Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Phước Cho tâm Linh Đói Khát (II)

Ma-thi-ơ 5:6

"Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ"

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao có người dường như không quan tâm hay đói khát về mặt tâm linh? Khi nào họ mới thấy đói khát? Điều gì cho thấy một người đang đói khát? Phước lành "no đủ" có ý nghĩa gì với người đói khát tâm linh?

Còn một điểm nữa về phước lành này nhưng chỉ thấy rõ trong bản Y Lạp. Trong văn phạm Y Lạp, theo sau động từ "đói", "khát" là thuộc cách (genetive case) nghĩa là 'của" như "của người". Thuộc cách theo sau động từ "đói" và "khát" trong Hi-văn gọi là "thuộc cách một phần", nghĩa là khi người Y Lạp nói: "Tôi đói bánh", tức người chỉ muốn một phần ổ bánh, không phải tất cả ổ bánh, hay "tôi khát nước" người chỉ muốn một ít nước, không phải muốn cả bình nước. Nhưng trong phức lành này, điều kỳ lạ là chữ công chính lại được dùng ở mục đích cách trực tiếp (direct accusative) mà không dùng thuộc cách thường. Khi động từ đói và khát dùng ở mục đích cách thay vì thuộc cách, nó có nghĩa là đói, khát tất cả (bình nước hay ổ bánh). Bảo rằng tôi đói bánh (trong nghĩa mục đích cách), nghĩa là tôi muốn cả ổ bánh và tôi khát nước là tôi muốn cả bình nước. Vậy cách dịch phước lành này cho đúng là: Phước thay cho người đói khát toàn bộ công nghĩa, công nghĩa hoàn toàn, công nghĩa trọn vẹn.

Đó là việc người ta ít khi làm. Họ bằng lòng với một phần sự công nghĩa. Ví dụ: một người có thể coi là tốt, theo ý nghĩa dù cho cố gắng đến đâu cũng không ai tìm được nơi người ấy một tội luân lý nào. Lòng thật thà, phẩm hạnh của người, tư cách đáng tôn kính của người thật không chê trách được, nhưng không ai có thể đến cùng người đó, tựa vào ngực người mà khóc, mong được cảm thông vì một câu chuyện thất bại, đáng tiếc. Sự nhân lành có thể kèm theo lòng sắt đá với sự phê phán nghiêm khắc và thiếu thiện cảm. Đó là sự nhân lành từng phần. Mặt khác một người có thể phạm tất cả lỗi lầm, uống rượu, chửi thề, đánh bạc, nóng giận… tuy nhiên nếu có ai trong cảnh túng thiếu, người sẵn sàng giúp đến đồng xu cuối cùng trong túi và cho chính áo đang mặc nữa, đó cũng là sự nhân lành từng phần. Phước lành này dạy rằng thoả mãn với sự nhân lành từng phần không đủ. Phước cho người đói khát sự công nghĩa toàn bộ và trọn vẹn. Một sự trong sạch lạnh như nước đá hoặc một tấm lòng ấm áp đầy lầm lỗi đều không đủ. Vậy phước lành thứ tư có thể diễn đạt như sau:

"Ô, phước cho người khao khát sự công nghĩa toàn bộ như người đói thèm thức ăn và người sắp chết khát thèm có nước uống, vì người ấy sẽ thật được thoả mãn".

Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì lắm lúc ăn ở trong tình trạng lơ lửng, lưng chừng. Xin giúp con thật sự đói khát về sự thiện, công nghĩa và về chính Ngài.

(c) 2024 svtk.net