Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Gương Soi

Châm-ngôn 24:10

“Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn nạn, thì sức lực con nhỏ mọn thay” (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Cụm từ “ngày hoạn nạn” có nghĩa gì? Mục đích Chúa cho phép những khó khăn, cám dỗ đến với chúng ta là gì? Câu Châm-ngôn này khích lệ bạn điều gì?

“Ngày hoạn nạn” xuất phát từ một gốc từ mô tả những gì bị thu hẹp hoặc hạn chế, như một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội (Thi Thiên 25:17), người phụ nữ lâm bồn (Giê-rê-mi 4:31), cảm giác kinh hoàng khi đối mặt với quân thù (Giê-rê-mi 6:24) v.v… Như vậy, cụm từ “ngày hoạn nạn” không chỉ là ngày bất như ý mà còn là những ngày của bóng tối, kỷ luật, và khó khăn. Và “ngày hoạn nạn” cũng có giá trị vì ít nhất cho chúng ta nhận biết “sức lực” của mình có mạnh như vẫn tưởng hay không. Giống như những bài thi trắc nghiệm, Đức Chúa Trời cũng cho phép những thử thách khó khăn xảy đến như gương soi để chúng ta nhận biết mức độ trưởng thành thuộc linh của mình.

Trong Lu-ca 22:31-32, Chúa Giê-xu báo trước cho Sứ đồ Phi-e-rơ hai điều, Sa-tan sẽ tấn công ông và ông chắc chắn sẽ thất bại! Nhưng Chúa không ngăn chặn âm mưu của Sa-tan vì Ngài muốn ông Phi-e-rơ nhận biết tình trạng của mình, từ bỏ ảo tưởng về sức mạnh của ông và lòng tin cậy vào chính ông (Lu-ca 22:33-34), đồng thời qua thất bại này ông Phi-e-rơ sẽ trưởng thành và hữu ích hơn. Vì sao Chúa biết ông Phi-e-rơ không bị hư mất như ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt? Vì Chúa Giê-xu vẫn đồng hành và nâng đỡ ông Phi-e-rơ ngay trong khi ông thất bại, và vì ông Phi-e-rơ là “con của Chúa” bị thất bại khi ma quỷ tấn công và cám dỗ, còn ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là “con của sự hư mất” (Giăng 17:12) tự nộp mình cho ma quỷ. Ông Phi-e-rơ đã rất đau buồn khi thất bại, nhưng Chúa Giê-xu đã gặp ông tại bờ biển Ga-li-lê để đỡ ông dậy, giao phó trọng trách cho ông (Giăng 21).

Những thử thách hay cám dỗ Chúa cho phép xảy đến với chúng ta để chúng ta trưởng thành hơn chứ không phải để chà nát hay hủy diệt chúng ta. Tại đây chúng ta nhận ra hai bài học. Thứ nhất, đối với chính mình, đừng tiếp tục sống với những mặc cảm vì đã thất bại, đừng vội vàng rút lui khỏi sự kêu gọi của Chúa cho mình. Vì sao nhiều tín hữu rơi vào tâm lý tiêu cực khi ngã lòng? Có thể là vì sĩ diện, vì xem trọng cái tôi của mình quá! Thứ hai, đối với những anh chị em phạm tội, đừng thành kiến, nhưng hãy mở cho họ một con đường quay về và xin Chúa dùng mình để giúp anh chị em mình khôi phục lại (Châm-ngôn 10:12; Ga-la-ti 6:1-2; Gia-cơ 5:19-20).

Và chúng ta cũng rất được khích lệ khi biết rằng Sứ đồ Phi-e-rơ, một người từng ngã lòng, đã được Chúa Giê-xu dùng để khôi phục đức tin và đời sống của một người ngã lòng khác - đó chính là ông Giăng Mác. Ha-lê-lu-gia! Cảm tạ Chúa!

Bạn có thường bị ngã lòng khi gặp hoạn nạn không?

Tạ ơn Chúa vì sự nhân từ của Ngài đối với con ngay cả trong sự ngu dại của con khi con kiêu ngạo và nghĩ rằng con đủ mạnh để đương đầu với những khủng hoảng trong đời sống. Xin giúp con luôn trông cậy Ngài và dùng con để nâng đỡ những người ngã lòng.

(c) 2024 svtk.net