“Vậy, ai nấy hãy coi chúng tôi như đầy tớ của Đấng Christ, và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô yêu cầu mọi người coi ông và các sứ đồ như thế nào? Đầy tớ và người quản trị có nhiệm vụ gì trước Chúa? Chúa đòi hỏi nơi họ điều gì? Bạn cần nhận thức điều gì để Hội Thánh Chúa không bị chia rẽ?
Sau khi phân tích tinh thần bè đảng của các tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô trong chương 3, Sứ đồ Phao-lô nói với họ rằng mọi người hãy coi ông, Sứ đồ Phi-e-rơ và ông
A-bô-lô “như đầy tớ của Đấng Christ, và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.” Ông muốn nhấn mạnh với các tín hữu rằng đừng ai tôn các sứ đồ lên làm lãnh tụ của nhóm này, nhóm nọ, vì tất cả chỉ là những nô lệ của Đấng Christ; và là người quản trị những huyền nhiệm của Đức Chúa Trời mà thôi.
Đầy tớ hay nô lệ là người chỉ biết thi hành theo mệnh lệnh của Chủ là Đấng Christ mà không được quyền đòi hỏi bất kỳ đặc quyền đặc lợi nào. Người quản trị hay quản gia của Chúa là người được giao trọng trách quản lý và làm lợi ra cho Chủ. Quản gia được trọn quyền thực hiện công việc quản trị nhưng phải chịu trách nhiệm khai trình với Chủ về mọi việc làm của mình và kết quả công việc. Những sự mầu nhiệm của Chúa là những huyền nhiệm từng giấu kín (I Cô-rinh-tô 2:7), nay được trao cho các sứ đồ quản trị để rao truyền cho Hội Thánh. Vì vậy, điều Chúa đòi hỏi nơi người quản gia là phải trung thành, có nghĩa là trung tín, đáng tin cậy, trước sau như một, giữ trọn niềm tin, giữ trọn những điều đã cam kết…Chính lòng trung thành là thước đo kết quả công việc của những quản gia của Chúa.
Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở con dân Chúa tại Cô-rinh-tô để họ hiểu rằng ông và các sứ đồ được sai đến để rao ra huyền nhiệm của Chúa mà gây dựng Hội Thánh chung của Ngài chứ không phải để chỉ gây dựng riêng cho một nhóm người nào. Mỗi con cái Chúa, đầy tớ Chúa, đều là đầy tớ của Đấng Christ. Mỗi chúng ta được Chúa giao một trách nhiệm khác nhau, người thì lãnh đạo, người thì dạy dỗ, người thì phục vụ… nhưng tất cả đều là nô lệ của Chúa, tất cả đều phải hướng về một mục đích chung là gây dựng và phát triển Hội Thánh Chúa một cách trung thành. Khi mỗi người đều nhận thức mình là đầy tớ của Đấng Christ giống nhau và cư xử với nhau trong tinh thần đầy tớ thì Hội Thánh Chúa sẽ không có sự chia rẽ, bè phái, phe đảng.
Bạn có biết mình là đầy tớ của Đấng Christ không? Trung thành có phải là điều bạn luôn đeo đuổi trong khi thực hiện công tác quản gia cho Chúa không?
Lạy Chúa, là Chủ của con! Tạ ơn Chúa đã thương xót cho con được làm đầy tớ và quản gia của Ngài. Xin giúp con luôn trung thành với Ngài để “quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời” cách kết quả, vui lòng Ngài.
(c) 2024 svtk.net