“Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người” (Rô-ma 12:17).
Câu hỏi suy ngẫm: Quy luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” có gì bất công chăng? Một người công chính trong thế gian có xem điều đó là bất thường không? Tại sao? Chúa bảo môn đệ Ngài phải nên toàn thiện, có phải là đòi hỏi quá đáng không? Tại sao?
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay nằm trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa mà tác giả Phúc Âm Ma-thi-ơ đã ghi lại trong ba chương 5, 6, và 7. Ma-thi-ơ 7:12, câu tóm tắt bài giảng này được gọi là Quy Luật Vàng (Golden Rule). Cả bài giảng là kim chỉ nam cho các nhà cải cách bất bạo động, bất đề kháng như Gandhi và Martin Luther King.
Trong cách đối xử thông thường, thì “cục đá ném đi, hòn chì ném lại” là lẽ công bằng. Nhưng trong nhân gian cũng có khi có người “nhẫn nhịn” nghĩa là chịu đựng thiệt thòi, không đáp trả. Thường thì đây là thái độ của những người yếu kém, lép vế, không thể làm gì hơn, đành ráng chịu. Thỉnh thoảng cũng có người nhịn nhục vì đại lượng, không thèm chấp người khiêu khích mình. Còn trong Bài Giảng Trên Núi, quy tắc ứng xử của con cái Đức Chúa Trời không phải chỉ là nhịn chịu, mà là đáp trả bằng một hành động yêu thương, nhân đức.
Nguyên tắc “Mắt đền mắt, răng đền răng” (câu 38) của Cựu Ước vốn được lập ra để hạn chế mức độ báo thù của luật pháp, nhưng thay vào đó, Chúa Giê-xu kêu gọi một tinh thần hòa bình, không ích kỷ, không những không báo thù mà còn không chống trả. Đó là thái độ không xem quyền lợi của mình là quan trọng bằng ích lợi của người khác. “Ghét kẻ thù” (câu 43b) không phải là một câu trích dẫn từ luật pháp Cựu Ước nhưng suy diễn từ quy định không cho người Am-môn hay Mô-áp được tham dự vào cộng đồng dân Chúa, dù cho con cháu đến mười đời sau của họ, vì người Am-môn và người Mô-áp không mang bánh và nước tiếp đón khi người Ít-ra-ên ra khỏi Ai Cập (xem Phục Truyền 23:3-6; Thi-thiên 139:21, 22). Một lần nữa Chúa Giê-xu vượt xa hơn lời dạy của Cựu Ước và đưa ra một quan điểm đạo đức tương phản với đạo đức tự nhiên của con người.
Luật pháp mà Chúa Giê-xu không những đề cao mà Ngài còn thể hiện, làm gương, đó là luật yêu thương. Luật yêu thương của Ngài vượt lên trên sự công bình tự nhiên, thường tình của con người. Đó là đạo đức mà Chúa đòi hỏi nơi con dân Ngài. Chúng ta xưng mình là con cái Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta có giống Ngài không? Đức Chúa Trời ban mưa nắng cho cả người lương thiện lẫn gian tà, còn chúng ta có yêu thương người thù nghịch và cầu nguyện cho người bức hại mình không? Tự chúng ta, chúng ta không thể làm được, nhưng bởi hồng ân của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có thể làm được điều đó khi đồng đi con đường thập tự giá với Chúa yêu dấu của chúng ta.Tóm lại, Chúa muốn chúng ta càng ngày càng trở nên giống như Ngài: “Thế thì các con phải nên toàn thiện như Cha các con ở trên trời là toàn thiện” (câu 48).
Lạy Chúa, xin Ngài giúp con học theo gương yêu thương của Chúa để con lấy ân trả oán, lấy lời thành thật đáp lời gian dối, để con càng ngày càng trở nên trọn vẹn như Ngài là trọn vẹn
(c) 2024 svtk.net