“Cả dân sự đều đi, mỗi người trở về nhà mình; còn Đa-vít trở về đặng chúc phước cho nhà người” (câu 43).
Câu hỏi suy ngẫm: Sau khi đã thực hiện xong việc khiêng Hòm Giao Ước của Chúa về Giê-ru-sa-lem thì dân Chúa đi đâu? Vua Đa-vít đi đâu, để làm gì? Bạn thấy mình đang “chúc phước” cho những người thân bằng những hình thức nào?
Sau khi đã chuẩn bị mọi việc thật chu đáo cho sự thờ phượng Chúa ở trước Hòm Giao Ước tại Giê-ru-sa-lem và đền tạm ở Ga-ba-ôn, Vua Đa-vít trở về để “chúc phước cho nhà người.” Trong thời Cựu Ước, người cha trong gia đình có thể chúc phước cho gia đình mình bằng cách cầu nguyện xin Chúa ban phước cho các thành viên trong gia đình. Lời chúc phước đó có thể mang tính chất tiên tri, như trường hợp các tổ phụ của người Ít-ra-ên ngày xưa đã chúc phước cho con cháu mình (Sáng Thế Ký 49:1-28). Người ta cũng có thể chúc phước cho nhau bằng những lời chúc nói lên ước muốn hoặc hy vọng Chúa sẽ ban cho người được chúc phước những điều tốt đẹp, như bà Rê-bê-ca được họ hàng chúc phước trở nên mẹ của ức triệu người và dòng dõi của bà chiến thắng được những quân địch (Sáng Thế Ký 24:60). Chúc phước cũng có thể kèm theo một tặng vật hay một đặc ân nào đó, như Vua Đa-vít cũng đã chúc phước cho dân Chúa và sau đó ban cho mỗi người một ổ bánh, một miếng thịt, và một bánh nho khô (I Sử-ký 16:2-3).
Trong Kinh Thánh, chúng ta cũng thấy khi Đức Chúa Trời ban phước cho dân Ngài thì đó là lúc Ngài ban cho họ những ơn phước thuộc linh hoặc thuộc thể. Chẳng hạn như Ngài đã ban phước cho ông Áp-ra-ham được thịnh vượng về của cải vật chất (Sáng Thế Ký 24:35); Ngài cũng “ban phước bình an” cho dân Ngài (Thi-thiên 29:11b).
Sau khi lo cho công việc Chúa và chúc phước cho dân Chúa (I Sử-ký 16:2-3), Vua Đa-vít trở về nhà để “chúc phước” cho gia đình mình. Gia đình phải là nơi được sự chúc phước của chúng ta bằng những lời cầu nguyện, sự chăm sóc thuộc linh cũng như thuộc thể. Gia đình của chúng ta xứng đáng được sự chúc phước của mình sau một ngày ra đi làm việc mệt nhọc bên ngoài xã hội hoặc lo công việc Chúa. Tuy nhiên, có khi do những mệt mỏi và căng thẳng trong công việc, chúng ta về nhà nhưng thay vì nói ra những lời chúc phước ngọt ngào, gây dựng, thì lại có thể buông ra những lời “rủa sả” đầy cay đắng. Chúng ta cũng có thể giống như người Pha-ri-si ngày xưa viện cớ đã dâng hết cho Chúa rồi để từ chối lo cho cha mẹ mình, vì thế Chúa Giê-xu đã gọi họ là giả hình (Ma-thi-ơ 15:1-9). Những người thân yêu, những người quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta xứng đáng được sự “chúc phước” của mình bằng cả tâm tình dành cho họ một cách đầy yêu thương và hết lòng.
Mỗi ngày bạn về nhà để “chúc phước” cho gia đình mình hay để “chúc dữ” cho họ?
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con học được gương của Vua Đa-vít. Xin cho con biết quan tâm chăm sóc người thân của con cả về thuộc linh lẫn thuộc thể vì Ngài cũng đã “chúc phước” cho con như vậy.
(c) 2024 svtk.net