“Khi sự rối loạn yên rồi, Phao-lô vời các môn đệ đến, khuyên bảo xong, thì từ giã mà đi đến xứ Ma-xê-đoan”
(câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Hoạch định của Sứ đồ Phao-lô đã có những thay đổi nào, vì sao (Công-vụ Các Sứ-đồ 19:21; 20:3)? Có nhiều anh em từ các thành cùng tháp tùng với Sứ đồ Phao-lô trở về Giê-ru-sa-lem để làm gì (xem thêm I Cô-rinh-tô 16:1-4)? Bạn học được gì từ tâm tình của người truyền đạo qua bài học hôm nay?
Mặc dù việc chứng đạo tại Ê-phê-sô rất kết quả (Công-vụ Các Sứ-đồ 19:10, 20), nhưng Sứ đồ Phao-lô có chương trình đi đến xứ Ma-xê-đoan, xứ A-chai (Cô-rinh-tô) để quyên góp những món quà yêu thương cứu trợ cho các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem đang có nạn đói. Hoạch định của ông bị hoãn lại vì ông Đê-mê-triu kích động dân chúng nổi loạn (19:21-41). Đợi cuộc rối loạn lắng dịu, Sứ đồ Phao-lô mời các môn đệ đến để khích lệ họ rồi từ giã để thực hiện hoạch định của mình. Ông đi khắp các miền thuộc Ma-xê-đoan, đến Hy Lạp và ở lại đó ba tháng để khuyên nhủ, khích lệ các tín hữu. Nhưng những người Do Thái vẫn tiếp tục lập mưu hãm hại, nên ông quyết định quay lại Ma-xê-đoan, đi đường bộ về Giê-ru-sa-lem thay vì đi đường biển (câu 3).
Thật khôn ngoan khi Sứ đồ Phao-lô đề nghị các đại diện từ các Hội Thánh ở Ma-xê-đoan cùng đi với ông về Giê-ru-sa-lem (câu 4). Những người này giúp bảo vệ số tiền của các Hội Thánh quyên góp cho tín hữu ở
Giê-ru-sa-lem cũng như sự an toàn trên đường đi. Họ cũng sẽ là chứng nhân cho sự chân thật của Sứ đồ
Phao-lô về việc công khai tài chính. Việc này còn giúp nối kết các lãnh đạo của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem và lãnh đạo các Hội Thánh ở Ma-xê-đoan; truyền khải tượng cho các Hội Thánh ở Ma-xê-đoan mở rộng vòng tay yêu thương khi nhìn thấy thực trạng của những anh chị em cần giúp đỡ. Và cuối cùng, các tín hữu ở
Giê-ru-sa-lem được khích lệ khi thấy những anh em tín hữu Dân Ngoại đã dành thời gian, lặn lội đường xa đến thăm và trao quà yêu thương cho họ.
Mỗi tín hữu của Chúa Giê-xu là một nhà truyền đạo trong phạm vi Chúa đặt để mình. Công việc của người truyền đạo không chỉ truyền rao ơn cứu chuộc của Chúa Giê-xu mà còn phải có lời an ủi, động viên, và cùng chia sẻ gánh nặng với anh chị em trong lúc khó khăn. Người truyền đạo làm chứng về Chúa chẳng những bằng lời nói yêu thương nhưng còn bằng hành động yêu thương. Người truyền đạo cần có sự khôn ngoan của Chúa để nhìn thấy khải tượng, truyền khải tượng, và giúp người khác cùng thực thi khải tượng. Ngoài ra, người truyền đạo còn phải sống trung thực, công khai tài chánh cách minh bạch để tránh gây cớ vấp phạm cho mình và cho anh chị em mình.
Bạn được nhắc nhở gì khi học bài học này?
Lạy Chúa, xin cho con tấm lòng và bàn tay của Ngài để con nhìn thấy anh chị em con trong ánh mắt của Chúa. Xin giúp con biết an ủi, khích lệ người đang ngã lòng và giúp đỡ người có nhu cầu bằng tình yêu của Ngài.
(c) 2024 svtk.net