Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Chỉ vì Lòng Ích Kỷ

Lu-ca 15:25-32

"Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo. chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ" (1 Cô-rinh-tô 13:4-5).

Câu hỏi suy ngẫm: Nghe tin em mình trở về, người anh cả tỏ ra phản ứng nào? Vì sao chàng có những phản ứng đó? Thái độ đó khiến chàng phaœi bị những mất mát nào? Xét lại lòng, bạn thấy mình có thái độ đó tiềm ẩn trong lòng không?

Trong câu chuyện người con trai hoang đàng có đề cập đến nhân vật anh cả, về gần đến nhà nghe tiếng đàn hất nhảy múa, liền gọi đầy tớ đến mà hỏi đầu đuôi thể nào. Khi nghe thuật lại em mình trở về, lòng ích kỷ đã tạo ra những phản ứng của người anh, bài học này nhắc chúng ta cần xét lại nhiều điều.

Lòng ích kỷ tiêu diệt niềm hạnh phúc: "Người con cả nổi giận,.." Trong khi người cha nhìn thấy đứa con trai hư hỏng từ phương xa lưu lạc trở về thì vui mừng chạy ra tiếp đón, cả đám gia nhân cũng vui mừng không kém, họ làm tiệc ăn mừng, trổi nhạc vang lừng, nhảy múa reo ca trong niềm hoan hỉ, thì người anh cả lại nổi giận. Cái giận bộc phát trong nháy mắt, trong chốc lát đó phát sinh từ lòng ích kỷ thể hiện qua câu nói so đo: "Cha chẳng bao giờ cho con một con dê để ăn chơi với bạn hữu... cha lại làm thịt bò con mập mừng nó" (câu 30). Lòng ích kỷ khiến chúng ta không muốn cưu mang cho người khác, nhưng nếu có ai chăm sóc họ, thì lửa giận dữ bùng cháy.

Lòng ích kỷ đánh mất mối tương giao: "Người con cả nổi giận, không chịu vào nhà..." Thay vì bước vào nhà hòa chung niềm vui với mọi người, chàng lại ngồi ngoài cửa, lòng giận dữ cay đắng. Trước đó, sau những giờ làm việc ngoài đồng mệt mỏi, chàng trở về nhà với nụ cười thân mật trên môi, nhưng giờ đây, một ngăn trở vô hình khiến chàng không muốn vào ngôi nhà của cha mình nữa; chính lòng ích kỷ làm người con cả quên anh đang cần tắm rửa, nghỉ ngơi, và vào nhà gặp gỡ cha mình. Chưa bao giờ phải có người bước ra mời vào trong nhà cả, vì đó là nhà của anh, nhưng bây giờ, ngay cả cha đi ra năn nỉ mà cũng chẳng muốn vào. Vì ích kỷ nhiều lúc chúng ta không muốn tiếp xúc với mục sư, với tín hữu, với bất cứ một ai nữa trong nhà thờ, thậm chí không còn muốn bước chân vào nhà Chúa nữa.

Lòng ích kỷ sinh ra chứng ganh tị: "thằng con kia của cha" (BDM) là tiếng để gọi đứa em trai đi hoang trở về. Bằng ngôn ngữ cộc cằn, bằng giọng nói cay đắng, người anh dường như muốn phủ nhận mối quan hệ anh em với con người "đã ăn hết gia tài cha với phường đĩ điếm rồi trở về" kia. Chúa Giê-xu gọi người đàn bà ô uế rờ đến trôn áo mình bằng tiếng gọi "con gái ta" (Lu-ca 8:48), gọi kẻ phản bội mình bằng tiếng gọi "bạn ơi!" (Ma-thi-ơ 26:50). Nhiều tín hữu cảm thấy khó chịu khi thấy anh chị em được phước hơn mình, may mắn hơn mình; và cũng có những người trong sự ích kỷ của mình đã gọi những anh em, những bậc thầy, những người lãnh đạo bằng thứ ngôn ngữ hạ cấp không đáng nói.

Lòng ích kỷ làm mù mắt tâm linh: "Hết thảy của cha là của con," người anh cả quên đi điều đó cho dù mình là con trai trưởng, quyền lợi thuộc về mình. Người cha có thể cảm nhận được sự quay về nhà của đứa con hoang đàng là cần thiết cho nó, vì nó từ chỗ "chết mà lại sống," từ chỗ "mất mà lại thấy được." Mang gánh nặng cho con trong lòng, người cha có thể cảm nhận được nỗi vui mừng đó. Cả đến những đầy tớ nhìn tình trạng của người chủ trẻ đáng thương lúc trở về cũng cảm thấy vui mừng. Nhưng lòng ích kỷ làm mù trái tim, người anh không còn cảm nhận sự vui mừng tìm lại được em mình, coi gia tài hơn đứa em lạc mất của mình. Chúa Giê-xu thường chú trọng đến sự tha thứ hơn là định tội (như đối với người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang - Giăng 8:1-11), sự phục hồi hơn là trách móc (như đối với ông Phi-e-rơ - Giăng 21:15-19).

Trong Hội Thánh bạn có những người trước đi trong sai lạc nay muốn tìm đường về không? Bạn có thái độ ra sao trước những người đó? Bạn có cảm thấy vui lây khi anh em mình được chúc phước hơn mình không? Bạn có thấy phước hạnh vì mình đang còn được ở trong nhà Chúa không?

Thưa Chúa Giê-xu, xin cứu con khỏi những ảnh hưởng của tính xác thịt, và hình thành trong con niềm vui nhìn thấy công việc Cha làm.

(c) 2024 svtk.net