Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Nhà Cầu Nguyện Cho Muôn Dân

Ê-sai 56:1; Ê-sai 56:6-8

"Nhà ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc" (c. #7 b). Câu hỏi suy ngẫm: Dân Y-sơ-ra-ên có quan niệm nào về cộng đồng dân Chúa? Trong phân đoạn này Chúa cho thấy cộng đồng dân Chúa gồm những ai? Khi Chúa nói đến "nhà cầu nguyện cho muôn dân" Ngài muốn nói đến đặc điểm nào của Nước Trời? Tại đây bạn cảm nhận thế nào về ân sủng của Chúa và được thách thức làm gì? Trong phân đoạn này Chúa muốn dân Y-sơ-ra-ên có cái nhìn mới về cộng đồng dân Chúa. Khi phán cho dân lưu đày, Chúa cho họ thấy trong tương lai cộng đồng dân Chúa sẽ không còn giới hạn trong dân tộc Y-sơ-ra-ên nhưng được mở rộng cho dân ngoại theo lời mời gọi của Ngài. Sau cuộc lưu đày, cái nhìn của người Do Thái sẽ thay đổi so với trước đó. Câu #1 cho thấy thành phần con dân Chúa gồm "những kẻ xử sự cách công bình và làm điều công chính." Cộng đồng mới này dĩ nhiên hình thành không phải không có những tiêu chuẩn. Ngài trông mong nơi con dân Ngài một đời sống đạo đức và tôn giáo như được viết trong giao ước. Bất cứ người nào, trong hay ngoài Y-sơ-ra-ên, nếu làm theo giao ước là thuộc về cộng đồng dân Chúa. Câu #3-8 nói đến hai hạng người: người ngoại và người bị hoạn. Người ngoại nghĩ rằng Chúa phân biệt họ với dân Ngài (E-xơ-ra 10:18-44), còn người bị hoạn thì cho rằng mình chỉ là cây khô (câu #3). Theo Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:1, người bị hoạn vì tai nạn hay tật bẩm sinh đều không được vào nhà hội của Chúa. Khác với luật Môi-se, sứ điệp trong phân đoạn này cho thấy rõ lòng rộng lượng và tình yêu phổ quát của Chúa đối với mọi người. Những ai yêu mến và phục vụ Chúa, giữ ngày Sa-bát, giữ giao ước, dâng hiến... đều có thể lên núi thánh (câu #7). Chính Chúa sẽ nhóm hiệp những người bị loại bỏ, hất hủi (câu #8). Những người sống bên lề xã hội, bên lề cuộc sống sẽ được Chúa nhìn nhận và ban cho họ niềm vui hội nhập vào cộng đồng dân Chúa. Chức vụ Chúa Giê-xu được trình bày trong các sách Phúc Âm Cộng Quan (Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca) hướng về những người bị loại bỏ, người sống bên lề xã hội Do Thái, cũng như dân ngoại. Khi dẹp sạch đền thờ, Mác cho thấy Chúa trích dẫn Ê-sai 56:7 "Nhà ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân" (Mác 11:17) để khẳng định tính chất phổ quát của Nước Trời. Người bị hoạn cũng không bị loại bỏ như trường hợp hoạn quan Ê-thi-ô-pi (Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-40), với đức tin đã được nhập vào cộng đồng mới của con dân Chúa. Nhờ tính phổ quát của Nước Trời, tại đây chúng ta cảm nhận được ân sủng dư dật của Chúa. Tại đây chúng ta được thách thức đến với mọi hạng người, loại bỏ tinh thần kỳ thị và sống hài hòa. Và tại dây, chúng ta cũng được nhắc nhở rao truyền Phúc Âm của cho mọi dân tộc. Xin Chúa cho con cảm nhận sâu xa về ân sủng dư dật và phổ quát của Chúa và giúp con thể hiện được ân sủng đó qua đời sống.

(c) 2024 svtk.net