến những sự cãi lẫy không đâu. Nhưng người giảng lời Chúa phải nương dựa vào quyền năng của Ðức Chúa Trời, có thể làm rung động trái tim người nghe, khiến họ tin. Phao-lồ viết trong thơ I Cô-rinh-tô 1:18-21, “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Ðức Chúa Trời…. Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Ðức Chúa Trời mà nhận biết Ðức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy.”
Không những chỉ nói bằng miệng, đời sống của người tín đồ phải là những bài giảng sống. Thiếu một đời sống gương mẫu, người tín đồ không thể kinh nghiệm được sự thờ phượng từ trong trái tim, không thể có sự nhạy cảm với những lời khuyên nhủ của Ðức Thánh Linh trong lòng, và đặc biệt không thể nào giảng Tin Lành cho người khác một cách có hiệu quả.
Không những ra đi để dạy dỗ và giảng Tin Lành, Chúa cũng đã “chữa lành các thứ tật bịnh.” Dầu có người cho rằng Chúa không còn chữa bịnh trong ngày hôm nay, tôi tin rằng Ngài vẫn còn đang làm phép lạ. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận khi đi tìm phép lạ chữa bịnh. Thứ nhất, Ðức Chúa Trời có thể dùng những bác sĩ cũng như những phương tiện y khoa hiện đại để chữa lành cho chúng ta. Thứ hai, Chúa không chữa lành bịnh cho chúng ta chỉ vì chúng ta có niềm tin mãnh liệt vào Ngài. Như tôi vẫn thường nói, Ngài không phải là một cái máy để phải làm bất cứ điều gì chúng ta cầu xin. Trong sự khôn ngoan của Ngài, Ngài có sự chọn lựa ai được Ngài chữa lành. Lu-ca 4:25-27 ghi lại lời Ngài, “Ta nói thật cùng các ngươi, về đời Ê-li, khi trời đóng chặt trong ba năm sáu tháng, cả xứ bị đói kém, trong dân Y-sơ-ra-ên có nhiều đàn bà góa; dầu vậy, Ê-li chẳng được sai đến cùng một người nào trong đám họ, nhưng được sai đến cùng một đàn bà góa ở Sa-rép-ta, xứ Si-đôn. Trong đời đấng tiên tri Ê-li-sê, dân Y-sơ-ra-ên cũng có nhiều kẻ mắc tật phung; song không có ai lành sạch được, chỉ Na-a-man, người xứ Sy-ri mà thôi.” Chúng ta phải tự hỏi, “Ai là người có đức tin nhiều hơn: Người có đức tin đủ để được Chúa chữa lành bịnh, hay người vẫn luôn vững tin vào Ðức Chúa Trời, dầu suốt đời phải mang một căn bịnh hiểm nghèo?” Thứ ba, chúng ta phải nhớ rằng việc chữa lành thể xác chỉ là tạm thời; không ai được Ngài chữa lành đến nỗi không bao giờ chết. Sự chữa lành chỉ thật sự đến khi người tín đồ gặp Chúa Giê-xu trong ngày cuối cùng, với một thân xác mới không bao giờ bị hư mất.
Chúa Giê-xu đã ra đi để dạy dỗ, giảng Tin Lành, và chữa lành các bịnh tật, chúng ta cũng phải làm như vậy. Ngài quan tâm đến nguyên vẹn con người, chứ không chỉ linh hồn. Nếu chỉ để ý đến những việc làm xã hội mà bỏ qua việc dạy dỗ và rao giảng Tin Lành, chúng ta chỉ nhìn đến những nhu cầu xác thịt tạm thời mà coi thường sự cứu rỗi đời đời. Ngược lại, nếu chỉ để ý đến phần thuộc linh mà không quan tâm đến nhu cầu vật chất của con người, chúng ta đi ngược lại với lời dạy của Gia-cơ 2:15-17, “Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.”
Dạy dỗ, giảng Tin Lành và chăm lo những nhu cầu vật chất phải là trách nhiệm của mỗi người tín đồ. Buồn thấy, có nhiều người cho rằng mục sư phải làm hết mọi việc. Nhưng thưa không, ai cũng có thể làm việc xã hội. Nếu Hội thánh đòi hỏi mục sư phải chạy quanh để lo “dọn bàn tiệc,” ông sẽ không có thì giờ hoàn thành chức vụ dạy dỗ và giảng Tin Lành. Cũng vậy, nhiều người nghĩ rằng trách nhiệm dạy dỗ là của mục sư. Vâng, mục sư phải bỏ thì giờ nghiên cứu lời Chúa để dạy dỗ trong Hội thánh (1 Timothy 3:2), nhưng không phải chỉ có mục sư mới dạy dỗ được. Không ai biết hết mọi điều, và bất cứ ai cũng có thể học được một điều khôn ngoan nào từ lời Ðức Chúa Trời, và dạy dỗ người khác.
II. Thấy
Ðộng từ thứ hai chúng ta phải để ý trong đoạn Kinh thánh này là “thấy,” như Ma-thi-ơ ghi, “36Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.” Trước khi và trong khi Chúa Giê-xu dạy dỗ, giảng Tin Lành và chữa bịnh, Ngài thấy. Có một sự khác nhau rất lớn giữa “nhìn” và “thấy.” Thấy là nhìn với một con mắt phân tích, khám phá, để ý đến từng chi tiết. Chúng ta có thể nhìn một người mà không thấy gì trong người đó. Trong trường hợp Chúa Giê-xu, đi đâu Ngài cũng thấy có đám đông đi theo. Ðám đông nào cũng ồn ào, chen lấn, và làm chúng ta thấm mệt. Nếu như chúng ta, chắc Chúa đã chán ngán đám đông, và xem đám đông nào cũng như nhau. Nhưng không, khi nhìn đám đông, Ngài thấy từng người. Ðây không phải là “bọn chúng,” nhưng trong đó có người cai nhà hội có con sắp chết, có người đàn bà bị mất huyết đã mười hai năm. Ngài thấy từng linh hồn một, và từng trường hợp một.
Việc chúng ta để ý đến ai hay vật gì nói lên rất nhiều về chính chúng ta. Người bán giày chỉ nhìn đến đôi giày. Chúng ta thường để bề ngoài và thành kiến quyết định người nào mình muốn thấy. Chúng ta thường thích giao thiệp với những người có đồng màu da, tiếng nói. Trong đám đông, tôi rất thính tai nhận ra một người nói tiếng Việt từ xa. Nhìn đám đông theo Chúa, Người Pha-ri-si chỉ thấy những người kém đạo đức hơn mình, người trong đó chỉ thấy người khác đang chen lấn với mình, các sứ đồ chỉ thấy thêm việc làm cho mình, nhưng Chúa Giê-xu thấy như cách Ðức Chúa Trời thấy, được diễn tả trong sách 1 Sa-mu-ên 16:7: “Ðức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Ðức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng.” Trong đám đông có người tươi cười, nhưng Chúa Giê-xu biết trong lòng đang bối rối; có người bình thản, nhưng đang mang nặng một cơn bịnh nguy nan. Quan trọng hơn hết, Chúa thấy từng linh hồn cần được cứu rỗi, vì đó là lý do mà Con Trời đã đến thế gian.
Thấy đám đông, Chúa Giê-xu dùng một ví sánh mà mọi người đương thời đều hiểu được: Họ như những con chiên. Chiên là con vật đơn sơ, yếu đuối, dễ làm mồi cho thú dữ, dễ mang bịnh, và dễ rớt xuống hố. Thiếu người chăn, chiên không biết đi đâu hay làm gì. Nó có thể chết khát bên cạnh dòng nước vì không biết tìm đến đó uống. Nó có thể chết đuối dưới cơn mưa rào vì không biết tìm đến một nơi cao hơn.
Như những con chiên, đám đông cần một người chăn hiền lành, để đưa họ đến dòng nước bình tịnh như trong Thi Thiên 23. Người đó chính là Chúa Giê-xu. Nhưng lúc đó họ chưa biết Ngài, và vì thế vẫn còn là những con “chiên không có kẻ chăn,” như Cựu Ước vẫn thường ví sánh (Dân-Số Ký 27:17; I Các Vua 22:17; II Sử Ký 18:16; Ê-xê-chi-ên 34:5; Xa-cha-ri 10: 2). Nhìn đám đông, Chúa Giê-xu thấy họ thiếu sự lãnh đạo thuộc linh đúng đắn, và vì thế “cùng khốn, và tan lạc.” Theo nguyên văn, có lẽ những chữ này phải được dịch là “bị bóc lột và ngã gục.” Họ tin tưởng vào những nhà lãnh đạo lúc đó, nhưng những nghi lễ tôn giáo bên ngoài, những luật lệ nặng nề và giáo lý sai lầm của người Pha-ri-si đang bóc lột họ, dẫn đưa họ vào con đường cùng, khiến họ phải ngã gục về phương diện thuộc linh.
Bao nhiêu tỷ người trong đám đông ngày hôm nay cũng không khác gì đám đông ngày xưa. Thiếu Chúa Giê-xu, họ bị các chính trị gia lợi dụng bóc lột thẳng tay. Hàng ngày, họ bị những sự tuyên truyền nhảm nhí từ Hollywood, từ TV, hay từ internet dẫn đưa họ đến hố sâu tội lỗi. Ðôi khi, chính những người mệnh danh là lãnh đạo tinh thần lại dạy họ tà đạo, hay lợi dụng chức vụ để làm những hành động ghê tởm đối với chiên của mình. Chúng ta phải đau buồn khi nhìn thấy xung quanh có bao nhiêu con chiên đang bị bóc lột và ngã gục, cũng như Chúa Giê-xu ngày xưa đã “động lòng thương xót.”
Thương xót (compassion) khác với thương hại (pity). Ai cũng có thể thấy thương hại trong trí óc cho người khốn cùng, nhưng ít người thấy thương xót trong lòng để đồng cảm với họ, và làm một điều gì cho họ. Chúa Giê-xu thấy một người cùi và cảm nhận được sự ruồng rẫy, cô đơn ông gánh chịu. Ngài nhìn người cai nhà hội và cảm nhận được niềm đau của người cha sắp mất con. Vì thế Ngài sẵn sàng xoa dịu cơn đau trong họ.
III. Cầu nguyện
Ðộng từ thứ ba chúng ta phải để ý trong đoạn Kinh thánh này là “cầu xin,” như Ma-thi-ơ ghi, “37Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. 38Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.”
Thấy đám đông bị bóc lột và ngã gục, Chúa Giê-xu động lòng thương xót và than, “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít.” Ở đây Ngài muốn nói rằng linh hồn những người trong đám đông đã “chín muồi,” và chờ được gặt về nhà Ðức Chúa Trời. Lời nhận xét này vẫn còn đúng trong ngày hôm nay. Tại nước Mỹ, có rất nhiều người tự nhận là tín đồ nhưng hoặc chỉ đến nhà thờ vài lần mỗi năm, hoặc nghi ngờ không biết có Thượng Ðế hay không. Có nhiều người sinh trưởng trong gia đình tin Chúa nhưng không bao giờ trở lại nhà thờ. Nếu nghe theo lời Sa-tan, chúng ta sẽ kết luận rằng ngày nay không ai còn muốn nghe Tin Lành nữa. Cánh đồng đã quá mùa, hay chưa đến mùa! Nhưng nếu nghĩ như thế, chúng ta hàm ý rằng Ðức Chúa Trời đã thất bại, vì Ngài nói là Ngài đến để tìm và cứu kẻ có tội, và gởi Ðức Thánh Linh đến để cáo trách con người. Ngược lại, nếu nhìn đám đông như Chúa Giê-xu đã nhìn, chúng ta sẽ thấy rằng đây chỉ là những điều bên ngoài. Bên trong, có biết bao người không tìm được sự bình an và ý nghĩa cuộc đời, và luôn ước ao có được những điều cao hơn vật chất. Họ sẵn sàng đến nhà thờ để tìm hiểu thêm về Tin Lành, nếu có người mời. Chúng ta chỉ cần nhìn quanh, trong gia đình, hàng xóm và nơi làm việc, để thấy có biết bao cánh đồng thuộc linh đang chín vàng.
Như Việt Nam, Cuba là một nước Cộng Sản. Dân chúng bị dạy dỗ từ nhỏ về chủ nghĩa duy vật, bị nhồi sọ rằng tôn giáo chỉ là nha phiến nhằm ru ngủ đám đông. Thế nhưng khi Ðức Giáo Hoàng John Paul II đến thăm Cuba năm 1998, có hàng ngàn ngàn người đổ dồn đến để nghe, hay tìm hiểu. Sau đó không những các nhà thờ Công Giáo có thêm rất nhiều người, rất đông người cũng tìm đến các nhà thờ Tin Lành. Người Cuba đang khao khát sự cứu rỗi thuộc linh, cũng như người ở Việt Nam, Trung Hoa hay mọi nơi trên thế giới.
Trong cuốn sách mang tựa đề “When Jesus Confronts the World,” tác giả D. A. Carson kể rằng có lúc ông và một người bạn đi về một vùng biển để tìm sự yên tĩnh sau một thời gian làm việc nhọc nhằn. Ðến đó, ông thấy thất vọng và tức giận vì ở đó đã có một đám sinh viên đang tiệc tùng, ca hát thật ồn ào. Quay mặt đến người bạn định trút cơn giận, ông ngạc nhiên thấy bạn mình nói nhỏ nhẹ, “Ðám đông thanh niên – Ðây đúng là một cánh đồng đã chín vàng!”
Ðúng hơn, Chúa Giê-xu không than vãn vì cánh đồng đã chín vàng, nhưng vì “con gặt thì ít.” Trong lúc vui mừng thấy nhiều người sẵn sàng tin Chúa, chúng ta phải đau lòng khi thấy không có đủ người đi ra “giảng Tin Lành nước Ðức Chúa Trời” cho họ. Thông thường Ðức Chúa Trời không trực tiếp thực thi ý Ngài, nhưng dùng người tín đồ. Ngài không hiện ra trên trời để cho mọi người biết Tin Lành, nhưng dùng chúng ta để gặt lúa trong cánh đồng thuộc linh. Khi mang thân xác con người, Chúa Giê-xu không thể nào gặt hết mọi cánh đồng trong mọi thế hệ. Mười hai sứ đồ của Ngài cũng không làm nổi. Ngài cần tất cả chúng ta, là những người đã tin vào Ngài. Cũng như gặt lúa ngoài đồng ruộng, gặt lúa thuộc linh đòi hỏi công sức và sự cố gắng. Ít nhất người gặt phải đi ra cánh đồng, vì lúa tự nó không bò về vựa. Người gặt cũng phải xăn tay áo, đổ mồ hôi, và lội bùn lầy. Buồn thay, ít người chúng ta chịu làm điều này. Có người không muốn nghe Ðai Mạng Lịnh của Chúa; có người tìm sự thỏa mãn trong những hoạt động trong nhà thờ; có người cho rằng đây là công việc của mục sư; có người chần chờ.
Chữ “mùa” trong “mùa gặt” nói lên sư cấp bách trong việc ra đi. Chần chờ là trễ. Có người đang đi qua một biến cố nào đó trong đời sống và sẵn sàng đến với Chúa lúc này. Nhưng nếu không có người gặt, có thể người đó sẽ không bao giờ được cứu. Sau khi Chúa Giê-xu nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri, Giăng ghi trong câu 4:35: “Các ngươi há chẳng nói rằng còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao? Song ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt.” Chúa dạy chúng ta đừng lấy cớ rằng người ta chưa sẵn sàng nghe Tin Lành, như nói “còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt.” Chỉ khi nhìn qua lăng kính của Ðức Chúa Trời chúng ta mới thấy cánh đồng đang chín vàng, và đang cần con gặt một cách khẩn cấp.
Câu hỏi chúng ta cần phải hỏi ở đây là, “Nếu Chúa Giê-xu thấy con gặt thật thiếu, tại sao Ngài không trực tiếp sai chúng ta đi ra, nhưng lại dạy, ‘38Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình’?” Câu trả lời là, thứ nhất, khi cầu nguyện như lời Chúa dạy, chúng ta mới nhớ rằng chính Ðức Chúa Trời là “Chủ mùa gặt.” Cánh đồng thuộc về Ngài, và con gặt phải được Ngài sai đi. Ngài quan tâm đến nó nhiều hơn chúng ta. Ngài biết tất cả mọi người, và cách nào để gặt hái một cách có hiệu năng nhất. Những gì xem ra khó đối với chúng ta không khó đối với Ngài. Chúng ta không thể làm người khác tin Chúa, nhưng có thể cầu nguyện xin Ngài làm điều này.
Thứ hai, chính sự cầu nguyện là cách hay nhất để thúc giục chúng ta ra đi. Khi cầu nguyện, chúng ta mở lòng để đón nhận sự trả lời của Chúa, và nghe ý Ngài. Người tín đồ thật sự cầu nguyện như lời Chúa dạy sẽ không thể nào không nghe tiếng Ngài gọi, và sẽ trả lời, “Có con đây. Xin Chúa sai con.” Khi chúng ta cầu nguyện để Chúa đổi lòng người chưa biết Ngài, Chúa sẽ đổi lòng chúng ta trước, để chúng ta đi ra dạy dỗ và giảng Tin Lành nước Ðức Chúa Trời. Có người tên A. J. Gordon nói rằng, “Từ lâu tôi không còn cầu nguyện, ‘Xin Chúa thương xót thế gian hư mất.’ Tôi vẫn còn nhớ lời Chúa khiển trách, ‘Ta luôn thương xót thế gian hư mất. Bây giờ đến phần con có sự thương xót đó.’” Có người cầu nguyện rằng, “Xin Chúa đụng lòng ông A để ông tin Chúa.” Sau đó ông nghẹn lời. Khi người ta hỏi tại sao, ông trả lời, “Tôi nghe Chúa nói, ‘Ngươi là ngón tay của Ta.’”
Văn hào Mark Twain thích đi câu cá, nhưng không muốn câu được cá. Ông chỉ muốn được an nhàn trong lúc ngồi câu, nhưng không biết phải làm gì với những con cá câu được. Nhưng nếu ông ngồi không trên bờ sông, người ta sẽ cho ông là lười biếng và hay đến quấy rầy ông. Vì thế ông có một giải pháp rất hay: Ông đem theo cần câu ra sông, thả dây xuống nước, nhưng dây không có mồi. Như thế cả cá lẫn người đều không làm phiền ông. Câu hỏi cho chúng ta ngày hôm nay là trên dòng sông thuộc linh, chúng ta có giống ông hay không, hay sẵn sàng cầu nguyện để biết động lòng thương xót khi thấy nhiều người thân đang như những con chiên không có kẻ chăn, bị bóc lột và ngã gục, và sẵn sàng ra đi để dạy dỗ, giảng Tin Lành nước Ðức Chúa Trời, cũng như giúp đỡ những người đang thiếu thốn.
Ra đi làm con gặt cho Chúa đòi hỏi nhiều sự hy sinh vì phải đối diện với bao nhiêu khó khăn, chống đối. Nhưng xin chúng ta nhớ rằng người ra đi không những chỉ gặt hái được cho Chúa, nhưng cũng gặt hái được nhiều sự vui mừng thỏa nguyện cho chính mình. Thi Thiên 126:5-6 viết, “Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, Sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, Ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình.”
Mục Sư Ðỗ Lê Minh