Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Phước cho người hoà giải (I)

Ma-thi-ơ 5:9

"Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời."

Câu hỏi suy ngẫm: Làm cho người hoà thuận có nghĩa là gì? Nói lên khía cạnh tích cực nào? Tại sao người giải hoà hay xây dựng hoà bình sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời?

Trước hết chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của một số từ ngữ:

1. Hoà thuận, tiếng Y Lạp là eirènè và tiếng Hê-bơ-rơ là Shalom, và thường được dịch là bình an. Bình an không chỉ có nghĩa tiêu cực là không có vấn đề rối ren, nhưng luôn luôn chỉ bất cứ điều gì đem lợi ích cao nhất cho con người. Ở Đông phương lời chúc Shalom hay Salaam (cùng một chữ) không chỉ có nghĩa chúc cho người kia thoát khỏi mọi sự dữ mà chúc cho người được mọi sự an lành. Trong Kinh Thánh, bình an không chỉ có nghĩa là thoát khỏi mọi điều bối rối, nhưng còn có nghĩa là được hưởng mọi sự lành.

2. Cần chú ý cẩn thận là phước lành này dành cho những người đem lại hoà bình chứ không nhất thiết là cho những kẻ yêu hoà bình. Nhiều người nghĩ họ đang yêu hoà bình, trong lúc thật ra họ đang chồng chất những rắc rối cho tương lai, vì họ đã từ chối đối diện với hoàn cảnh, không chịu hành động theo tình huống đòi hỏi. Hoà bình mà Kinh Thánh gọi là phước không đến từ chỗ tránh né vấn đề, nhưng là đương đầu với nó, giải quyết và chinh phục nó. Phước lành này không đòi hỏi phải thụ động chấp nhận sự việc vì chúng ta sợ rắc rối, nhưng là tích cực đương đầu với sự việc và kiến tạo hoà bình, dù cho con đường đi tới hoà bình là con đường tranh đấu.

3. Những người làm cho người hoà thuận sẽ được gọi là con cái Đức Chúa Trời. Tiếng Y Lạp theo nghĩa đen là: Người làm cho người hoà thuận sẽ được gọi là con trai (huioi) của Đức Chúa Trời. Tiếng Hê-bơ-rơ không giàu tĩnh từ, muốn mô tả điều gì người ta mà dùng 'con của' cặp theo một danh từ trừu tượng, có thể gọi 'con trai của hoà bình' thay cho 'người chuộng hoà bình'. Ba-na-ba được gọi là 'con trai của sự yên ủi' thay vì 'người hay yên ủi'. Phước lành nói rằng: Phước cho người giảng hoà (đem lại hoà bình) vì họ đang làm công việc giống như Đức Chúa Trời. Người kiến tạo hoà bình là người đang dấn thân vào chính công việc mà Đức Chúa Trời bình an đang làm (Rô-ma 15:33; II Cô-rinh-tô 13:11; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23; Hê-bơ-rơ 13:20).

Chúa ơi, Ngài cứu con để con được hưởng phước hạnh đem hoà bình đến cho người khác, xin giúp con làm được công việc Ngài muốn con làm.

(c) 2024 svtk.net