Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Phước Của Cuộc Đời Có Chúa Cai Quản (II)

Ma-thi-ơ 5:5

"Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất"

Câu hỏi suy ngẫm: Nhu mì phát xuất từ ý thức nào về chính mình? Đức tính nhu mì tương phản hoặc bao gồm những đức tính nào của con người? Làm sao chúng ta có thể tập tành đức tính nhu mì?

Hôm nay chúng ta xem điểm thứ ba liên quan đến phước lành này. Người Y Lạp bao giờ cũng thấy có sự tương phản giữa đức tin praotes (nhu mì) với đức tính hupselokardia (lòng hiếu kỳ). Trong praotes có sự khiêm nhường thật, loại bỏ tất cả kiêu ngạo.

Không khiêm nhường thì không ai có thể học hỏi được, vì bước đầu của sự học hỏi là nhận biết mình ngu dốt. Không ai có thể dạy người đã biết điều họ học rồi. Không có sự khiêm nhường thì không thể có yêu thương, vì khởi đầu của yêu thương chính là ý thức mình không xứng đáng. Không có sự khiêm nhường thì cũng không có tôn giáo thật, vì tất cả tôn giáo thật khởi sự với một nhận thức về sự yếu đuối của chúng ta và một nhu cầu về Đức Chúa Trời. Con người chỉ đạt đến bậc thành nhân thật khi ý thức rằng mình là vật thọ tạo và Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá, và nếu không có Chúa thì con người chẳng làm gì được.

Praotes mô tả sự khiêm nhường, sự thừa nhận mình cần phải học hỏi, và cần được tha tội. Nó mô tả thái độ của con người cần có đối với Đức Chúa Trời. vậy cách thứ ba khả dĩ dịch được phước lành này là:

Phước cho người có lòng khiêm nhường để biết được sự yếu đuối và nghèo ngặt của chính mình.

Chúa Giê-xu nói chính sự nhu mì này sẽ hưởng được đất. Thật vậy, trong lịch sử, những người được phú cho tánh tự chủ, kiềm chế được khát vọng, bản năng trong họ, đều là các bậc vĩ nhân.

Sách Dân-số ký nói về Môi-se, vị lãnh tụ vĩ đại, nhà ban hành luật pháp lớn nhất thế gian rằng: "Môi-se là người rất khiêm hoà hơn mọi người trên thế gian" (Dân-số Ký 12:3). Môi-se không phải là người nhu nhược, một người không xương sống, ông có thể nổi giận phừng phừng, nhưng cơn giận có thể dằn nén xuống và chỉ để bùng nổ đúng lúc. Tác giả Châm Ngôn đã nói: "Người chậm nóng giận thắng hơn người dõng sĩ, và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành" (Dân-số Ký 16:32). Chỉ vì thiếu đức tính đó mà A-lịch-sơ Đại đế thất bại. Trong cơn thịnh nộ không kiềm chế giữa khi đang say, ông đã phóng ngọn giáo giết chết người bạn thân thiết. Không ai có thể lãnh đạo người khác nếu không làm chủ được chính mình. Không ai có thể phục vụ người khác nếu không trị phục được chính mình, không ai có thể kiểm soát người khác nếu không học kiểm soát chính mình. Nhưng người nào giao phó trọn vẹn mình cho Đức Chúa Trời cai quản sẽ có tấm lòng nhu mì khiến người hưởng được đất. Rõ ràng praus có nghĩa rộng hơn chữ nhu mì nhiều và rất khó dịch. Vậy phước lành thứ ba có thể dịch như sau:

"Ô, phước cho người bao giờ cũng giận đúng lúc và không bao giờ giận sai thời điểm, là người kiềm chế được mọi bản năng, mọi xung động và mọi dục vọng, vì chính người đã được Đức Chúa Trời kiểm soát, người có lòng khiêm nhu ý thức được sự ngu dốt và sự yếu đuối của mình. Một người như thế xứng đáng là vua giữa vòng loài người".

Lạy Chúa, con ngu dốt, yếu đuối lại dễ nóng giận không đúng lúc, xin giúp con biết kiềm chế mọi bản năng xung đột, dục vọng và ban cho con tấm lòng khiêm nhu thật.

(c) 2024 svtk.net